trump amerca first.jpg


Trong các bữa tiệc chiêu đãi chính thức, sẽ chẳng có gì ngạc nhiên khi đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - hoặc có thể là cả phu nhân của ông là bà Bành Lệ Viện - sử dụng đũa của mình để tiếp thức ăn cho Tổng thống Mỹ. Henry Kissinger, trong một cuốn sách viết về Trung Quốc, đã nhắc lại cách các hoàng đế Trung Quốc thời xưa sử dụng hành động đó để thể hiện cho các vị khách của họ thấy vẻ lịch sự cũng như vị trí thống trị của mình. Điều trùng hợp là một trong những bức ảnh mà Kissinger chọn cho cuốn sách nói trên của ông cho thấy đích thân Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã tiếp thức ăn cho ông theo đúng phong cách đó.

Trên thực tế, đã rất nhiều lần Trung Quốc chào đón những vị tổng thống Mỹ hoặc các quan chức cấp cao khác của Mỹ đến thăm nước mình bằng những hành động phô trương sức mạnh quân sự. Chính vì vậy, năm 1998, khi đến thăm Trung Quốc, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton - từng thể hiện năng lực cũng như quyết tâm của Mỹ thông qua việc phái nhóm tàu sân bay USS Nimitz đi qua Eo biển Đài Loan, còn nhóm tàu sân bay USS Independence trấn giữ khu vực phía đông hòn đảo Đài Loan trong cuộc Khủng hoảng Eo biển Đài Loan năm 1995-1996 - đã nhận ra một điều là Mỹ cần phải quay trở lại thân thiện với Trung Quốc. Mặc dù đã được cảnh báo rằng ông sẽ được thuyết phục hoặc bị đe dọa phải nhượng bộ trong vấn đề Đài Loan trong chuyến công du Trung Quốc năm đó, song cựu Tổng thống Bill Clinton đã không thể cưỡng lại được những lời thúc giục cải thiện mạnh mẽ mối quan hệ Trung-Mỹ. Trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc khi đó là Giang Trạch Dân, Bill Clinton đã tuyên bố "3 không" gây bất lợi cho Đài Loan: không độc lập, không có hai nước Trung Quốc và không có "một Trung Quốc/một Đài Loan".

Chắc chắn, ông Donald Trump sẽ phải chịu những áp lực tương tự cả từ phía Trung Quốc lẫn những nhân vật như Kissinger, người luôn kêu gọi Washington nỗ lực hơn bao giờ hết để xoa dịu các nhà lãnh đạo Trung Quốc dưới danh nghĩa "không nên làm tổn thương người dân Trung Quốc". Có ý kiến cho rằng Mỹ chỉ cần đưa ra những phát biểu hoặc cử chỉ mang tính biểu tượng là có thể xoa dịu Bắc Kinh mà không khiến Mỹ hay "người bạn dân chủ" của Mỹ là Đài Loan bị tổn hại. Tuy nhiên, nhận thức đó hoàn toàn sai lầm. Bất kỳ sự nhượng bộ mang tính biểu tượng nào của Mỹ cũng sẽ bị Bắc Kinh, Đài Bắc và nhiều nước khác ở châu Á coi là dấu hiệu chứng tỏ sự yếu kém của Mỹ và cam kết của Mỹ đối với Đài Loan đã suy yếu.

Tổng thống Trump không nên đưa ra những phát biểu xuề xòa về Đài Loan, và chắc chắn càng không nên nghĩ tới việc đưa ra thông cáo thứ 4 về Đài Loan bởi ba thông cáo đầu đã đủ gây tổn hại cho Đài Loan. Thay vào đó, ông Trump nên chuẩn bị để "phủ đầu" Bắc Kinh bằng một số tuyên bố ủng hộ Đài Loan. Ông nên hành động giống người tiền nhiệm Bill Clinton bằng cách tuyên bố một loạt "3 không" mới, nhưng lần này "3 không" đó nhằm trực tiếp vào Trung Quốc: không sử dụng vũ lực hoặc sự ép buộc đối với Đài Loan, không cản trở Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế, không mua chuộc hoặc ép buộc các nước cắt đứt quan hệ với Đài Loan.

Ngoài ra, ông Trump cũng có thể đưa ra "3 không" khác cho Trung Quốc, đó là: không được tiếp tục "chống lưng" chế độ ở Triều Tiên và không được tiếp tục giúp đỡ chương trình hạt nhân cũng như tên lửa của Bình Nhưỡng; không được tiếp tục đưa ra những tuyên bố bất hợp pháp và quyết ở Biển Đông và Biển Hoa Đông; không được tiếp tục truyền bá các thông điệp chống Mỹ ở trong và ngoài nước. Nếu làm được như vậy, chuyến công du Trung Quốc của Trump tới đây sẽ phá vỡ được tiền lệ và giúp thúc đẩy các lợi ích của Mỹ, Đài Loan cũng như khu vực.

Theo “National interest

Nhật Linh (gt)