Tân Hoa xã ngày 20/7 đăng bài “ASEAN không muốn quan hệ với Trung Quốc bị vấn đề Biển Đông dẫn vào con đuờng sai lầm”, nội dung chính như sau:

Chiều 20/7, Ngoại trưởng (NT) 10 nước ASEAN đã công bố nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông, tại sao ASEAN lại chọn thời điểm này để tuyên bố? Nguyên tắc 6 điểm rốt cục thể hiện lập truờng gì của ASEAN trên vấn đề Biển Đông? Trung Quốc nên nhìn nhận thế nào về nguyên tắc này?

Viện truởng Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Khúc Tinh cho rằng, 6 nguyên tắc này là sự bù đắp việc Hội nghị NT ASEAN vừa qua không ra đuợc Tuyên bố chung. Khúc Tinh cho biết tại Hội nghị NT ASEAN, Việt Nam và Philippines muốn đưa lập trường của mình vào Tuyên bố chung, đưa vấn đề Biển Đông thành vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN, các nước ASEAN khác không công nhận cách làm này, đây là một nguyên nhân chính khiến Tuyên bố chung “đổ bể”.

Thực tế, nguyên tắc 6 điểm có nội dung khác với những gì mà Việt Nam và Philippines muốn đưa vào, khi đó không được các nước ASEAN chấp thuận và hôm nay vẫn không được chấp thuận. Nội dung cơ bản của nguyên tắc 6 điểm là tuơng tự với DOC. Có 02 điểm cần chú ý trong nguyên tắc: (i) Tôn trọng toàn diện luật pháp quốc tế đã được công nhận trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982; (ii) Giải quyết hoà bình các tranh chấp hữu quan theo luật pháp quốc tế đã được công nhận, bao gồm Công ước của LHQ về Luật Biển 1982.

Khúc Tinh cho rằng việc các nguyên tắc bao gồm luật pháp quốc tế là cách nêu rất quan trọng, luật pháp quốc tế quyết định việc quy thuộc lãnh thổ, luật biển quyết định việc phân định quyền lợi biển, không phải là những điều ước quốc tế về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa các quốc gia. Các bên liên quan chỉ muốn thuần tuý dựa vào luật biển và đạt được chủ quyền lãnh hải trong phạm vi 200 hải lý, việc này khác với tinh thần của nguyên tắc 6 điểm.

Ngoài ra, nguyên tắc 6 điểm cũng nêu việc sớm đạt được COC. Khúc Tinh cho rằng Trung Quốc có thái độ mở đối với COC, nhưng tiền đề là các bên liên quan phải tuân thủ DOC. DOC là một chỉnh thể, một mặt quy định các bên liên quan không được làm việc gì, mặt khác bao gồm nên làm việc gì. Trung Quốc chưa từng có hành động không nên làm, đồng thời còn tích cực thúc đẩy hợp tác. Tiềm năng hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN về hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, chống tội phạm xuyên quốc gia còn rất lớn.

Cho dù trong DOC, các bên đồng ý không có hành động làm phức tạp, mở rộng vấn đề Biển Đông, nhưng một số nước lại đơn phuơng khai thác dầu khí, có hành động mở rộng xây dựng trên các đảo chiếm đóng phi pháp. Nếu ngay cả DOC cũng không tuân thủ thì làm sao có thể tiến tới xây dựng COC được.

Trong nguyên tắc 6 điểm, nội dung thực hiện toàn diện DOC và Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC được nhắc lại, cho thấy nguyên tắc 6 điểm này và lập trường nhất quán của Trung Quốc không mâu thuẫn mới nhau, mà mưu đồ của một số nước ASEAN cũng không đạt được.

Từ việc tranh cãi tại Hội nghị NT ASEAN dẫn đến không ra được Tuyên bố chung và việc hiện nay lại công bố nguyên tắc 6 điểm, quá trình này cho thấy dòng chảy chính của ASEAN vẫn là muốn phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị với Trung Quốc, không muốn để quan hệ Trung Quốc - ASEAN bị vấn đề Biển Đông dẫn vào con đường sai lầm, đây mới là mấu chốt lớn nhất của vấn đề.

Mưu đồ lợi dụng ASEAN để chống lại Trung Quốc của Philippines và Việt Nam không thể thực hiện được. Việc công bố nguyên tắc 6 điểm cho thấy ở ASEAN, Philippines và Việt Nam đã bị cô lập trên vấn đề Biển Đông.

Mạng Cri Online ngày 20/7 đăng bài: “Indonesia ra tay cứu vãn nguy cơ chia rẽ ASEAN”, nội dung chính như sau: Hội nghị NT ASEAN vừa kết thúc hôm 13/7 mà không ra được Tuyên bố chung. Giới phân tích cho rằng, ASEAN đang đứng trước nguy cơ bị chia rẽ. Ngay lập tức, NT Indonesia Marty Natalegawa đã đến 5 nước thành viên ASEAN để cứu vãn nguy cơ này. Ông Natalegawa đã đưa ra 6 nguyên tắc cơ bản. Sau khi hội đàm với NT CPC, ông Natalegawa đã bày tỏ với báo giới rằng, các nguyên tắc trên đã được Ngoại trưởng 10 nước ASEAN thông suốt. Việc này tạm thời đã hóa giải được bất đồng về tranh chấp Biển Đông trong nội bộ ASEAN, nhưng không thể phủ nhận ý đồ ép buộc các nước ASEAN của Philippines và Việt Nam trong vấn đề tranh chấp Biển Đông đã có ảnh hưởng tiêu cực sâu sắc đối với ASEAN.

Thứ nhất, ASEAN hiện đang đứng trước nhiệm vụ nặng nề phải xây dựng cộng đồng chung về kinh tế vào năm 2015. Việc dốc sức quá nhiều vào tranh chấp Biển Đông sẽ quấy nhiễu nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện mục tiêu này của 10 nước ASEAN. Nếu việc xây dựng cộng đồng chung về kinh tế của ASEAN không hoàn thành đúng thời hạn thì sẽ là cú đánh lớn đối với tất cả các nước thành viên ASEAN.

Thứ hai, trong tình hình kinh tế thế giới rất ảm đạm, việc phát triển quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc là hết sức quan trọng đối với việc phát triển và tăng cường thực lực kinh tế của ASEAN. Việc làm gay gắt mâu thuẫn trên vấn đề Biển Đông rõ ràng có ảnh hưởng tiêu cực đối với hợp tác kinh tế Trung Quốc - ASEAN.

Thứ ba, giống như một số báo chí của ASEAN đã phân tích, tranh chấp Biển Đông lần này đã phản ánh thực tế trong cạnh tranh Trung - Mỹ ở khu vực. Nếu ASEAN cố ép nội bộ thống nhất về vấn đề Biển Đông thì sẽ gây ra nguy cơ lớn hơn, thậm chí gây chia rẽ ASEAN, cuối cùng sẽ làm mất đi vị trí độc lập tự chủ của mình và trở thành phương tiện của người khác. Điều này rõ ràng không phù hợp với lợi ích căn bản của ASEAN.

Cuối năm 2012 sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao Đông Á ở CPC, vấn đề Biển Đông chắc chắn sẽ trở thành tiêu điểm của hội nghị. Trước thời điểm này, việc làm thế nào để điều phối lập trường trong nội bộ ASEAN và xử lý thế nào trong quan hệ với nước lớn khu vực là một vấn đề khó thử thách trí tuệ của ASEAN và NT Indonesia.

“Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 21/7 có bài “Học giả Trung Quốc đánh giá về nguyên tắc 6 điểm của ASEAN”. Ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 20/7 đã chính thức đưa ra nguyên tắc 6 điểm đạt được trong vấn đề Biển Đông, trong đó kêu gọi cần thực thi toàn diện Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông và yêu cầu các bên tiếp tục kiềm chế, không sử dụng vũ lực. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày cũng bày tỏ hy vọng các bên tuân thủ nghiêm ngặt Tuyên bố, tạo điều kiện và không khí cần thiết cho đàm phán về Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông. 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề quốc tế Trung Quốc Khúc Tinh cho rằng xét về hình thức, nguyên tắc trên là một sự bổ khuyết cho việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không ra được thông cáo chung. Trong nguyên tắc 6 điểm này có 2 điểm đáng chú ý, đó là tôn trọng toàn diện luật pháp quốc tế được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi, trong đó bao gồm Công ước Liên hợp quốc về luật biển và căn cứ luật pháp quốc tế được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi để giải quyết hòa bình các tranh chấp liên quan. Ngoài ra, nguyên tắc 6 điểm yêu cầu khẩn trương đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên ở Biển Đông. Trong nguyên tắc này, các tinh thần (như thực thi toàn diện Tuyên bố và các tuyên bố liên quan, hay thực thi phương châm hành động tiếp theo của Tuyên bố) một lần nữa được đưa ra, chứng minh đầy đủ rằng nguyên tắc 6 điểm không hề mâu thuẫn với lập trường nhất quán của Trung Quốc, và như vậy, ý đồ của một số quốc gia đã không thực hiện được. 

Phát biểu trên báo “Văn Hối” số ra cùng ngày, nhà nghiên cứu Hứa Lợi Bình - chuyên gia các vấn đề Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho rằng ASEAN không phải lần đầu tiên đưa ra nguyên tắc và tuyên bố liên quan tới vấn đề Biển Đông, lần này đưa ra nguyên tắc 6 điểm cũng chỉ là nguyên tắc mang tính chung chung, chỉ là một sự “kéo dài” thái độ nhất quán của các nước ASEAN, không hề mang ý nghĩa mới, càng không phải là một tuyên bố về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và các vùng biển phụ cận. Hứa Lợi Bình cho rằng ASEAN hiện đang ở vào “cửa ải” quan trọng, nguyên tắc 6 điểm về vấn đề Biển Đông đưa ra lần này mang ý nghĩa tượng trưng về chính trị nhiều hơn. Nguyên tắc này muốn thể hiện ASEAN là một khối đoàn kết không chia rẽ, chứ không hề có ý nghĩa thực tế về mặt an ninh, không có sức ràng buộc về pháp lý, chỉ là một nhận thức chung về mặt chính trị, hiệu lực cuối cùng vẫn cần được quyết định bởi việc các bên thực thi thế nào, quan trọng nhất trong đó là cần tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị, chứ không phải là tạo ra tình hình căng thẳng như việc tổ chức các cuộc tập trận… 

Theo Hứa Lợi Bình, Mỹ hy vọng Biển Đông giữ một độ nóng nhất định, song không được mất kiểm soát. Thế giới hiện nay, đặc biệt là Mỹ, khá kỳ vọng vào ASEAN có thể phát huy tác dụng quan trọng trong tổ chức khu vực, nguyên tắc 6 điểm lần này được một số nước coi là hòn đá thử vàng đánh giá tác dụng của ASEAN trong việc đưa ra cơ chế giải quyết vấn đề Biển Đông. Hứa Lợi Bình cho rằng khá ít khả năng vấn đề Biển Đông biến thành vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Khối này chỉ đóng vai trò điều đình và trung gian bởi Trung Quốc không có tranh chấp với toàn bộ ASEAN, trong khi nội bộ các nước ASEAN cũng có sự mâu thuẫn về yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Đối với việc làm thế nào để ngăn chặn việc mở rộng và phức tạp hóa vấn đề Biển Đông, Hứa Lợi Bình cho rằng Trung Quốc hiện vẫn nắm quyền chủ động trong vấn đề Biển Đông, song Trung Quốc cũng cần phải thay đổi cách làm trước đây, không nên chỉ “nhân nhượng cho khỏi phiền”, không được duy trì ổn định (tình hình Biển Đông) trước rồi bảo vệ chủ quyền sau, mà cần phải thay đổi thành duy trì ổn định dưới tiền đề bảo vệ chủ quyền, đồng thời không được sợ cứng rắn với các nước xung quanh.

Nhân dân nhật báo ngày 21/7 đăng bài: “ASEAN ra Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đôngđã ‘phá lệ’ đối với nguyên tắc đã giữ” của chuyên gia về vấn đề quốc tế của Trung Quốc Hoa Ích Văn, nội dung chính như sau:

Ngày 20/7, ASEAN ra Tuyên bố chung 6 điểm về vấn đề Biển Đông, những nguyên tắc này cơ bản giống như các nguyên tắc của DOC và Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC, không có khác biệt về thực chất so với nội dung của Tuyên bố chung tại Hội nghị NT ASEAN năm 2011. Phía Trung Quốc không có ý kiến khác đối với các nguyên tắc này. Được biết, những điểm này đã bao hàm trong dự thảo ban đầu mà CPC đã đưa ra. Nhưng do Philippines và Việt Nam cố nhét vấn đề đảo Hoàng Nham vào Tuyên bố chung, có ý đồ biến lập trường phiến diện của một vài nước cá biệt thành nhận thức chung của ASEAN, do đó đã bị các nước ASEAN khác phản đối. Tuyên bố chung này vẫn không tiếp thu đòi hỏi phiến diện của những nước như Philippines.

Tuyên bố chung của Hội nghị NT ASEAN “khó đẻ” và cuối cùng bị “chết yểu” không phải là mong muốn của các nước ASEAN, Trung Quốc cũng không muốn nhìn thấy điều đó. Trên thực tế, cá biệt có nước như Philippines chỉ biết tư lợi cho mình, cố tình ép buộc các nước ASEAN khác phải nhận món hàng riêng của mình. Do đó, cho dù Tuyên bố chung có bị “chết yểu” cũng không hề nuối tiếc. Đó là việc làm gây tổn hại tới nguyên tắc “hiệp thương thống nhất”, là kẻ đầu têu làm việc xấu. Nói trắng ra, rắp tâm đó của họ đã gây khó cho nước Chủ tịch, cản trở sự hiệp thương của ASEAN.

Việc Tuyên bố chung bị “chết yểu” càng không phải lỗi của Trung Quốc. Vấn đề Biển Đông chỉ tồn tại giữa Trung Quốc với một số nước ASEAN, không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN. Do đó, Trung Quốc chủ trương đàm phán song phương giữa các nước có đòi hỏi chủ quyền để giải quyết tranh chấp, phản đối quốc tế hóa vấn đề Biển Đông, nhưng Trung Quốc cũng không sợ quốc tế hóa. Trung Quốc liên tục khuyên răn các bên rằng quốc tế hóa sẽ làm phức tạp hóa vấn đề, không có lợi gì mà còn gây ra nhiều rắc rối giữa Trung Quốc với ASEAN, thậm chí là trong nội bộ ASEAN. Lời nói chưa dứt thì việc làm của Philippines và Việt Nam ở các hội nghị NT ASEAN lần này và dư luận do họ tạo dựng đã minh chứng cho sự lo ngại đó của Trung Quốc.

Sở dĩ một số nước và dư luận ASEAN luôn canh cánh trong lòng việc ASEAN không ra được Tuyên bố chung vì họ cảm thấy sự “đoàn kết” và “vai trò chủ đạo” của ASEAN đang bị lung lay. Hiển nhiên, ASEAN hết sức coi trọng đoàn kết nội bộ và vị trí chủ đạo của mình trong các vấn đề khu vực. Nhưng sự “đoàn kết” và “vai trò chủ đạo” này cũng phải có nguyên tắc, khi xử lý một vấn đề cụ thể cần phải xem xét đến lợi ích tổng thể của ASEAN và quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc. Được biết, Dự thảo Tuyên bố chung có 132 đoạn, trong đó có 4 đoạn liên quan đến vấn đề Biển Đông, trong 4 đoạn đó chỉ có 1 đoạn có ý kiến bất đồng, nhưng khác biệt với quan tâm của các nước khác, đối lập với lập trường của Trung Quốc. Giả thử đoạn này được nhất trí thông qua, mặc dù nhất thời có thể thể hiện được cái gọi là “đoàn kết” trong ASEAN, nhưng điều đó sẽ làm tổn hại tới lợi ích của Trung Quốc. Liệu sự “hiệp thương thống nhất” và “vai trò chủ đạo” được tạo ra trên cơ sở không xem xét tới quan tâm cốt lõi của Trung Quốc thì có giữ được không? có phù hợp với lợi ích lâu dài của ASEAN và khu vực hay không?

ASEAN đã quay một vòng xung quanh Tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông và trở về điểm xuất phát. Điều này xem ra như là sự trăn trở, ý đồ của cá biệt một số nước cũng không thực hiện được, một số nước ASEAN còn cảm thấy như bị thất bại. Trung Quốc cơ bản không coi đó là thắng lợi của mình, nhưng rõ ràng đây là một cơn sóng không lớn lắm nhưng cũng không nhỏ do cá biệt một số nước ASEAN gây ra, đáng để các nước suy nghĩ.

Trung Quốc nhất quán coi trọng quan hệ với ASEAN, nỗ lực thúc đẩy cùng thắng cùng có lợi với các nước ASEAN. Vì đại cục hợp tác khu vực, cần phải cảnh cáo cá biệt một số nước rằng đừng nên khuấy động vấn đề Biển Đông thêm nữa.

Báo Văn hối ngày 22/7 có bài “Trung Quốc thể hiện chiến lược tại Biển Đông - ASEAN phản đối sự trói buộc của Philippines”. Tại Hội nghị NT ASEAN vừa qua tại Phnom Pênh, do việc Philippines cố tình đòi nêu sự kiện đảo Hoàng Nham đã khiến cho lần đầu tiên trong lịch sử, Hội nghị NT ASEAN đã không ra được Thông cáo chung. Ngày 20/7, CPC - quốc gia Chủ tịch luân phiên ASEAN - đã công bố “Tuyên bố chung” của các NT ASEAN, nêu 6 nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh thực hiện toàn diện “Tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông” (DOC), nhưng lại không đề cập đến căng thẳng Trung Quốc - Philippines tại đảo Hoàng Nham. Điều này cho thấy, âm mưu của Philippines nhằm trói buộc ASEAN chống lại Trung Quốc đã bị thất bại thảm hại. Thời gian vừa qua, việc Trung Quốc tạo áp lực từ chính trị, ngoại giao đến quân sự đối với Philippines đã làm cho cục diện Biển Đông phát triển theo hướng tốt đẹp.

Về dư luận, “Nhân dân Nhật báo” bình luận cho rằng “không thể tiếp tục nhẫn nhịn” trước các hành vi của Philippines, “Báo Quân Giải phóng” đăng bài cảnh cáo Philippines không nên coi Trung Quốc là con rồng giấy. Đồng thời, việc xây dựng chính quyền thành phố Tam Sa chính thức được khởi động sẽ tiến hành quản lý hành chính một cách cụ thể đối với khu vực này, thể hiện chủ quyền và quyền quản lý của Trung Quốc đối với các đảo và vùng biển liên quan tại Biển Đông, đánh dấu việc khai thác, quản lý và bảo vệ Biển Đông của Trung Quốc bắt đầu đi vào quỹ đạo quy phạm hơn.

Một số quốc gia ASEAN không có tranh chấp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, đồng thời cũng dựa vào kinh tế Trung Quốc để phát triển kinh tế bản thân, do đó họ sẽ không bao giờ ủng hộ Philippines để đắc tội với Trung Quốc. Việc Trung Quốc có “thể hiện chiến lược tại Biển Đông đã làm cho việc Philippines trói buộc ASEAN nhằm tìm kiếm lợi ích tại Biển Đông vấp phải sự phản đối của các nước ASEAN.

Lập trường về Biển Đông của Philippines cũng bắt đầu mềm đi, quan chức ngoại giao Philippines - những người luôn trên tuyến đầu trong việc chống lại Trung Quốc cũng đã bắt đầu tránh đề cập thẳng đến Trung Quốc mà chuyển sang dùng từ “quốc gia láng giềng” để thay thế, Người phát ngôn của Tổng Thống Philippines còn gọi Trung Quốc là “láng giềng hữu nghị của chúng ta”, trong khi trước đó không lâu còn dùng tiếng Trung Quốc để cảnh cáo “Trung Quốc cần cẩn thận”.

Đối với Trung Quốc, Biển Đông có nghĩa là chủ quyền đối với các đảo bãi, cũng là con đường chiến lược quan trọng trên biển và là sự đảm bảo về an ninh quốc gia, liên quan đến sự phát triển lâu dài của quốc gia, có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Do vậy, Biển Đông không chỉ đơn thuần là vấn đề tranh chấp đảo bãi. Trung Quốc đã nâng cấp vấn đề Biển Đông lên tầm chiến lược quốc gia để xử lý. Sự thực đã chứng minh, “thể hiện chiến lược tại Biển Đông của Trung Quốc là một biện pháp chiến lược quan trọng, có tác dụng bảo vệ lợi ích chủ quyền quốc gia.

Tân Kinh Báo ngày 23/7 “Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc coi chừng tự ghè đá vào chân” của Hứa Lợi Bình, cho rằng, việc Việt Nam liên tiếp biểu tình phản đối Trung Quốc là nhằm: (i) một số phần tử bài Hoa thị uy với cộng đồng quốc tế, chơi con bài “quyết tâm”. Việt Nam là bên tranh chấp Biển Đông có ham muốn lớn nhất, có nhiều động tác khẳng định chủ quyền thực tế nhất. Sau khi thành lập Tp. “Tam Sa”, Chính phủ Trung Quốc ra một loạt đòn tổng lực về hành chính, kinh tế... đã trở thành mục tiêu công kích của các phần tử bài Hoa ở Việt Nam, trở thành một lá bài thể hiện sự quyết tâm của những người này. (ii) Những phần tử bài Hoa tỏ ra yếu đuối trước cộng đồng quốc tế, chơi con bài “bi thương”. Những người tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc đa số đều là phụ nữ, trẻ em, có cả người già ngồi trên xe lăn. Họ dường như bày tỏ với cộng đồng quốc tế, họ là những người yếu đuối, Việt Nam là nước nhỏ, mà Trung Quốc là nước lớn, hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông là nước lớn bắt nạt nước nhỏ, cộng đồng quốc tế cần giúp đỡ Việt Nam. (iii) Những phần tử bài Hoa thừa cơ chống Chính phủ, chơi con bài “dã tâm”. Do Chính phủ Việt Nam đi quá xa trong tranh chấp Biển Đông, rất nhiều mục tiêu đều không hiện thực. Gần đây tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Việt Nam liên kết với Philippines ý đồ “bắt cóc” tranh chấp Biển Đông vào Tuyên bố chung của Hội nghị nhưng không có kết quả. Những phần tử bài Hoa thừa cơ chống Chính phủ, ngầm bày tỏ Chính phủ không có năng lực trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Từ tháng 12/2011 đến nay, tình hình kinh tế, xã hội, an ninh của Việt Nam không mấy lạc quan, chính phủ Việt Nam mưu đồ làm nóng “tranh chấp Biển Đông” để di chuyển mâu thuẫn trong nước. Ngoài ra, Việt Nam không ngừng lôi kéo các nước lớn ngoài khu vực quấy rối tranh chấp Biển Đông, hòng “đục nước béo cò”. Mỹ chẳng qua chỉ coi Việt Nam là một quân cờ để kiềm chế Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam nếu quá dựa vào lực lượng bài Hoa ở Việt Nam hoặc nước Mỹ, thì có thế sẽ dẫn tới “vác đá tự ghè vào chân mình”.

Trên thực tế, đối với tranh chấp Biển Đông, tháng 10/2011 hai nước Trung - Việt đã ký “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển”. Tháng 5/2012, hai bên đã tổ chức họp Vòng 1 Nhóm công tác Chuyên gia về hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển và đã đạt được nhận thức chung. Thực tiễn đàm phán thành công phân giới biên giới trên bộ Trung - Việt chứng tỏ, chỉ cần theo tinh thần “bạn bè, anh em”, tăng cường tin cậy chính trị, tranh chấp Biển Đông không phải là một phương trình không thể giải được.

Lê Sơn (gt)