Hôm 20/6, một nhà phân tích Trung Quốc nói rằng việc TNS Mỹ John McCain thúc giục Washington ủng hộ về chính trị và quân sự cho các nước Đông Nam Á chống Trung Quốc có thể được coi là một mâu thuẫn chính trị ở Mỹ.

Theo AFP, hôm 20/6, ông J. McCain thuộc Đảng Cộng hòa, đã kêu gọi Mỹ giúp đỡ cho các nước ASEAN phát triển và bố trí một hệ thống cảnh báo sớm và các tàu duyên hải ở khu vực này. Ông nói “Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng sự chia rẽ giữa các nước thành viên ASEAN để làm cho họ chống lại nhau nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự của Trung Quốc”.

Zhang Goutu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc ĐH Hạ Môn nói với Global Times rằng, trong lúc nhiệm kỳ Tổng thống của Obama đang ở năm cuối thì phát biểu của McCain có thể được xem như là một phần trong mâu thuẫn chính trị ở Mỹ hơn là sự công kích Trung Quốc.

Ông McCain đưa ra phát biểu đó vài ngày trước khi có cuộc tham vấn Trung - Mỹ lần đầu tiên về khu vực CÁ-TBD tại Hawai.

Theo THX đưa tin, Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải hôm qua 21/6 đã bày tỏ, Trung Quốc hy vọng cuộc tham vấn lần đầu tiên này sẽ thúc đẩy trao đổi thông tin về các vấn đề Châu Á – Thái Bình Dương, mở rộng hợp tác và giúp thúc đẩy hòa bình, ổn định và phát triển khu vực; Trung Quốc cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại và sẵn sàng đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực.

Theo ông Zhang, phát biểu của ông McCain sẽ không ảnh hưởng đến cuộc tham vấn Trung - Mỹ. Trung Quốc và Mỹ không có xung đột lợi ích ở Đông Nam Á vì lợi ích của Mỹ trong khu vực này là duy trì vị trí của Mỹ và tự do hàng hải.

Hôm 21/6, Reuters đưa tin tàu hải quân của Việt Nam và Trung Quốc đã tuần tra chung ở Vịnh Bắc Bộ trong 2 ngày từ 19-20/6, có thể coi đó là một tín hiệu cho thấy căng thẳng về Biển Đông giữa Hà Nội và Bắc Kinh có thể dịu đi.

Hãng Reuters trích tin từ báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam nói rằng hai nước cũng đã tiến hành diễn tập thông tin tín hiệu cờ, đèn.

Báo Tin tức tham khảo ngày 22/6 đăng lại bài trên “Tạp chí Học giả Ngoại giao” của Nhật ngày 20/6 với tít: “Mỹ khó khăn trong kiềm chế Trung Quốc tại Biển Đông”. Nội dung chính như sau: Việc tuần trước Việt Nam diễn tập bắn đạn thật tại Biển Đông đã khiến quan hệ với Trung Quốc thêm căng thẳng. Trung Quốc cho rằng đây là hành động giễu võ dương oai, khinh thường Trung Quốc. Trong lúc đó, Tổng Thống Philippines lại bày tỏ hoan nghênh sự giúp đỡ của Mỹ đối với Philippines. Quan điểm này được phía Việt Nam hưởng ứng bằng cách đốc thúc cộng đồng quốc tế can dự vào cuộc tranh chấp này.

Điều này đối lập với quan điểm của Trung Quốc là các nước khác không được can thiệp, các bên tranh chấp phải thông qua đàm song phương để tìm ra biện pháp giải quyết. Trung Quốc nhất quán phản đối quốc tế hóa vấn đề này, ngăn chặn bất kỳ biện pháp giải quyết đa phương nào. Tháng 7/2010, khi thăm Việt Nam, Hillary đã đề nghị làm trung gian cho cuộc tranh chấp. Nhưng Trung Quốc phản đối gay gắt, nhấn mạnh lập trường đối với vấn đề này. Vấn đề mà Trung Quốc lo lắng là Mỹ đang tìm kiếm một chiến lược để kiềm chế Trung Quốc. Nhưng cho dù cách nói này là đúng thì chiến lược can dự vào Đông Nam Á cũng cực kỳ phức tạp, không phù hợp với chiến lược kiềm chế thông thường.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đã là một trong những bên tham gia vào kinh tế khu vực Đông Nam Á. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã có sức ảnh hưởng đối với khu vực này và được củng cố hơn qua cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 - 1998. Từ đó đến nay, sức ảnh hưởng của Trung Quốc đã được mở rộng hơn thông qua khu vực thương mại tự do Trung Quốc và ASEAN chính thức thực hiện từ đầu 2010. Đối với đa số các thành viên ASEAN, Trung Quốc là một trong 5 bạn hàng thương mại lớn, còn ASEAN là bạn hàng lớn thứ 4 của Trung Quốc.

Ngược lại, trọng điểm của Mỹ là bảo đảm sự ổn định của khu vực và Mỹ có lợi ích thiết thân đối với việc này. Do phần lớn vận tải thương mại đường biển thông qua khu vực Biển Đông, nên Mỹ lo lắng tuyến đường giao thông trên biển của mình bị gián đoạn. Nhưng trở ngại lớn nhất trong việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc là lập trường rất không rõ ràng của các nước Đông Nam Á đối với sự tồn tại của Mỹ ở khu vực. Các nước Đông Nam Á dường như không mong muốn rơi vào cục diện chiến tranh lạnh. Vì họ buộc phải lựa chọn một trong hai cường quốc thế giới. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây, cách nghĩ của mọi người đã có một số thay đổi, nhưng vẫn do dự về việc để Mỹ phát huy vai trò lớn hơn, chủ yếu là vì những toan tính lợi hại, sự lo lắng và những vấn đề lịch sử.

Tranh chấp Biển Đông nổi lên một số vấn đề mà chính sách kiềm chế của Mỹ tại Đông Nam Á có thể phải đối mặt. Chính trị ở khu vực này quá phức tạp, trong khi đó địa vị kinh tế của Trung Quốc lại quá vững chắc, chính sách kiềm chế của Mỹ khó có thể thực hiện được.

Minh Anh (Tổng hợp)