Đa số công chúng Nga lần đầu tiên biết đến Hiệp định hợp tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là tại một cuộc phỏng vấn Tổng thống Nga Vladimir Putin, do các phương tiện truyền thông Trung Quốc thực hiện hồi tháng 11/2014. Tham gia Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Thượng Hải, Tổng thống Nga đã chỉ ra một số tính năng của mối quan hệ đối tác như vậy. Tuy nhiên, đánh giá của ông đối với loại hình quan hệ này có vẻ tiêu cực hơn thực tế.

Việc đánh giá thực tế những gì mà TPP mang lại lúc này là không đơn giản. Sáng kiến xây dựng mối quan hệ đối tác này mới chỉ được thực hiện một cách khép kín, kể cả đối với các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội ngay chính trong một quốc gia, chứ chưa nói gì đến việc thực hiện nó ở các nước khác. Trong 5 năm qua, câu chuyện mới chỉ dừng lại ở các cuộc đàm phán, báo cáo định kỳ về những thành công, rồi sau đó lại bị bác bỏ. Lần cuối cùng, thể thức hợp tác này đã được nhắc tới ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bali hồi tháng 11/2013. Theo báo cáo, vấn đề này đã bị quên lãng trong suốt hơn một năm, và người ta cũng chưa hề công bố thời gian sẽ nối lại các cuộc thảo luận về vấn đề này.

Rõ ràng, TPP là một nỗ lực tiếp theo của Mỹ để tạo dựng những lợi ích cho mình trong cái gọi là tổng thể thượng tầng kiến trúc của sự hợp tác kinh tế trong khu vực. Ngoài ra, tôi cũng tin rằng sự vắng mặt những quốc gia lớn trong khu vực và trên thế giới như Nga, Trung Quốc trong số các quốc gia thành viên TPP cho thấy thể thức này khó có khả năng xây dựng mối quan hệ thương mại và hợp tác kinh tế một cách hiệu quả.

Mong muốn của Mỹ phối hợp trong khuôn khổ TPP đã quá rõ ràng và đây cũng chính là những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC tại Honolulu năm 2011, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã xác định vị trí của TPP như một phần trong kế hoạch của Mỹ nhằm “tăng cường các liên minh song phương của chúng ta trong lĩnh vực an ninh; tăng cường tham gia các tổ chức đa phương trong khu vực; mở rộng thương mại và đầu tư, tăng cường các cơ sở quân sự rộng khắp; phát huy dân chủ và nhân quyền”. 

Cũng trong cùng thời điểm đó, phát biểu tại quốc hội Australia, Tổng thống Obama tuyên bố: “Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương, sẽ đóng một vai trò lâu dài trong việc định hình tương lai của khu vực dựa trên các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ đối tác chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè”. Những mục tiêu này sẽ đạt được bằng cách “tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Á, củng cố các mối quan hệ đồng minh quan trọng, khuyến khích các hệ thống pháp quyền, trong đó tăng thêm các quyền của người lao động, và doanh nghiệp của chúng ta sẽ có thể cạnh tranh một cách bình đẳng với các công ty địa phương; được bảo vệ bởi quyền sở hữu trí tuệ và công nghệ mới làm nền tảng cho sự đổi mới, và nơi mà tỷ giá được xác định bởi thị trường và không cho phép bất kỳ nước nào có lợi thế một cách không công bằng”. 

Trong bối cảnh này, ông Obama đã xác định TPP là một “mô hình tiềm năng” cho toàn bộ khu vực, ở đó hòa trộn giữa lợi ích kinh doanh và lợi ích chính trị đối ngoại của Mỹ để gây áp lực, chủ yếu đối với Trung Quốc. 

Thật vậy, nhiều chuyên gia cho rằng mục đích chính của TPP chính là thay đổi cấu trúc của quan hệ thương mại trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, để cuối cùng ép buộc Trung Quốc vào khuôn khổ của thỏa thuận mới. Tuy nhiên, khái niệm TPP phải được phân tích chi tiết và khách quan hơn, trước hết bởi vì mô hình cũng như quy mô hợp tác thương mại như vậy chưa từng có từ trước đến nay.

Quan hệ đối tác chất lượng cao thế kỷ 21

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương lúc đầu được gọi là “đối tác chất lượng cao của thế kỷ 21", và đó sẽ là mô hình mới cho tất cả các thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA) được ký kết giữa các quốc gia ở khắp nơi trên thế giới.

Trước hết, theo định nghĩa xuất phát từ ý tưởng ban đầu, TPP là sự hợp tác mở trong mọi mối quan hệ hợp tác, ngụ ý về sự gia nhập của các quốc gia mới. Vì vậy, trong năm 2011, các cuộc đàm phán đã được tiến hành giữa 9 nước Australia, Brunei, Chile, Malaysia, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Và tại Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra ở Thượng Hải vào năm 2014 ba nước đã được bổ sung thêm gồm Canada, Nhật Bản và Mexico.

Thứ hai, TPP là một Hiệp định thương mại tự do nhiều bên, được ký kết nhằm mục tiêu thiết lập một mặt bằng tự do chung về thương mại, đầu tư, lao động, môi trường, ban đầu là dành cho các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Cùng với thời gian, nó sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ đó. 

Một nhóm các chuyên gia quốc tế do Patrick Lo đứng đầu cho rằng “TPP là thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA) của thế kỷ 21, vì nó không chỉ cho phép các quốc gia thành viên có quyền thâm nhập các thị trường hàng hóa của nhau, mà còn giải quyết những vấn đề mới của thương mại và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may, quy tắc xuất xứ của hàng hóa, dịch vụ, các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, vệ sinh dịch tễ và các biện pháp kiểm dịch thực vật, đầu tư, dịch vụ tài chính, viễn thông, thương mại điện tử, các biện pháp đối kháng, quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, tăng năng lực sản xuất, tiêu chuẩn hiệu suất lao động và các quy định về môi trường”. Những vấn đề mới cần phải được đưa vào nội dung TPP gồm tinh giản các tiêu chuẩn quy định về thương mại, với sự nhấn mạnh vào vai trò nổi bật của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chỉ có thể đạt được sự hài hòa của các chuẩn mực điều hành trong lĩnh vực đa dạng như vậy khi có sự hỗ trợ của các cuộc đàm phán ở cấp chính trị cao nhất. Trong trường hợp này, chúng ta có thể nói đến cố gắng tạo ra một mô hình cơ bản “của chủ nghĩa khu vực đa phương”.

Nếu nói tới các hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) thế hệ trước, thế hệ “của thế kỷ 20”, thì ý nghĩa cơ bản của chúng là cung cấp quá cảnh hàng hóa thành phẩm qua biên giới, vượt qua các hàng rào thuế quan cao. Hiện nay chúng ta nói tới hoạt động của các doanh nghiệp và các công ty trên lãnh thổ nước ngoài, ở nước ngoài. Điều này phản ánh sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng của các nền kinh tế do sự tăng cường trao đổi thương mại và đầu tư.

Tiến trình các cuộc đàm phán về TPP

Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương phát triển từ một thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA), thường được gọi là “Nhóm 5 nước Thái Bình Dương”. Trong những năm 90 của thế kỷ trước, tại một số hội nghị thượng đỉnh APEC, các nước Australia, Chile, New Zealand, Singapore và Mỹ đã tổ chức những cuộc thảo luận không chính thức về cơ chế xây dựng một kiểu hiệp định thương mại giữa những quốc gia “có cùng suy nghĩ”. Trong thời gian từ năm 2002 đến năm 2005, tại các hội nghị thượng đỉnh APEC, đại diện của Chile, New Zealand và Singapore đã tổ chức bốn vòng đàm phán về hợp tác kinh tế chặt chẽ giữa ba nước này. Và tại cuộc họp thứ năm, vào tháng 4/2005, Brunei đã thương lượng gia nhập nhóm này với ý định sẽ trở thành một trong những bên sáng lập thỏa thuận. Vào tháng 6/2005, tại một cuộc họp các bộ trưởng thương mại APEC, người ta đã công bố hoàn thành các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Vòng đàm phán đầu tiên về việc xây dựng TPP được tổ chức tháng 3/2010 tại Melbourne. Sự tham dự của đại diện 8 nước: Australia, Brunei, Chile, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã có quy chế của một thành viên liên kết. Các nước tham dự bày tỏ mong muốn hoàn thiện hiệp định vào tháng 10/2011. Điều đó được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Honolulu. Trong thời gian đó đã tổ chức 8 vòng đàm phán khá căng thẳng. Các nước đều nhất trí cho rằng không nên có quy chế “quan sát viên”. Điều này có nghĩa là Việt Nam cần phải xác định quy chế một thành viên của TPP. Vào tháng 11/2010 tại Hội nghị thượng đỉnh APEC ở Nhật Bản, Chủ tịch nước Việt Nam đã công bố tham gia các cuộc đàm phán gia nhập TPP như một thành viên đầy đủ của tổ chức này. Những người tham dự Hội nghị thượng đỉnh APEC nhiệt liệt hoan nghênh quyết định đó, bởi trước hết họ có thể tiếp cận nhanh chóng với một thị trường đang phát triển (10% mỗi năm) của 85 triệu người; và thứ hai, với cấu trúc quan hệ đối tác, sẽ có thêm một nước mà trong tương lai không thể không tham gia “câu lạc bộ của những người giàu có”. Điều này mở ra cơ hội cho các nước đang phát triển khác. Sau khi Việt Nam công bố gia nhập TPP, Malaysia cũng đã bày tỏ mong muốn tham gia TPP và đã được thông qua.

Trong năm 2012, các cuộc đàm phán gia nhập TPP của Canada và Mexico đã diễn ra, và năm 2013 đến lượt Nhật Bản. Với sự tham gia của Nhật Bản, các nước TPP sẽ chiếm khoảng 40% GDP toàn thế giới và khoảng 1/3 khối lượng thương mại thế giới. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mỹ. Năm 2013, Mỹ đã xuất khẩu sang Nhật Bản tổng sản phẩm trị giá 65 tỷ USD và các dịch vụ khoảng 48 tỷ USD. 

Với sự xuất hiện của các thành viên mới cũng có nhiều vấn đề nan giải, trong đó, trên thực tế có những điều chưa được phép công bố cho đến khi chưa hoàn thành các cuộc đàm phán về quan hệ đối tác toàn diện. Ví dụ, Canada, yêu cầu loại ngành sữa và các sản phẩm sữa ra khỏi thỏa thuận này. New Zealand hoàn toàn không đồng ý đề nghị này. Mỹ cũng có nhiều phàn nàn đối với Canada về quyền sở hữu trí tuệ. Đàm phán giữa Mỹ và Nhật Bản về các vấn đề tiếp cận thực phẩm và thị trường ô tô cũng gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp.

Mỹ trở lại châu Á

Tổng thống Mỹ Barack Obama trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Đông Á tháng 11/2009 đã công bố một chiến lược mới về việc “Mỹ trở lại châu Á”. Trong một bài phát biểu tại Tokyo, ông Obama, người sinh ra tại Hawaii, đã nói rõ rằng ông là “Tổng thống Mỹ đầu tiên có nguồn gốc Thái Bình Dương”. Ông tuyên bố rằng “Là một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ sẽ kết nối với các cuộc thảo luận về tương lai của khu vực và sẵn sàng tham gia đầy đủ các hoạt động của các tổ chức trong khu vực đã và đang được hình thành”.

Đại diện Thương mại Mỹ khi đó là Ronald Kirk nêu rõ luận chứng cần thiết về sự tham gia của Mỹ trong TPP là “cần phải nhanh chóng mở rộng các cuộc đàm phán thương mại ưu đãi tại khu vực, nơi mà Mỹ còn chưa tham gia”. Ông nhấn mạnh rằng “Các cuộc đàm phán đó, cũng như những xu hướng phát triển kinh tế khác đã dẫn đến sự suy giảm đáng kể tỷ trọng của Mỹ tại các thị trường châu Á-Thái Bình Dương quan trọng trong thập kỷ vừa qua”. Sự tham gia của Mỹ trong TPP cần phải được thiết kế để “mở rộng xu hướng này”.

Làm thế nào để quan hệ đối tác mới tương xứng với quan hệ thương mại ưu đãi hiện tại? Chúng tôi đưa ra ba kịch bản có thể xảy ra: a) TPP sẽ thay thế tất cả các PTA song phương hiện có giữa các thành viên; b) TPP sẽ cùng tồn tại với tất cả các thỏa thuận đã có, còn kinh doanh, theo cách tương tự với tập quán của Singapore và New Zealand, sẽ được phép lựa chọn thỏa thuận có lợi hơn; c) TPP sẽ trở thành một thỏa thuận tạp chủng (giữ lại một phần quy định cũ và một phần sẽ được thay thế).

Về lý thuyết, mô hình đầu tiên được coi là thuận lợi nhất. Người ta cho rằng các doanh nghiệp sẽ lựa chọn các quy định mới của TPP, vì nó tiên tiến hơn về tự do hóa và mở cửa thị trường. Kết quả là, thỏa thuận mới sẽ thay thế những cái hiện có. Ví dụ, điều này cho phép các nhà xuất khẩu sử dụng các tính toán tương tự xuất xứ cho lô hàng của sản phẩm sang các nước khác nhau tham gia TPP, cuối cùng có thể thực hiện ước mơ đạt được tuyên bố “tiêu chuẩn của thế kỷ 21”, bao gồm các thỏa thuận mới của thực tiễn và kinh nghiệm của thỏa thuận thương mại ưu đãi (PTA) tốt nhất hiện có.

Tuy nhiên, thực tế chứng minh khó khăn hơn nhiều. Nhiều quy định của PTA hiện đã được xây dựng dựa trên lợi ích chung và thỏa hiệp. Một thỏa thuận TPP mới có thể phá vỡ những cân bằng tinh tế. Ví dụ, hiện nay PTA giữa Mỹ và Australia loại đường ăn ra khỏi các thỏa thuận song phương. Nhưng trong TPP mới thì Australia có thể xuất khẩu đường sang Mỹ.

Ngoài ra, các cuộc đàm phán cũng đã tiết lộ phương pháp tiếp cận khác nhau. Đến đầu năm 2011, điều trở nên rõ ràng là cuộc đàm phán song phương định dạng tốt nhất cho Mỹ. Quy mô các thị trường của Mỹ là hầu hết các đối tác ưu đãi cho nó tiếp xúc với những sự nhượng bộ. Vì vậy, ngoài đường ăn thì Australia còn phải nhượng bộ trong các vấn đề điều tiết của nhà nước đối với các sản phẩm dược phẩm và các quyền sở hữu trí tuệ.

Mỹ dựa vào sức mạnh địa vị đặc biệt đòi tiến hành các cuộc đàm phán song phương với tất cả các nước tham gia. Và như vậy sẽ dẫn đến kết quả là 11 hiệp định song phương với Mỹ. Tuy nhiên, các quốc gia khu vực Thái Bình Dương vẫn chưa đồng ý từ bỏ kế hoạch ban đầu - tạo ra một thỏa thuận thống nhất giữa các nước này với Mỹ.

Các cuộc đàm phán cũng đã bị đình trệ, thậm chí trong một số vấn đề quen thuộc đối với các thành viên Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đó là sự giảm bớt các rào cản đối với thương mại hàng hóa. Vào tháng 8 năm 2010, tại Peru cũng đã đạt được thỏa thuận đó.

Liên kết lợi ích xung đột giữa các nước có mức độ phát triển khác nhau

TPP bao gồm một loạt nước đang phát triển. Theo phân loại của Ngân hàng Thế giới, Chile, Malaysia, Mexico và Peru là những nước có mức thu nhập trên trung bình, còn Việt Nam là nước đang phát triển có mức thu nhập dưới trung bình. Các nước Philippines, Thái Lan và Indonesia có thể cũng sớm tham gia TPP. Câu hỏi đặt ra là liệu tổ chức này có thể đảm bảo giải quyết các vấn đề phát triển của những nước đó trong khuôn khổ TPP và làm thế nào để dung hòa quyền lợi của người lao động, vấn đề sở hữu trí tuệ, minh bạch và quyền con người.

Khi các cuộc thương lượng ở Vòng đàm phán Doha còn đang trong tình trạng buồn tẻ, thì người ta có thể giả định rằng chính TPP sẽ phục vụ như một động cơ để đi đến tự do hóa thương mại trong một tương lai gần. Và người ta cũng tự hỏi liệu các cuộc đàm phán TPP có thể bao gồm các quy định đặc biệt để thúc đẩy tăng trưởng ở các nước đang phát triển hay không?

TPP không đảm bảo phát triển, nhưng theo một số điều kiện, nó có thể đem lại cơ hội tiếp cận thị trường các nước phát triển, trong đó sẽ kích thích tăng trưởng đầu tư và xuất khẩu. PTA thường không thể cung cấp cho các nước tham gia các điều kiện đặc biệt và những điều kiện khác như tại WTO. Tại các cuộc đàm phán về TPP những điều kiện như vậy cũng không được nói tới.

Cuối cùng, tính năng chính của các hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) trong quan hệ đối tác là việc giảm thuế quan đến mức bằng “không” đối với gần như toàn bộ khối lượng buôn bán song phương. PTA có thể giúp đỡ việc thúc đẩy các tổ chức thị trường kiểu mới.

Có thể là các nước như Malaysia, Peru và Việt Nam sẽ phải cân nhắc cẩn thận về những điều lợi-hại khi tham gia quan hệ đối tác. Trước hết, đó là việc tiếp cận thị trường các nước phát triển, những trở ngại của việc không tham gia, những rủi ro của việc áp dụng tiêu chuẩn của các nước giàu có trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, môi trường và lao động. Và rõ ràng không thể không cân nhắc tới các yếu tố chính trị.

Mỹ đủ cứng rắn và có thể dẫn dắt các cuộc đàm phán về TPP. Một mặt, Mỹ tìm kiếm sự cam kết của các đối tác về việc tiến hành cải cách nội bộ sâu sắc hệ thống điều hành nhà nước, vượt ra ngoài quy định của WTO hiện nay (sở hữu trí tuệ, các dịch vụ tài chính, đầu tư). Mặt khác, nội dung của các cuộc đàm phán bắt buộc là các vấn đề mà thường không phải là một vấn đề đối với WTO (những tiêu chuẩn về lao động và môi trường). Đây có thể là một gánh nặng rất lớn đối với các nước đang phát triển tham gia TPP, nhất là các nước chưa có hiệp định thương mại ưu đãi với Mỹ (như Brunei, Malaysia, Việt Nam). Thậm chí, nếu họ có một giai đoạn chuyển tiếp dài hơn, sẽ có nguy cơ là tình trạng hiện tại của nền kinh tế các nước này sẽ không cho phép họ thích ứng thành công với các hình thức hội nhập mới.

Chuyên gia nổi tiếng về đàm phán thương mại ưu đãi (PTA), ông Richard Baldwin, đã tỏ ra khá bi quan về triển vọng phát triển của các “mối quan hệ chất lượng cao thế kỷ 21”. Ông cho rằng chỉ có một nhóm nhỏ các nước – như Mỹ, EU và Nhật Bản - có tiềm năng mang lại lợi ích. Richard Baldwin tin rằng các cuộc đàm phán mới “sâu” về PTA một mặt sẽ phá hủy vai trò của WTO, cơ quan trung ương thiết lập các quy tắc thương mại. Mặt khác, các PTA mới có thể là phương tiện điều tiết các điều khoản thương mại và hợp tác kinh tế.

Liệu TPP có là đối trọng của Mỹ với Trung Quốc?

Mục tiêu và lợi ích trong các cuộc đàm phán TPP của Mỹ không giới hạn ở các vấn đề kinh tế. Có những vấn đề quan trọng mang tính chất chính sách đối ngoại và tính chất địa-chính trị mà Washington muốn giải quyết trong quan hệ đối tác. Trước hết, đó là vấn đề tăng cường các liên minh quân sự song phương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đây được coi như một đối trọng với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Liên kết an ninh và PTA tương ứng với các xu hướng mới nhất trong chính sách thương mại của Mỹ - sử dụng PTA để tăng cường mối quan hệ chiến lược. Việc ký kết thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Israel vào năm 1985 có thể được coi là sự khởi đầu của xu hướng này. Động lực mới của việc ký kết các PTA song phương đã xuất hiện vào ngày 11/9/2001, sau khi Chính quyền Bush bắt đầu các cuộc đàm phán với các nước có tầm quan trọng chiến lược, hoặc quan trọng về phương diện địa-chính trị. Cựu Đại diện Thương mại Mỹ Robert Zollik ngay từ năm 2003 đã cho rằng “với Mỹ, PTA là một hướng ưu tiên phải giành lấy, bởi đó chính là sự hợp tác trong các vấn đề chính sách đối ngoại và an ninh”. Trong một số trường hợp, hiệp định thương mại ưu đãi còn có dấu hiệu của lòng biết ơn vì sự hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố quốc tế (Bahrain, Jordan, Morocco và Oman). Trong những trường hợp khác – đó là hành động thúc đẩy các mục đích an ninh (Australia, Chile và Singapore).

Vào năm 2011, Đại diện Thương mại Mỹ Ronald Kirk tuyên bố: “Các thành viên tiềm năng mới của TPP phải được chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng các ưu tiên của Mỹ”. Địa vị đó trên thực tế có ý nghĩa như chiếc chìa khóa mở cửa TPP cho các thành viên mới của Washington. Hậu quả thực tế của địa vị này có nghĩa là, ví dụ như, nếu Trung Quốc muốn gia nhập TPP, thì trước tiên Bắc Kinh phải trải qua quá trình đàm phán song phương với Mỹ. Một trong những nhà phê bình nổi bật nhất của TPP, một quan chức có uy tín lớn về thương mại ưu đãi, ông Jagdish Bgavati lưu ý rằng “TPP về cơ bản sẽ phục vụ lợi ích của các quốc gia lo ngại vì sự hung hăng của Trung Quốc, một quốc gia đang tìm kiếm không chỉ là sự gia tăng thương mại, mà quan trọng hơn còn là an ninh chính trị”.

Điểm yếu của phương pháp này là TPP có thể sẽ trở thành “một thứ con tin” của nhận thức rằng sự hợp tác này là một phần trong chiến lược đối ngoại của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Sự hòa nhập theo khuôn khổ TPP còn là sự quảng bá rộng rãi trong các giới chuyên gia và khoa học.

Quả thật, nhiều thành viên đối tác TPP đã ủng hộ các mục tiêu chính sách đối ngoại của Mỹ. Một số trong đó còn hy vọng sẽ tăng cường an ninh nhờ các biện pháp hoạt động quân sự chung.

Australia có hiệp ước liên minh với Mỹ, theo đó một trung tâm tình báo hỗn hợp đã được thiết lập tại lãnh thổ nước này. Singapore ủng hộ mạnh mẽ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực và sẵn sàng cung cấp cho quân đội Mỹ các căn cứ không quân và căn cứ hải quân. Brunei và Malaysia có thỏa thuận về hợp tác quốc phòng với Mỹ. Peru và Chile là đồng minh thân cận của Mỹ ở Mỹ Latinh. New Zealand và Mỹ đã đình chỉ quan hệ liên minh vào năm 1985, sau khi New Zealand từ chối quyền cập cảng của một tàu ngầm Mỹ vào nước họ. Tuy nhiên, năm 2007, Mỹ và New Zealand đã nối lại hợp tác quân sự. Và cuối cùng, Việt Nam cũng đã bắt đầu hợp tác quân sự cụ thể với Mỹ trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.

Mặc dù có các mối liên lạc và quan hệ quân sự chặt chẽ, song ý tưởng chính sách thương mại của Mỹ chưa hẳn đã được đảm bảo bởi những cân nhắc về kinh tế, mà còn bởi Hội đồng An ninh Quốc gia, vì các bên rất lo lắng về các cuộc đàm phán. Chẳng hạn, đối với Australia và New Zealand, vào tháng 11/2011, khi các quan chức hai nước này đang có mặt ở Washington, họ cảm nhận một cách rõ ràng có những động cơ nào đó muốn kiềm chế Trung Quốc, họ lập tức rời khỏi các cuộc đàm phán.

Quan điểm này được chia sẻ bởi các thành viên khác của TPP, những nước có quan hệ thương mại, đầu tư và quan hệ chính trị quan trọng với Trung Quốc. Đương nhiên, họ không muốn bị giữ làm con tin về phương diện chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tuy nhiên, người ta cho rằng quan điểm này ảnh hưởng không quá lớn tới động cơ tham gia TPP. Các nước thành viên châu Á của TPP sẽ buộc phải cân nhắc thận trọng và cân bằng giữa các lợi ích quân sự, chính trị và thương mại của họ. Đối với họ, quan hệ kinh tế với Trung Quốc cũng rất quan trọng. Bởi thế họ sẽ không quan tâm tới việc tham gia các hiệp định mang tính chất thù địch với Trung Quốc.

Tất nhiên, có những lợi ích vô điều kiện đối với hoạt động kinh doanh của nước Mỹ. Điều đó buộc Washington sẽ phải kiên trì theo đuổi việc xây dựng các “thỏa thuận chất lượng cao trong thế kỷ 21” để có thể tăng khả năng thực hiện những ý tưởng và mong muốn của họ trên lãnh thổ các nước có quan hệ đối tác. Nhưng chúng ta cũng không thể bỏ qua những nỗ lực của Washington trong việc tạo dựng TPP, để có thể gây áp lực thực sự và mạnh mẽ đối với Trung Quốc, một quốc gia rõ ràng đang có nhiều tham vọng đưa ra những quy tắc nào đó (đương nhiên có lợi nhất cho họ) trong việc phát triển kinh tế toàn cầu trong tương lai.

Varvara Remchukova, nghiên cứu sinh cấp cao thuộc Học viện Quan hệ Quốc tế (MGIMO) Bộ Ngoại giao Nga, thành viên Ban Biên tập của báo Độc lập. Bài viết được đăng trên báo Độc Lập, Nga.

Thanh Bình (gt)