Những người phê phán Chính quyền Obama cáo buộc việc ông ra lệnh cho các cơ quan tình báo tiến hành “điều tra toàn diện” Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ rồi sau đó trục xuất các nhà ngoại giao Nga, đóng cửa một số cơ sở “ngoại giao” của Nga ở Mỹ là nhằm đẩy người kế nhiệm Donald Trump vào tình cảnh khó xử, dễ bị tổn thương trong quan hệ với Nga thời gian tới. Bằng cách này, ông Obama mạo hiểm cho Tổng thống Putin cơ hội hủy hoại niềm tin vào nền dân chủ Mỹ mà không có bằng chứng nào cho thấy nhà lãnh đạo nước Nga đã tác động đến kết quả bầu cử. Hơn nữa, quyết định trên của ông Obama diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ bị coi là mềm yếu, thiếu quyết đoán trước Tổng thống Nga Vladimir Putin khi để Nga xâm chiếm Crimea.

Tổng thống Obama có vẻ như muốn “định hình” ông Trump hơn là việc theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn hay vì lợi ích quốc gia của Mỹ. Tương tự như vậy, ông Obama đã thực thi, hoặc ít nhất là không phản đối hay phong tỏa một điều khoản để cột chặt người kế nhiệm trong mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc thời gian tới. Nói cách khác, ông Obama đã “cài đặt” những khó khăn để ông Trump không có điều kiện hòa hợp với Trung Quốc.

Những bước đi của ông Obama liên quan đến Trung Quốc trong những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ khác hẳn đối với Nga, chủ yếu khởi nguồn từ Quốc hội và mang bản chất pháp lý. Ở một chừng mực nào đó, điều này còn tệ hơn việc ông Obama phát đi các lệnh chống Nga vì không dễ gì phớt lờ hoặc xóa bỏ các điều luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua.

Một trong số đó là điều khoản mới được bổ sung vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA), cho phép quân đội Mỹ tập trận quân sự và tiến hành trao đổi đoàn sĩ quan cấp cao với Đài Loan. Các chuyến viếng thăm dự kiến sẽ tăng 50% trong năm 2017. Tổng thống Obama ký bổ sung Đạo luật mới này chỉ ba tuần trước khi ông rời nhiệm sở. Quyết định này hiển nhiên không phù hợp với chính sách của Mỹ với Trung Quốc và Đài Loan. Khi thăm Bắc Kinh hồi năm 2009, ông Obama từng đồng tình với lãnh đạo Trung Quốc rằng Đài Loan là “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh và ngay sau đó quyết định giảm cam kết với Đài Loan, nếu không muốn nói là "bỏ bẵng" hòn đảo này.

Đài Loan dĩ nhiên vui mừng trước việc Tổng thống Mỹ ký ban hành NDAA mới, dù một số chuyên gia ở Đài Bắc cho rằng hành động đó là “quá nhỏ, quá chậm” và có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng đối với Đài Loan. Ở chiều hướng khác, hành động đó khiến lãnh đạo Trung Quốc giận dữ, bực tức vào thời điểm quân đội Trung Quốc đang “nôn nóng” với Đài Loan. Hơn nữa, bước đi này có thể đẩy ông Trump vào thế đối đầu với Quốc hội - đầu mối giành sự ủng hộ đáng kể với Đài Loan. Điều đó sẽ tạo ra thế bế tắc khi Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ muốn tìm kiếm quan hệ hữu hảo với Trung Quốc và thậm chí có thể cản trở một thỏa thuận thương mại mà ông Trump mong muốn.

Nhiều câu hỏi được đặt ra với quyết định của ông Obama. Liệu quyết định này có mang lại điều gì tốt đẹp? Điều phối Đại chiến lược giữa quân đội Mỹ và Đài Loan liệu có được tăng cường? Liệu có cần phải làm vậy hay không? Chính sách của Mỹ bấy lâu nay luôn kiềm chế Đài Loan phát triển tiềm lực tấn công nhằm vào Trung Quốc nhằm chặn Đài Loan phát động một cuộc chiến. Việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan phản ảnh xu thế này. Đó là kiểu chính sách mù mờ chiến lược. Bước thay đổi mới, tăng cường tiếp xúc với Đài Loan, liệu có đóng góp cho lợi ích nước Mỹ hay hòa bình tại khu vực? Chắc chắn là không. Rõ ràng ông Obama đã đẩy vấn đề Đài Loan thành điểm căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung và điều đó nhằm cản trở tiến trình của người kế nhiệm Trump.

Điểm thứ hai liên quan đến điều luật mới về chống tuyên truyền, cụ thể là Đạo luật chống tuyên truyền và thông tin sai lệch, cũng được ông Obama ký thông qua trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng. Giới quan sát cho rằng đạo luật này có thể “tạo bối cảnh” cho một cuộc chiến về ý tưởng với Trung Quốc và đẩy chính quyền của ông Trump vào thế nhỡ nhàng khi phải đối mặt với những vấn đề không thực sự ưa thích. Đạo luật này nhận được nguồn tài chính đặc biệt trị giá 800 triệu USD, dùng để huấn luyện giới báo chí, hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ, các trung tâm nghiên cứu độc lập, các công ty tư vấn chuyên về giải mã thông tin sai lệch. Nó sẽ tạo ra đà rất khó kiểm soát.

Ông Chris Murphy, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Connecticut và là người đồng dự thảo luật, đã nhấn mạnh “mối đe dọa” Trung Quốc trong thời gian thảo luận về dự luật. Đồng thời, giới học giả Trung Quốc xem dự luật này như một câu lạc bộ chống Trung Quốc. Thời điểm thông qua dự luật cũng cho thấy đích nhắm tới là Trung Quốc. Ông Obama ký thông qua ngay sau khi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc thông báo quyết định đổi tên thành Mạng lưới truyền hình Toàn cầu Trung Quốc nhằm củng cố diện phủ sóng. Trước đó, có thông tin cho rằng chính quyền Bắc Kinh đã thông qua khoản tài chính trị giá 6,5 tỉ USD để truyền tải hình ảnh, thông điệp của Trung Quốc ra nước ngoài.

Sâu chuỗi những động thái trên, có thể thấy ông Obama tuy cam kết hợp tác với người kế nhiệm để tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra êm thấm, nhưng hành động của ông thì ngược lại. Rõ ràng, ông Obama đã tiến hành các bước đi ngoại giao với hai quốc gia quan trọng nhất trên thế giới theo cách gây thách thức cho ông Trump.

Theo "IPP Review"

Anh Thư (gt)