BN-MY772_TRUMPM_P_20160307224140.jpg

Một điều chắc chắn là chiến dịch bầu cử này sẽ là một đề tài nghiên cứu hấp dẫn đối với các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông chính trị, có lẽ cũng giống như những chiến dịch bầu cử vào thời của Truman và Dewey năm 1948 hoặc Nixon và Kennedy năm 1960. Vượt lên trên các tác động của quảng cáo và những vấn đề chính trị nội bộ, Tổng thống Trump sẽ phải dàn xếp với các lực lượng và những đối tác mà ông sẽ chỉ có ảnh hưởng hạn chế, đặc biệt là tài sản chiến dịch tranh cử của ông - một người ngoại đạo trong lĩnh vực chính trị - có nguy cơ nhanh chóng bộc lộ khó khăn khi lên nắm quyền.

Về đối ngoại, một trong những thách thức chính của ông chủ mới tại Nhà Trắng sẽ là xác định bước tiếp theo của hai sáng kiến trụ cột của người tiền nhiệm Obama: thỏa thuận về hạt nhân của Iran và chính sách "xoay trục” sang châu Á, chủ trương mà chính bà Hillary Clinton từng là một trong những kiến trúc sư. Đấy chắc chắn sẽ không phải là những vấn đề nhạy cảm duy nhất mà Tổng thống mới phải điều hành: xung đột Syria, các thỏa thuận về khí hậu hay các mối quan hệ với Nga, cũng sẽ đè nặng trên chương trình nghị sự của D. Trump. Tuy nhiên, vị trí của hồ sơ về Iran và “xoay trục” sang châu Á sẽ xác định hướng chung trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ dưới thời D. Trump.

Vấn đề hạt nhân của Iran

Thỏa thuận về hạt nhân của Iran đã làm thay đổi căn bản bức tranh ngoại giao và chiến lược tại Trung Đông. Bằng cách chuẩn hóa quan hệ Mỹ-Iran trên một nền tảng dù không vững chắc, thỏa thuận này đã nới lỏng các mối quan hệ giữa Washington và Riyadh, đồng thời nó cũng xem xét lại một cách chi tiết từng yếu tố của các cuộc đấu tranh quyền lực và xung đột ngoại giao khác trong khu vực - một hướng tiếp cận mà các nhân vật chủ chốt khác hiểu rất rõ, trong khuôn khổ các chương trình bán vũ khí chẳng hạn.

Trong một khu vực bị giằng xé bởi bất ổn (xung đột Syria, cuộc chinh phục của các lực lượng vũ trang tại Iraq, sự nổi lên của lực lượng người Kurd, chiến tranh ở Yemen, các thách thức về người di cư ở Liban, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ, bất ổn ở Pakistan và Afghanistan...), thỏa thuận về hạt nhân của Iran đã cho phép Washington có được một biên độ cơ động ngoại giao và quân sự. Với việc đẩy ra xa viễn cảnh một Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, Mỹ ít có khả năng bị cuốn một cách miễn cưỡng vào một cuộc xung đột lớn. Bằng cách từ chối tuân theo các đòi hỏi cực đoan nhất của Israel hay Saudi Arabia, Chính quyền Obama đã nêu rõ các đối tác của Mỹ cần Washington hơn là ngược lại. Vì thế, nếu cuộc xung đột này hay cuộc xung đột khác trong khu vực diễn biến xấu đi nhiều thì Washington bây giờ có thể "quản lý sự leo thang", tức là, chơi bài đàm phán vào thời điểm mà trước đây từng là lúc phải viện tới sức mạnh quân sự và răn đe.

Với tư cách một ứng cử viên, Donald Trump có thể cho phép mình chỉ trích các thỏa thuận như là "được thương lượng một cách tồi tệ, không có lợi". Nhưng ở cương vị là người đứng đầu nhà nước, ông sẽ khó mà đấu tranh để bãi bỏ các thỏa thuận này mà không tái cam kết mạnh mẽ hơn về kinh tế, quân sự và ngoại giao, tại Trung Đông. Trong trường hợp thỏa thuận bị phá bỏ, Iran có thể khởi động lại chương trình hạt nhân của mình và các đồng minh của Mỹ trong khu vực, ngờ vực về bất kỳ một sự đảo ngược nào, sẽ yêu cầu thêm những đảm bảo, đặc biệt là mức độ tấn công (người ta nghĩ đến một cuộc đột kích của Israel vào các cơ sở của Iran). Đối với các đối tác khác của thỏa thuận - các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Đức và Liên minh châu Âu - một sự lùi lại sẽ kéo theo các cuộc đàm phán mới, khó khăn, về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iran và chính sách thực hiện trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực.

Nói cách khác, việc xem xét lại kỹ càng sẽ đòi hỏi một tư thế mới, tích cực hơn, mang tính quyết đoán hơn, với sự can dự nhiều hơn của Mỹ mặt quân sự tại một khu vực còn lâu mới đạt được bình yên. Sự "trở lại với thời kỳ của Tổng thống Bush" có nguy cơ không được lòng dân trong một quốc gia mệt mỏi với những cuộc chiến xa xôi và tốn kém, được tiến hành ở Iraq và Afghanistan.

Chính sách “xoay trục” sang châu Á

Trong chiến dịch tranh cử, ứng cử viên đảng Cộng hòa cũng đã chỉ trích trực tiếp hai trụ cột trong chính sách châu Á của Chính quyền Obama: các hiệp định thương mại tự do, bao gồm Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và các liên minh quân sự của Mỹ trong khu vực. Những hiệp định thương mại tự do sẽ làm suy yếu ngành công nghiệp Mỹ và ảnh hưởng tiêu cực đến công ăn việc làm tại Mỹ trong khi các liên minh quân sự của Mỹ trong khu vực tạo điều kiện cho các đồng minh Mỹ được bảo đảm an ninh một cách miễn phí hoặc gần như miễn phí. Đó cũng là những lý lẽ chính của hai vị cố vấn của Trump, Alexander Gray và Peter Navarro, các tác giả một bài báo lên án chính sách “xoay trục” sang châu Á của Obama là thiếu sự vững chắc.

Cả hai lập luận này không có sức thuyết phục. Ngoài khuôn khổ do TPP mang lại, khu vực Thái Bình Dương, vốn là động cơ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu, sẽ có thể hướng sự tăng cường trao đổi thương mại trong khu vực trên một cơ sở khác. Do đó, Trung Quốc đang thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do của riêng mình, ít chú ý hơn tới các vấn đề chẳng hạn như sở hữu trí tuệ so với TPP... Sau đó, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đóng góp đáng kể vào việc tài trợ cho sự hiện diện và hoạt động quân sự của Mỹ trên lãnh thổ của hai quốc gia này. Trái với những gì Trump tuyên bố trong chiến dịch tranh cử, sự sắp xếp hiện tại cho phép Washington duy trì một ảnh hưởng quan trọng đến những lựa chọn quốc phòng của Seoul và Tokyo cũng như ảnh hưởng lớn đến tiến triển chiến lược tại khu vực, với một khoản chi phí tương đối hợp lý.

Trên thực tế, dù logic của vấn đề “xoay trục” sang châu Á của Obama có được bảo tồn hay không thì Chính quyền Trump sẽ phải có cách tiếp cận chủ động tại châu Á. Việc bãi bỏ các cuộc đàm phán về TPP sẽ đòi hỏi phải có một sự thay thế, điều này sẽ gây khó cho nền kinh tế khi đàm phán với trực tiếp với Trung Quốc, khi ấy Bắc Kinh sẽ có được một vị thế mạnh. Và lúc bấy giờ Trump sẽ rất khó khăn trong việc bảo vệ Mỹ với một khả năng duy nhất có được là "nhà đàm phán khôn khéo tuyệt vời". Trump có thể hy vọng đạt được gì từ Bắc Kinh bằng sự kiên quyết, nếu ông không thể cung cấp cho các công ty của Mỹ và các quốc gia châu Á khác một sự thay thế cho các khoản đầu tư của Trung Quốc?

Không đầu tư cho các liên minh với Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ phải trả giá đắt, nhưng trấn an Tokyo và Seoul cũng đòi hỏi sự cam kết các nguồn lực mới. Đặc biệt đối với Triều Tiên, dường như là không tưởng khi đòi hỏi Bình Nhưỡng đơn phương từ bỏ chương trình hạt nhân của nước này. Tại sao Bình Nhưỡng vốn đã giành lấy sức mạnh hạt nhân bất chấp các biện pháp trừng phạt quốc tế nghiêm khắc nhất, nay lại từ bỏ lợi thế của mình mà không đổi lấy những nhượng bộ đáng kể?

Các tranh chấp ở Biển Đông cũng đang bước vào một giai đoạn mới. Cho đến giữa năm 2016, Mỹ đã có thể bảo vệ các nguyên tắc pháp lý trong khu vực, với các chương trình hoạt động đặc biệt của lực lượng hải quân Mỹ cùng các cam kết ngoại giao phù hợp với công ước quốc tế được công nhận (cụ thể là UNCLOS). Với việc không đưa ra lập trường chính thức về vấn đề tranh chấp chủ quyền, Washington có thể ứng phó với các tranh chấp trong khu vực một cách chừng mực và vẫn đứng vững trong quan điểm đó để “quản lý leo thang”. Tuy nhiên, tình hình đã trở nên phức tạp hơn. Thứ nhất, vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS theo đề nghị của Manila đã đưa ra tuyên bố bác bỏ hiệu lực của hầu hết các yêu sách của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc thẳng thừng tuyên bố bác bỏ phán quyết này dù cho bản án của Tòa Trọng tài có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Washington do đó không thể bảo vệ các nguyên tắc của pháp luật mà không bảo vệ bản án - và do đó phản đối Bắc Kinh. Hơn nữa, Tổng thống mới nắm quyền của Philippines, ông Rodrigo Duterte, đã làm đảo lộn quan hệ giữa Manilla và Bắc Kinh cũng như với Washington. Trong vòng chưa đầy hai tháng, Duterte tạo ra một khoảng cách đáng kể với Washington và tiếp cận gần gũi hơn với Bắc Kinh, đối tác mà Duterte đã nhận 24 tỷ USD thông qua các thỏa thuận thương mại và các khoản vay nhân chuyến thăm cấp nhà nước diễn ra vào giữa tháng 10 vừa qua.

Hiện nay, Washington ở vào thế không thể né tránh cuộc tranh cãi pháp lý vốn đang gây khó chịu cho Bắc Kinh cũng như không thể dựa vào sự hỗ trợ vĩnh viễn của các đồng minh ở vị thế không thuận lợi tại Đông Nam Á. Ngoài Philippines, quan hệ của Mỹ với Thái Lan cũng đã có nhiều tổn thất kể từ cuộc đảo chính vừa qua; Malaysia đã tiến gần hơn về phía Trung Quốc trong lĩnh vực cung cấp thiết bị quân sự; Indonesia muốn trở thành một quyền lực địa chính trị độc lập và có nhu cầu với các khoản đầu tư của Trung Quốc...

Kết luận

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa chỉ trích Chính quyền Obama chủ yếu là vì không đặt lợi ích của Mỹ ở vị trí hàng đầu trong những ưu tiên của mình, và bảo vệ lợi ích của Mỹ với quá ít sự chắc chắn. Từ thời điểm hiện tại cho đến tháng 1/2017, sẽ có thêm nhiều thông tin cho thấy đường hướng mà Trump sẽ lựa chọn để xác định chính xác hơn mục tiêu của chính quyền mới. Cuộc bầu cử có nhiều bất ngờ vừa qua cho thấy phải cẩn thận khi tin tưởng thái quá vào một số tờ báo. Tuy nhiên hiện nay có thể có một ấn tượng đầu tiên: Để đảm bảo sự thống nhất tối thiểu với nền tảng chiến dịch tranh cử của mình và tạo sự hỗ trợ quan trọng tại Quốc hội, ông chủ mới của Nhà Trắng dường như sẽ tuyên bố có những khác biệt đối lập với người tiền nhiệm và khẳng định mình một cách cứng cỏi.

Về chính sách đối ngoại, sự khác biệt giữa hai chính quyền - chừng nào điều đó thực sự diễn ra - sẽ có thể được hiện thực hóa trong những lĩnh vực không được chờ đợi. Thỏa thuận về hạt nhân của Iran sẽ là thước đo đầu tiên đối với chính sách đối ngoại của Trump. Nếu thỏa thuận được bảo lưu về cơ bản, điều này sẽ cho thấy một cách khá rõ ràng rằng Tổng thống mới là một người “thực dụng”, như Obama hy vọng. Còn nếu những thành tựu bị phá bỏ, và Trump sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng, điều ông từng được cảnh báo về sự nguy hiểm. Ở giữa hai khả năng này, Trump sẽ chứng tỏ một cách tiếp cận trong từng trường hợp cụ thể, một cách tiếp cận còn những lưỡng lự, không chắc chắn và hướng về việc trao đổi trong nội bộ hơn là hướng ra những đối tác bên ngoài. Tại châu Á, "chính sách cứng rắn" mà ê kíp của Trump dường như đã thúc đẩy, sẽ chỉ có thể mang đến một sự thay thế cho các thỏa thuận thương mại và một sự thay thế cho các áp lực từ Trung Quốc trong chừng mực chính sách ấy được xây dựng trong một tầm nhìn tương lai mà mỗi đối tác của Washington tìm thấy lợi ích của mình ở đó. Nói cách khác, trục xoay này có thể ẩn giấu trục xoay khác./.

Theo Grip.org (ngày 18/11)

Lê Sơn (gt)