Tàu hải giám 84 - thủ phạm xâm nhập vùng biển VN và phá hoại tàu Bình Minh 02

Theo AFP, Trung Quốc vẫn thường xuyên bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam tại vùng biển tranh chấp, nhưng vụ việc gần đây là lần đầu tiên xảy ra xung đột giữa tàu hải giám Trung Quốc và tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Tờ Financial Times thì cho rằng phát biểu của Nguời phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc thấy Trung quốc đang ám chỉ Việt Nam là bên sai trong trường hợp này. 

Reuters thì nhận định việc Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam phản bác lại và nhấn mạnh “Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. Hải quân Việt Nam sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước” cho thấy quyết tâm lớn của Việt Nam trước xung đột lần này.

Theo tạp chí National Strategy (Pháp), xung đột lần này khiến người ta liên tưởng đến vụ va chạm tàu giữa Trung Quốc và Nhật Bản năm 2010, khi đó cho thấy Trung Quốc “hết sức nghiêm khắc” trong việc giải quyết vấn đề quyền lợi biển, có thể từ nay Trung Quốc sẽ chuyển từ “thái độ nghiêm khắc” thành “hành động nghiêm khắc” vì đã trang bị đủ sức mạnh về hải quân.

Mạng Foreign Policy Mỹ thì nhận xét việc các nước láng giềng như Việt Nam, Philipine gần đây rất tự tin trong xung đột với Trung Quốc là do “nhân tố Mỹ”, Mỹ đã tuyên bố có lợi ích quốc gia tại Biển Đông, điều này, khiến một số nước Đông Nam Á thấy tự tin hơn vì sẽ không bị bắt nạt, song quan hệ Mỹ - Trung rất phức tạp và nhạy cảm chứ không như quan hệ đối lập đơn thuần như Mỹ - Xô trước đây, vì vậy việc Mỹ kéo Nhật và các nước Đông Nam Á thành một liên minh như NATO là rất khó. Ngược lại, Trung Quốc cũng rất khó chiếm thế “tay trên” hoàn toàn tại khu vực. Có báo Philipine lại đề xuất “làm theo lời Đặng Tiểu Bình, giành tranh chấp cho thế hệ sau giải quyết”. Bài báo này cũng dẫn lời một nhà phân tích Việt Nam cho rằng việc báo chí Việt Nam đưa tin rầm rộ về tranh chấp tại Biển Đông sẽ khiến bùng phát tâm lý “bài Hoa” trong dân chúng Việt Nam, tình cảm dân tộc như một con hổ, đã thả ra rồi thị hậu quả khó lường.

Theo RFI, phản ứng của chính phủ Việt Nam lần này hoàn toàn khác hẳn với những lần Trung Quốc bắn giết ngư dân trên biển. Phải chăng Hà Nội biết dụng ý “nắn gân” của Bắc Kinh, tấn công vào quyền lợi của chính quyền, để thăm dò phản ứng của Việt Nam và của quốc tế trong ý đồ bành trướng, từng bước làm chủ Biển Đông.

Các báo The Nation, Bangkok post của Thái Lan đưa tin về vụ Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Petro Việt Nam và cho rằng việc Trung Quốc tiếp tục tăng cường vai trò của ở Biển Đông đã làm tăng thêm sự căng thẳng với các nước trong khu vực và cũng như đối với Mỹ. Tranh chấp ở Biển Đông sẽ là sự đe dọa đối với quan hệ giữa Trung Quốc với các nước ASEAN. Nếu không có một bản quy tắc ứng xử về Biển Đông, rất khó có thể dự đoán về lâu dài đối với sự ổn định và chiến tranh ở khu vực về vấn đề lãnh thổ đến biển. Nếu tranh chấp trên biển tiếp tục không được kiểm soát thì sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực cũng sẽ tăng lên. 

The Nation, cũng có bài cho rằng sau 15 năm ngoại giao kiên nhẫn thì có vẻ như cả ASEAN và Trung Quốc "đang chứng tỏ dấu hiệu mệt mỏi vì chẳng có tiến bộ nào cho một giải pháp rốt ráo hay kế hoạch khai thác chung".

Nhật báo TQ  Tinh đảo Hoàn Cầu ngày 30/5 cũng đưa tin về: Khai thác dầu khí vi phạm đồng thuận và Việt Nam phê phán Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng Biển Đông”.

Ngày 29/5, tuy là ngày Chủ nhật nhưng Bộ Ngoại Giao Việt Nam đã tổ chức cuộc họp báo bất thường, tuyên bố sẽ sử dụng mọi biện pháp để bảo vệ toàn vẹn lãnh hải của mình. Việt Nam bác bỏ việc tàu thăm dò dầu khí của mình hoạt động trên vùng biển Trung Quốc, nhấn mạnh tàu Hải giám Trung Quốc đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và cố ý cắt đứt dây cáp thăm dò địa chấn, nhấn mạnh đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ việc có tính chất tương tự.

Các chuyên gia phân tích Trung Quốc cho rằng những cáo buộc của Việt Nam là vô căn cứ khi các bằng chứng lịch sử và luật quốc tế ủng hộ quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo ông Luo Yongkun, chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á của Học viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc (CICIR) cho biết “Việt Nam cáo buộc Trung Quốc là rất vô lý” và những động thái như vậy chỉ làm tình hình thêm rắc rối, phức tạp hơn. Ông Chu Hao, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam tại CICIR cho rằng việc Việt Nam tiến hành các hoạt động khai thác đơn phương trong khu vực biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc đi ngược với thông lệ và luật quốc tế. Cả hai nhà nghiên cứu đều cho rằng Việt Nam và Trung Quốc nên ngồi lại đàm phán và “những cuộc tham vấn như vậy nên diễn ra trong khuôn khổ song phương”.

Mạng Văn hối đã đăng lại bài bình luận của Thời báo hoàn cầu nhan đề “sức chịu đựng của Trung Quốc là có giới hạn” nhấn mạnh: Xung đột lần này là nghiêm trọng nhất giữa hai nước trong mấy năm gần đây. Phát biểu hải quân Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp cần thiết của Người phát ngôn Bộ Ngọai Giao Việt Nam ngày 29/5 là không bình tĩnh. Do hai nước còn có bất đồng về phân định vùng biển và tranh chấp đảo nên cả hai cần phải kiềm chế. Trung Quốc là nước lớn có thực lực vượt xa Việt Nam, luôn tránh làm những tranh chấp trên biển ngày càng thêm gay gắt, song Việt Nam lại thường có thái độ khiêu khích Trung Quốc như tiến hành thăm dò khai thác ở khu vực có tranh chấp và đưa người ra đảo có tranh chấp.

Trung Quốc thực sự không muốn xảy ra xung đột với Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông, nhưng sự kìm chế của Trung Quốc không phải là không có giới hạn. Cọ sát lần này Trung Quốc không muốn làm to chuyện nhưng điều đó cần có sự phối hợp chân thành của Việt Nam. Trung Quốc không muốn có xung đột về vấn đề lãnh thổ với bất kỳ nước nào, nhưng trong cuộc khủng hoảng Đảo Điếu Ngư năm 2010, Trung Quốc đã không nhân nhượng, quan hệ Trung - Nhật tụt lùi không ảnh hưởng đến việc Trung Quốc kiên quyết chống lại sự khiêu khích của Nhật Bản. Trung Quốc không muốn bất kỳ cọ sát nào giữa hai nước Trung - Việt leo thang, nhưng bất kỳ cọ sát nào, leo thang đến mức độ nào Trung Quốc đều có năng lực chịu đựng được. Nếu Việt Nam muốn thông qua liên kết các thế lực ngoại giao để ép Trung Quốc nhân nhượng thì Trung Quốc ngay bây giờ xin nói với Hà Nội rằng đó là điều ngây thơ.

Trung Quốc và Việt Nam có nhiều lợi ích chung, tính tương đồng trên con đường cải cách của hai nước và những vẫn đề chung trong lĩnh vực ý thức hệ là động lực thúc đẩy hai bên tiến gần và nương tựa lẫn nhau. Xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ, sự tỉnh táo về chiến lược của hai bên là rất quan trọng. Việc ỷ lớn uy hiếp nhỏ là không được, ỷ nhỏ uy hiếp lớn càng hoang đường. Khi Trung Quốc đang giữ sự kìm chế chiến lược, Việt Nam không nên “hùng hổ dọa người”.

Mạng Thời báo Tự do của Đài Loan tối ngày 28/5 cho rằng sau khi Bộ Ngoại Giao ra tuyên bố yêu cầu phía Trung Quốc “phải tránh các hành động tương tự xâm phạm chủ quyền đối với vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của VN, đồng thời phải bồi thường thiệt hại cho phía Việt Nam”. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc chưa có bình luận gì về sự việc này.

Trong khi đó, mạng “Thanh niên báo” của Đài Loan ngày 29/5 cho biết: Có tin, Mỹ và Trung Quốc sẽ tiến hành diễn tập quân sự liên hợp hải, không quân quy mô lớn ở khu vực Biển Đông vào tháng 7/2011. Vấn đề Biển Đông không còn là vấn đề người Trung Quốc tuyên bố bảo vệ vùng nước mang tính lịch sử là có thể được giải quyết mà nó đã diễn biến thành một điểm nóng xung đột mang tính khu vực, quốc tế hoá là không thể tránh khỏi.

Để ứng phó với việc các nước xung quanh Biển Đông ngày càng tăng cường các hoạt động quân sự, Đài Loan ngoài việc một lần nữa tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông còn thông qua phương thức dùng đội hải quân lục chiến thay thế huấn luyện các sỹ quan và binh sỹ hải tuần nhằm tăng cường khả năng chốt giữ Trường Sa và khả năng tuần tra của sỹ quan và binh sỹ hải tuần ở Đông Sa. Thứ trưởng Thường trực Bộ Quốc Phòng, Trung tướng Lâm Dư Báo cách đây hai hôm nhấn mạnh trong cuộc chất vấn của Viện lập pháp rằng, bảo vệ cương thổ là trách nhiệm không thể lơ là của quốc quân, Bộ Quốc phòng căn cứ vào chính sách của quốc gia, tiếp tục tăng cường biên chế, vũ khí, nhân viên huấn luyện tuỳ theo nhu cầu để ứng phó với sự thay đổi của cục diện ở Biển Đông; đồng thời tùy tình hình cụ thể sẽ tăng tần suất cử hạm đội định kỳ trinh sát, không quân tổ chức các chuyến bay cứu hộ tiếp viện nhân đạo, bổ sung hậu cần.

NCBĐ (tổng hợp)

Đề nghị chỉ được dẫn đường link bài viết này,  không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập NCBĐ.