I.   Mục đích của hội thảo

 

Là tập hợp trí tuệ các nhà nghiên cứu từ các trung tâm khoa học, các trường đại học, các học giả độc lập, dưới góc độ cá nhân trao đổi học thuật, tiếp cận đa ngành về các khía cạnh lịch sử, luật pháp quốc tế và quan hệ quốc tế liên quan đến tình hình Biển Đông để thống nhất nhận thức, tăng cường hiểu biết, rút ra các nhận định gợi ý cho việc kiến nghị chính sách. Hội thảo bao gồm 3 phiên: 

 

+ Phiên 1: Lịch sử các quá trình tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển tại Biển Đông;

+ Phiên 2: Luật pháp quốc tế và các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông;

+ Phiên 3: Biển Đông và quan hệ quốc tế tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 

II.  Các ý kiến chính tại Hội thảo
 

1.  Lịch sử các tranh chấp:

 

 

Năm 1909 (đến nay là đúng 100 năm) là mốc đánh dấu khởi đầu tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc bằng sự kiện chính quyền Quảng Đông – Trung Quốc cử hạm đội nhỏ đi khảo sát trái phép Hoàng Sa (Tây Sa), cho rằng Tây Sa là vô chủ.

 

 

Nhiều học giả coi đối tượng chính trong tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông của Việt Nam là Trung Quốc. Chiến lược của Trung Quốc là tổng thể, nhất quán nhằm biến Biển Đông thành ao nhà, là không gian sinh tồn. Trung Quốc thi hành chính sách gặm nhấm dần trên thực địa, “tằm ăn rỗi” và giỏi sử dụng “thời và thế”. Năm 1956, Trung Quốc chiếm nửa phía đông quần đảo Hoàng Sa khi Pháp thất thủ tại Việt Nam và năm 1974 chiếm xong toàn bộ Hoàng Sa khi Mỹ tháo chạy và Nam Việt Nam sụp đổ. Năm 1988, quan hệ Xô-Trung cải thiện, Việt Nam đang bị cô lập trên trường quốc tế, Trung Quốc nam tiến và chiếm một số đảo, đá tại Trường Sa của Việt Nam. Năm 1995, sau chiến tranh lạnh, lợi dụng khoảng trống quyền lực tại Đông Nam Á khi Liên Xô sụp đổ và Mỹ hạn chế tham dự tại khu vực và rút khỏi căn cứ Subic tại Philippin, Trung Quốc chiếm dải Vành khăn từ Philippin. Trung Quốc thi hành chính sách “bẻ đũa từng chiếc”, “chia để trị” đối với các nước tranh chấp khác tại Đông Nam Á. Lịch sử Trung Quốc là lịch sử bành trướng đất đai. Bây giờ giải quyết xong trên bộ với Việt Nam thì trọng tâm chính là trên biển. Biên giới biển của Trung Quốc là biên giới linh hoạt, mạnh thì đòi nhiều, yếu thì đòi ít.

 

 

Đài Loan được coi như một phần của Trung Quốc và đứng về phía Trung Quốc trong các tranh chấp tại Biển Đông. Các nước khác trong tranh chấp Trường Sa là Philippin, Malaysia tham gia tranh chấp muộn và chỉ tranh chấp một phần quần đảo. Các nước này lúc cần thiết là thỏa hiệp với Trung Quốc. Thỏa thuận ba bên (tiền thân là hai bên Trung-Phi) về khảo sát địa chấn năm 2005 là ví dụ. Philippin và Malaysia gần đây tăng cường quan tâm đến khu vực Trường Sa do cần đáp ứng về yêu cầu đăng ký yêu sách về thềm lục địa với Ủy ban Ranh giới Thềm lục địa của Liên Hợp Quốc. 

 

 

2. Luật pháp quốc tế

 

 

Đa số học giả cho rằng có những bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ thời chúa Nguyễn. Việt Nam có gần khoảng 30 tư liệu các loại khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Các bản đồ cổ của Trung Quốc do chính người Trung Quốc vẽ từ trước năm 1909 đều chứng minh Tây Sa và Nam Sa không thuộc về Trung Quốc. Đoàn khảo cổ Trung Quốc còn phát hiện ở đảo Phú Lâm (Hoàng Sa) có bằng chứng cho việc xác lập chủ quyền của Việt Nam. Trên tất cả các tài liệu của Trung Quốc, cái tên Tây Sa và Nam Sa chỉ xuất hiện từ năm 1909.  Một số sách báo phương Tây đã xác nhận Việt Nam giữ chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa.

 

 

Đường đứt khúc 9 đoạn chữ U hay còn gọi là “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc công bố trên các bản đồ được các học giả đánh giá là thiếu cơ sở pháp lý và thể hiện rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Tại Trung Quốc (và Đài Loan) cũng có hai luồng ý kiến trái chiều nhau về đường này. Vùng lịch sử thuộc chủ quyền (toàn vẹn hay một phần) của Trung Quốc, hay đường vẽ để chỉ các đảo nằm trong đường này thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đáng chú ý là trong đụng độ Trung Mỹ vừa qua liên quan đến vụ tàu Impeccable là Trung Quốc tuyên bố Mỹ vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc (không phải thềm lục địa hay vùng nước lịch sử). Tuy không công bố công khhai nhưng trên thực tế, Trung Quốc hành xử coi khu vực trong “đường lưỡi bò” có quyền tương đương vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa-đặc quyền khai thác tài nguyên.

 

 

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cần phải xem xét những bằng chứng pháp lý mà Trung Quốc và các nước khác đưa ra hợp lý đến mức độ nào. Trung Quốc làm rất tốt công tác nghiên cứu, quảng bá, chuẩn bị dư luận, đây là “cuộc chiến không cân sức” của Việt Nam. Có học giả băn khoăn Việt Nam không thể đòi hỏi chủ quyền toàn bộ hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việt Nam có chủ quyền có thể chứng minh được tại quần đảo Hoàng Sa  và một số đảo, đá của quần đảo Trường Sa và chủ quyền, quyền chủ quyền tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế mở rộng từ bờ biển. Quy chế của các đảo tại Trường Sa cũng được đề cập đến. Có hai luồng ý kiến: các đảo ở đây chỉ có vùng lãnh hải 12 hải lý; hay các đảo có cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, khi mà trong tương lai chúng có thể đảm bảo được sự sống của con người.

 

 

Các học giả cũng đề cập khả năng đưa vấn đề tranh chấp ra giải quyết thông qua các cơ chế quốc tế như Trọng tài hay Tòa án quốc tế. Nhưng điều này được đánh giá là khó khả thi, vì theo quy định của Tòa án quốc tế thì phải có sự đồng thuận của các bên trong tranh chấp. Trung Quốc nhiều lần công khai không muốn đưa vấn đề ra toà án quốc tế.  Các nước cùng tranh chấp khác cũng khó chấp nhận vì chứng cứ đều không vững chắc.

 

 

Khả năng đưa tranh chấp ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng bất khả thi vì Trung Quốc là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an.

 

 

Tuy nhiên các cơ chế quốc tế còn có chức năng tư vấn, có ý nghĩa chính trị và pháp lý nhất định. 

 

 

3.  Biển Đông và Quan hệ quốc tế ở khu vực Châu Á –Thái Bình Dương

 

 

Đa số học giả cho rằng cần xem xét vấn đề Biển Đông trong tổng thể quan hệ quốc tế khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Đánh giá các nước lớn đứng sau các nước nhỏ. Vai trò của các nước ASEAN, của Mỹ, Nhật, Hàn quốc. Cần xem xét Biển Đông trong chiến lược tổng thể, lâu dài của Trung quốc; xem xét mối liên hệ giữa Biển Đông với vấn đề Đài loan, Bắc Triều Tiên.

 

 

Các học giả tham gia hội thảo đều nhìn nhận tầm quan trọng của Biển Đông trên bản đồ địa chính trị thế giới: Biển Đông chiếm vị trí chiến lược quan trọng, là nơi giao nhau của nhiều tuyến hàng hải bận rộn bậc nhất thế giới, với nguồn tài nguyên sinh vật sống phong phú và có trữ lượng dầu mỏ, khí đốt và nhiều khoáng sản quý hiếm.

 

 

Có ý kiến cho rằng trong chiến lược của Trung Quốc, dầu mỏ và khí đốt chỉ là mục tiêu trước mắt nhưng lâu dài là vấn đề địa chiến lược, địa chính trị của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hoàng Sa và Trường Sa như hai đồn biên phòng trên biển. Trung Quốc chiếm giữ được Hoàng Sa và Trường Sa sẽ khống chế được Biển Đông, khống chế được Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, nắm giữ được yết hầu kinh tế của các quốc gia Đông Á, từ đó đẩy Mỹ ra khỏi khu vực.

 

 

Trong các nước dính líu đến tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông chỉ có Trung Quốc là có đủ khả năng về quân sự để đánh chiếm toàn bộ Biển Đông. Gần đây các học giả và kể cả một số sĩ quan quân đội Trung Quốc đã đề cập nhiều đến khả năng dùng vũ lực hoặc dùng quân sự để gây sức ép với các nước khác nhằm thực hiện các tham vọng đối với Biển Đông.

 

 

Nếu xung đột xảy ra sẽ là tại khu vực Trường Sa chứ không phải tại các khu vực “đường lưỡi bò”, mặc dù đường này xâm phạm chủ quyền của nhiều nước. Mục tiêu trực tiếp sẽ là các vị trí Việt Nam chiếm giữ do tầm quan trọng của chúng và do Philippin là đồng minh của Mỹ, Malaysia, Brunei là bạn bè của Mỹ nên Trung Quốc muốn tranh thủ các nước này, nếu ép sẽ khiến các nước này ngả hẳn theo phía Mỹ. Chiến thuật sẽ là đánh nhanh, thắng nhanh, đặt quốc tế trước sự việc đã rồi.

 

 

Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhận định, dùng vũ lực để độc chiếm Biển Đông sẽ không phải là lựa chọn của Trung Quốc, ít nhất vào thời điểm này, khi thời và thế chưa đạt. Hơn nữa, Trung Quốc đang có nhu cầu ưu tiên cho chiến lược phát triển hòa bình và những ràng buộc pháp lý quốc tế, quan hệ phụ thuộc lẫn nhau trong điều kiện hiện nay sẽ buộc Trung Quốc phải cân nhắc cẩn trọng. Trung Quốc quan tâm đến hình ảnh quốc gia, uy tín quốc tế, muốn đóng vai trò là “cổ đông có trách nhiệm”. Quan hệ Trung-Việt trong khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện. Những tuyên bố cấp cao song phương Việt - Trung đều khẳng định giải quyết bằng phương pháp hòa bình các tranh chấp và tìm giải pháp hợp tác cùng phát triển. Đồng thời chiếm thêm một số đảo nhỏ cũng giúp nhiều trong tương quan chính trị-quân sự, căn cứ tại Hoàng Sa của Trung Quốc cũng đủ để khống chế các nước khác. Từ năm 1995 đến nay, Trung Quốc không chiếm thêm một đảo nào tại Trường Sa. Mặt khác, Mỹ quan tâm và sẽ không để Trung Quốc độc chiếm Biển Đông, đe dọa các lợi ích sát sườn của Mỹ và các đồng minh của Mỹ tại khu vực CA-TBD. Tuy nhiên, khả năng thỏa hiệp Trung-Mỹ tại Biển Đông cũng được một số đại biểu cảnh giác. Trung Quốc có thể sẽ không làm ảnh hưởng đến quyền lợi cơ bản nhất của Mỹ là tự do đi lại.

 

 

Có đại biểu nêu thông tin mới nhất từ giới học giả Trung Quốc là Trung Quốc đang đặt Biển Đông trong tổng thể chiến lược hải dương “một trục hai cánh”. Lấy Biển Đông làm trục, lấy Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương làm hai cánh. Tăng cường tiềm lực hải quân, tàu ngầm, máy bay. Trong một vài năm tới khi Trung Quốc sản xuất được hàng không mẫu hạm thì tương quan từ “đảng chỉ huy súng” sẽ chuyển sang “súng chỉ huy đảng”. Giới quân sự tăng cường ảnh hưởng lên việc hoạch định chính sách. Từ nay đến năm 2012, tranh thủ trước bầu cử mới tại Đài Loan, Trung Quốc sẽ cố gắng thống nhất với Đài Loan về mặt pháp lý. Hướng quan tâm chính sẽ chuyển xuống Biển Đông.

 

 

Khả năng tiến hành thương lượng hoà bình về chủ quyền giữa các nước có tranh chấp được đề cập đến nhưng tính khả thi không được đánh giá cao do không nước nào muốn nhân nhượng về chủ quyền. Hơn nữa, lập trường của các nước về khu vực tranh chấp rất khác nhau. Trung Quốc chỉ muốn bàn về "chủ quyền" và "gác tranh chấp cùng khai thác" ở những khu vực mà mà Trung Quốc chưa củng cố sự chiếm đóng một cách vững chắc. Mặt khác, nếu không xác định rõ chủ quyền thì việc dàn xếp các thoả thuận "gác tranh chấp cùng khai thác" là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với các nước liên quan trong ASEAN như Phillipines, Malaysia nhằm “đối trọng” với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

 

 

Một số ý kiến về vai trò của các cường quốc ngoài khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga.  Ấn Độ và Nhật Bản phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp trên biển,  muốn tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực Biển Đông để kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc. Bảo đảm an ninh hàng hải ở Biển Đông không phải là ưu tiên hàng đầu trong chính sách an ninh biển của Nga, nhưng Nga có nhiều quyền lợi ở khu vực này. Liên doanh dầu khí Việt – Nga là cơ sở kinh tế ở nước ngoài đem lại cho Nga nhiều lợi ích lớn. Tuy nhiên, khi xảy ra tranh chấp, Nga thường tìm cách thoả hiệp.  Vai trò của các cường quốc này là hạn chế.

 

 

III.  Một số khuyến nghị tại Hội thảo

 

 

1. Chính sách của Việt Nam về Biển Đông phải đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại toàn diện, bao gồm cả an ninh, phát triển và nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam. Phải đặt vấn đề Biển Đông trong quan hệ quốc tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo dõi các động thái của Trung Quốc, quan hệ Trung – Mỹ, Trung Quốc- ASEAN-Mỹ, quan hệ Trung-Đài.

 

2. Phải xây dựng được hồ sơ pháp lý đầy đủ về vấn đề này dùng để đấu tranh chính trị, tuyên truyền, đàm phán và lúc cần cho việc phân xử tại Tòa án quốc tế, (còn vấn đề có công bố rộng rãi hay không thì phải xem xét kỹ lưỡng.)

 

3. Cần có chiến lược biển toàn diện và đồng bộ, liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó chú ý đến việc hiện đại hóa quân đội nhằm tăng cường sức mạnh răn đe.

 

4. Nên Xã hội hóa, Công khai hóa, Quốc tế hóa, Đa phương hóa các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.

 

5. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, biển Đông dựa trên hai sức mạnh là dân tộc và thời đại. Dân tộc: là khối đại đoàn kết dân tộc (trong và ngoài nước); và Thời đại là luật pháp quốc tế, tính chính nghĩa của Việt Nam.

 

6. Tăng cường công tác nghiên cứu, nâng cao năng lực của đội ngũ khoa học về Biển Đông. Cấp học bổng đi học tại nước ngoài. Tuyên truyền và giáo dục cho thế hệ trẻ về Biển Đông, nuôi dưỡng tinh thần yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền dân tộc của các thế hệ mai sau, coi đó là một chiến lược quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông của ta.

 

 

Nhiều đại biểu bày tỏ mong muốn nên có thêm nhiều hội thảo tương tự để đông đảo các học giả có thể đóng góp cho việc nghiên cứu bảo vệ chủ quyền của đất nước.

TS. Trần Trường Thủy, Trưởng Nhóm nghiên cứu - Chương trình Biển Đông.