Trong cuộc trả lời phỏng vấn ngày 16/4, Tổng thống Aquino đã bảo vệ những phát biểu của mình. Nhà lãnh đạo này đưa ra một tấm bản đồ Biển Đông và nói: “Có lẽ tình hình hiện này thậm chí còn tồi tệ hơn”. Tuy nhiên, ông Aquino nói thêm rằng ông chưa bao giờ có ý định chọc giận Trung Quốc bằng việc nói thẳng ý kiến của mình về vấn đề này. Nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh: “Tôi có thể đảm bảo với họ rằng đó không phải là một sự ưu tiên của tôi. Tôi không bắt đầu một ngày bằng việc suy nghĩ ‘làm thế nào để véo mũi những con người này?’ Hãy đặt bản thân bạn vào vị trí của tôi. Tôi phải bảo vệ lợi ích của đất nước tôi và các quyền lợi của người dân nước tôi. Tôi muốn xem xét các hành động của họ và tôi cũng đang làm như vậy”.

Tổng thống Aquino cũng nói rằng việc Philippines theo đuổi các mối quan hệ gần gũi với các nước có những lợi ích và mục tiêu chung với mình là một việc làm có ý nghĩa. 

Theo những tin tức trên các phương tiện thông tin truyền thông, khi các quan chức Philippines và Việt Nam gặp nhau hồi đầu năm nay, hai bên đã nhất trí về một tuyên bố chung trong đó tập trung vào vấn đề Biển Đông, bày tỏ sự quan ngại về “các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn” của Trung Quốc ở vùng biển này. Tuy nhiên, chưa có ngày tháng cụ thể cho việc ký kết hiệp ước này. Về vấn đề này, Tổng thống Aquino nói với phóng viên báo Bưu Điện Hoa Nam: “Chúng tôi thực sự chỉ đang xác định đó là gì… Chúng tôi đang vạch ra những chi tiết”. 

Việt Nam và Philippines có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông, giống như Trung Quốc, Malaysia, Brunei và Đài Loan. Trong cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ tại Cung điện Malacanang, Tổng thống Aquino với dáng vẻ thoải mái đã trả lời một loạt câu hỏi, nhưng trọng tâm vẫn là vấn đề Biển Đông. 

Philippines hiện có hai đối tác chiến lược là Mỹ và Nhật Bản, và cả hai đối tác chiến lược này của Manila đều đã chỉ trích Trung Quốc về những hành động theo chủ nghĩa bành trướng của họ ở Biển Đông. Khi được hỏi liệu Manila có khôn ngoan hay không khi thúc đẩy các mối quan hệ đối tác chiến lược với những quốc gia mà Trung Quốc luôn quan sát một cách thận trọng và cả quốc gia từng giao tranh với Trung Quốc, Tổng thống Aquino nói rằng đó không phải là hành động có chủ ý. Nhà lãnh đạo Philippines nhấn mạnh: “Chúng tôi có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và Nhật Bản trước khi Trung Quốc nhìn họ đầy nghi ngờ. Chúng tôi không thiết lập những quan hệ đối tác này với mục đích cuối cùng là thiết lập một liên minh chống lại ai đó”. Theo Tổng thống Aquino, những đối tác như vậy sẽ được thiết lập “nếu như ai đó cảm thấy chúng tôi có nhiều lợi ích chung với họ - những người có thể giúp chúng tôi đạt được những mục tiêu của chúng tôi, những mục tiêu quốc gia của chúng tôi”. 

Khi được hỏi liên minh giữa Philippines với Mỹ hữu ích như thế nào trong bối cảnh có những sự hạn chế nghiêm ngặt về một phản ứng vũ trang của Mỹ theo Hiệp ước phòng thủ song phương Philippines-Mỹ, Tổng thống Aquino trả lời: “Tôi không thể trả lời câu hỏi đó theo kiểu nói với họ là người Mỹ đã và đang giúp đỡ chúng tôi như thế nào. Chúng tôi không thiết lập những đối tác này với mục đích cuối cùng là chống lại ai đó. Ví dụ, trong sự nhận thức về lãnh thổ trên biển”. Khi được đề nghị giải thích cụ thể hơn, Tổng thống Aquino trả lời: “rồi bạn sẽ biết điều gì đang xảy ra ở các vùng biển của bạn”. 

Sự hỗ trợ của Mỹ cho nhận thức về các vấn đề trên biển đã lần đầu tiên được đưa vào Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) mà Manila đã ký với Washington cách đây một năm. EDCA không đề cập đến cuộc xung đột của Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, khi đó Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario nói rằng EDCA được ký kết là nhằm đáp lại “sự tiến triển nhanh chóng của cấu trúc khu vực” vốn đòi hỏi “việc tăng cường an ninh hàng hải và sự nhận thức về lãnh thổ trên biển” và nhiều vấn đề khác. 

Ngoại trưởng Del Rosario, người có mặt trong cuộc phỏng vấn của tờ báo này, cũng nói rằng Manila đang dự kiến đưa vụ kiện của họ ra trước một tòa trọng tài đặc biệt theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển vào tháng 7 tới. Một quyết định có thể được thực hiện trong vòng 6 tháng hoặc vào đầu năm tới. 

Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện. Khi được hỏi mục đích của Philippines là gì trong việc giành được một quyết định mà Trung Quốc có thể sẽ không tuân theo, Tổng thống Aquino đã cảnh báo rằng nếu như Trung Quốc phớt lờ một phán quyết của tòa án ủng hộ Manila, thì điều đó sẽ gây ra một ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia khác. 

Trả lời câu hỏi liệu có bất kỳ hoàn cảnh nào mà theo đó Philippines sẽ xem xét rút khỏi vụ phân xử như Trung Quốc đã kêu gọi họ làm như vậy hay không, Tổng thống Aquino nói: “Dựa trên thực tế là chúng tôi đang chờ đợi một quyết định vào năm nay hoặc đầu năm tới, và nếu chúng tôi phải quay trở lại tình trạng không chắc chắn, thì tôi nghĩ đó là điều phỉ báng quyết định ban đầu về việc xem xét phương thức giải quyết cuối cùng đối với mớ hỗn độn này”. 

Khi được hỏi về khả năng liệu bản thân ông Aquino có chút do dự nào không trong việc theo đuổi vụ phân xử cho đến khi có kết luận cuối cùng, Tổng thống Aquino đã trả lời rằng ngay cả trong trường hợp chính phủ của ông và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận song phương về vấn đề này, thì bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ gần như là vô ích bởi vì ngoài Philippines và Trung Quốc vẫn còn có 4 bên khác cũng có tuyên bố chủ quyền ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông. Ông đặt câu hỏi: “Làm sao mà chúng tôi có thể có được một thỏa thuận được 4 bên khác chấp nhận? Vì vậy, có lẽ có một thỏa thuận giữa 6 bên. Và khi thỏa thuận đó được ký kết thì có lẽ không cần phân xử”. Tuy nhiên, Tổng thống Aquino tỏ ý rằng thỏa thuận đó còn lâu mới đạt được. Ông: “Đó không phải là một thỏa thuận cho phép chúng ta đặt lên bàn mọi thứ và thảo luận điều này liên tục trong 10 thế hệ tới. Ai sẽ nhất trí với điều gì đó như vậy?”. 

Tổng thống Aquino cũng tỏ ý đánh cược lớn vào cuộc chơi mà Philippines đang tham gia. Sự quan tâm của quốc tế hiện nay đang đổ dồn vào những nỗ lực cải tạo đất lấn biển nhanh chóng của Trung Quốc nhằm xây dựng một đường băng ở bãi đá ngầm Mischief (Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc gọi là Mỹ Tế Tiêu). Và Tổng thống Aquino nói ông đang có trong tay những báo cáo nghiêm túc về khả năng xảy ra một cuộc xâm chiếm bất ngờ của Trung Quốc tại đảo Pagasa (Việt Nam gọi là đảo Thị Tứ) mà Manila đang chiếm giữ, đây là những báo cáo mà Bắc Kinh chính thức phủ nhận. Tổng thống Aquino nhấn mạnh, các kế hoạch bất ngờ đã được họ lập sẵn. 

Khi được đề nghị đánh giá về khả năng Trung Quốc có thể tiến hành cải tạo đất và lấn biển tại nhiều bãi đá ngầm và bãi cạn hơn nữa ở các vùng biển tranh chấp, Tổng thống Aquino nói: “Tôi sẽ hô hào giống như những người kích động dân chúng. Nhưng liệu tôi có thể chỉ nói suông thôi không? Tôi cho là không thể như vậy. Vì tôi không thấy sự hợp lý trong hành động của họ. Do đó, tôi hy vọng rằng sự hợp lý và lẽ phải sẽ thắng thế. Bởi vì không có lợi ích, tại sao cứ phải lao vào những thứ như vậy?”. 

Tổng thống Aquino cũng nói thêm rằng việc thúc đẩy sự ổn định trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông – một tuyến đường chiếm hơn 40% thương mại thế giới - nằm trong lợi ích của Trung Quốc, bởi vì không làm như vậy sẽ không giúp Trung Quốc cải thiện được nền kinh tế của riêng họ. 

Khi Tổng thống Aquino được hỏi rằng ông có thông điệp nào chuyển tới nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hay không, nhà lãnh đạo Philippines nói: “Tôi thực sự muốn hỏi ông ấy là hãy đặt bản thân ngài vào vị trí của chúng tôi, có lẽ là ngay cả ở vị trí của Việt Nam, và ngài sẽ phản ứng như thế nào trước những thách thức đang xảy ra ở Biển Đông? Xin hãy đặt bản thân mình vào vị thế của chúng tôi”. Và khi đó, hi vọng là chúng tôi sẽ có thể đạt được một mối quan hệ tốt hơn, đặc biệt là với những vấn đề gây ra bất đồng này. Có lẽ, chúng ta cũng nên tập trung vào thực tế là ở một mức độ lớn, đây là vấn đề gây bất đồng duy nhất giữa các mối quan hệ của chúng ta. Và tôi nghĩ loại bỏ điều đó thực sự là một mục tiêu quan trọng”./.

Theo The China South Morning Post

Thùy Anh (gt)