Bài xã luận đăng trên tờ China Daily tố cáo chính phủ Manila và Hà Nội đang gây thêm rắc rối với Trung Quốc qua việc đi ngược lại cam kết giải quyết tranh chấp bằng đường lối song phương, ôn hòa với Bắc Kinh.

Vẫn theo nhận định của báo này, vụ việc không chỉ làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt NamPhilippines, mà còn gây phương hại cho sự tín nhiệm chính trị giữa hai nước với Trung Quốc.

Tờ China Daily cáo buộc Việt Nam lôi kéo Ấn Độ vào vụ tranh chấp bằng một dự án hợp tác thăm dò dầu khí trong vùng biển có tranh chấp và lên án đề nghị của Philippines yêu cầu vạch rõ các vùng đặc quyền kinh tế để tạo điều kiện cho các nước thăm dò, khai thác tài nguyên ở Biển Đông là không đúng luật quốc tế.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã cũng đả kích kế hoạch đồng thăm dò khai thác giữa Việt Nam và Ấn Độ tại vùng Biển Đông mà theo tác giả đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Trung Quốc vì khu vực thăm dò thuộc “ thẩm quyền pháp lý” của Bắc Kinh.

Quay sang Philippines, cây bút của Tân Hoa Xã chỉ trích cố gắng của Tổng thống Aquino, muốn lôi kéo Nhật Bản can dự vào hồ sơ Biển Đông, đồng thời tìm cách tăng cường tiềm năng hải quân và không quân của Manila. Đối với tờ báo, cho dù Philippines gắn kết được với Nhật Bản và Việt Nam lôi kéo được Ấn Độ, các “ bên thứ ba” này không thể sánh được với uy lực và ảnh hưởng của Trung Quốc trong vùng.

Tờ Nhân dân Nhật báo cũng tấn công Philippines về cuộc hội thảo ngày 22/9, bị tờ báo cho là nhằm liên kết ASEAN thành một mặt trận thống nhất chống lại Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông.

Theo tờ báo, mưu toan của Manila như vậy là đã hoàn toàn thất bại. Tờ báo nêu ra nhiều lập luận, trong đó có sự kiện là có đến 2 thành viên của ASEAN là Lào và Campuchia “ không thèm gửi đại biểu đến Manila”.

Tuy vậy, bên cạnh các bài nặng nề chỉ trích Hà Nội và Manila, hiện trên trang Nhân dân Nhật báo, bản tiếng Anh có đăng bài từ bản tiếng Hoa của báo Hoàn Cầu tại Trung Quốc, có ý kiến nêu ra một cách nhìn khác.

Giải thích vì sao giới chức Bắc Kinh không phê Hà Nội nặng lời qua vụ khai thác khí với Ấn Độ, tác giả Ding Gang cho rằng các bên đều cần nêu rõ vấn đề. Theo tác giả Ding Gang thì sau khi kiểm mọi thông tin do cả Ấn Độ, Việt Nam và Trung Quốc công bố, ông cũng chưa thể tìm thấy bằng chứng rằng vụ khai thác của Việt Nam “vi phạm lãnh hải của Trung Quốc”, vì tất cả còn “rất mù mờ”. Đặc biệt, bài báo cũng kêu gọi chính phủ Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ cùng công bố các bản đồ về các khu vực họ nói đến.

Tác giả cũng nói những năm qua, tranh chấp Biển Đông gia tăng, khiến truyền thông Mỹ và các nước phương Tây cùng một số quốc gia xung quanh vùng biển này cũng xây dựng thuyết “Mối đe dọa từ Trung Quốc” trên nền tảng đó. Nhưng tác giả viết cần phải cảnh giác trước cái bẫy của việc tạo ra nhãn hiệu “bá quyền Trung Quốc” và truyền thông Trung Quốc cần tránh gọi vùng biển này là “Biển Nam của nước Trung Quốc” và tránh gọi mọi hành động của các nước ở khu vực này là “vi phạm lợi ích cốt lõi của Trung Quốc”.

Thay vì phản ứng mơ hồ như thế, các cơ quan của Trung Quốc nêu trình ra các bằng chứng rõ rệt cho thế giới thấy các nước khác vi phạm chủ quyền của Trung Quốc ra sao. Tác giả Ding Gang cũng kêu gọi vấn đề ở vùng biển này “phải được giải quyết hòa bình” và Trung Quốc không nên tham gia trò chơi “trốn tìm” mãi mãi với các nước khác.

Vào lúc báo chí Trung Quốc lớn tiếng đe dọa Việt NamPhilippines, thì ngành ngoại giao Trung Quốc lại tỏ vẻ hòa hoãn. Theo Tân Hoa Xã, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì vừa tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tại Mỹ bên lề khóa họp Đại Hội đồng Liên hiệp quốc. Hai Bộ trưởng đều nói chính phủ hai nước sẵn sàng hợp tác để giải quyết bất đồng./.

Thanh Hằng (gt)