Trung Quốc là gì? Trung Quốc muốn gì?

Trong bối cảnh Singapore đang kỉ niệm 50 năm lập quốc và hướng đến tương lai, họ sẽ phải có cái nhìn nghiêm chỉnh đối với nước láng giềng lớn nhất đó là Trung Quốc. Singapore cần phải có một đánh giá thực tế về ý định của Trung Quốc, quyết tâm của Mỹ, và vị thế của ASEAN và Singapore trong khu vực, để từ đó phác họa con đường của mình trong thế giới địa chính trị tương lai.

Nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc cảm thấy đất nước của họ đã mất cân bằng quá lâu và giờ là lúc làm lại mọi thứ cho đúng. Bắc Kinh đã mất hơn 100 năm để khôi phục sự thống nhất và an ninh và thêm 50 năm nữa để đạt sự thịnh vượng nhất định.

Khi tờ Straits Times lần đầu tiên được xuất bản vào năm 1845, Trung Quốc bị Hải quân Anh đánh bại và phải mở cửa 5 cảng biển. Người Mỹ chuẩn bị lấy California, chỉ 4 năm trước khi cơn sốt vàng biến Thái Bình Dương thành ao làng của người Mỹ. Trung Quốc tụt dốc nhanh chóng và gần như không còn đóng vai trò nào trong các vấn đề thế giới. Đến tận năm 1945, câu chuyện của họ phần lớn vẫn là phiền muộn và vắng mặt.

Kể từ năm 1949, Trung Quốc đã tìm cách có được một vị trí an toàn, ban đầu là giữa hai siêu cường, Liên Xô và Mỹ, và giờ đây trước một siêu cường duy nhất, Mỹ, ở châu Á-Thái Bình Dương. Trung Quốc có muốn trở thành một siêu cường? Nếu đó là cách duy nhất để phồn thịnh và an toàn, lời đáp sẽ là Có. Nhưng, đây lại là câu hỏi sai.

Nếu Trung Quốc thịnh vượng và mạnh mẽ, họ sẽ là một siêu cường ở châu Á. Khu vực này không có lợi ích trong việc tìm cách ngăn cản Trung Quốc trở thành như vậy. Tuy nhiên, không có lí do để tin rằng người Trung Quốc sẽ sao chép người Anh và người Mỹ và tìm cách tạo lập một siêu cường dựa trên sức mạnh hải quân để tối đa hóa vị trí thống trị toàn cầu của họ. Kiểu sao chép này thiếu vắng trong lịch sử của Trung Quốc.

Các cuộc hải trình của Trịnh Hòa là một sai lạc trong lịch sử trên biển của Trung Quốc. Chúng thể hiện năng lực chứ không phải tham vọng thống trị các vùng biển hay xây dựng các đế chế trên biển. Chúng đã chấm dứt khi chứng minh rằng không có kẻ thù nào đe dọa Trung Quốc từ trên biển. Quyết định của triều đình chấm dứt hoạt động hải quân là một hành động nhất quán với di sản của Trung Quốc, chứ không phải các cuộc hải trình trước đó. Lịch sử Trung Quốc vì thế cho thấy họ đang muốn trở thành một cường quốc dựa trên sự giàu có kinh tế và phát triển công nghệ, những yếu tố đã làm nên nền văn minh được ngưỡng mộ trong nghìn năm qua của họ.

Trong thời đại gần đây, vị trí siêu cường thế giới đã chuyển về Mỹ trong những năm 1990 với tư cách là người chủ không thể thách thức ở Đại Tây Dương và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự nổi lên về kinh tế ở châu Á đã chuyển trọng tâm của thế giới đến gần hơn khu vực này.

Trung Quốc thừa nhận những thực tế đó và biết rằng họ cần một sự cân bằng tốt hơn giữa những cam kết lục địa của mình và các cơ hội trên biển. Cùng lúc đó, họ phải tính toán chi phí và lợi ích của việc can dự lớn hơn và một loạt vấn đề quốc tế. Ít nhất, họ cần mối quan hệ cân bằng trong không gian liền kề. Vấn đề chính của Trung Quốc là làm thế nào thuyết phục các nước láng giềng rằng họ không có ý định chuyển từ quyết đoán sang hung hăng. Họ không muốn thay thế sự thống trị của người Mỹ thành sự thống trị của người Trung Quốc. Lợi ích quốc gia của họ nằm ở việc tạo lập một môi trường mà trong đó Trung Quốc sẽ không khiến các nước khác sợ hãi với tư cách một siêu cường, mà thay vào đó được tôn trọng bởi sự giàu có và sáng tạo, những điều kiện cần cho một nền văn minh hiện đại.

Những nước láng giềng nhỏ

Quan hệ cân bằng với các nước nhỏ cần một sự thay đổi tư duy giữa tất cả các bên liên quan. Các quốc gia Đông Nam Á khởi đầu đã phải đối phó đế quốc Trung Hoa trong khoảng 2.000 năm. Giờ đây là những quốc gia mới, họ là nhân chứng cho một Trung Quốc yếu kém khôi phục vị thế cường quốc khu vực. Họ cũng đang học cách hành động ở tầm khu vực với tư cách là ASEAN và xác định những mối quan ngại chung.

Đã có nhu cầu và hi vọng rằng Trung Quốc và ASEAN cần quan hệ với nhau để đạt kết quả cân bằng và bền vững. Điều này đòi hỏi sự quan tâm sát sao đến những chi tiết của các vấn đề tranh chấp để đảm bảo những vấn đề riêng lẻ như Biển Đông sẽ không kéo lùi quan hệ về tổng thể. Những vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ là rất khó giải quyết. Trung Quốc và ASEAN phải thể hiện khả năng tránh xung đột và giúp đàm phán diễn ra trong hòa bình.

Trung Quốc nhận thức được các nhà lãnh đạo ASEAN liên tục đưa ra những cách thức mới và khéo léo để xây dựng sự đồng thuận và mở rộng tầm ảnh hưởng ra ngoài khu vực của họ. Đổi lại, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều kế hoạch để giúp khu vực. Lần đầu tiên kể từ khi Thủ tướng Chu Dung Cơ ký kết Hiệp định khung về hợp tác kinh tế Trung Quốc-ASEAN năm 2002, đã có sự chú ý đặc biệt đối với ASEAN.

Việc thành lập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và chiến lược "Một vành đai, một con đường" (Vành đai kinh tế con đường tơ lụa và Con đường tơ lụa trên biển) của Chủ tịch Tập Cận Bình là biểu hiện gần đây nhất của những cam kết dài hạn. Chúng là phương tiện để gạt bỏ những bất an chính trị bằng cách đưa ra những cơ hội kinh tế rõ ràng. Thế giới đang theo dõi việc Trung Quốc làm thế nào thực hiện cam kết đằng sau những chính sách đó.

Trong khi sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc gia tăng, những câu hỏi sẽ được đặt ra về một hiện tượng lịch sử bất thường với Đông Nam Á. Khu vực này là nơi sinh sống của phần lớn người Hoa và người gốc Hoa. Những người Hoa này được biết đến với cảm giác bản sắc dân tộc mạnh mẽ. Singapore, với 3/4 dân số là người gốc Hoa, là một ví dụ. Trung Quốc sẽ có lợi ích mạnh mẽ trong việc quốc gia này phát triển thế nào và cách thức Singapore hành xử trong khu vực.

Quan hệ Trung Quốc-Singapore

Những sự kiện chính trong quan hệ giữa Trung Quốc và Singapore là ấn tượng. Vào ngày Singapore trở thành một quốc gia mới năm 1965, Trung Quốc đang trong giai đoạn trước cuộc đấu tranh quyền lực đẫm máu giữa Mao Trạch Đông và các cộng sự trong đảng cầm quyền của họ. Vài tuần sau, đảng anh em của họ, Đảng Cộng sản Indonesia (PKI) đã bị tiêu diệt sau một cuộc đảo chính thất bại. Hàng trăm nghìn người gốc Hoa bị giết hoặc bị tống lên tàu về Trung Quốc. Sự kiện này đã làm gián đoạn quan hệ ngoại giao giữa Indonesia và Trung Quốc trong 25 năm. Đại Cách mạng Văn hóa diễn ra sau đó ít lâu ở Trung Quốc và tình trạng bất an mà người Trung Quốc phải gánh chịu đã đập tan mọi ảo tưởng của những ai vẫn còn có về việc học tập Trung Quốc.

Cũng còn những thách thức khác không thể dự đoán được. Trong vòng một thập kỉ, Đảng Hành động Nhân dân (PAP) ở Singapore xác lập vị trí thống trị, Trung Quốc chào đón Tổng thống Mỹ Richard Nixon, và Lý Quang Diệu gặp Mao Trạch Đông. Nhiều sự kiện diễn ra rất nhanh sau đó. Đặng Tiểu Bình đến Singapore và Trung Quốc tiến xa hơn bất kì ai trông đợi trong việc tự mở cửa với các nền kinh tế tư bản. Kim ngạch thương mại giữa Singapore và Trung Quốc tăng vọt. Chiến tranh Lanh nhanh chóng kết thúc với việc người ta chứng kiến chủ nghĩa cộng sản đã lùi bước.

Có một điều mà Đông Nam Á không được nhìn thấy trong nhiều thập kỉ: Quay trở lại với Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp gốc Hoa trong khu vực bắt đầu quan tâm đến Trung Quốc Đại lục một lần nữa. Nhận thức về những nhạy cảm của mình với các nước láng giềng do thành phần dân số, Singapore giám sát hoạt động kinh doanh của mình tại Trung Quốc với sự cẩn trọng lớn. Các nhà lãnh đạo đã thành lập các dự án đặc biệt ở Trung Quốc để mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Cùng lúc đó, Singapore tiếp tục gắn kết với những quy tắc lịch sử kết nối họ với các chuỗi kinh tế và an ninh phương Tây. Thậm chí, trong lúc tìm kiếm vai trò tích cực hơn ở Trung Quốc, Singapore cũng chú ý hơn đến việc Mỹ và Liên minh châu Âu phản ứng thế nào trước nhu cầu của Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc dường như hiểu những hạn chế của Singapore và đánh giá cao nhiều sáng kiến của họ. Sau năm 2000, tốc độ đã gia tăng đột biến do kinh tế Trung Quốc phát triển.

Với phần lớn dân số là người gốc Hoa, thành phố quốc tế Singapore là một tâm điểm chú ý, ít nhất trong các nước thành viên ASEAN. Họ muốn biết người Hoa Singapore sẽ phản ứng thế nào với lòng tin gia tăng của Trung Quốc. Những gì xảy ra ở Singapore có thể định hình phản ứng của những người gốc Hoa khác trong khu vực.

Có một điều chắc chắn là: người Hoa ở Singapore không mù quáng đi theo Trung Quốc. Quả thực, người Hoa ở Singapore đã thay đổi đáng kể từ khi nước này giành độc lập. Sự chia rẽ giữa những người hướng và không hướng đến Trung Quốc là rõ ràng hơn. Mỗi thế hệ đều có thêm nhiều người Singapore hơn muốn có một bản sắc Singapore gắn kết những người sinh ra tại đây hơn nữa. Bản sắc Singapore này chính là sự đa văn hóa rõ ràng. Nhưng, điều vẫn còn chưa chắc chắn là bản sắc Singapore sẽ còn lại bao nhiêu phần “của Trung Quốc” có thể nhận thấy được và Trung Quốc sẽ nhìn nhận nó như thế nào.

Câu hỏi về một xã hội “Trung Quốc” và giá trị của nó như thế nào cũng là vấn đề gây tranh luận. Khi các xã hội Trung Quốc hiện đại hóa, họ được kéo theo nhiều hướng khác nhau khỏi cái từng được xem là bản sắc Trung Quốc tinh túy. Tuy nhiên, các cộng đồng Trung Quốc hiện đại cũng có thể ngược lại trở nên tương đồng về lối sống, mục tiêu nghề nghiệp, thậm chí là cả quá trình tư duy, bất kể họ sống ở đâu.

Thế tiến thoái lưỡng nan của Singapore

Điều này dẫn đến ba câu hỏi có thể đặt Singapore vào trung tâm của các cuộc thảo luận tương lai về vấn đề trên. Trước tiên, điều gì xảy ra với sắc tộc người Hoa chiếm đa số ở Singapore trong một khu vực có khoảng 30 triệu công dân Đông Nam Á là người gốc Hoa. Nếu họ gắn kết với các cộng đồng khác như người Singapore, khu vực sẽ trở nên nhẹ nhõm trong khi Trung Quốc có thể thất vọng. Tuy nhiên, những người Hoa đó cũng có thể bị chia rẽ trong thái độ với Trung Quốc với tư cách một siêu cường. Các nước láng giềng của Singapore có thể trông đợi lãnh đạo nước này sẽ buộc người dân gốc Hoa phải phù hợp với chủ nghĩa đa nguyên mà họ giương cao và không chấp nhận những khuynh hướng chính trị và văn hóa tương đồng với Trung Quốc.

Thứ hai là những gì xảy ra khi giới dân tộc chủ nghĩa sở tại ở các nước Đông Nam Á khác chuyển sang chống Trung Quốc bởi một tranh chấp song phương. Chừng nào điều này không tác động trực tiếp đến Singapore, họ có thể xoa dịu cả hai thông qua các kênh ASEAN. Nếu những phần tử dân tộc chủ nghĩa ở nước đó tấn công đồng bào gốc Hoa của mình, Singapore có thể cần tích cực duy trì quan hệ khu vực ổn định để Trung Quốc không bị gây áp lực, như từng xảy ra vào năm 1998, bởi các cộng đồng Hoa kiều nhằm can thiệp vào Indonesia. Singapore cũng sẽ phải chuẩn bị cho cộng đồng người Hoa của mình hiểu họ đang làm gì.

Thứ ba là những quan ngại về xung đột xảy ra giữa Trung Quốc với một cường quốc không phải thành viên ASEAN. Không xung đột nào sẽ gây báo động đến Singapore hơn cuộc xung đột với Mỹ về những cam kết của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà đã tạo ra những hi vọng lớn lao ở khu vực. Một vài bộ phận người gốc Hoa ở Singapore có thể có cảm tình với Trung Quốc. Nếu điều đó xảy ra, Singapore sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để chứng tỏ sự gắn kết dân tộc của mình. Trường hợp xấu nhất, họ có thể phải cùng với các nước khác xác định đúng và sai trong cuộc xung đột này và công khai chọn phe.

Trong cả ba kịch bản trên, năng lực của Singapore sẽ bị thử thách rất lớn. Điều an ủi là sau 50 năm xây dựng đất nước, họ có thể sẵn sàng hơn để đối phó với một Trung Quốc chủ động. ASEAN đã thực hiện khá tốt việc xây dựng mạng lưới thể chế để giảm thiểu bất đồng, nhưng sẽ không có biện pháp thay thế cho khu vực này để tìm kiếm một sự cân bằng bền vững trong các quan hệ với siêu cường trong tương lai.

Với Trung Quốc, họ có thể là một yếu tố ảnh hưởng có lợi, với hầu hết những người gốc Hoa, khi thành công trong việc xây dựng nền văn minh hiện đại mà họ có thể tự hào./.

Bài viết của nhà sử học Vương Canh Vũ hiện là Chủ tịch Viện Đông Á và là Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore đăng trên nhật báo Straits Times.

Thùy Anh (gt)