Từ nhiều tuần nay, tình hình căng thẳng không ngừng gia tăng giữa Nhật Bản và Trung Quốc xung quanh quần đảo Senkaku (theo cách gọi của Nhật Bản), còn người Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm ở biển Hoa Đông giàu khí đốt. Việc Nhật Bản ngày 11/9 thông báo quốc hữu hóa 3 trong số 5 hòn đảo đã khiến Trung Quốc tức giận. Theo Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, nước ông sẽ không bao giờ nhượng bộ một cm vuông nào của các hòn đảo này. Bắc Kinh đã dọa Tôkyô sẽ thực hiện những sự trừng phạt kinh tế quan trọng trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nhật Bản.

Cuộc xung đột này phát sinh như thế nào? 

Trên thực tế, vấn đề Senkaku/Điếu Ngư là một bất đồng cũ về lãnh thổ giữa hai cường quốc. Các đảo này không có người ở trong đó đảo lớn nhất (Uotsurijima) chỉ rộng có 3,5 km vuông và các đảo khác chỉ rộng khoảng chục hécta, nằm cách đảo Okinawa (phía Nam Nhật Bản) 90 hải lý về phía Tây.

Hiệp ước Shimonoseki, ký vào tháng 5/1895 sau cuộc chiến tranh Trung–Nhật vào năm 1894 – 1895 đã gán cho Đài Loan các hòn đảo độc lập. Đài Loan đã trả lại cho Trung Quốc sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ Hai, trong khi đảo Senkaku được đặt dưới sự bảo hộ của Mỹ với Okinawa và quần đảo Ryukyu bằng hiệp ước San Francisco vào tháng 9/1952. Tháng 6/1971, Chính phủ Mỹ đã trả lại cho Nhật Bản các hòn đảo này, nhưng Trung Quốc và Đài Loan khi đó lại nhận Senkaku/Điếu Ngư là của mình với lý lẽ là các hòn đảo này, do Trung Quốc phát hiện vào năm 1372, đã được nhượng lại cho Nhật Bản với Đài Loan bằng hiệp ước Shimonoseki ký vào năm 1895. Vì vậy, trên thực tế, các hòn đảo này là thuộc Đài Loan và Trung Quốc… Trái lại, Nhật Bản cho rằng đã sở hữu đảo này vào năm 1884 trước khi ký hiệp ước Shimonoseki và do đó cho rằng các hòn đảo độc lập không thuộc Đài Loan và không trả lại cho Đài Loan. Không một hiệp ước nào trong số đó đề cập rõ ràng đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Một sự gia tăng căng thẳng đã suýt biến thành bạo lực vào tháng 9/2010 sau khi vào đầu tháng 9 phía Nhật Bản đã tiến hành khám xét một tàu đánh cá của Trung Quốc đi vào vùng biển của họ. Để trả đũa việc bắt thuyền trưởng của Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đã sử dụng vũ khí kinh tế và ngừng trong vài tuần việc xuất khẩu đất hiếm tới Nhật Bản, vốn là loại nguyên liệu mang tính sống còn đối với ngành công nghiệp điện tử của Nhật Bản.

Liệu tình hình căng thẳng có thể biến thành cuộc xung đột quân sự không?

Ngày 14/9 vừa rồi, Trung Quốc đã đưa 6 tàu thuộc cơ quan hải dương học, một lực lượng bán quân sự hùng mạnh, thâm nhập vào nơi mà Nhật Bản coi là vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku. Hai bên đã đưa ra những lời lẽ chỉ trích nhau gay gắt. Bộ Quốc phòng Trung Quốc mới đây đã tuyên bố dành cho mình quyền thực hiện những “biện pháp cần thiết” để bảo đảm chủ quyền của mình tại các hòn đảo này. Yu Zhirong, một quan chức cấp cao trong cơ quan hải dương học của Trung Quốc, nói: “Chúng tôi sẽ đánh đuổi các tàu canh giữ bờ biển của Nhật Bản tại vùng lãnh hải của Trung Quốc. Chúng tôi không sợ gây ra một cuộc xung đột nhỏ”. Thế nhưng, không ai có thể bảo đảm rằng một cuộc xung đột ở biển Hoa Đông chỉ là “nhỏ” do những mối quan hệ quân sự chặt chẽ giữa Nhật Bản và Mỹ.

Trong bối cảnh này, một số nhà quan sát cho rằng một cuộc leo thang vẫn ít có khả năng xảy ra do sức mạnh của hải quân Nhật Bản và do Nhật Bản liên minh với Mỹ. Trong khi đó, cho đến lúc này, phía Mỹ vẫn không đưa ra một lập trường chính thức về vấn đề quần đảo Senkaku thuộc về ai. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tỏ ý lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột nhưng cũng tuyên bố trong một chuyến thăm Nhật Bản rằng Mỹ “sẽ tôn trọng các nghĩa vụ của hiệp ước an ninh năm 1960” với Nhật Bản, điều này bao gồm việc bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản. Ngoài ra, ông cũng kêu gọi chung chung rằng các bên liên quan nên giải quyết vấn đề này một cách hòa bình. 

Phía Nhật Bản thì coi mối đe dọa này là nghiêm trọng, và điều đó đã được nêu trong cuốn Sách Trắng vừa xuất bản của Bộ Quốc phòng Nhật Bản. Từ cuối năm 2010, quân đội Nhật Bản đã được triển khai tới phía Tây Nam của quần đảo và số tàu ngầm đang được tăng cường. Với cái ô quân sự của Mỹ, Nhật Bản có phương tiện để đối phó với một chiến dịch quân sự của Trung Quốc hoặc răn đe chúng. Ngoài ra, về mặt kinh tế, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản là rất quan trọng. Liệu Bắc Kinh có thể rời xa Nhật Bản để vận hành nền công nghiệp điện tử của mình không?

Vì vậy, cuối cùng không một bên nào muốn để cho tình hình leo thang về mặt quân sự và cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều không muốn xảy ra một cuộc xung đột ở qui mô lớn. Tuy nhiên, người ta vẫn không thể lạc quan về những triển vọng của một giải pháp hòa bình cho cuộc tranh chấp lãnh hải này, chủ yếu là do những tình cảm thù địch và dân tộc chủ nghĩa trong dư luận công chúng Nhật Bản và Trung Quốc được khơi lên nhằm những mục đích khác trong chính sách đối nội.

Thay vì kỷ niệm 40 năm ngày bình thường hóa quan hệ, Bắc Kinh và Tôkyô đã tranh cãi nhau quyết liệt về vấn đề đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trên thực tế, quan hệ giữa hai nước chưa có dấu hiệu khả dĩ, trái lại ngày càng xấu đi. Trong khi các cuộc biểu tình chống Nhật Bản nổ ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc trong suốt những tuần qua, thì các cuộc biểu tình của dân chúng Nhật Bản cũng đã lần đầu tiên nổ ra ở thủ đô Tôkyô vào thời gian qua để phản đối Trung Quốc trong cuộc xung đột lãnh hải ở biển Hoa Đông. Những người biểu tình Nhật Bản đã trương những biểu ngữ, khẳng định họ không bao giờ nhượng bộ trước những mối đe dọa quân sự của Trung Quốc. 

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã dọa rằng nước ông sẽ hành động một cách kiên quyết nhưng vẫn cố duy trì tình hình yên tĩnh. Ông Noda nói: “Điều quan trọng là chúng ta phải tỏ ra kiên quyết và không nhượng bộ. Chính phủ Nhật Bản kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc phải bồi thường những thiệt hại do những người biểu tình của họ gây ra đối với các phái đoàn ngoại giao của Nhật Bản. Chưa hết, hãng hàng không Japan Airlines (JAL) tuần qua đã quyết định giảm số chuyến bay giữa Nhật Bản và Trung Quốc từ giữa tháng 10 này, với một chuyến bay khứ hồi mỗi ngày giữa Tôkyô và Bắc Kinh thay vì hai chuyến, hai chuyến khứ hồi hàng ngày giữa Tôkyô và Thượng Hải thay vì ba chuyến và một chuyến bay khứ hồi giữa Osaka và Thượng Hải mỗi ngày thay vì hai chuyến như trước đấy.

Trước tình hình căng thẳng này, Thư ký của Chính phủ Nhật Bản đã thông báo một cử chỉ hòa giải nhân dịp kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, khi cho biết Thủ tướng Nhật Bản dự định bổ nhiệm một đặc phái viên của chính phủ nhằm giải quyết cuộc tranh chấp lãnh hải này với Trung Quốc bằng con đường ngoại giao. Trên thực tế, tình hình căng thẳng giữa hai nước bùng phát sau khi Chính phủ Nhật Bản tiến hành “mua” một số đảo, nơi mà Trung Quốc nhận là của mình. Bắc Kinh cho rằng đây là một sự vi phạm chủ quyền và là một thách thức nghiêm trọng.

Không nhượng bộ một chút nào về các quyền lãnh thổ, Trung Quốc đã đổ thêm dầu vào lửa bằng cách thông qua một loạt các biện pháp chống Nhật Bản. Trong khi các cuộc biểu tình mạnh mẽ tiếp tục diễn ra tại các thành phố của Trung Quốc chống Nhật Bản, buộc nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản đang hoạt động tại đây phải đóng cửa, Bắc Kinh đã tăng cường sự kiểm soát thuế quan đối với các hàng hóa của Nhật Bản cập cảng của Trung Quốc. Ngoài ra, Trung Quốc còn quyết định hủy bỏ hoặc đúng hơn là “hoãn” lễ kỷ niệm ngày bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản, lẽ ra đã được tổ chức vào ngày 27/9.

Mới đây, Trung Quốc đã dọa Nhật Bản sẽ thực hiện những biện pháp trả đũa về thương mại. Các sản phẩm của Nhật Bản tới các cảng của Trung Quốc sẽ phải trải qua những thủ tục khắt khe hơn. Trong cuộc khủng hoảng trước cách đây hai năm giữa hai bên, lực lượng hải quan của Trung Quốc đã được tăng cường “quá mức cần thiết” mỗi khi có chuyến tàu vận tải của Nhật Bản cập cảng của họ. Ngoài ra, nhà cầm quyền Trung Quốc đã phong tỏa việc xuất khẩu tới Nhật Bản các kim loại chủ yếu dùng cho việc chế tạo các sản phẩm công nghệ như màn hình phẳng và điện thoại di động. Trên thực tế, không cần phải bàn cãi, ai cũng hiểu sự căng thẳng này đang và sẽ tác động mạnh mẽ tới cả hai bên, vì Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất của Nhật Bản, còn Nhật Bản là đối tác thương mại thứ tư của Trung Quốc sau Mỹ, Liên minh châu Âu và ASEAN với tư cách là thực thể chung.

Vì sợ việc Mỹ đứng đằng sau đồng minh Nhật Bản, Trung Quốc đã nhắc lại yêu cầu Mỹ không tham gia cuộc xung đột. Trung Quốc đã nhanh chóng phái tàu tới vùng có tranh chấp trong khi các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã nổ ra trên khắp đất nước. Các cuộc biểu tình này đã buộc các nhà máy lớn của Nhật Bản, nhất là nhà máy chế tạo ô tô, phải tạm thời ngừng sản xuất hoàn toàn hoặc từng phần.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã khẳng định rằng Mỹ không đưa ra lập trường của mình và hy vọng rằng các nước liên quan sẽ cùng nhau tìm ra một giải pháp hòa bình để duy trì sự phồn vinh và ổn định trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Đầy nhiệt tình, nhân vật số một tương lai của Trung Quốc Tập Cận Bình đã mong muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc gặp với ông Panetta, ông nói: “Tôi cho rằng chuyến thăm của ông là rất cần thiết để làm cho mối quan hệ giữa hai Nhà nước và giữa quân đội hai nước chúng ta tiến triển”.

Từ nhiều tuần nay, Nhật Bản và Trung Quốc đã tiến hành biểu dương lực lượng xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi có rất nhiều cá và giàu dầu lửa, nằm cách bờ biển Đài Loan khoảng 200 km về phía Đông mà Đài Loàn cũng nhận là của mình, và cách đảo Okinawa (Nam Nhật Bản) 400 km về phía Tây. Theo các chuyên gia, mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc chưa bao giờ căng thẳng như vậy từ nhiều thập kỷ nay. Những căng thẳng này đang thách thức đà phục hồi kinh tế của không chỉ hai nước mà còn của toàn châu Á và thế giới nói chung, vì kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc, cường quốc kinh tế thứ hai thế giới và Nhật Bản, cường quốc kinh tế thứ ba thế giới, vào năm 2011 lên tới 345 tỷ USD (265 tỷ euro), một con số kỷ lục. Ngoài các nguy cơ về kinh tế, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh giữa hai siêu cường kinh tế không hoàn toàn bị loại trừ khi cuộc khủng hoảng vẫn tiếp tục leo thang như những ngày qua. 

Còn một điều dễ thấy nữa là trong cuộc khủng hoảng này, mỗi bên đều lợi dụng nó nhằm những mục đích dân tộc và bầu cử ở trong nước, đó là cuộc bầu cử trước thời hạn ở Nhật Bản và Đại hội Đảng Cộng sản 18 sắp tới ở Trung Quốc. 

Tổng hợp