Nhật báo Trung Quốc, Tân Hoa Xã có bài bình luận về Trung Quốc hoan nghênh quan hệ song phương với Việt Nam và tái khẳng định quan điểm của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa”. Nội dung chính như sau:

 

Ngày 21/7 /2011, trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Bộ trưởng ASEAN với người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Gia Khiêm, BTNG Trung Quốc Dương Khiết Trì đã cho biết:

- Trung Quốc hy vọng tiếp tục nỗ lực chung với Việt Nam nhằm đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng. Trung Quốc và Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và quan hệ này đang được vun đắp.

- Trung Quốc đánh giá cao tầm quan trọng của quan hệ Trung Quốc với Việt Nam và đề xuất hai nước cần tiếp tục duy trì trao đổi cấp cao, thẳng thắn trao đổi quan điểm và cùng nhau thúc đẩy đưa quan hệ chiến lược Trung Quốc – ASEAN lên tầm cao mới

- Về vấn đề Biển Nam Trung Hoa, hai bên cần giải quyết hợp lý tranh chấp trên biển thông qua đàm phán vì triển vọng quan hệ song phương và ổn định khu vực, tránh quốc tế hóa và làm phức tạp vấn đề Biển Nam Trung Hoa. Đàm phán song phương là cách duy nhất trong thời gian tới để giải quyết vấn đề này.

- Liên quan đến thỏa thuận đạt được tại Cuộc họp các quan chức cao cấp Trung Quốc – ASEAN về các định hướng thực hiện DOC, Trung Quốc hy vọng tất cả các bên có thể thực hiện những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác hàng hải thực tế.

BTNG Việt Nam cũng cho biết:

- Quan hệ song phương vẫn tiếp tục phát triển tích cực trong những năm gần đây và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa trao đổi ở cấp cao và hợp tác với Trung Quốc.

- Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ và hỗ trợ mà Trung Quốc dành cho Việt Nam và đang nỗ lực vun đắp quan hệ truyền thống Việt Nam - Trung Quốc.

- Việt Nam sẽ giải quyết phù hợp các vấn đề trên biển với Trung Quốc thông qua đàm phán hòa bình và nỗ lực để đạt đồng thuận với Trung Quốc càng sớm càng tốt.

- Việt Nam hoan nghênh thỏa thuận về định hướng thực hiện DOC.

Trong văn kiện định hướng thực hiện DOC có một trang thúc đẩy tiến trình thực hiện DOC 2002 tại Biển Nam Trung Hoa mang tính cụ thể hơn.

Tuy nhiên, Trung Quốc cũng liên tục tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo tại Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước xung quanh.

Cũng trong ngày 21/7, BTNG Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc gặp với người đồng nhiệm Hàn Quốc Kim Sung-hwan để thảo luận về quan hệ liên Triều và nối lại vòng đàm phán 6 bên nhằm chấm dứt chương trình hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên./.

 

Tân Hoa Xã có bài về “Trung Quốc mong muốn cùng ASEAN hợp tác thực tế và phát triển”.

Ngày 21/7/2011, tại cuộc họp các BT ASEAN cộng, BTNG Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nhấn mạnh:

(1) Trung Quốc phấn đấu cùng hợp tác thực tế và phát triển với các nước ASEAN nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh tại Đông Á. Năm nay đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ đối thoại Trung Quốc – ASEAN và trong 20 năm qua cả hai bên đã thiết lập được quan hệ đối tác chiến lược và khu vực mậu dịch tự do lớn nhất giữa các nước đang phát triển.

(2) Trung Quốc và ASEAN đang trở thành động lực mới đối với sự phát triển kinh tế thế giới và Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý quan hệ song phương xét về triển vọng chiến lược lâu dài. Trung Quốc sẽ tiếp tục là láng giềng tốt, người bạn tốt và đối tác tốt của ASEAN.

(3) Để tăng cường hợp tác với ASEAN, Trung Quốc đề xuất tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, thúc đẩy quan hệ chiến lược Trung Quốc – ASEAN, giải quyết các vấn đề và khác biệt thông qua tham vấn hữu nghị, duy trì sự phát triển mạnh mẽ hợp tác Trung Quốc – ASEAN và bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực

(4) Trung Quốc sẽ thực hiện Kế hoạch Hành động 5 năm lần thứ 2 Trung Quốc- ASEAN và phấn đấu đưa thương mại song phương Trung Quốc – ASEAN lên 500 tỷ USD.

(5) Trung Quốc sẽ tích cực thảo luận về kết nối hàng hải với ASEAN và tăng cường trao đổi song phương trong các lĩnh vực như du lịch, giáo dục, văn hóa và truyền thông cũng như trao đổi thanh niên thông qua thành lập Trung tâm Trung Quốc – ASEAN.

(6) Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với ASEAN trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế như LHQ, G20 để cùng ứng phó với các thách thức khu vực và toàn cầu về biến đổi khí hậu, tội phạm xuyên quốc gia và an ninh lương thực.

(7) Trung Quốc cũng ủng hộ vai trò lãnh đạo của ASEAN trong hợp tác Đông Á.

(8) Thỏa thuận đạt được gần đây về định hướng thực hiện Tuyên bố DOC sẽ tạo nền tảng vững chắc cho hợp tác thực tế tại Biển Nam Trung Hoa và góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định tại khu vực này. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN biến Biển Nam Trung Hoa thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

Các BTNG ASEAN cũng chia sẻ quan điểm Trung Quốc và ASEAN đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong quan hệ song phương về chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân. ASEAN đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc đối với hội nhập kinh tế và sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước ASEAN cũng như vai trò của Trung Quốc trong giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu. Thỏa thuận về định hướng thực hiện DOC là dấu mốc quan trọng thể hiện cả Trung Quốc và ASEAN có thể và sẵn sàng giải quyết vấn đề khó khăn nhất. Thỏa thuận này sẽ góp phần thúc đẩy niềm tin lẫn nhau và bảo đảm hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực./.

Tờ Nhật báo Trung Quốc ngày 22/7 có bài bình luận về: “Trung Quốc tuyên bố tính hợp pháp của các đảo” của tác giả Li Guoqiang, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Địa lý và Lịch sử biển giới trên bộ, thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc. Nội dung chính như sau:

Đường 9 đoạn hình chữ U trên bản đồ Trung Quốc gồm các đảo chính tại Biển Nam Trung Hoa như Đông Sa, Tây Sa, Nam Sa và Trung Sa. Người Trung Quốc đầu tiên đã tới vùng nước ngoài khơi các đảo này hơn 2000 năm trước đây và phát hiện, đặt tên cho các đảo này cũng như thực hiện quyền pháp lý đối với các đảo này.

Chứng cứ lịch sử đã cho thấy người dân Trung Quốc phát hiện các đảo tại Nam Trung Hoa trong thời nhà Tần (221-206 trước CN) và nhà Hán (206 trước CN- 220 sau CN). Các hoạt động đánh bắt cá và hàng hải lúc đó trong phạm vi vùng nước ngoài khơi đảo Đông Sa và Tây Sa dưới thời Đường (618-907 sau CN) khi Trung Quốc bắt đầu cử lực lượng hải quân thăm dò và thực hiện quyền tài phán tại khu vực này.

Dưới thời nhà Tống (960-1279) và nhà Nguyên (1271-1368), người dân Trung Quốc đã mở rộng hoạt động tại các vùng nước ngoài các đảo Trung Sa và Nam Sa. Các hoạt động này bao gồm tất cả các đảo trong suốt thời nhà Minh (1368-1644) và nhà Thanh (1644-1911), từ đó thiết lập nên biên giới biển của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa.

Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực bảo vệ chủ quyền tại Biển Nam Trung Hoa kể từ đầu thế kỷ 20. Chính quyền Quốc dân Đảng đã xem xét và thông qua tên tiếng Anh và tiếng Trung đối với tất cả các đảo và bãi đá tại Biển Nam Trung Hoa kể từ tháng 12/1934 và lần đầu tiên chia các cụm đảo này thành 4 quần đảo.

Bản đồ được xuất bản tháng 4/1935 cho thấy các đảo Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa một cách chi tiết và đánh dấu mỏm xa nhất phía nam tại Biển Nam Trung Hoa như Bãi Ngầm Tăng mẫu (Zengmu'ansha) ở vĩ độ 4 phía Bắc.

Bản độ khác, xuất bản tháng 2/1948, về các đơn vị hành chính của Cộng hòa Trung Quốc cho thấy đường 11 đoạn bao gồm 4 quần đảo với điểm cực nam xa nhất tại Bãi Ngầm Tăng mẫu. Đây là bản đồ đầu tiên đánh dấu biên giới trên biển hình chữ U của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa.

Các bản đồ xuất bản sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn còn 11 đoạn trên và tới tận năm 1953 thì hai đoạn bao gồm Vịnh Bắc Bộ mới bị xóa bỏ. Sau đó, tất cả các bản đồ của Trung Quốc đều có đường 9 đoạn, hình chữ U. Đường 9 đoạn là kết quả của một tiến trình lịch sử lâu dài mà đã thiết lập chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Nam Trung Hoa và các vùng nước xung quanh. Tháng 10/1947 các tài liệu này đã được Bộ Nội vụ thuộc chính phủ Quốc Dân Đảng công bố về chủ quyền của Trung Quốc đối với các hòn đảo và vùng nước trong phạm vi hình chữ U.

Ngược lại, Việt Nam, Ma-lai-xia và Phi-líp-pin chẳng biết bất cứ điều gì về các đảo của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa cho tới trước thời nhà Thanh (1644-1911). Do đó, họ không có bất cứ bằng chứng chứng tỏ hoạt động của tổ tiên tại khu vực này chứ đừng nói là tên của các đảo.

Biên giới biển của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa là kết quả của quá trình diễn biến lịch sử và Trung Quốc là nước duy nhất mở rộng khu vực này liên tục thông qua lịch sử. Do đó người dân Trung Quốc có quyền trước hết đối với các hòn đảo tại Biển Nam Trung Hoa.

Theo luật gia Trung Quốc Zhao Haili, Trung Quốc sở hữu nhiều dấu tích lịch sử trên các đảo, bãi ngầm và bãi đá trong đường 9 đoạn mặc dù điều đó không có nghĩa toàn bộ vùng biển nằm trong đường 9 đoạn là thuộc vùng nước nội địa của Trung Quốc.

Mặc dù Công ước LHQ 1982 về Luật biển Quốc tế (UNCLOS) không quy định cụ thể về dấu tích lịch sử nhưng người Trung Quốc đã đánh cá và tiến hành hoạt động hàng hải tại Biển Nam Trung Hoa hơn 2000 năm qua và Trung Quốc đã thiết lập dấu tích lịch sử trước cả khi UNCLOS có hiệu lực. Dấu tích lịch sử của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Nam Trung Hoa là phù hợp với UNCLOS và luật quốc tế do đó cần được tôn trọng.

Khi Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố đường hình chữ U tại Biển Nam Trung Hoa, cộng đồng quốc tế và các nước xung quanh đã không phản đối. Hơn nữa đường 9 đoạn còn là một phần trong nhiều bản đồ của các nước này. Điều này đã phản ánh sự chấp nhận của các nước này về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tại Biển Nam Trung Hoa. Tuy nhiên, chỉ trong những năm gần đây, một vài nước Đông Nam Á mới bắt đầu đặt câu hỏi về tính hợp pháp của đường 9 đoạn nhưng tuyên bố chủ quyền của họ đã không thể chứng minh được.

Sau khi thông qua UNCLOS, điều quan trọng thực sự là phải thông dịch đường hình chữ U một cách khoa học và hợp lý, bởi đường này đã định hình trước khi UNCLOS có hiệu lực và sử dụng nó để xác định liệu đường được thiết lập lâu nay là hợp lý hay phủ nhận tính hợp pháp của nó thực sự là sự phản đối lịch sử. Tất cả các nước tham gia UNCLOS cần hiểu rằng công ước này chỉ là một trong số những luật quốc tế về biển và không phải duy nhất, do đó nên dừng chất vấn tính hợp pháp của đường 9 đoạn hình chữ U của Trung Quốc./.

 

Hoài An (Tổng hợp)