Trong cuộc trả lời phỏng vấn của "Thời báo Tài chính" (Anh), ông Pitsuwan - người sẽ mãn nhiệm vào tháng tới sau 5 năm đảm nhiệm cương vị Tổng Thư ký ASEAN - cho rằng châu Á đang ở vào giai đoạn "bất đồng nhất" trong những năm gần đây, khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gần như tất cả Biển Đông. Ông nói: "Chúng ta phải lưu ý đến thực tế rằng Biển Đông có thể trở thành một Palextin khác", nếu như các nước không nỗ lực nhiều hơn nữa để làm dịu căng thẳng hiện nay. Từ khi trở thành một cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nơi có trữ lượng dầu khí lớn, các ngư trường rộng và các tuyến thương mại quốc tế quan trọng. Sau các vụ đụng độ với lực lượng hải quân của Việt Nam và Philíppin - những nước có tuyên bố chủ quyền một phần ở Biển Đông cùng với Brunây, Malaixia và hòn đảo Đài Loan - Trung Quốc lại chọc tức các nước láng giềng bằng việc in bản đồ đường chín đoạn (hay còn gọi là đường lưỡi bò) trên hộ chiếu phổ thông điện tử của nước này. Việt Nam đã phản đối mạnh mẽ việc làm này của Trung Quốc, đồng thời đối phó lại bằng cách đóng dấu "không có hiệu lực" lên hộ chiếu và cấp thị thực rời cho những người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam.

Trong khi đó, để đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy, Mỹ đã hướng trọng tâm chính sách đối ngoại của nước này tới châu Á, xây dựng các mối quan hệ quân sự và chiến lược gần gũi với các nước từng là kẻ thù như Mianma và Việt Nam, vốn đang lo ngại về hậu quả của việc Trung Quốc giành được quyền bá chủ trong khu vực. Ông Pitsuwan cho rằng các nước Đông Nam Á đang bị kẹp giữa hai cường quốc này và sẽ phải chịu thêm nhiều áp lực trong việc quyết định đứng về phía bên nào trừ khi các nước này có thể đoàn kết lại với nhau. Theo ông, tình hình Biển Đông xấu đi là kết quả của những hành động gây hấn của Trung Quốc. Là diễn đàn cấp cao duy nhất để thảo luận các vấn đề an ninh ở châu Á nhưng ASEAN đã rơi vào tình trạng bất đồng sâu sắc trong năm nay khi Campuchia - một đồng minh thân cận của Trung Quốc và là nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN - ngăn cản các nỗ lực của Philíppin và Việt Nam nhằm tìm kiếm sự đồng thuận giữa các nước thành viên về cách thức phản ứng với thái độ quyết đoán của Trung Quốc. Ông Pitsuwan nói: "Campuchia nên tự biết cân bằng trong một cuộc chơi quyền lực ngày càng căng thẳng".

Ông Pitsuwan cũng nói thêm rằng để tránh xung đột, ASEAN và Trung Quốc cần phải nhất trí về một Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc để ngăn chặn các nước chiếm giữ các đảo, các giếng dầu và các ngư trường nhằm hỗ trợ những tuyên bố chủ quyền của mình. Tuy nhiên, đây sẽ là một thách thức lớn trong bối cảnh các thể chế chính trị ở châu Á và các cơ chế giải quyết tranh chấp vẫn còn kém phát triển so với sức mạnh kinh tế ngày càng lớn của khu vực.

Theo Financial times (ngày 28/11)

Vũ Hiền (gt)