Ngày 19/1 năm nay là tròn 40 năm kể khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam từ tay miền Nam Việt Nam . Nằm ở phía Đông của Việt Nam và phía Nam đảo Hải Nam của Trung Quốc, quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa, tên quốc tế là Paracels) vẫn là một điểm nóng vô cùng nhức nhối giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Việt Nam . Vấn đề này đã lôi kéo cả hai nước vào các cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải khác. 

Trước cuộc xâm lược của hải quân Trung Quốc vào năm 1974, sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa được phân chia giữa hai bên là Trung Quốc và miền Nam Việt Nam. Trung Quốc khi đó kiểm soát các hòn đảo được gọi là cụm đảo An Vĩnh (Trung Quốc gọi là Tuyên Đức, tên quốc tế là Amphitrite), và miền Nam Việt Nam kiểm soát cụm đảo Lưỡi Liềm /Trăng Khuyết (Trung Quốc gọi là Vĩnh Lạc, tên quốc tế là Crescent). 

Cho đến năm 1973, cuộc chiến tranh chống Mỹ ở Việt Nam đã ngăn cản Trung Quốc thúc đẩy các động thái chiếm những hòn đảo do miền Nam Việt Nam kiểm soát do lo sợ khả năng Mỹ trả đũa quân sự. Tuy nhiên, không lâu sau khi Mỹ từ bỏ sự can thiệp ở Việt Nam , Trung Quốc đã nhanh chóng tấn công bất ngờ và chiếm giữ nhóm đảo Trăng Khuyết từ tay hải quân miền Nam Việt Nam . Cuộc giao tranh đã bắt đầu và kết thúc gần như ngay sau đó với việc Trung Quốc đã củng cố được quyền kiểm soát của họ đối với quần đảo Hoàng Sa. 

Năm 1973 là một năm quan trọng và mang tính quyết định đối với 3 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Vào năm 1972, khi Mỹ bình thường hóa quan hệ với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thông qua chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon tới Bắc Kinh – sau khi Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) bị khai trừ khỏi Liên hợp quốc và được thay thế bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp sau nghị quyết 2758 được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong năm 1971. 

Cùng thời gian đó, Mỹ đang tiếp tục thực hiện kế hoạch rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, trong khi chuyển giao các trách nhiệm chiến tranh cho Chính quyền miền Nam Việt Nam trong một chiến lược được biết đến với tên gọi “Việt Nam hóa chiến tranh.” Vào ngày 27/1/1973, Thỏa thuận Chấm dứt Chiến tranh và Khôi phục Hòa bình ở Việt Nam, còn được gọi là Hiệp định Hòa bình Paris, đã được ký kết bởi ba bên gồm Mỹ, miền Nam Việt Nam và miền Bắc Việt Nam. Việc ký kết Hiệp định Hòa bình Paris chính thức dẫn đến sự kết thúc cuộc chiến kéo dài và không được nhiều người ủng hộ của Mỹ ở Việt Nam, nó cũng đánh dấu điểm khởi đầu của một sự kết thúc đối với chế độ miền Nam Việt Nam-đồng minh của Mỹ. 

Bất chấp sự hiện diện của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương, những lời kêu gọi của Sài Gòn đề nghị sự hỗ trợ của Mỹ nhằm đẩy lui cuộc tấn công của Trung Quốc đã bị từ chối. Những thông tin được tiết lộ trong một bức điện tín từ Washington tới Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn đã cho thấy những mệnh lệnh cho Đại sứ quán Mỹ khuyên Chính quyền miền Nam Việt Nam thực hiện các bước đi tối thiểu để tự phòng vệ và tránh đối đầu hơn nữa với Trung Quốc. 

Có lẽ là khi đó có rất nhiều khả năng các lực lượng của hải quân miền Nam Việt Nam sẽ chiếm lại được các vùng lãnh thổ của họ ở quần đảo Hoàng Sa với một số sự hỗ trợ của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, những quan ngại về việc kích động một cuộc xung đột lớn hơn ở khu vực Đông Nam Á liên quan đến Trung Quốc, phải nói là mệt nhọc và vô nghĩa với Mỹ ở Việt Nam, đã đảm bảo rằng những sự xâm chiếm mới của Trung Quốc ở Biển Đông không bị tranh đoạt lại. 

Việc Mỹ từ bỏ miền Nam Việt Nam đã được nhận thấy đầy đủ chỉ hơn 1 năm sau đó, khi họ không tham gia bảo vệ đồng minh miền Nam Việt Nam của mình, kết thúc với sự đầu hàng của Chính quyền Sài Gòn và cuối cùng là việc tái thống nhất đất nước Việt Nam. Bức ảnh nổi tiếng của Hubert van Es về một máy bay trực thăng Mỹ đậu trên nóc một tòa nhà để đón những người miền Nam Việt Nam di tản khi các lực lượng của miền Bắc Việt Nam tràn vào Sài Gòn sẽ mãi mãi đánh dấu một sự kết thúc nhục nhã đối với một cuộc chiến tranh mà lẽ ra nó không bao giờ nên kéo dài như diễn ra, và đã chấm dứt cái cách mà nó đã diễn ra. 

Tìm kiếm ý chí hành động 

40 năm sau trận hải chiến Hoàng Sa ngày ấy, thế giới đã thay đổi rất nhiều, mặc dù cuộc tranh chấp quần đảo này vẫn đang tiếp tục diễn ra và gây nhiều bất ổn. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải ở khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương vốn đã rất nhạy cảm, lại càng bị làm cho tồi tệ hơn bởi sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự hung hăng ngày càng gia tăng của nước này, điều bị nhiều quốc gia trong khu vực coi là một dấu hiệu cho thấy những điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến. 

Vụ cắt cáp ở Biển Đông, vụ hộ chiếu có in đường lưỡi bò gây ồn ào, một cuộc đối đầu xung quanh bãi cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag), và việc thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở biển Hoa Đông, tất cả đều góp phần làm gia tăng những căng thẳng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Chiến lược xoay trục của Mỹ sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể và được hiểu rộng rãi là một sự phản ứng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, mặc dù những ảnh hưởng mà Washington hi vọng chiến lược tái cân bằng của họ sẽ có được ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương là gì thì vẫn còn cần phải chờ xem. Do vậy, đến nay Mỹ vẫn né tránh việc can thiệp vào mớ hỗn độn những tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải, liên tiếp nhắc lại rằng các bên liên quan cần phải tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và bảo vệ tự do hàng hải ở các vùng biển. 

Chính vì các nước láng giềng của Trung Quốc phải điều chỉnh để thích nghi với sự trỗi dậy của Trung Quốc nên Trung Quốc cũng phải điều chỉnh để thích nghi với các nước láng giềng của họ. Việc giao tranh và/hoặc tạo ra sự xuất hiện của các hành động xâm lược sẽ chỉ gieo mầm những sự bất hòa và khiến cho việc tìm kiếm một nền hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương càng trở nên khó khăn hơn. 

Mặc dù sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ tạo ra lực cản đối với bất kỳ bên nào nỗ lực phủ nhận tự do hàng hải ở khu vực này, nhưng nếu không có những mục tiêu rõ ràng và được xác định cụ thể để theo đuổi ở trong khu vực này, Mỹ sẽ làm cho bản thân nước này quay cuồng trong những vòng quay phức tạp hơn nhiều so với bình thường. 

Vậy thì Washington muốn điều gì? Họ sẽ đạt được các mục tiêu này như thế nào? Cho dù là như thế nào thì trước khi các nhà lãnh đạo Mỹ có thể đưa ra bất kỳ mục tiêu nào, trước tiên họ cũng cần phải có ý chí chính trị. Phải có một sự khao khát chính trị và là sự khao khát công khai trong việc hành động – điều này, trên tất cả những thứ khác, sẽ cho thấy khó khăn và bất ổn nhất, dễ bị ảnh hưởng sự thay đổi tỷ lệ những lá phiếu tiêu cực. Chính vì công chúng Mỹ đã mất đi sự mong muốn về chiến tranh ở Việt Nam (và gần đây nhất là ở hai nước Iraq cùng với Afghanistan), nên họ cũng có thể mất đi sự mong muốn can thiệp nhiều hơn ngay lập tức vào một góc xa xôi của thế giới. 

Dĩ nhiên, đó là một cuộc thảo luận khác, hoàn toàn về khả năng liệu Washington có can thiệp vào các vấn đề của các quốc gia khác hay không – một cuộc thảo luận tốt nhất là để cho người dân Mỹ và những quan chức được bầu chọn của họ, nhưng do Biển Đông (đang là môi trường cho một số cuộc tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải) là một tuyến đường thương mại quan trọng đi qua Thái Bình Dương, nên Mỹ tốt nhất nên đóng một vị trí lãnh đạo trong các cuộc tranh chấp này và giải quyết những tranh chấp đó một cách hòa bình và lâu dài. 

Vũ Đức Khánh là luật sư và là giáo sư luật (làm việc bán thời gian) khoa Luật Dân sự, đại học Ottawa. Ông nghiên cứu về chính trị Việt Nam, quan hệ quốc tế và luật quốc tế. Duvien Tran là nhà nghiên cứu đặc biệt tại văn phòng Luật VDK ở Ottawa. Ông chuyên nghiên cứu về chính sách ngoại giao, hoạch định chiến lược và các vấn đề an ninh tại Biển Đông. Bài viết được đăng trên trang Asia Sentinel.

 Trần Quang (gt)