Trung Quốc đẩy mạnh hiện thực hóa đường lưỡi bò ở Biển Đông  là dựa trên các tính toán sau: 

1. Trung Quốc cho rằng không nước nào trong vùng có khả năng chính trị, quân sự để đương đầu với Trung Quốc trong tham vọng này; 

2. Sức mạnh mà Trung Quốc có được ngày hôm nay đang tạo những lo ngại sâu sắc trong các nước khu vực và cũng tạo ra cho Trung Quốc khả năng gây chia sẽ trong các nước này. Nhiều nước ASEAN hết sức tránh phải dính lứu vào tranh chấp mà họ không phải là một bên. Lập trường này được Trung Quốc hậu thuẫn mạnh mẽ. Thêm vào đó, Trung Quốc còn đe dọa trả đũa đối với nước nào muốn quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Thể hiện gần đây nhất là sự kiện ở Hội nghị BTNG các nước ASEAN ở Phnompenh. 

3. Ngay cả khi Mỹ tập trung nhiều hơn lực lượng hải quân ở CÁ - TBD, thì khả năng can dự trực tiếp của Mỹ bên cạnh Việt Nam và hay Phi-líp-pin, rồi sau đến Malaysia và Indonesia là rất ít. Sự hỗ trợ duy nhất mà các nước khu vực có thể trông chờ là sự khẳng định hiện diện và một hành động đằng sau, ví dụ như một mối hợp tác quân sự có kèm theo cung cấp khí tài. 

4. Trung Quốc cho rằng cộng đồng quốc tế cũng sẽ phản ứng rất chậm chạp trước các yêu sách của họ. Cộng đồng quốc tế thậm chí chưa ý thức được việc để cho Trung Quốc chiếm được Biển Đông là tạo ra một mối đe dọa đối với tự do hàng hải quốc tế ở đây. Cộng đồng quốc tế cũng chưa ý thực được rằng không phản ứng gì sẽ dẫn đến một tiền lệ nghiêm trọng trong luật pháp quốc tế và làm mất ý nghĩa của hàng loạt điều khoản của Công ước của LHQ về luật biển.

Cần phải thấy có nhiều lập luận mâu thuẫn nhau của Trung Quốc về các vùng biển nửa đóng, cũng như về quy chế các đảo. Trung Quốc một mặt muốn biến Biển Đông thành biển của Trung Quốc, trong khi đó ở Bắc Cực, nơi mà Trung Quốc thậm chí không phải là nước ven bờ, Trung Quốc lại đòi “lợi ích của cả nhân loại là tất các các quốc gia đều có thể chia sẻ vùng Bắc Cực”. Với tuyên bố này, Trung Quốc đem đến cho cộng đồng quốc tế một lập luận để sử dụng trong việc quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và hỗ trợ cho các nước ven bờ trong bảo vệ lợi ích của họ. Điều này cũng đem lại cho cộng đồng quốc tế một lý lẽ để chống lại việc đi lại bị ngăn cản vô lối hay bị cấm đoán ở trên vùng biển này. Điều này cho phép các nước có cơ hội phản đối tính chất mâu thuẫn trong lập trường của Trung Quốc, khi Trung Quốc đòi vùng Bắc Cực là tài sản chung của nhân loại, thì không thể có chế độ nào khác cho Biển Đông và thậm chí cả Hoa Đông.

Trong khi chờ đợi cộng đồng quốc tế phản ứng, Trung Quốc theo nguyên tắc của món cờ vây, đang cố gắng dệt càng ngày càng dầy mạng lưới của mình ở Biển Đông để hiện thực hóa tham vọng của họ. Không cần phải ngược lại lich sử của Trung Quốc từ năm 1947 với chiến lược dần dần và kiên nhẫn đẩy các quân cờ của mình lên, những sự kiện gần đây từ việc quấy nhiễu các tàu khai thác, thăm dò dầu khí của VN và Phi-líp-pin, đến việc duy trì tầu cá ở Scarborough và việc gọi thầu thăm dò 9 lô dọc bờ biển miền trung VN có thể thấy rõ điều đó. Cần chú ý là trong bản đồ kèm theo bản gọi thầu của CNOOC, ở gần cực Nam của đường lưỡi bò, có một lô “mở”. Lô này không nằm trong đợt gọi thầu nhưng có thể thấy hé ra khả năng là sẽ có thể được gọi thầu trong tương lai. Nếu như vậy, Trung Quốc sẽ bước vào xung đột với Indonesia vì lô này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế thuộc đảo Natuna của Indonesia.

Cũng cần chú ý nữa là trong các hàng loạt hoạt động nhằm chiếm đoạt Biển Đông và nhằm làm cho thể giới chấp nhận điều mà Trung Quốc cho rằng là quyền của họ, Trung Quốc liên tục lợi dụng các đối tác nước ngoài mà rất nhiều người trong số đó không biết về tranh chấp thực tế ở đây. Điều đó thể hiện qua đợi gọi thầu 9 lô vừa qua của CNOOC. Tương tự như vậy, năm 2008, Trung Quốc đề nghị tàu nghiên cứu hải dương của Pháp Marion Dufresne tiến hành một chuyến thăm dò chung trong vùng. Đó cũng chính là việc Trung Quốc cấp giấy phép năm 2007 cho cuộc chơi “Ham Radio Expedition BS7H” của các nhà phát thanh nghiệp dự quốc tế, trong đó có nhiều người Mỹ và Trung Quốc, đến thực hiện hoạt động phát sóng ở bãi cạn Scarborough mà không cần đếm xỉa gì đến Phi-líp-pin. Đó cũng là ý nghĩa của các hoạt động cứu trợ mà Trung Quốc đang tiến hành trên vùng biển này.

Daniel Shaeffer, Tạp chí Asie 21 (Pháp) số tháng 7 - 8 

Thùy Anh(gt)