Mười hai quốc gia tham gia tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa đạt được thỏa thuận cuối cùng, tuy nhiên tiến trình thông qua hiệp định này tại từng quốc gia thành viên sẽ mất rất nhiều thời gian bởi khó khăn nằm ở những tiểu tiết và không dễ tìm được tiếng nói chung giữa hai quốc gia, chứ chưa nói đến là giữa 12 quốc gia. Và những cuộc tranh cãi chính trị không kém phần nảy lửa hơn so với các cuộc đàm phán TPP kéo dài suốt 5 năm qua sẽ sớm nổ ra tại từng quốc gia thành viên của hiệp định mới này.

TPP từng được coi là trụ cột của chính sách xoay trục của Mỹ sang châu Á. Đây rõ ràng là phản ứng của Mỹ trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời là động lực để Washington có thể tiếp cận nhiều hơn khu vực Đông Nam Á - một trong số ít những thị trường năng động của thế giới. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, các bên tham gia - trong đó có cả Trung Quốc - đã lơ là khía cạnh chính trị của hiệp định này. Người ta không còn mô tả TPP là một khối thương mại chống Trung Quốc nữa. Điều này không có gì là bất ngờ bởi lẽ các thành viên TPP đều có kim ngạch giao dịch thương mại rất lớn với Trung Quốc. Thậm chí đã xuất hiện những thông tin về khả năng Trung Quốc tham gia hiệp định này. Tuy nhiên, bầu không khí này có thể thay đổi hoàn toàn khi TPP được đưa vào thực thi, chứ không chỉ còn trên giấy tờ nữa.

Mặc dù đại diện của từng nước thành viên TPP đã tìm mọi cách để “ém nhẹm” những tác động chính trị của TPP, song khía cạnh chính trị của thỏa thuận này vẫn tồn tại. TPP ban đầu không phải là “phát minh” của Mỹ. Đó là một hiệp định thương mại nhỏ giữa Singapore, New Zealand, Chile và Brunei. Tuy nhiên, khi Mỹ nhận thấy cần phải đối phó với ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại khu vực, chí ít là để trấn an các đồng minh của mình nếu không nói là để tránh bị tụt hậu về thương mại, TPP đã trở thành một cơ hội để Washington đề xướng một sáng kiến khu vực. Người “thai nghén” sáng kiến này không phải là chính quyền của Tổng thống Barack Obama, mà là chính quyền Tổng thống George W. Bush trong thời gian cuối của nhiệm kỳ, khi Washington không còn toàn tâm toàn ý với Trung Đông nữa và có thể chú trọng trở lại khu vực châu Á.

“Xoay trục” là một sự công nhận rằng bức tranh địa chính trị toàn cầu đang thay đổi. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh cho tới nay, trọng tâm của thế giới không ngừng chuyển dịch, từ châu Âu và Bắc Đại Tây Dương về phía Tây, trong đó Thái Bình Dương có tầm quan trọng ngang bằng rồi sau đó vượt Đại Tây Dương xét về thương mại quốc tế, và do đó đặt nước Mỹ vào đúng vị trí tâm giữa. Sự nổi lên của Trung Quốc, tiếp nối các con Hổ châu Á và Nhật Bản, tương phản mạnh mẽ với tình trạng gần như “giậm chân tại chỗ” của nền kinh tế châu Âu.
Động lực kinh tế thay đổi kéo theo cán cân quyền lực thay đổi. Sự tăng trưởng kinh tế đã gây áp lực lên chính Bắc Kinh, buộc chính phủ Trung Quốc phải mở rộng quân đội, từ một lực lượng an ninh nội địa thành một lực lượng viễn chinh quốc tế (đang trong giai đoạn sơ khai). Địa vị thống trị thế giới mà nước Mỹ giành được sau khi kết thúc chiến tranh lạnh bị thách thức. Mặc dù tiềm lực quân sự của Trung Quốc chưa thể sánh được với Mỹ, song nước Mỹ đã nhận thấy không thể lơ là trước những tác động mà lực lượng quân sự ngày càng mạnh của Trung Quốc gây ra tại khu vực. Nước Mỹ chưa quên vào đầu thế kỷ 20 Nhật Bản đã nhanh chóng trở thành một cường quốc quân sự như thế nào.

TPP - cùng với sự can dự của Mỹ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, khôi phục quan hệ với Myanmar, khuyến khích Nhật Bản “bình thường hóa” (quân đội) và tăng cường hợp tác an ninh với Việt Nam và Philippines - là một phần của chiến lược đối phó với những thay đổi trên bàn cờ chính trị quốc tế. Trong những năm gần đây, Trung Quốc thường được mô tả như một cường quốc đang trỗi dậy, bành trướng và thậm chí theo chủ nghĩa đế quốc. Quan niệm này phần nào bị ảnh hưởng bởi lịch sử thế kỷ 19 và 20, thời kỳ mà các cường quốc đang trỗi dậy gây ra những cuộc cạnh tranh quyền lực có tổng bằng không. Tuy nhiên, cách nhìn nhận về sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện đang được đặt trong bối cảnh mới của thế giới, đó là những thị trường toàn cầu được gắn kết với nhau, sự tương tác chặt chẽ giữa các nền kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các cựu thù, và những thay đổi trong cách định nghĩa cũng như áp dụng “quyền lực” trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Theo Stratfor

Trần Quang (gt)