Ông Aquino nói “chúng ta không mong muốn gây căng thẳng với bất kỳ ai, nhưng chúng ta phải để cho thế giới biết rằng chúng ta sẵn sàng bảo vệ lãnh thổ của chúng ta” và chính quyền Manila sẽ không cho phép các quốc gia khác áp đặt ý muốn chủ quyền của mình lên lãnh thổ của PLP.

Sau khi chỉ trích rằng trong quá khứ, có những lúc PLP không có những đối đáp thích hợp trước các mối đe dọa ngay trên lãnh thổ của mình, TTh Aquino nhấn mạnh, “Thông điệp của chúng ta gửi thế giới rất rõ ràng. Cái gì của chúng ta là của chúng ta; đặt chân lên Recto Bank không khác gì đặt chân lên đại lộ Recto”. Recto Bank là tên gọi của PLP đối với một nhóm đảo nhỏ có tên gọi quốc tế là Reed Bank - tiếng Việt là Bãi Cỏ rong, nằm trong vùng Biển Đông mà Manila gọi là biển Tây PLP.

Trong thông điệp này, TTh Aquino cũng cho biết là vào tháng tới, một tàu tuần duyên của Mỹ sẽ được giao cho PLP và đây sẽ là chiến tàu lớn nhất của hải quân PLP.

Cũng liên quan đến Biển Đông, tại diễn đàn khu vực ASEAN - ARF, ở Bali ngày 23/7 vừa qua, NT Nhật Bản Takeaki Matsumoto hoan nghênh thỏa thuận đạt được giữa TQ và ASEAN liên quan đến bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Lãnh đạo ngoại giao Nhật Bản giải thích rằng, Tokyo coi trọng Biển Đông và vấn đề an toàn cho các hoạt động lưu thông của tàu bè thương mại đòi hỏi phải có sự ổn định tại khu vực biển này.

Ông Ken Jimbo, giáo sư thỉnh giảng thuộc đại học Keiko, Nhật Bản, được Kyodo trích dẫn, nhận định là quân đội, lực lượng ngư chính, hàng hải, tuần duyên của TQ sẽ không thay đổi lập trường, cũng như trong quá khứ họ đã làm và họ sẽ vẫn tỏ ra quyết đoán về chủ quyền. Họ chống lại việc gạt bỏ tranh chấp lãnh thổ để cùng nhau khai thác tài nguyên. Chuyên gia này cho rằng, Nhật Bản có thể can dự một cách gián tiếp vào cuộc tranh chấp giữa TQ và một vài nước ASEAN trong hồ sơ Biển Đông, qua việc giúp nâng cao khả năng tuần duyên và phát triển các cảng biển của Indonesia, VN và PLP. Ông nói “để ngăn ngừa xung đột trên biển, Nhật Bản có thể cung cấp cho các nước ĐNÁ một số thiết bị hiện đại như tàu tuần duyên và sử dụng viện trợ cho phát triển để nâng cấp các cơ sở hạ tầng cảng ở những nước này, nhờ vậy, các tàu hải quân Mỹ có thể ghé vào những cảng đó”.

Giáo sư Jimbo nhấn mạnh, chính quyền Tokyo nên tính tới sự giúp đỡ này, cho dù luật pháp Nhật Bản cấm xuất khẩu vũ khí và quy định không được sử dụng viện trợ công cho phát triển - ODA vào các mục đích quân sự. Thế những, đã có một ngoại lệ đối với việc cấm vận vũ khí. Vào năm 2006, Nhật Bản đã cung cấp cho Indonesia ba tàu tuần tra trong khuôn khổ ODA để giúp nước này chống hải tặc và khủng bố tại eo biển Malacca.

Theo chuyên gia Tomotaka Shoji, thuộc Học viện Nghiên cứu Quốc phòng Quốc gia Nhật Bản thì các va chạm giữa TQ và một số nước ĐNÁ ở Biển Đông còn tiếp tục, bởi vì Bắc Kinh sẽ không từ bỏ những yêu sách về chủ quyền và tìm cách mở rộng sự hiện diện của hải quân TQ trong khu vực. Ông cũng nghi ngờ là TQ và ASEAN có thể đạt được một bộ luật ứng xử ở Biển Đông mang tính ràng buộc. Lý do là vì TQ có thể tiếp tục thực hiện ý đồ thiết lập một sự kiểm soát trên thực tế đối với các vùng biển có tranh chấp.

Do đó, chuyên gia Shoji gợi ý là Tokyo có thể gián tiếp can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông thông qua liên minh với Mỹ về an ninh vì điều này sẽ có tác động to lớn về mặt chính trị và lịch sử, nếu như lực lượng phòng vệ Nhật Bản mở rộng tầm hoạt động của mình tại các vùng biển thuộc chủ quyền của Nhật Bản để ngăn chặn ảnh hưởng của TQ.

Trong một diễn biến có liên quan, theo tờ báo Quân giải phóng TQ trong những ngày hè mới đây, TQ đã tiến hành tập trận liên hợp giữa các lực lượng Hải quân, không quân, tàu ngư chính và lực lượng cảnh sát biển. Nội dung chủ yếu là phối hợp các lực lượng tấn công phản kích và cứu hộ cứu nạn, trong diễn tập sử dụng các loại máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu khu trục, lực lượng Ngư chính và Cảnh sát biển với mục tiêu nâng cao khả năng phản ứng nhanh phối hợp tác chiếc (thực tế là 15 phút sau khi phát hiện địch). Kết quả cuộc diễn tập đã hoàn thành 29 hạng mục huấn luyện và đúc kết được 15 loại hình tác chiến liên hợp mới giữa các lực lượng này.

 

 

 

Hoàng Anh (Tổng hợp)