Theo AFP, ngày 8/6, tại buổi lễ hưởng ứng Ngày đại dương thế giới và Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam 2011 tại Nha Trang, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định Việt Nam quyết tâm bảo vệ chủ quyền không thể chối cãi của mình tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa trên Biển Đông. Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói thêm rằng Việt Nam có đủ ý chí và sức mạnh để bảo vệ biển, đảo thuộc chủ quyền của mình. Thủ tướng Việt Nam cũng kêu gọi giữ vững quyết tâm của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước. Theo giới quan sát, phát biểu công khai đầu tiên của nhân vật quyền lực nhất trong bộ máy nhà nước cộng sản Việt Nam liên quan đến các hành động gây hấn của Trung Quốc tại Biển Đông cho thấy tính nghiêm trọng của vấn đề và làm gia tăng cuộc khẩu chiến với Trung Quốc .

Cùng ngày 9/6, hãng thông tấn DPA của Đức cũng trích đăng phát biểu của Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh rằng Việt Nam sẵn sàng hy sinh mọi thứ để bảo vệ quê hương và chủ quyền ở biển, đảo.

Trong khi đó, theo tin của hãng Bloomberg cũng như báo chí trên mạng, vào 6 giờ sáng ngày 9/6, tàu thăm dò địa chấn Viking II do tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam thuê đang hoạt động trong vùng thềm lục địa Việt Nam thì bị một tàu cá Trung Quốc mang số 62226 sử dụng “ bộ phận cắt cáp chuyên dụng” để “ cắt phần dây kéo giữ thiết bị” và “ gây rối 4 đường cáp thu” . Tàu cá Trung Quốc được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 311 và 303 cùng một số tàu khác cũng của Trung Quốc. Bộ phận cắt cáp của tàu Trung Quốc bị vướng vào dây cáp của tàu Viking II buộc các tàu ngư chính Trung Quốc phải lao vào giải cứu.

Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh chóng lên án Trung Quốc “ có chủ ý, tính toán và chuẩn bị” để áp đặt “đường lưỡi bò” .

Ngày 9/6, trả lời câu hỏi của phóng viên về vụ tàu Viking II, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga cho biết: “Vào lúc 6 giờ ngày 9/6, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 60 47,5’ Bắc và 1090 17,5’ Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam, thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, hai tàu ngư chính 311 và 303 cùng với nhiều tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.

Khu vực hoạt động thu nổ địa chấn nói trên của tàu Viking II nằm trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam theo Công ước LHQ về Luật Biển 1982. Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đi ngược lại nhận thức chung giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước về việc duy trì hòa bình, ổn định tại Biển Đông, gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế đối với Tập đoàn dầu khí Việt Nam.

Đáng chú ý là vụ việc nói trên xảy ra ngay sau vụ tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 tại lô 148 thuộc thềm lục địa của Việt Nam ngày 26/5 vừa qua, làm cho tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng. Các hành động có tính hệ thống này của phía Trung Quốc là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, thực hiện mục tiêu biến yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc thành hiện thực. Đây là điều phía Việt Nam không thể chấp nhận.

Phía Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt - Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Chiều ngày 9/6, Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối hành động này của phía Trung Quốc và nêu rõ lập trường của Việt Nam”.

 Về phía Trung Quốc, ngay tối 9/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã ra tuyên bố về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, nội dung như sau:

Hỏi: Theo nguồn tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết tàu cá Trung Quốc cố ý cắt đứt cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam khi đang tác nghiệp tại Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng đến cái gọi là quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, xin hỏi phía Trung Quốc có bình luận gì?

Trả lời: Cách nói của phía Việt Nam hoàn toàn không phù hợp với sự thực. Như mọi người đã biết, Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận. Tàu cá của Trung Quốc từ nhiều đời nay vẫn tiến hành đánh bắt tại vùng biển Bãi Vạn An thuộc quần đảo Trường Sa. Sáng ngày 9/6, khi tàu cá Trung Quốc đang tiến hành công việc đánh bắt bình thường tại vùng biển nêu trên đã bị tàu vũ trang của Việt Nam xua đuổi phi pháp và dẫn đến việc lưới của 1 tàu cá Trung Quốc cuốn vào cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam đang tiến hành tác nghiệp phi pháp tại vùng biển này, tàu Việt Nam bất chấp sự an toàn tính mạng của ngư dân Trung Quốc, kéo ngược tàu cá Trung Quốc với thời gian hơn 1 giờ đồng hồ. Sau khi tàu cá Trung Quốc chủ động cắt đứt lưới, hai bên mới tách rời nhau. Cách làm của tàu Việt Nam đã đe dọa nghiêm trọng đến an toàn tính mạng của ngư dân Trung Quốc. Cần phải chỉ ra rằng, việc Việt Nam tiến hành thăm dò dầu khí một cách phi pháp tại vùng biển Bãi Vạn An thuộc quần đảo Trường Sa của Trung Quốc và xua đuổi tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền và quyền lợi biển của Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu Việt Nam dừng ngay mọi hoạt động xâm phạm chủ quyền, không áp dụng thêm các hành động làm nguy hại đến an toàn tính mạng và tài sản của ngư dân Trung Quốc, không áp dụng thêm các hành động làm phức tạp và mở rộng tranh chấp. Phía Trung Quốc hy vọng phía Việt Nam có những nỗ lực cần thiết để duy trì hòa bình ổn định của Biển Đông.

AFP cho biết, ngày 10/6 Trung Quốc đã cảnh báo Việt Nam phải dừng mọi hoạt động mà Bắc Kinh nói là xâm phạm chủ quyền trên vùng Biển Đông đang tranh chấp. Tuyên bố này được đưa ra sau vụ tàu thăm dò địa chấn Viking II của Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc cắt đứt cáp vào sáng ngày 9/6.

Ngay sau phản ứng của Việt Nam, Trung Quốc đã phản ứng lại. Tân Hoa Xã trong bản tin sáng ngày 10/6 thì thuật lại khác hẳn vụ việc Viking II. Tân Hoa Xã trích lời Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng Bắc Kinh có "chủ quyền không thể tranh cãi" trên quần đảo mà Trung Quốc gọi là Nam Sa, tức Trường Sa và vùng biển xung quanh. Theo ông Hồng Lỗi, thì các tàu cá Trung Quốc đã bị các tàu vũ trang của Việt Nam truy đuổi vào sáng 9/6. Lưới của một trong các tàu cá này đã bị vướng vào cáp của tàu thăm dò dầu khí Việt Nam, mà theo Bắc Kinh là hoạt động bất hợp pháp trong khu vực.

Cũng theo lời mô tả của Bắc Kinh, thì tàu thăm dò Việt Nam vẫn tiếp tục lôi chiếc tàu cá đi hơn một tiếng đồng hồ bất chấp sự an toàn của những người trên tàu cá. Các ngư dân Trung Quốc trên tàu đành phải cắt đứt lưới. Ông Hồng Lỗi tuyên bố: “Điều này hết sức nguy hiểm cho sự an toàn của ngư dân Trung Quốc” . Ông nói rằng việc thăm dò dầu khí trong khu vực và các hành động của tàu Việt Nam đã xâm phạm thô bạo đến chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi Hà Nội chấm dứt mọi hoạt động tương tự.

Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần lễ, tàu thăm dò địa chấn của tập đoàn dầu khí Việt Nam bị tàu Trung Quốc phá hoại. Giới quan sát ghi nhận sự cố xảy ra vài giờ sau khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và bốn ngày sau các cuộc biểu tình lên án Trung Quốc lấn chiếm lãnh hải.

Theo BBC, cũng chính tàu Viking II, đã bị tàu Trung Quốc quấy rối hôm 31/5 khi đang khảo sát cho tập đoàn Nhật Idemitsu tại lộ 05-1D trong khu vực gần mỏ Đại Hùng, cách Vũng Tàu khoảng 270km. Sự việc hôm 31/5 không được nhắc tới nhiều vì không có thiệt hại về vật chất. Theo truyền thông trong nước, sau đó vào ngày 7/6, tàu Viking II được đưa sang lô 136 để thực hiện công tác thu nổ địa chấn 3D cho Talisman.

Theo giới quan sát, lần xâm hại này có vẻ nghiêm trọng hơn vì có sự tham dự của tàu ngư chính Trung Quốc.

Theo VOA, Việt Nam khẳng định các hành động có tính toán kỹ lưỡng của Trung Quốc nhằm mục đích biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch “đường lưỡi bò” hay “đường chữ U” trên Biển Đông.

Trong khi đó, liên quan đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, theo RFA, ngày 9/6, ông Trần Hoàng Thám, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đang dẫn đầu phái đoàn sang thăm viếng hữu nghị Bắc Kinh. Theo ông Vương Cương, Phó Chủ tịch Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, Việt Nam và Trung Quốc phải qua khá nhiều khó khăn mới được như hiện tại và hai phía cần duy trì mối giao hảo song phương tốt đẹp đó. Đáp lại, ông Trần Hoàng Thám nói rằng Việt Nam luôn đề cao quan hệ với Trung Quốc trong hy vọng tăng cường hữu nghị và hợp tác.

Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, theo VOA, Trung Quốc đã lên tiếng cảnh cáo các nước láng giềng ngưng thăm dò dầu khí ở Trường Sa. Theo AP, lần đầu tiên phản hồi trước tố cáo của Philippines rằng Bắc Kinh xâm phạm chủ quyền, Đại sứ Trung Quốc, Lưu Kiến Siêu, khẳng định chính phủ Trung Quốc không có bất kỳ hành động nào xâm phạm chủ quyền. Vẫn theo lời Đại sứ Trung Quốc, Bắc Kinh chưa khởi sự khoan dầu tại khu vực tranh chấp và các nước có tuyên bố chủ quyền ở đây nên ngừng mọi hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí không được Bắc Kinh cho phép trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Trả lời câu hỏi chuyện gì sẽ xảy ra nếu các nước bất chấp lời tuyên bố của Trung Quốc, Đại sứ Lưu nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ khẳng định quyền của mình đối với khu vực tranh chấp bằng đường lối ngoại giao và không dùng vũ lực trừ khi bị tấn công.

Phản ứng lại những phát biểu của Đại sứ Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Philippines tuyên bố sẽ đưa vấn đề này ra trước cộng đồng quốc tế, để thế giới phán xét thái độ của Bắc Kinh. Còn Người phát ngôn của Thủ tướng Philippines thì khẳng định, tuy chấp nhận các tiếp cận đa phương để giải quyết các bất đồng tại Biển Đông, Manila vẫn cương quyết hành động để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Trong khi đó, theo Tân Hoa Xã, ngày 9/6, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố sẽ tiến hành tập trận hải quân tại vùng Tây Thái Bình Dương trong hai tuần lễ cuối tháng 6, tại vùng biển quốc tế và không nhằm chống lại bất cứ nước nào. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Trung Quốc không cho biết chi tiết về các tàu chiến sẽ tham gia chiến dịch tập trận kể trên. Tin được đưa lên trang web Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định đây là sinh hoạt thường kỳ được ấn định hàng năm, phù hợp với luật pháp quốc tế, không có ý đồ đe dọa cũng không nhắm vào quốc gia nào.

Cùng ngày 9/6, GMA News TV dẫn lời vị Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu cho hay Bắc Kinh đã điều động các tàu hải giám tới quần đảo tranh chấp Trường Sa nhưng không có ý định thành lập một sự hiện diện quân sự trong vùng biển tranh chấp. Đại sứ Lưu cũng khuyến cáo chính phủ Mỹ không nên can thiệp vào tranh chấp ở Biển Đông mà hãy để cho các bên tuyên bố chủ quyền tự giải quyết vấn đề thông qua các biện pháp ôn hòa.

Bình luận về tình hình ở Biển Đông, tờ Wall Street Journal trích nhận định của chuyên gia Carl Thayer cho rằng, ngòi nổ của các tranh chấp đang có vẻ ngày càng xấu đi, chủ yếu là từ nguyên nhân kinh tế. Khu vực các hòn đảo nửa chìm nửa nổi và các bãi đá ngầm tại Biển Đông, đặc biệt là tại Trường Sa và Hoàng Sa, được tin là có trữ lượng dầu khí lớn. Trung Quốc đang mưu toan kiểm soát nguồn lợi này vì dồi dào và lại gần hơn Trung Đông. Hải quân Trung Quốc cũng có thể bảo vệ được việc vận chuyển dầu theo con đường hàng hải này, để đảm bảo an ninh năng lượng cho một nền kinh tế đang tăng trưởng nóng.

Các chuyên gia về an ninh cho rằng các nỗ lực của các nước nhỏ đang tranh chấp chủ quyền, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, nhằm quốc tế hóa một thỏa thuận về Biển Đông có thể kích thích Trung Quốc đưa ra những đáp trả hung hăng hơn.

Tờ báo ghi nhận các cuộc xuống đường hôm 5/6, là những vụ biểu tình hiếm hoi của người dân chống lại hành động của Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam. Lời tuyên bố khẳng định chủ quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tối 8/6 cũng là một dấu hiệu cho thấy Hà Nội đang muốn đương đầu với Bắc Kinh.

Giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia chuyên nghiên cứu về các vấn đề Việt Nam tại đại học New South Wales ở Australia, nhận xét: “Trung Quốc lặp đi lặp lại những lời phát biểu rằng khu vực tranh chấp ở Biển Đông thuộc chủ quyền không thể chối cãi của họ, các tàu của họ phản ứng một cách bình thường, họ không vi phạm luật quốc tế, và rằng họ muốn giải quyết mọi việc trong hòa bình, nhưng thực tế họ không làm gì để giải quyết các vấn đề gây căng thẳng mà ngược lại còn có những hành động đơn phương như cấm đánh bắt cá ở khu vực này”.

Chuyên gia phân tích quốc phòng Dean Cheng thuộc tổ chức Heritage Foundation ở Washington cho rằng: "Dường như Trung Quốc đang triệt để can dự vào chuyện thúc đẩy để nhận toàn bộ chủ quyền trên vùng này và họ có vẻ như chẳng thèm để ý xem họ đang dẫm chân lên những ai".

Theo giới phân tích, bất kể lời khẳng định của Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Quốc về hòa bình và ổn định, việc bành trướng thế lực quân sự và thái độ có vẻ như khiêu khích dằn mặt của tàu thuyền Trung Quốc trên Biển Đông trong thời gian qua không chỉ khiến Philippines và Việt Nam quan tâm lên tiếng mà còn tạo mối quan ngại cho Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tiến Thành (Tổng Hợp)