Mạng Phượng Hoàng, Bắc Kinh tối ngày 11/07/2012 có bài “chuyên gia cho rằng, Trung Quốc (TQ) cần phải đưa ra luật lệ tại Biển Đông, khi không thể nhường nhịn thì cần phải tấn công đáp trả”, nội dung chính như sau:

Phóng viên hỏi: Tổng thống Philippines (PLP) gần đây cho biết, có khả năng yêu cầu Mỹ bố trí may bay trinh sát chống tàu ngầm P-3C tại Nam Hải hút sự quan tâm của dư luận, có bình luận cho rằng không những làm gia tăng căng thẳng TQ-PLP mà còn dẫn tới căng thẳng TQ-Mỹ, cách này cuối cùng đạt được hiệu quả thế nào? Vì sao phải mời Mỹ đến giúp?

Học giả Trương Quốc Khánh trả lời: PLP trong lịch sử từng bị Nhật, Mỹ chiếm đóng nên dân chúng PLP nhìn chung không muốn Mỹ trở lại PLP, sự kêu gọi Mỹ của chính phủ PLP phải chịu sức ép từ trong nước, hơn nữa quan hệ PLP-Mỹ cũng không được tốt như tuyên truyền. Tuy nhiên Mỹ theo chủ nghĩa thực dụng và chỉ xét đến lợi ích quốc gia của chính Mỹ nên không dễ chiều theo ý PLP.

Phóng viên hỏi: Gần đây? Ngoài PLP, Việt Nam (VN) cũng không các động thái thách thức TQ, tranh chấp Biển Đông sẽ phát triển theo chiều hướng nào? Việc thành lập thành phố Tam Sa có ý nghĩa chiến lược như thế nào? Để giải quyết tranh chấp Biển Đông cần phải chuẩn bị những gì?

Học giả Trương Quốc Khánh trả lời: PLP và VN tuy mỗi nước có ý đồ khác nhau nhưng đều tìm thấy điểm chung trong đối phó với TQ, nhưng điều khiến những nước này thất vọng là “Mỹ chỉ đứng sau xúi bẩy” và phần lớn các nước trong ASEAN đều không ủng hộ, đây cũng chính là cơ hội và khả năng có thể giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. Gần đây TQ thành lập Tam Sa, đây chính là cách để tăng cường quản lý đối với khu vực này và là biện pháp tích cực tuyên truyền chủ quyền của TQ, mang ý nghĩa chiến lược.

Trong vấn đề Biển Đông, TQ cần “ra uy” và “thiết lập luật lệ”, nếu gặp những sự việc không thể nhường nhịn thì cần phải tấn công đáp trả, hơn nữa cần phải cho cồng đồng quốc tế biết được giới hạn của TQ đến đâu, cái giá phải trả cho những kẻ xâm lược là thế nào, như vậy không những có lợi cho giải quyết vấn đề hiện thực mà còn có thể tránh được gây ra tranh chấp. Ngoài ra, TQ cần tích cực tăng cường khai thác Biển Đông, xử lý tốt các vấn đề quốc tế liên quan, tránh phức tạp hóa vấn đề.

Mạng Liên Hiệp Tảo Báo ngày 11/7/2012 có bài “Học viện Khổng tử chưa phát huy đầy đủ sức mạnh mềm TQ”, nội dung chính như sau: Mặc dù TQ đã tập trung đầu tư lớn cho quảng bá, nâng cao hình ảnh và ảnh hưởng của mình, bao gồm cả việc đầu tư hàng chục tỷ USD và mở 350 Học viện Khổng tử trên thế giới, nhưng ảnh hưởng sức mạnh mềm của TQ còn hạn chế hơn nhiều so với Mỹ, Nhật, Hàn vì 3 nguyên nhân chính là:

(i) Báo chí TQ còn ít ảnh hưởng trong truyền thông thế giới (các báo như Tân Hoa xã, TQ nhật báo, Truyền hình TW TQ còn ít được yêu thích trên thế giới).

(ii) Hình ảnh TQ dễ bị tổn thương bởi các tranh chấp của nước này với nước ngoài cũng như từ sự bất mãn trong chính nội bộ TQ.

(iii) Tiếng TQ vẫn là loại ngôn ngữ khó học đối với nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, TQ cũng còn thiếu kinh nghiệm giao lưu với cộng đồng quốc tế, chủ nghĩa dân tộc cũng đang trỗi dậy và môi trường chính trị thiếu tự do khiến nhân dân mất niềm tin vào báo chí TQ. Ngoài ra, các nhân tố khác như vấn đề lịch sử, tranh chấp lãnh thổ, sự quấy rối của Mỹ và các nước cũng hạn chế việc TQ phát huy sức mạnh mềm.

Tân Hoa xã - 11/7 “Philippines (PLP) và Việt Nam (VN) mượn Hội nghị ASEAN làm nóng vấn đề Biển Đông, muốn xây dựng COC”: Tại hội nghị ASEAN, PLP là người đi tiên phong nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN khác, ép Trung Quốc (TQ) phải chấp nhận COC, tiếp theo sau PLP là VN. Nhưng phần lớn các nước ASEAN giữ trung lập, không muốn nhìn thấy ASEAN bị tranh chấp Biển Đông bắt cóc làm con tin. Nghiên cứu viên Viện Châu Á - TBD và chiến lược toàn cầu thuộc Viện KHXH TQ Hứa Lợi Bình bày tỏ, VN và PLP rất muốn đưa vấn đề Biển Đông vào các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhằm biến vấn đề song phương thành đa phương và làm nóng vấn đề Biển Đông. Hai nước này muốn sớm đạt được COC để sử dụng văn bản này ràng buộc các hành vi của TQ ở Biển Đông.

Phó nghiên cứu viên Viện nghiên cứu vấn đề quốc tế TQ Thời Vĩnh Minh bày tỏ, trong tình hình hiện nay, COC rất khó đạt được tại hội nghị lần này. Thứ nhất, các nước không bày tỏ thái độ gì đối với các hành vi vi phạm DOC của VN và PLP, do đó đàm phán xây dựng COC liệu có ý nghĩa gì? Thứ hai, vấn đề Biển Đông  không phải là vấn đề giữa TQ và ASEAN, cũng không nên giải quyết trong khuôn khổ ASEAN. Đứng sau VN và PLP là Mỹ. Việc “Nam Hải” “đấu mà không vỡ” phù hợp với lợi ích của Mỹ. Hứa Lợi Bình cho rằng, sở dĩ vấn đề Biển Đông nóng lên như vậy có liên quan chặt chẽ với thái độ của Mỹ. Sau khi đưa ra chiến lược “quay trở lại CÁ”, Mỹ đã lôi kéo các nước ASEAN, đưa ra đảm bảo và cam kết về an ninh đối với những nước này. Điều này đã có tác dụng dung túng cho một số nước như VN và PLP chống lại TQ trên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, gần đây Mỹ đã “đổi giọng” trên vấn đề “Nam Hải”, nói rằng Trung - Mỹ cần hợp tác. Đối với Mỹ, khu vực Biển Đông “đấu mà không vỡ” phù hợp với lợi ích của Mỹ, như vậy Mỹ mới có thể điều khiển, kiếm lợi được ở cả hai bên.

Mạng “Tinh đảo Hoàn cầu” ngày 11/7/2012 đăng bài viết tựa đề “ASEAN sẽ thảo luận riêng với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông”. Nội dung như sau:

Các quốc gia ASEAN đang tiến hành một loạt hội nghị tại thủ đô Phnompenh, Campuchia. Truyền thông và giới phân tích cho rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ là điểm nóng của hội nghị lần này. AFP ngày 10/7 đưa tin cho biết, bản dự thảo văn kiện do các nước tham dự hội nghị đưa ra cho thấy, các nước ASEAN mong muốn kêu gọi các bên tranh chấp giải quyết xung đột dựa trên Công ước LHQ về Luật biển. Giới phân tích cho rằng, điều này cho thấy các nước ASEAN lo ngại họ không có khả năng “ra giá” trong đàm phán song phương với Trung Quốc.

Tờ “Hoàn cầu Thời báo” đưa tin, Ngoại trưởng các nước ASEAN cuối cùng đã đưa ra dự thảo “Quy tắc ứng xử các bên trên Biển Đông”, hy vọng có thể ký kết với Trung Quốc nhằm làm hòa dịu các cọ sát trong tranh chấp.

Văn kiện này kêu gọi, các bên liên quan cần giải quyết vấn đề tranh chấp theo khuôn khổ “Điều ước thân thiện và hợp tác” (TAC), ngăn ngừa việc sử dụng vũ lực giải quyết xung đột; đồng thời cũng kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân theo luật pháp quốc tế trong đó có Công ước LHQ về Luật biển.

Bài báo cũng cho biết, mặc dù vấn đề Biển Đông không phải là nội dung làm việc chính của hội nghị lần này, nhưng một số nước ASEAN như Philippines và Việt Nam đã nêu ra vấn đề này một cách không chính thức. Ngày 11/7, ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc họp riêng để bàn về vấn đề Biển Đông.

Một quan chức ngoại giao ASEAN giấu tên cho biết, lập trường của các nước ASEAN về “Quy tắc ứng xử trên Biển Đông” (COC) sẽ còn có sự thay đổi theo tiến triển của hội đàm, và giới phân tích cho rằng, hội nghị thỏa hiệp như vậy sẽ khiến cho COC không còn nhiều ý nghĩa thực tế.

Mạng “Phượng Hoàng” (Hồng Công) ngày 11/7/2012 đưa tin về phát biểu của quan chức Đài Loan về Biển Đông: Trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông đang tiếp tục diễn biến phức tạp, Trung Quốc – Philippines – Việt Nam liên tiếp có các động thái lên gân, mới đây Ủy viên Trung ương Quốc dân đảng Đài Loan Khâu Nghị trả lời phỏng vấn báo chí bày tỏ, “Vùng biển xung quanh đảo Thái Bình (Ba Bình) thuộc chủ quyền Đài Loan có nguồn tài nguyên dầu khí rất phong phú, nếu như Đài Loan độc lập khai thác, nhất định sẽ gặp phải sự cản trở hoặc chiếm đoạt của Việt Nam, do đó hai bờ nên hợp tác, bởi dù sao Nam Hải cũng là lãnh thổ của dân tộc Trung Hoa”.

Ông Khâu Nghị cũng cho biết, đảo Thái Bình là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa, Đài Loan hiện có Cục Hải tuần đặt trên đảo, cùng với hơn 100 bộ đội. Gần đảo Thái Bình có bãi Đôn Khiêm (đảo Sơn Ca) ‘vốn thuộc Đài Loan’ nhưng đã bị Việt Nam ‘cưỡng chiếm’. Trong năm 2011 vừa qua, Việt Nam đã “xâm phạm” vùng biển khu vực đảo Thái Bình tổng cộng 106 lần, trong nửa đầu năm nay cũng đã xâm phạm hơn 60 lần, rõ ràng là Việt Nam và các nước khác như Philippines, Indonesia đang thường xuyên ‘dòm ngó’ đảo Thái Bình. Trong tình hình đó, cách duy nhất là Đài Loan bắt tay với Đại lục, đưa ra thảo luận vấn đề hai bờ cùng nhau quản lý Biển Đông, bởi đây là lãnh thổ chung của dân tộc Trung Hoa. Hai bờ hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí không những mang lại giá trị kinh tế mà còn có ý nghĩa quan trọng giúp hai bờ phát triển hòa bình, hơn nữa đây cũng không phải là vấn đề có thể dẫn đến mâu thuẫn thống nhất hay độc lập.

Trước đó, ngày 10/7/2012, tại Hải Nam, Trung Quốc, giới học giả hai bờ cũng đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học Hai bờ lần thứ 10 về vấn đề Nam Hải với chủ đề bàn thảo là “Triển vọng hợp tác hai bờ trong bối cảnh tình hình mới tại Biển Đông”. Tham dự có hơn 50 học giả đến từ các cơ quan nghiên cứu hai bờ, trong đó có một số chuyên gia kỳ cựu như Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải Ngô Sỹ Tồn, Giáo sư Đại học Chính trị Đài Loan Lưu Phục Quốc cùng các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Giao thông Thượng Hải, Đại học Ký Nam Quảng Châu, Đại học Nam Kinh, Đại học Sư phạm Đài Loan, Đại học Nam Hoa Đài Loan…

Các học giả tham dự hội thảo đã kêu gọi hai bờ tăng cường hơn nữa hợp tác trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, trong đó có hợp tác bảo vệ và khai thác nguồn lợi biển, thảo luận vấn đề hợp tác nghiên cứu pháp lý Biển Đông. Diễn đàn nói trên được thành lập năm 2002, đến nay đã qua 10 lần hội thảo./.

Lê Sơn (gt)