1. “Cuộc săn lùng báu vật dưới nước” của Giáo sư chính trị quốc tế, Screeram Chaulia, trường đại học OP Jindal Global. Báo The Financial Express ngày 3/9.

 

Công bố của chính phủ Trung Quốc về việc tàu ngầm cắm quốc kỳ dưới đáy biển đã đẩy cuộc chạy đua quốc tế trong khu vực giầu tài nguyên này lên mức kịch tính. Hành động mang tính tượng trưng này của Bắc Kinh đã gây lo ngại cho các bên tranh chấp chủ quyền đối với vùng biển giàu cá, dầu, khí chưa được khai thác và các khoáng sản quý giá khác khác như kẽm và măngan.

 

Việc sử dụng kỹ thuật tàu ngầm bậc thầy của Trung Quốc vào việc kích động tinh thần dân tộc đối với vấn đề đáy biển đang làm các nước nhỏ trong khu vực hết sức lo ngại.

 

Không ai nghi ngờ về việc Trung Quốc đang gia tăng khả năng quân sự của họ để làm một sự đã rồi đối với việc chiếm dụng nguồn năng lượng to lớn và các tuyến vận tải biển có ý nghĩa sống còn ở khu vực. Đầu năm 2010, phái quân nhân Trung Quốc đã nổ một trái bom về học thuyết trong chính sách đối ngoại bằng cách coi Biển Đông  là một phần của “lợi ích cốt lõi”, trong đó Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi”, quan trọng như Tây Tạng và Đài Loan.

 

Lời lẽ không khoan nhượng của Trung Quốc đối với vùng biển đang tranh chấp đi đôi với sự khẳng định ngày một tăng của lực lượng hải quân nhằm mở rộng ảnh hưởng ra toàn bộ vùng biển này. Trước đó, Trung Quốc đã cảnh cáo các công ty Exxon Mobil và BP phải dừng ngay các hoạt động khai thác các lô dầu ngoài khơi thuộc vùng biển mà Việt Nam coi là có chủ quyền. Trung Quốc cũng cảnh báo các công ty đa quốc gia rằng công nhận quyền tài phán của các nước khác trong khu vực biển này sẽ nhận được những hậu qủa tiêu cực đối với lợi ích kinh doanh của họ tại Đại lục địa.

 

Mỹ cũng đã nhảy vào cuộc xung đột về biển khi tháng trước NT. H Clinton làm Bắc Kinh ngạc nhiên với tuyên bố việc giải quyết cuộc tranh cãi này là “ưu tiên ngoại giao hàng đầu” để đảm bảo “ổn định khu vực” và “giao thương không bị cản trở”. Bằng cách chủ trương một giải pháp đa biên trong đó ngụ ý giành cho Mỹ một vai trò môi giới, Clinton bảo đảm với các nước Đông Nam Á  rằng sự yếu kém của họ so với Trung Quốc có thể sẽ được cân bằng nếu có sự can dự của một bên trợ giúp đầy thiện cảm có sức mạnh quân sự mạnh hơn Trung Quốc. Mỹ nhấn mạnh đến cách đối phó của cả nhóm lớn để đạt giải pháp có thể chấp nhận với tất cả các bên, được Manila, Hà Nội, Kuala Lumpur, Jakarta ưng thuận vì họ lo ngại bị Bắc Kinh  tác động. Trong quá trình này, các công ty dầu phương Tây có cơ làm ăn, không phải lo Bắc Kinh bắt nạt.

 

Với việc Mỹ tiếp tục duy trì lực lượng hải quân hùng mạnh nhất quanh Biển Đông, Trung Quốc đã phản ứng bằng cách đẩy nhanh chương trình đóng tàu chiến và phô trương loại hỏa tiễn chống tàu sân bay nhằm vào các tàu chiến của Mỹ tuần tiễu khu biển này. Một nền ngoại giao pháo hạm đang hình thành do nhu cầu đói khoáng sản công nghiệp để không ngừng vận hành cỗ xe kinh tế không lồ của Trung Quốc.

 

Một cuộc xô đẩy tìm nguồn tài nguyên đáy biển tương tự cũng điễn ra tại Bắc Băng Dương giữa Mỹ, Canada và Nga, nơi chiếm đến 25% tài nguyên chưa được phát hiện của thế giới. Năm 2007, Nga cũng cho tàu ngầm cắm cờ dưới đáy đại dương và Mỹ và Canada đã cho tàu phá băng và các thiết bị robot đến khu vực để “chỉnh đốn lại” trật tự về chủ quyền ở đó…

 

Với kỹ thuật khoan ngày càng tiến ra các khu vực biển sâu hơn trong lòng các đại dương, tranh cãi về biển giữa các quốc gia là một hình thức của cuộc giành giật các nguồn tài nguyên chiến lược giữa các công ty. Công thức cho kết cục thân thiện đối với cuộc tranh chấp phức tạp này tồn tại ngay trong các cuộc bàn về sách lược trong phòng giám đốc cũng như trong các cuộc gặp gỡ ngoại giao.

 

2.  “Kẻ thù cũ, đối tác mới” của Nayan Chandra, Báo The Times of India, ngày 4/9.

 

 

Các cuộc tập trận hải quân chung của Mỹ tại châu Á gần đây, đặc biệt với Việt Nam, và lời cảnh báo mạnh mẽ của Trung Quốc về việc một “NATO châu Á” đang nổi lên có lẽ đã tạo một ấn tượng rằng Washington và Hà Nội đang xây dựng một liên minh mới. Chắc chắn, các cuộc tập trận giữa hai đối thủ cũ Việt, Mỹ mang đậm tính hình thức. Ngoại trừ các bài xã luận gây sốt trên báo chí nhà nước ở Trung Quốc, không có nhiều điều đáng quan tâm. Trừ việc cả Việt Nam và Mỹ đều không muốn việc đòi mở rộng chủ quyền của Trung Quốc không bị thách thức. Tuy nhiên, cả hai nước đều chưa sẵn sàng thách thức Trung Quốc về quân sự.

 

Hòa hoãn Việt - Mỹ, được chờ đợi từ lâu, đã gây chú ý dư luận thế giới do tuyên bố sắc bén gần y của NT Clinton tại Hà Nội. Rõ ràng là các cuộc tập trận hải quân tháng 8, nói là để ký niệm 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã đánh đi tín hiệu về một sự thay đổi quan trọng. Washington đã từ bỏ lưỡng lự trước đây không muốn chọc tức Bắc Kinh. Bằng cách cử tàu chiến mang tên cha và ông của TNS McCain, cựu tù binh ở Hà Nội, Washington muốn chôn vùi bóng ma chiến tranh. Với việc mời các sỹ quan cấp cao Việt Nam lên tàu USS G. Washington khi đang đi trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Mỹ đã đánh đi một thông điệp rằng Hà Nội hoan nghênh sự hiển diện của tàu như là một sự ngăn chặn đối với sự xâm lược của Trung Quốc. Thông điệp tương tự cũng được gửi đi năm ngoái khi một xưởng đóng tàu Việt Nam đã sửa chữa hai tàu chiến cho Mỹ. Washington không còn ngượng ngựu trong việc thú nhận rằng mối lo ngại chung về việc Trung Quốc hiện đại hóa quân đội và đưa yêu sách về lãnh thổ là động lực chính thúc đẩy họ gia tăng quan hệ với Việt Nam.

 

Những diễn biến gần đây, dù có ý nghĩa nhưng phần lớn mang tính hình thức. Các cuộc tập trận mang tính tập tìm kiếm, cứu hộ, giống như các cuộc tập của Mỹ với các nước đồng minh và không đồng minh khác. Mỹ vẫn chưa có hiệp ước đồng minh hay quyền đóng căn cứ ở Việt Nam. Hà Nội, với truyền thống hàng nghìn năm đối phó với nước láng giềng khổng lồ, rất có thể sẽ áp dụng sự kết hợp giữa kiên quyết chống trả và thích nghi linh hoạt.

 

Nếu như nỗi lo sợ về một “NATO châu Á” chẳng bao giờ trở thành hiện thực, thì nó cũng sẽ trở thành điều ứng nghiệm với Trung Quốc, với việc các nước đoàn kết chống lại việc đòi chủ quyền ngày càng rộng lớn của Bắc Kinh./.

 

 

Trần Nam (tổng hợp)