1, Báo Văn hối đăng bài “Bảo vệ chủ quyền Biển Đông cần áp dụng biện pháp cứng rắn” cho rằng, Việt Nam đã bất chấp lịch sử và hiện thực, ngang nhiên đưa lãnh thổ của Trung Quốc vào luật quốc nội của mình, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, cách làm này của Việt Nam hoàn toàn không có giá trị pháp luật. Trước việc chủ quyền đang bị thách thức ngày càng nghiêm trọng, Trung Quốc cần áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn bao gồm cả vũ lực cần thiết để bảo vệ chủ quyền nhằm thể hiện quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của mình. Đồng thời Trung Quốc cũng cần tăng nhanh công tác vận hành của thành phố Tam Sa, triển khai một cách thực chất việc khai thác tổng hợp và quản lý các đảo tại Biển Đông, thể hiện việc thực thi và bảo vệ chủ quyền. Trung Quốc đại lục cũng cần cùng với Đài Loan bắt tay hợp tác cùng bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông.

Việt Nam không những xâm phạm chủ quyền Trung Quốc bằng hình thức lập pháp mà gần đây còn điều máy bay chiến đấu tuần tra trinh sát tại vùng biển Nam Sa (Trường Sa), liên tục thách thức giới hạn cuối cùng của Trung Quốc. Trung Quốc cần áp dụng các biện pháp cứng rắn để đáp trả. Năm 1974 và 1988, Trung Quốc và Việt Nam đã từng xảy ra đụng độ tại Tây Sa (Hoàng Sa), Nam Sa (Trường Sa) và Trung Quốc đã giành được thắng lợi áp đảo, giành lại quyền không chế tại một số đảo bãi tại Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa). Ngày nay, trước những hành vi xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, Trung Quốc cần có sự đáp trả kiên quyết để các nước xung quanh hiểu được thế tiến thoái. Ngoài ra, đương cục Đài Loan đã nhiều lần khẳng định lập trường có chủ quyền đối với Biển Đông, hai bờ cũng từng có phối hợp ngầm trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ. Cùng với những tiến triển to lớn trong việc cải thiện quan hệ hai bờ, hai bên cần tăng cường hợp tác hơn nữa cùng bảo vệ chủ quyền tại Biển Đông.

2, Trong mục “Ý kiến chuyên gia” của tờ Văn hối, Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện KHXH Trung Quốc Hứa Lợi Bình cho rằng, nếu các nước liên quan đánh giá sai sự nhẫn nại hòa bình của Trung Quốc, lấy nhỏ ép lớn, thách thức giới hạn cuối cùng của Trung Quốc thì sẽ phải tự gánh chịu đau thương. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua “Luật Biển” vừa qua cũng không thể thay đổi được lịch sử và hiện trạng quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và Nam Sa (Trường Sa) cùng các vùng biển liên quan thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc luôn “lấy tĩnh trị động”, luôn nắm quyền chủ động, nếu các quốc gia liên quan tiếp tục thách thức, Trung Quốc còn rất nhiều con bài để đối phó.

Chuyên gia nghiên cứu Việt Nam Chử Hạo thuộc Viện Nghiên cứu QHQT hiện đại Trung Quốc cho rằng, sở dĩ Việt Nam liên tục có thái độ khiêu khích và cứng rắn như hiện nay là do họ tự cho rằng có sự ủng hộ của Mỹ, “Trung Quốc cần đạt được nhận thức chung với Mỹ về an ninh trên biển thì không gian hoạt động của Việt Nam sẽ tự khắc bị thu hẹp lại”. Việt Nam cũng tồn tại các phe phái thân Trung Quốc và chống Trung Quốc, “Trung Quốc cần chủ động tấn công các thế lực chống Trung Quốc và làm tốt tư tưởng đối với nhóm thân Trung Quốc và nhóm trung lập trong nội bộ Việt Nam”. Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần liên kết với một số quốc gia có quan hệ tương đối tốt với Trung Quốc trong ASEAN nhằm kiềm chế các hoạt động của Việt Nam tại Biển Đông.

Chủ nhiêm Ủy ban chuyên gia thông tin hóa Hải quân Thiếu tướng Doãn Trác bày tỏ, Trung Quốc cần cảnh cáo Việt Nam để họ tuân thủ những thỏa thuận mà hai bên đã đạt được. Trung Quốc không dễ sử dụng vũ lực, nhưng người Việt Nam cũng không nên đẩy Trung Quốc vào bước đường cùng này. Biện pháp vũ lực không có gì tốt cho Việt Nam.

Thiếu tướng Trương Thiệu Trung thuộc Đại học Quốc phòng cho rằng, “gác tranh chấp, cùng khai thác” là chủ trương nhất quán của Trung Quốc, nhưng điều quan trọng ở chỗ “chủ quyền thuộc ta” lại rất ít khi được nhắc tới. Ông này kiến nghị, “từ nay các lực lượng chấp pháp, vũ trang chúng ta khi bảo vệ lợi ích biển của quốc gia cần có hành động từng bước thiết lập quy luật, từ đó để các nước liên quan tuân thủ quy luật”.

3, Tờ Minh báo đăng tin cho rằng, với việc Quốc Vụ viện chính thức phê chuẩn thành lập thành phố Tam Sa, Tam Sa sẽ là thành phố có diện tích lớn nhất, dân số ít nhất của Trung Quốc. TP Tam Sa có 13 km2 diện tích đảo, 2 triệu km2 diện tích mặt biển, bằng ¼ diện tích đại lục Trung Quốc và có khoảng 3500 cư dân thường trú. Ông Chu Vĩnh Sinh, Giáo sư Khoa QHQT Học viện Ngoại giao Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc trong tương lai cần cố gắng di dân ra các đảo tại Biển Đông, tăng cường khống chế một cách thực chất, đồng thời áp dụng cơ chế kinh tế thị trường để biến các hòn đảo này thành “đảo sống”. Phát triển nuôi trồng thủy sản và du lịch “rất có giá trị”, du lịch làm cho du khách hiểu tình hình của khu vực, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền của người dân. Ông này cho rằng cần áp dụng thể chế toàn dân hỗ trợ quân đội, vừa sản xuất vừa huấn luyện, bảo vệ, “ví dụ quân nhân sau khi phục viên có thể mang theo gia đình ra đảo, giúp đỡ xây dựng trường học, tăng cường sự khống chế thực chất tại các khu vực có tranh chấp”./.

Lê Sơn (gt)