Trong khi Tổng thống Mỹ Barrack Obama hủy chuyến thăm đã được lên kế hoạch từ trước tới Đông Nam Á vào thứ 6 tuần này, thì Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố về chuyến thăm của mình tới Thái Lan, Việt Nam cũng như sẽ tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khu vực tại Brunei. Chuyến thăm của Thủ tướng Lý bổ sung cho các chuyến đi sắp tới của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Indonesia, Malaysia và hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương tại Bali, tại đây ông Tập sẽ thay thế ông Obama trở thành nhân vật quan trọng nhất của hội nghị.

Mặc dù chuyến đi của ông Lý đã được lên kế hoạch trước khi Tổng thống Obama hủy chuyến thăm của mình, tuy nhiên những hoạt động tấp nập của hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc càng củng cố vững chắc hơn nữa vị trí của nước này ở khu vực và rằng chiến lược “xoay trục” của ông Obama chỉ là mục tiêu mang tính ngoại giao. Trong khi ông Tập và ông Lý chủ yếu muốn thúc đẩy quan điểm của Đảng Cộng sản cầm quyền về hình ảnh “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc và ca tụng về những lợi ích của một cường quốc kinh tế đối với phần còn lại Châu Á, thì ẩn ý của họ sẽ là loại bỏ dần ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia láng giềng của Trung Quốc.

Khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tham dự các hội nghị với các nhà lãnh đạo của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào tuần tới, có thể ông sẽ tập trung vào những nỗ lực của Trung Quốc trong việc mở rộng tự do thương mại khu vực. Trên mặt trận ngoại giao, một số nhà lãnh đạo các nước ASEAN đều mong muốn đẩy cao vấn đề hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng Xử (COC) tại Biển Đông đã bị trì hoãn từ lâu giữa Trung Quốc và ASEAN. Yêu sách quyết đoán của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông gây ra những xung đột về tranh chấp đảo với một số quốc gia ASEAN, đáng chú nhất là Việt Nam và Philippines. Trong khi 10 nước ASEAN đã đạt được sự đồng thuận về Bộ Quy tắc Ứng xử thì Trung Quốc lại không hề tỏ rõ mong muốn chấp thuận một bộ quy tắc mang tính ràng buộc thay thế cho tuyên bố ứng xử hiện nay. Trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông Indonesia và Malaysia cũng như trong bài phát biểu trước các nhà chính trị Indonesia, ông Tập đã không đề cập đến Bộ Quy tắc mặc dù đã có những câu hỏi trực tiếp dành cho ông về những tranh chấp của Trung Quốc tại Biển Đông.

Ông Tập - sẽ có bài phát biểu về những đổi mới kinh tế của Trung Quốc tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tuần này - chỉ nói rằng Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp “thông qua tham vấn và đàm phán hữu nghị”. Cheng Xiaohe, chuyên gia về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Nhân dân tại Bắc Kinh phát biểu với DPA rằng “Việc chấp thuận Bộ Quy tắc nghĩa là Trung Quốc phải chấp nhận tình thế hiện tại ở Biển Đông, một tình thế mà Trung Quốc không hề mong muốn,” Trung Quốc vẫn nghiêng về đàm phán song phương với từng quốc gia yêu sách hơn là đa phương.

Ông Cheng cũng cho rằng “Cả Philippines và Việt Nam đều yếu hơn so với Trung Quốc. Vì vậy họ muốn cùng với ASEAN với tư cách là một khối đàm phán với Trung Quốc.” Trung Quốc cũng mong muốn nguyên tắc không can thiệp nằm trong Bộ Quy tắc Ứng xử. Ông Cheng cho rằng “Tất nhiên điều đó ám chỉ không những Mỹ không được can thiệp mà còn đối với cả Nhật Bản, Ấn Độ và Úc.”

Theo ông Cheng thì “Tình huống tồi tệ nhất [đối với Trung Quốc] là khiến cho tất cả các bên liên quan có lợi ích dính líu vào vấn đề tranh chấp và trở thành một nhóm chống lại Trung Quốc.” Dưới thời Obama, Washington tuyên bố Hàn Quốc, Úc, Philippines và Thái Lan sẽ tiếp tục là 5 đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Châu Á - Thái Bình Dương. Trung Quốc cực kỳ giận dữ trước hành động Mỹ ủng hộ các yêu sách của Philippines và Nhật Bản đối với các hòn đảo tranh chấp với Trung Quốc.

Tờ Văn Hối của Hông Công đã đăng tải một bài bình luận vào tháng 7 với tiêu đề “Sáu cuộc chiến mà Trung Quốc phải tiến hành trong vòng 50 năm tới.” Bài bình luận hiếu chiến này không thể hiện quan điểm của bất kỳ quan chức cấp cao hay lãnh đạo quân đội của Trung Quốc, nhưng nó cho thấy chiến tranh có thể sẽ nổ ra ở Biển Đông trong vòng 10 đến 15 năm nữa, cuộc chiến đầu tiên là đối với Đài Loan, hòn đảo mà Đảng Cộng sản Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai.

Trong bài phát biểu về mối quan hệ Trung - Mỹ tại Viện Brookings, Washington vào ngày 20/9/2013, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đề cập đến mong muốn của Trung Quốc về sự “thống nhất hoàn toàn” đối với Đài Loan. Ông Vương cho rằng: “Trong nhiều năm, vấn đề Đài Loan luôn là trở ngại trong quan hệ Trung - Mỹ, nó làm xói mòn niềm tin và phá hỏng sự hợp tác giữa hai bên. Washington cần tôn trọng những nỗ lực của Trung Quốc trong việc phản đối sự ly khai và mong muốn thống nhất Đài Loan trong hòa bình.”

Theo ông Vương thì lãnh đạo Trung Quốc muốn hợp tác với Mỹ nhưng hai bên cần phải “tôn trọng và thừa nhận những lợi ích và quan ngại của nhau tại Châu Á - Thái Bình Dương. Ông Vương phát biểu rằng: “Chúng tôi chưa bao giờ có kế hoạch loại bỏ Mỹ ra khỏi khu vực.”

Ông Vương cũng cho rằng “Hơn thế, chúng tôi còn mong muốn Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực trong việc gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển tại Châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực  này là cội nguồn quốc gia của Trung Quốc từ ngàn năm nay.” Các thành viên ASEAN như Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam đều có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Các thành viên ASEAN khác là Thái Lan, Lào, Campuchia, Singapore, Indonesia và Myanmar không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.

Theo Deutsche Presse-Agentur/Business Recorder

Trần Quang (dịch)