Ngày 6/8, trang tin “Thời báo Hoàn Cầu” (Trung Quốc) đăng bài viết “Nga là nước được lợi trong tranh chấp Biển Đông” của Khang Lâm, chuyên viên Viện Nghiên cứu Biển Đông (Trung Quốc), nội dung như sau:

Trên thực tế, quan hệ Nga-Việt rất mật thiết. Cuối tháng 7/2012, trong thời gian thăm Nga, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đã ngỏ ý sẵn sàng tạo cho Nga cơ hội xây dựng trạm bảo dưỡng kỹ thuật hậu cần tại cảng Cam Ranh. Vị trí chiến lược của vịnh Cam Ranh vô cùng quan trọng, Mỹ đã sớm để mắt đến quân cảng này, nhưng nay, thông tin Việt Nam muốn tạo điều kiện cho Nga sử dụng đã khiến Mátxcơva vui mừng. 

Nga là nước cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự lớn nhất của Việt Nam. Từ năm 1950-2010, tổng kim ngạch thương mại vũ khí Nga-Việt đạt 23,6 tỷ USD, chiếm gần 90% tổng kim ngạch nhập khẩu vũ khí của Việt Nam. Ngoài ra, Nga không ngừng cung cấp máy bay chiến đấu, tàu ngầm cho Ấn Độ, Malaixia. Ngay cả một nước như Burây - vốn có truyền thống nhập khẩu vũ khí từ Anh, Pháp, Mỹ - cũng bắt đầu lựa chọn vũ khí của Nga. Trong hệ thống phòng không của Xinhgapo, hệ thống tên lửa đánh chặn tầm thấp hoàn toàn được nhập từ Nga. Đến nay, vũ khí do Nga chế tạo đã trở thành “nhu cầu nóng” của thị trường Đông Nam Á.

Động thái của Nga tại Biển Đông không chỉ dừng lại ở đó, Nga đã và đang từng bước thâm nhập vào lĩnh vực kinh tế, năng lượng. Ngay từ năm 1981, Tập đoàn dầu khí Nga Zarubezhneft đã cùng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) thành lập Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Việt-Xô. Đây chính là xí nghiệp liên doanh mở ra ngành công nghiệp dầu mỏ của Việt Nam. Tháng 4/2012, Tập đoàn Công nghiệp Khí tự nhiên Nga (Gazprom) đã ký hiệp định với phía Việt Nam, cùng thăm dò khai thác lô 05-2 và 05-3 nằm bên trong phạm vi khu vực mà Trung Quốc gọi là "đường đứt khúc 9 đoạn"

Trên bình diện chiến lược, Nga nhận thấy Trung-Mỹ đối đầu đã đem lại cơ hội cho Nga. Trong nội bộ Nga nhiều người thấy rằng quan hệ Mỹ-Trung-Nga hiện nay giống như quan hệ Mỹ-Xô-Trung ngày xưa. Có điều, Trung Quốc bây giờ thay thế Liên Xô khi đó, trở thành mối đe dọa hàng đầu trong mắt của người Mỹ hiện nay. Trong bài phát biểu gần đây, một học giả Nga cho rằng Mỹ bắt đầu chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á, liên kết với một số nước như Philíppin và Việt Nam, thực hiện chiến lược kiềm chế Trung Quốc. Trong cuộc chơi Mỹ-Trung, Nga nên lựa chọn sách lược “tọa sơn quan hổ đấu”, đồng thời lợi dụng cơ hội này nhanh chóng xây dựng liên minh Âu-Á, vì lợi ích địa chính trị, tăng cường quan hệ đồng minh với Ấn Độ, Việt Nam. Các nhà chiến lược Nga thấy rõ cuộc chơi Mỹ-Trung hiện nay đem lại cơ hội chiến lược cho Nga, do vậy Nga đang nỗ lực thực hiện tối đa hóa lợi ích của bản thân.

Tác giả bài viết cho rằng Trung-Nga có cùng một mục tiêu là ngăn chặn sự quay trở lại châu Á của Mỹ, hai nước không nhiều thì ít đều cần hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường năng lực đối phó với Mỹ và đồng minh của Mỹ. Hai nước làm thế nào để hóa giải bất đồng, tìm kiếm điểm tương đồng, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược mật thiết hơn sẽ là vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay. Trung Quốc cần tiếp tục tăng cường hợp tác với Nga trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng và an ninh khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng cần gây áp lực nhất định đối với Nga khi có cơ hội thích hợp và cần kiên trì chiến lược đã định, sử dụng chiến thuật và ngoại giao đa phương linh hoạt. 

“Biển Đông không phải là sân chơi của Mỹ” (Thời báo Hoàn cầu - 7/8). BNG Mỹ đã chỉ trích TQ về việc thành lập Tam Sa và quân đội của thành phố này vào cuối tuần trước. Hành động trên của Mỹ đã thể hiện sự thiên vị VN và PLP và có thể khuyến khích hai nước này chống đối thêm TQ. BNG TQ đã tỏ phản đối mạnh mẽ với tuyên bố trên của Mỹ vào ngày 4/8. Hai cường quốc Mỹ - Trung hiếm khi có những tranh cãi ngoại giao mạnh mẽ về tranh chấp lãnh thổ tại Đông Nam Á.

Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ ngày càng tăng sự ủng hộ VN và PLP về vấn đề Biển Đông. Khi cả hai nước này đưa sáng kiến về vấn đề Biển Đông, thái độ của Mỹ dường như trung lập hơn nhưng khi TQ có một số ưu thế, Washington đã từ bỏ quan điểm trung lập để cân bằng với TQ.

"Thành phố Tam Sa" vừa được thành lập và TQ sẽ chắc chắn không thay đổi quan điểm bởi một số nhận xét từ phía Mỹ. Tuyên bố mới đây nhất của Mỹ sẽ chẳng có chút ảnh hưởng nào tới TQ. Mặc dù tuyên bố của Mỹ khuyến khích VN và PLP nhưng cả hai nước này sẽ không tin rằng tuyên bố này có thể thực sự thay đổi tình hình tại Biển Đông. Trong khi đó, nếu không có tuyên bố từ phía Washington thì Hà Nội và Manila sẽ ngừng khiêu khích TQ.

Thực sự là Mỹ đang gây ảnh hưởng lên vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, rõ ràng, Mỹ không thể làm những gì mà Mỹ muốn. VN và PLP rất chủ động trong việc khiêu khích TQ mới đây và điều này là do Mỹ tác động ngầm. Tuy nhiên, thời gian sẽ trôi qua và Mỹ không thể gây nóng mãi ở Biển Đông chỉ bằng cái nháy mắt hay hắt hơi. Ảnh hưởng của Washington tại Biển Đông đang giảm mạnh.

Những căng thẳng hiện nay tại Biển Đông đã đặt các nước trong khu vực vào tình trạng báo động. Những khiêu khích hơn nữa từ phía Mỹ sẽ không nhất thiết khiến Hà Nội và Manila làm theo. Thậm chí, hai nước này có thể còn nghi ngờ ý đồ của Mỹ.

Mặc dù TQ chưa có kế hoạch giải quyết ngay những tranh chấp tại khu vực nhưng TQ sẽ không cho phép VN và PLP tùy ý lợi dụng sức mạnh của Mỹ để quyết định tạo cân bằng trong vấn đề Biển Đông.

Sau khi đạt được một số lợi ích từ vòng khiêu khích đầu tiên tại Biển Đông, Mỹ dường như cho rằng cái mẹo nhỏ này có thể lại được sử dụng hết lần này đến lần khác và tiếp tục phá vỡ tình hình hiện tại ở khu vực. Tuy nhiên, tất cả các bên có liên quan tại Biển Đông đều mong muốn hòa bình thay vì bất ổn. Mỹ cần nhớ một điều là Biển Đông không phải là biển Ca-ri-bê.

Mạng “Tin tức Trung Quốc” ngày 7/8 cho biết trong cuộc hội thảo về quan hệ hai bờ lần thứ 21- được tổ chức tại thành phố Quý Dương, tỉnh Quý Châu (Trung Quốc) ngày 7/8 - nhiều chuyên gia, học giả tham dự hội thảo đã lên tiếng kêu gọi hai bờ hợp tác để cùng bảo vệ chủ quyền Biển Đông.

Ông Lưu Thế Dương, chuyên viên Phòng nghiên cứu Đài Loan thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng việc hai bờ cùng hợp tác trong các lĩnh vực nhạy cảm như chính trị, quân sự, đối ngoại là tương đối khó, nhưng hai bờ hoàn toàn có thể bắt tay hợp tác trong các lĩnh vực mang tính học thuật, kinh tế và công năng. 

Ông Lưu Thế Dương cho biết sau năm 1949, chính sách của chính quyền Trung Quốc và Đài Loan đều kiên trì khẳng định chủ quyền Biển Đông, đồng thời đã nhiều lần cùng nhau bảo vệ chủ quyền. Chỉ trong lĩnh vực quân sự có thể nêu 3 ví dụ: năm 1974, khi xảy ra hải chiến Hoàng Sa, quân đội Đài Loan đã hủy bỏ phong tỏa eo biển Đài Loan sau gần 30 năm, giúp tàu chiến của hạm đội Đông Hải (Trung Quốc Đại lục) tiến ra chiến trường; năm 1988, khi xảy ra xung đột Trung-Việt trên đảo Xích Qua (đảo Gạc Ma của Việt Nam), hạm đội Nam Hải đã được phía Đài Loan ngầm cho phép lưu lại trên đảo Thái Bình (đảo Ba Bình của Việt Nam), đồng thời tiến hành cung cấp hậu cần vật tư; năm 1995, khi xảy ra “sự kiện đảo Mỹ Tế” (đảo Vành Khăn của Việt Nam), Đài Loan ra tuyên bố ủng hộ Đại lục, kiên trì nguyên tắc chủ quyền vùng nước mang tính lịch sử. 

Tuy nhiên, ông Lưu Thế Dương cũng khái quát 3 trở ngại cho hợp tác hai bờ trong vấn đề Biển Đông: Thứ nhất, mong muốn của chính quyền Đài Loan không đủ mạnh mẽ. Thứ hai, đảng Dân Tiến rõ ràng muốn thông qua diễn đàn “Viện lập pháp” Đài Loan đề phản đối hai bờ hợp tác trong vấn đề Biển Đông. Thứ ba, dưới cái gọi là chiến lược quay trở lại châu Á, Mỹ gấp rút can dự vào vấn đề Biển Đông, cực lực phản đối hợp tác hai bờ trong vấn đề này. 

Ông Lưu Thế Dương nhấn mạnh: hợp tác trong vấn đề Biển Đông không chỉ là bảo vệ chủ quyền, mà còn giúp tăng thêm tình cảm và lòng tin chính trị song phương, đồng thời kiến nghị cần thực sự hợp tác thay vì chỉ nói suông, cùng lựa chọn một số dự án hợp tác có tính khả thi. Đặc biệt, ông Lưu Thế Dương cho rằng trong vấn đề chủ quyền, hai bờ Trung-Đài cần kiên trì nguyên tắc “một nước Trung Quốc”, và trong vấn đề khai thác tài nguyên có thể thỏa hiệp linh hoạt.

Ông Thôi Bình, Giáo sư Học viện Chính pháp thuộc Đại học Sư phạm Thủ đô, và ông Tô Nguyên, nghiên cứu sinh, cho rằng hiện nay quan hệ Trung-Đài đang bước vào thời kỳ phát triển hòa bình. Lập trường tương đồng sẽ tạo cơ sở cho hợp tác song phương trong vấn đề Biển Đông. Họ cho rằng hai bờ có thể bắt đầu hợp tác từ lĩnh vực giao lưu học thuật, đồng thời từng bước nghiên cứu thảo luận hợp tác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như cứu trợ nhân đạo, chống cướp biển, chống khủng bố, khai thác nghề cá, bảo vệ sinh thái. 

Tuy nhiên, Giáo sư Vương Cao Thành thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược tại Đại học Đàm Giang (Đài Loan), cho rằng chính quyền Đài Loan có “thái độ tương đối lo lắng” nếu tiến hành hợp tác với Đại lục trong vấn đề Biển Đông hiện nay. Nguyên nhân chủ yếu là do lo ngại sự phản ứng của Mỹ, Nhật và các quốc gia Đông Nam Á nếu hai bờ bắt tay hợp tác, trong khi xét về mặt quan hệ quân sự, chính trị và kinh tế, Đài Loan tương đối phụ thuộc vào Mỹ, Nhật, đồng thời Đài Loan hiện cũng mong muốn mở rộng hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á.
Hội thảo về vấn đề Biển Đông giữa hai bờ lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 7 vừa qua đã ra “Ý kiến chung”, trong đó đề xuất một số kiến nghị cụ thể về tư tưởng, lĩnh vực và phương hướng phát triển Trung-Đài trong hợp tác Biển Đông. Giáo sư Vương Cao Thành cho rằng chính quyền Đài Loan chưa có phản hồi tích cực đối với các kiến nghị này, song cũng không bày tỏ sự phản đối vì có thể Đài Bắc còn đang đánh giá, quan sát một số diễn biến tiếp theo trước khi lên tiếng chính thức.

Theo “Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 7/8, xét về lâu dài, để bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc ngoài việc cần có lực lượng cảnh sát và quân sự, cơ bản hơn là cần tiến hành khai thác kinh tế. Thiết lập thành phố Tam Sa chính là nhằm tạo ra khung hành chính hoàn chỉnh hơn, thuận tiện cho việc thực hiện công tác bảo vệ và khai thác. Tuy nhiên, cuối cùng vẫn phải tìm kiếm phương án và phương thức khai thác có hiệu quả cao, đồng thời cũng cần nghiên cứu nhiều hơn nữa về mảng công tác này. 

Gần đây, có doanh nghiệp của Trung Quốc mời đấu thầu khai thác dầu khí ở vùng biển ngoài khơi Việt Nam, đoàn thuyền cá của tỉnh Hải Nam đã đến vùng biển quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) để đánh bắt cá, đó là những ví dụ rõ ràng trong việc kết hợp khai thác và bảo vệ chủ quyền, những hành động như vậy sau này cần ngày càng nhiều hơn. Xét về lâu dài, cần có kế hoạch khai thác toàn diện hơn và chuyên sâu hơn, và cần bao gồm các nội dung: phân khu vực thiết kế bản đồ khai thác; phân ngành nghề chế định phương án khai thác; và cung cấp hạ tầng cơ sở và dịch vụ cơ bản mà khai thác cần. 

Xét về khu vực, Biển Đông có diện tích rộng lớn, từ Bắc xuống Nam dài khoảng 2.000 km, từ Đông sang Tây rộng khoảng 1.000 km, cần phải hoạch định khu vực, căn cứ các tình hình khác nhau để thiết kế bản đồ khai thác. Khu vực phía Bắc là từ Hồng Công đến 15 vĩ độ Bắc, đây là khu vực khá gần với lục địa Trung Quốc và bao gồm phần thềm lục địa, nên được ưu tiên khai thác. Khu vực giữa từ 15 vĩ độ Bắc xuống 13 vĩ độ Bắc, bao gồm các quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa và đảo Hoàng Nham/bãi cạn Panatag (Scarborough)…, có thể sử dụng các đảo bãi làm cơ sở để khai thác. Khu vực phía Nam là vùng biển quần đảo Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) từ 12 vĩ độ Bắc xuống 5 vĩ độ Bắc, đây là khu vực có diện tích rộng lớn nhất và xa xôi nhất, đồng thời cũng là nơi tập trung các tranh chấp quốc tế, cần có phương án xử lý đặc biệt. Ngoài ra, giữa khu vực giữa và khu vực phía Nam có một vùng biển sâu, độ sâu đạt tới 4.000 m trở lên, cần xử lý sau. 
Xét từ góc độ ngành nghề, khu vực Biển Đông - nhất là các vùng biển có đảo bãi - trong lịch sử là ngư trường của ngư dân Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Công và Ma Cao), riêng vùng biển Nam Sa đã có khoảng 500 tàu cá tác nghiệp lâu dài. Tới đây, ngoài việc tiếp tục mở rộng phát triển nghề cá, còn cần phát triển các ngành nghề khác, bao gồm: 

Một là, nuôi trồng thủy sản trên biển, trên cơ sở đánh bắt cá hiện nay phát triển thêm nuôi thủy sản và trồng tảo biển. Mấy năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành thí điểm nuôi trồng thủy sản tại đảo Mỹ Tế (đảo Vành Khăn của Việt Nam) ở quần đảo Nam Sa, và đã cải tạo các tàu cá lớn để tiện cho việc chi viện công tác nuôi trồng thủy sản ở đây. Hiện không còn vướng mắc gì liên quan kỹ thuật cơ bản, song vẫn cần nghiên cứu để mở rộng sản lượng và nâng cao hiệu quả. Ngoài ra, tỉnh Hải Nam cũng có kế hoạch xây dựng cơ sở nghiên cứu khoa học nuôi trồng thủy sản tại khu vực đá ngầm nước nông ở Trung Sa. 

Hai là, phát triển du lịch. Các đảo bãi ở Biển Đông có thể phát triển du lịch tàu biển, có thể khai thác thăm quan du lịch bảo vệ sinh thái và hoạt động trên biển, ngoài ra cũng cần thông qua xây dựng sân bay trên biển để khai thác du lịch đường không. Làm du lịch không chỉ là phát triển ngành nghề, nó còn giúp tăng cường nhận thức lãnh thổ và ý thức bảo vệ chủ quyền của người dân. 

Ba là, khai thác biển sâu. Đáy Biển Đông có tài nguyên dầu khí phong phú, các nước xung quanh mượn sự hỗ trợ của các công ty nước ngoài đã tiến hành khai thác. Trung Quốc cần phải dựa vào năng lực khai thác tự chủ mới không sợ bị nước ngoài ép. Hiện nay, có được năng lực khai thác biển sâu đều là các công ty dầu khí phương Tây, tại các khu vực biển có tranh chấp, phương hướng chính trị của các công ty này khó xác định, cũng có thể chịu sự can thiệp của các nước Âu, Mỹ. Gần đây, Việt Nam có mời công ty của Ấn Độ tham gia khai thác, song Ấn Độ lại không nắm được các kỹ thuật liên quan, biết là khó làm nên muốn rút lui, song phía Việt Nam vẫn chưa đồng ý. Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố hàng loạt đột phá trong nghiên cứu chế tạo tự chủ các thiết bị công trình biển sâu, bao gồm thiết bị lặn Giao Long, giàn khoan biển sâu Dầu mỏ Hải Dương 981 có thể tác nghiệp ở độ sâu 3.000 m… cho thấy Trung Quốc đã thực lực tự chủ khai thác tài nguyên biển sâu, và đã bố trí các thiết bị này ở khu vực phía Bắc Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu chế tạo thành công tàu biển chuyên thăm dò và khai thác băng cháy và tàu này cũng đã được vận hành tại Biển Đông. 

Trang tin của hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc (Hồng Công) ngày 7/8 đăng bài của nhà phân tích Hồ Chí Dũng cho rằng gần đây, hải quân Nga có kế hoạch trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam. Hành động này sẽ làm cho tình hình khu vực Biển Đông trở nên phức tạp hơn. 

Theo tác giả, vịnh Cam Ranh nằm ở con đường giao thông huyết mạch nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, có vị trí địa lý rất quan trọng, trong thời gian chiến tranh Việt Nam từng trở thành căn cứ không quân chủ yếu của Mỹ. Năm 1979, Liên Xô và Việt Nam đã ký một hiệp định liên quan tới vịnh Cam Ranh với thời gian thuê là 25 năm, từ đó, vịnh Cam Ranh trở thành căn cứ hải quân lớn nhất của Liên Xô ở nước ngoài. Ở Cam Ranh, Liên Xô đã cho xây dựng cơ sở trinh sát vệ tinh, thông tin và tên lửa phòng không cỡ lớn. Tàu sân bay của Liên Xô từng đến vịnh Cam Ranh để tiến hành bổ sung hậu cần. Tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược và tàu mặt nước lớn cũng như lực lượng hải quân lục chiến của Liên Xô đều từng đến Cam Ranh thường trú. Nhưng vào năm 2002, sau thời gian dài sử dụng, Nga (nước thừa kế chính sau khi Liên Xô tan rã) đã rút khỏi Cam Ranh. Tuy nhiên mới đây, cơ quan tham mưu hải quân Nga đã nói một cách rõ ràng rằng nước này cần quay trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh của Việt Nam và sẽ khởi động trở lại căn cứ quân sự Cam Ranh trong 3 năm. 

Tháng 7/2012, Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang sang thăm Nga và có cuộc hội đàm cấp cao với Tổng thống Nga V. Putin tại khu nghỉ mát Sochi, ngỏ ý Việt Nam cho phép Nga xây dựng căn cứ tu bổ tàu thuyền ở vịnh Cam Ranh. Phía Nga cam kết cho Việt Nam vay 10 tỷ USD, trong đó khoảng 8 tỷ USD dùng để xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam, phát triển quan hệ đối tác toàn diện Nga-Việt trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, quốc phòng và an ninh. 

Trở lại vịnh Cam Ranh không những đảm bảo hoạt động của Hạm đội Thái Bình Dương, mà còn giúp hải quân Nga tấn công cướp biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nhưng quan trọng hơn là Nga có thể lợi dụng việc trở lại căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh để "thọc" sâu sức mạnh quân sự của mình vào khu vực Biển Đông. Trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông đang nổi lên, hành động này của Nga sẽ làm cho vấn đề Biển Đông trở nên phức tạp hơn. 

Tác giả cho biết mấy năm lại đây, Nga tích cực phát triển quan hệ hợp tác hữu hảo với các nước Đông Nam Á. Đặc biệt, Nga đã tích cực chủ động phát triển quan hệ với các nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc như Việt Nam, Malaixia. Cụ thể, tháng 3/2010, Bộ trưởng Quốc phòng Nga thăm Việt Nam, nói rằng hải quân Nga sẽ giúp hải quân Việt Nam xây dựng căn cứ tàu ngầm. Tháng 8/2012, Nga bàn giao cho Việt Nam chiếc tàu hộ tống lớp Gepard thứ hai sau khi bàn giao chiếc đầu tiên cách đó 1 tháng. Đây là loại tàu chiến hiện đại thế hệ mới, dù là về mặt kỹ thuật hay về trang bị đều đạt mức cao nhất ở tầm quốc tế. Tháng 10/2010, Tổng thống Nga khi đó là ông D.Medvedev thăm Việt Nam. Tháng 11/2010, Việt Nam và Nga ký hiệp định liên quan tới nhà máy điện hạt nhân trị giá 5,6 tỷ USD. Qua so sánh, cân nhắc, Việt Nam đã quyết định sử dụng công nghệ tiên tiến lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ của Nga cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của mình. Ngoài Việt Nam, Nga còn cung cấp những gói trang bị quân sự hiện đại giá trị không nhỏ cho các nước Đông Nam Á khác. Ví dụ, tháng 11/2011, Nga bán cho Malaixia 18 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MKM với tổng giá trị hợp đồng là 900 triệu USD. Loại máy bay chiến đấu này có thể được lắp đặt tên lửa hành trình BrahMos do Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển, có thể tấn công tàu mặt nước và mục tiêu trên mặt đất. 

Theo tác giả, hải quân Nga tiến vào vịnh Cam Ranh sẽ giúp Việt Nam tăng sức mạnh trong tranh chấp Biển Đông. Sau khi "lôi kéo" Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia, giờ đây, Việt Nam tiếp tục "lôi kéo" Nga, mưu đồ cân bằng với Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông. Về phía Nga, việc nước này cung cấp các loại vũ khí tiến công hiện đại nhất cho các nước xung quanh Trung Quốc như Ấn Độ, Việt Nam… rõ ràng là phục vụ ý đồ chiến lược ngăn chặn và răn đe Trung Quốc. 

Tác giả cho rằng căng thẳng Biển Đông hiện nay tiếp tục tăng nhiệt là do các nước như Việt Nam và Philíppin không ngừng khiêu khích Trung Quốc. Việc Nga liên tục ký hợp đồng bán vũ khí số lượng lớn cho Việt Nam, cung cấp cho Việt Nam nhiều máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tàu chiến và hệ thống chống tên lửa tiên tiến đã giúp Việt Nam tăng cường mạnh mẽ thực lực quân sự, giúp Việt Nam có thêm sức mạnh tiếp tục khiêu khích Trung Quốc ở Biển Đông. Việc Nga bán vũ khí cho nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ẩn chứa mục đích chiến lược địa duyên lớn. 

Trên thực tế, sở dĩ tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng một phần là do hành động bán trang thiết bị vũ khí tiên tiến của Nga cho các nước liên quan ở Đông Nam Á. Các nước có tranh chấp lãnh thổ và lãnh hải với Trung Quốc đều là những nước nhập khẩu vũ khí của Nga. Nga làm như vậy một là nhằm nâng cao và tăng cường thực lực quân sự và sức mạnh đối kháng của các nước này đối với Trung Quốc, không ngừng khiêu khích Trung Quốc; hai là gây tổn hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc, giảm nhẹ sự uy hiếp của Trung Quốc ở phía Bắc và vùng Trung Á đối với Nga. 

Tác giả kết luận sự trỗi dậy của Trung Quốc đang phải đối mặt ngày càng nhiều thách thức. Lo lắng và bất an của Nga về sự trỗi dậy của Trung Quốc lớn hơn nhiều Mỹ và Nhật Bản. Dù Trung Quốc và Nga đã xây dựng quan hệ đối tác chiến lược song phương, nhưng Nga không muốn Trung Quốc trở thành nhà lãnh đạo thực sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nga càng không hy vọng Trung Quốc tiếp tục thẩm thấu vào khu vực Trung Á. Trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải Biển Đông, biển Hoa Đông, Nga lúc nào cũng có thể thay đổi quan hệ đối tác với Trung Quốc, bắt tay với Mỹ - nước đang thực thi chiến lược trở lại châu Á - để ngăn chặn Trung Quốc, gây trở ngại cho sự trỗi dậy của Trung Quốc hoặc tạo ra thêm nhiều phiền phức để Trung Quốc phải từ bỏ trỗi dậy giữa chừng. Đây có thể cũng chính là ý đồ chiến lược thực sự của Nga trong việc tích cực phát triển quan hệ với các nước Đông Nam Á liên quan. 

“Việt Nam vừa yêu vừa ghét nước láng giềng Trung Quốc” (“Thời báo Châu Á” Hongkong - 8/8): Ngày 5/8 vừa qua tại Hà Nội lại xảy ra một vụ biểu tình phản đối TQ. Đây là một bước phát triển mới trong cuộc tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc TQ ngày càng tỏ ra cứng rắn trong vấn đề Biển Đông đã làm khơi dậy sự nghi kỵ vốn tồn tại lâu nay trong lòng người VN về dã tâm bành trướng của nước láng giềng phương Bắc.

Từ đầu năm đến nay, quan hệ căng thẳng giữa hai bên từng bước tăng lên, sau khi TQ thành lập thành phố Tam Sa với phạm vi quản hạt bao gồm các quần đảo có tranh chấp vào tháng trước, cục diện căng thẳng đã lên cao hơn nữa. Tâm lý dân tộc chủ nghĩa chống TQ của người dân VN có thể được dùng như một công cụ chính trị, nhưng Đảng Cộng sản VN đứng trước những động thái ngày càng mang tính gây hấn của TQ, đã không thể làm ngơ không hạn chế đối với các hoạt động biểu tình phản đối TQ.

Đối với Bắc Kinh, vấn đề chủ yếu có thể là chủ quyền lãnh thổ và nguồn tài nguyên khoáng sản tiềm tàng, nhưng đối với VN, tranh chấp lãnh thổ không đơn thuần chỉ có vậy. Cùng với sức ảnh hưởng ngày càng mở rộng của TQ tại khu vực, VN càng lúc càng tự khẳng định vị trí và lịch sử riêng của mình trong lịch sử xung đột với TQ.

Trong suy nghĩ của người dân VN, những chiến thắng trong lịch sử trước TQ có thể có một ý nghĩa hết sức đặc biệt, nhưng hiện thực lại không lãng mạn như vậy. Năm 2011, Chính phủ hai nước đưa ra báo cáo lạc quan cho rằng, kim ngạch mậu dịch song phương đã đạt con số 40 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2010; hai bên còn nhất trí thực hiện mục tiêu đến năm 2015 kim ngạch thương mại song phương đạt 60 tỷ USD. Đối với hai nước đang phát triển thì đây là con số không hề nhỏ, và đối với nước VN nhỏ hơn, thì thu nhập từ mậu dịch càng quan trọng.

Trước đây, Đảng Cộng sản VN không cho phép tất cả các cuộc biểu tình nơi công cộng, nhưng họ cũng hiểu rất rõ là những cuộc biểu tình chống TQ gần đây có thể bị lợi dụng biến thành mục tiêu chính trị, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm như hiện nay và tăng trưởng kinh tế trong nước thì giảm sút. Thông qua những bài báo đưa về hành vi của TQ trong vấn đề Biển Đông thu hút sự quan tâm của thế giới, VN có cơ hội tìm kiếm sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế trong vấn đề tranh chấp. Tuy nhiên, sự thận trọng của Hà Nội đối với các hoạt động chống TQ cũng có lý do, chính quyền VN rõ ràng là e ngại mất kiểm soát đối với các hoạt động biểu tình này. Việc này đặt Hà Nội vào thế khó lựa chọn chính sách, cái mà Chính phủ VN cần là khiến cho người dân nhìn thấy thái độ kiên quyết trước TQ, đồng thời họ cũng rất cần tới người láng giềng phương Bắc để duy trì nguồn thu mậu dịch và đầu tư tốt đẹp. Vì vậy, điều mà VN phải cân nhắc lúc này là định hướng hay áp chế xu thế dân tộc chủ nghĩa đang lên cao.

Lê Sơn (gt)