(Đài Bắc Kinh 12/10)

 

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (gọi tắt là ADMM+) ngày 12/10 đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội của Việt Nam . Bộ trưởng Quốc phòng của 10 nước ASEAN và 8 nước đối thoại gồm Ôxtrâylia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Niu Dilân, Nga, Hàn Quốc và Mỹ, đã bàn thảo việc tiếp tục giữ gìn hoà bình, ổn định và phồn vinh của khu vực nói riêng và thế giới nói chung thông qua mặt bằng hợp tác mới này. 


Trong thế giới ngày nay, các nước tuy không thể loại trừ hoàn toàn mối đe doạ quân sự truyền thống, nhưng đe doạ đến từ lĩnh vực an ninh phi truyền thống có phần gia tăng. Tấn công khủng bố, cướp biển, thiên tai cũng như tội phạm xuyên quốc gia đã trở thành những thách thức mới đặt ra cho các nước trên thế giới. Những đe dọa và thiên tai này từng gây tổn hại to lớn cho rất nhiều nước, cũng ngày càng được cộng đồng quốc tế coi trọng. 


Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đứng trước thách thức nghiêm trọng của mối đe doạ an ninh phi truyền thống, Trung Quốc và các nước ASEAN đã chung tay ứng phó với các vấn đề an ninh phi truyền thống như buôn bán ma túy, buôn bán phụ nữ và trẻ em, cướp biển, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế, tội phạm Internet... và tích lũy được kinh nghiệm thực tiễn phong phú. Mọi người ghi nhận, bất kể tấn công các phần tử khủng bố, các băng nhóm tội phạm xuyên quốc gia hay đề phòng cướp biển, thậm chí là khắc phục hậu quả thiên tai, tăng cường hợp tác quốc tế đã trở thành sự lựa chọn tất yếu của các nước, hơn thế nữa quân đội các nước đã đóng vai trò không thể thay thế trong quá trình này. 


Tình hình trong nước của các nước ASEAN và Trung Quốc cũng như các nước khác có khác nhau, mỗi nước có ưu thế riêng. Sự ra đời của cơ chế “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+” đã nêu bật nguyện vọng chung tay hợp tác giữa các nước. Các nước tham gia cơ chế này đến từ các khu vực trên thế giới, có lợi ích địa-chính trị khác nhau. Muốn cho cơ chế này hoạt động hiệu quả đòi hỏi các nước phải từ bỏ tư duy chiến tranh lạnh, tăng cường tin cậy về chính trị, như vậy mới có thể ứng phó hữu hiệu các vấn đề trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, góp phần cho sự ổn định của khu vực. 


Trung Quốc và các nước ASEAN có nền tảng hợp tác rộng lớn trong lĩnh vực quân sự. Từ năm 2001 Trung Quốc lần lượt xây dựng cơ chế đối thoại về chính sách an ninh, quốc phòng với các nước Việt Nam, Thái Lan, Philíppin, Inđônêxia, Malaixia và Xingapore. Việc hai bên tiến hành thương lượng và đối thoại định kỳ hoặc không định kỳ đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị, sâu sắc hợp tác tin cậy lẫn nhau, giữ gìn hoà bình và ổn định của khu vực. Trong khuôn khổ cơ chế mới “Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ADMM+” này, Trung Quốc sẽ cùng với các nước, đặc biệt là các nước ASEAN, mở rộng hợp tác về các mặt cứu hộ, cứu nạn, giữ gìn hoà bình, chống khủng bố, quân y cũng như an ninh trên biển, làm cho châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực an ninh hơn và có sức sống hơn. 


Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng được thành lập cũng như Hội nghị lần thứ nhất được triệu tập phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần gìn giữ hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực. Trung Quốc mong đợi các bên đồng tâm hiệp lực thúc đẩy hội nghị thu được thành quả thiết thực. 


(Đài Tiếng nói nước Nga 11/10) 


Châu Á đang hình thành một hệ thống an ninh tập thể. Tại Hà Nội, lần đầu tiên trong lịch sử diễn ra cuộc tham vấn về các vấn đề quốc phòng giữa khối ASEAN và các quốc gia đối tác của tổ chức này. 


Mới cách đây không lâu, cơ chế tư vấn giữa các bộ trưởng quốc phòng chỉ tồn tại trong khuôn khổ Hiệp hội ASEAN. Gần đây nhất, họ đã thảo luận và phần nào giải quyết những vấn đề như: tranh chấp biên giới Thái Lan - Campuchia, xung đột chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông. Giờ đây, con số thành viên cuộc tham vấn được mở rộng đáng kể, có thêm sự tham dự của các đối tác về đối thoại. 


Theo lời Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam, ông Nguyễn Chí Vịnh, yếu tố này sẽ củng cố cho sự tin cậy lẫn nhau, phối hợp chặt chẽ giữa các nước trong Hiệp hội và các đối tác trên bình diện những nguy cơ ngày càng tăng, đe dọa sự ổn định và an ninh toàn cầu. Những chủ đề cụ thể được lãnh đạo quốc phòng các nước thảo luận tại đây là đấu tranh chống khủng bố, bảo đảm an ninh trên biển, đối phó trước thiên tai. 


Cho đến nay, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa ngừng cuộc tranh cãi quanh vụ bắt giữ tàu đánh cá Trung Quốc ở khu vực quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư). Cần nói thêm rằng, Nhật Bản có tranh chấp lãnh thổ với hầu hết các nước láng giềng. Ngoài Trung Quốc ra, còn tồn tại sự căng thẳng giữa Nhật Bản với Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc quanh chủ quyền nhóm đảo Dokdo mà người Nhật gọi là Takeshima, nằm trong vùng biển Nhật Bản. Văn phòng Bộ trưởng mới của nước này còn đưa ra không ít tuyên bố gay gắt với phía Nga về các đảo Nam Kuril. 


Nga là một đối tác toàn diện của ASEAN, tích cực thúc đẩy các liên lạc với Hiệp hội này. Ở đây, sự hợp tác theo đường cơ quan quốc phòng của Nga và các nước cũng đóng vai trò nhất định. Những cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng và Tổng Tham mưu trưởng, trao đổi chuyến thăm giữa các hạm đội diễn ra thường xuyên. Một nửa các nước ASEAN tiếp nhận thiết bị quân sự và vũ khí do Nga sản xuất như các hợp đồng bán máy bay của Nga cho Malaixia và Inđônêxia. 


Cựu chỉ huy Hạm đội hải quân Nga, Đô đốc Mikhail Abramov đã phát biểu ý kiến như sau: “Đấu tranh chống hải tặc là một mục tiêu mang tính cấp bách. Lực lượng hải quân Nga tích cực tham gia các hoạt động này, nhưng từ đó cũng nảy sinh hàng loạt yếu tố như: cơ sở pháp lý cho sự hiện diện ở nước ngoài của các tàu thuộc hạm đội Nga. Và quan trọng nhất, tất nhiên là vấn đề căn cứ để bảo đảm cùng triển khai những chuyến đi dài ngày và sự có mặt của nhóm tàu cách xa vị trí đóng quân”. 


Nga là cường quốc duy nhất có ít nhất các vấn đề tranh cãi với Việt Nam và lợi thế tối đa về tiếp cận gần gũi trong phương diện phát triển khu vực và phối hợp song phương. Việt Nam đang càng kiên trì bảo vệ những lợi ích quốc gia của mình, tính toán những triển vọng chiến lược, thực hiện đường lối biến đất nước thành một cường quốc biển với qui mô khu vực. Để đạt những mục tiêu đề ra, Việt Nam cần xây dựng và hoàn thiện hạm đội. Trong công việc này, cùng những kinh nghiệm truyền thống của mình, Nga rất có thể sẽ có ích cho Việt Nam . 


(Đài RFI 12/10) 


Tranh chấp lãnh thổ trong vùng biển châu Á-Thái Bình Dương là một mối đe dọa đối với sự ổn định khu vực. Dù không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng tuyên bố công khai nói trên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates vào ngày 12/10 tại Hà Nội rõ ràng đã ám chỉ đến các hành động quyết đoán của Bắc Kinh nhằm áp đặt chủ quyền trên biển vốn đang ngày càng làm cho các láng giềng, trong đó có Việt Nam, lo ngại. 


Trong diễn văn trước Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), ông Robert Gates xác định: “Bất đồng giữa các đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ và quyền sử dụng vùng biển một cách thích hợp đang có dấu hiệu trở thành một thách thức to lớn cho sự ổn định và thịnh vượng của khu vực”. 


Theo giới phân tích, tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ hàm ý nhắc đến các sự cố xảy ra thời gian gần đây trong vùng biển phía tây Thái Bình Dương mà tất cả đều bắt nguồn từ việc Trung Quốc dùng biện pháp mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền đơn phương của họ. 


Gần đây nhất là cuộc khủng hoảng Trung-Nhật xảy ra vào thượng tuần tháng 9 khi một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu tuần tra Nhật Bản tại vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông, do Nhật Bản quản lý, nhưng bị Trung Quốc tranh chấp. 


Bên cạnh đó là các vụ Trung Quốc bắt giữ tàu thuyền đánh cá Việt Nam hoạt động gần quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông, nơi đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974, lúc đó do chính quyền Việt Nam cộng hòa quản lý. Từ vài năm gần đây, thường xuyên xảy ra các vụ xách nhiễu ngư dân Việt Nam . 


Đối với phía Mỹ, các biện pháp mạnh để giải quyết tranh chấp là điều cần phải tránh và các nước nên đàm phán hòa bình với nhau. Trong tuyên bố của mình, sau khi nhắc lại là Mỹ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp, “như tại vùng Biển Đông”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã kêu gọi các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương phải tránh dùng đến “vũ lực hoặc biện pháp cưỡng chế” để giải quyết tranh chấp lãnh thổ. 


Giới quan sát xem đây là một lời cảnh báo nhắm vào Trung Quốc, cho dù Bộ trưởng Mỹ đã thận trọng không nêu đích danh nước nào, nhất là khi trước đó, ông Robert Gates đã nhắc đến Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với 6 nước Đông Nam Á. 


Cũng trong chiều hướng kêu gọi giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã lập lại quan điểm ủng hộ một phương thức tiếp cận quốc tế để giải quyết hồ sơ tranh chấp lãnh thổ. Giải pháp đa phương mà Mỹ chủ trương đã được ASEAN hậu thuẫn, nhưng đụng chạm trực tiếp đến Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh vẫn chỉ muốn đàm phán song phương với từng quốc gia có tranh chấp với họ. 


Phương thức tiếp cận đa phương đã từng được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đề xuất tại Hà Nội, vào tháng 7 vừa qua nhân Diễn đàn An ninh Khu vực ARF. Ngày 12/10, ông Gates đã nhắc lại chính sách của Mỹ, hoan nghênh nỗ lực của ASEAN trong việc nhất trí về một “bộ quy tắc ứng xử” cho Biển Đông, và tái khẳng định Mỹ “sẵn sàng giúp đỡ tạo điều kiện cho các sáng kiến như vậy”. 
Nhìn chung, nội dung các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào ngày 12/10 không có gì mới so với quan điểm được Ngoại trưởng Hillary Clinton loan báo tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh quan hệ quốc phòng Mỹ-Trung đang trên đà được cải thiện trở lại và có dư luận lo ngại rằng Oasinhtơn có thể tìm cách hòa hoãn hơn với Bắc Kinh vì lợi ích quốc gia, tuyên bố của ông Gates được cho là có tác dụng trấn an đối với các nước đang tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc.



(Đài BBC 12/10) 


Việt Nam , ASEAN và Mỹ vẫn đề cập tới Biển Đông cho dù chủ đề này được loan báo là không nằm trong nghị trình của ADMM+. 


Đại diện ban tổ chức hội nghị, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh xác nhận với BBC Tiếng Việt rằng việc bảy quốc gia trong có Việt Nam và Mỹ đề cập tới Biển Đông là “điều bình thường”. 


Trong bài phát biểu ngắn tại hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN cùng 8 nước đối tác, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhắc tới Biển Đông và nhấn mạnh rằng các bất đồng về chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền biển đang là “thách thức ngày càng tăng đối với ổn định và thịnh vượng trong khu vực”. Lời nói của ông Gates rõ ràng ám chỉ tới căng thẳng của nhiều quốc gia với một nước lớn trong khu vực, vốn đang có lập trường ngày càng mạnh bạo tại Biển Đông. 


Các phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc hoàn toàn không đề cập gì tới vấn đề Biển Đông, nhưng đại diện Trung Quốc tại ADMM+ lần thứ nhất chắc chắn không thể không nghe thấy thông điệp rõ ràng từ các nước đang ngồi quanh bàn đối thoại. 


Nếu như quốc gia chủ nhà, cũng là nước đã có sáng kiến mở hội nghị ADMM+, muốn thông qua diễn đàn khu vực mở rộng để bày tỏ quan tâm và quan ngại của mình về Biển Đông thêm một lần trước khi chuyển chiếc ghế chủ tịch ASEAN cho nước khác, thì dường như Việt Nam đã thành công. Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh phát biểu với các nhà báo sau hội nghị, rằng nay “các bộ trưởng sẽ giao cho các quan chức và nhóm làm việc tìm ra biện pháp duy trì ổn định ở Biển Đông”. 


Ông Thanh khẳng định ADMM+ nhằm tìm kiếm các giải pháp cụ thể cho các vấn đề và “không chỉ có nói mà phải làm”. 


Trong khi đó, đại diện Trung Quốc chỉ lên tiếng trấn an các nước trong khu vực, rằng chính sách quốc phòng của Trung Quốc hoàn toàn là để tự vệ và “không đe dọa bất cứ quốc gia nào”. Bộ trưởng Lương Quang Liệt nói: “Trung Quốc có thái độ tích cực và cởi mở đối với hợp tác an ninh khu vực”. 


Trung Quốc luôn chủ trương giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông thông qua đàm phán song phương với các quốc gia liên quan và phản đối điều mà họ gọi là “can thiệp” của Mỹ tại khu vực. Là nước lớn, Trung Quốc thường giành thế chủ động và tiếng nói áp đảo trong các diễn đàn khu vực. Thế nhưng tại Hà Nội lần này, chiếc ghế của Bắc Kinh đã không được êm và thoải mái như ở nhiều cuộc họp khác. 



(Đài TNHK 12/10) 


Các vị bộ trưởng quốc phòng tại cuộc họp về an ninh đầu tiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á và 8 nước đối thoại đã tập trung vào các lợi ích chung như bảo vệ quyền tự do đi lại bằng đường biển cho mục đích thương mại. Ông Surin Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN, đã phát biểu: “Khu vực này mang tính sách lược vô cùng lớn, ủng hộ thương mại và thông tin liên lạc. Vì thế giao thông đường biển tự do, cởi mở và an toàn là điều quan trọng. Vấn đề này đã được nêu ra, và được tất cả các bên đồng ý rằng đó là các mục tiêu mà khu vực nên cố gắng đạt tới và duy trì”. 


Các đại biểu đồng ý tiếp tục đàm phán về vấn đề đó, và các vấn đề khác nữa, như những tuyên bố trái ngược nhau đòi chủ quyền những hòn đảo ở vùng Biển Đông. 


Mối quan ngại ngày càng gia tăng tại Mỹ và nhiều nước ở châu Á, rằng Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh kinh tế và sự bành trướng quân sự để buộc các nước nhỏ hơn trong vùng phải thuần phục họ. 


Nhân chuyến thăm Việt Nam lần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã nhấn mạnh rằng Mỹ có ý định duy trì vị thế một cường quốc ở Thái Bình Dương và tiếp tục cam kết ở châu Á. Từ Hà Nội, Thông tín viên đài TNHK Brian Padden gửi về bài tường thuật sau đây: 


Phát biểu với các thành viên trong quân đội và sinh viên tại Trường Đại học Quốc gia Hà Nội ngày 11/10, Bộ trưởng Robert Gates đã chuyển một thông điệp trấn an Đông Nam Á. Ông Gates nói: “Tôi nghĩ toàn thể châu Á có thể tin tưởng rằng Mỹ có ý định tiếp tục cam kết ở châu Á và đã từng làm như thế từ mấy chục năm truớc, và chúng tôi có ý định đóng một vai trò tích cực, không những về các vấn đề chính trị và kinh tế, mà cả trong các vấn đề quốc phòng và an ninh nữa”. Ông Gates lập lại rằng Mỹ không đứng về phía nào trong các vụ tranh chấp, nhưng ông nói các tranh chấp phải được giải quyết một cách êm đẹp, không sử dụng vũ lực hay cưỡng ép và theo đúng luật pháp quốc tế. 


Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nhấn mạnh rằng chìa khóa cho nền an ninh khu vực là tôn trọng nguyên tắc chủ quyền và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nhưng ông cũng ủng hộ khái niệm xây dựng các khung sườn đa phương để cải thiện hợp tác và tập trung vào các lợi ích chung. 


Tổng thư ký ASEAN cho rằng cuộc họp này là bước đầu trong tiến trình đó. Ông Pitsuwan nói tiếp: “Bất cứ vấn đề nào có thể vấp phải, bất cứ bất đồng nào có thể có, chúng ta chắc chắn sẽ đi theo một tiến trình ôn hòa dựa vào luật pháp thông thường và quốc tế”. Mười thành viên của khối ASEAN cộng với 8 cường quốc khác trong khu vực cũng đồng ý phát triển hợp tác quân sự chặt chẽ hơn để ứng phó với các thảm họa nhân đạo, các hoạt động gìn giữ hòa bình và các nỗ lực chống khủng bố./.

 

Nguồn: Đài tiếng nói Bắc Kinh; Đài tiếng nói nước Nga; RFI; BBC; VOA; TTXVN