1(6).jpg

Malaysia là một "ẩn số" trong tranh chấp tại Biển Đông bởi Kuala Lumpur thường xuyên "giữ im lặng". Cho đến nay, Malaysia vẫn chưa đưa ra bất kỳ quan điểm mạnh mẽ nào về phán quyết của Tòa Trọng tài, ngoại trừ tuyên bố chính thức của Bộ Ngoại giao nước này.

Khi nghiên cứu kỹ tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia (đề cập đến 5 điểm trong nguyên tắc 6 điểm về Biển Đông mà ASEAN đưa ra trước đó), dư luận có thể thấy được cái nhìn sâu hơn về quan điểm của Kuala Lumpur. Tuyên bố kêu gọi "tất cả các bên thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)". Tuyên bố cũng khẳng định niềm tin của Malaysia là "tất cả các bên liên quan có thể giải quyết tranh chấp một cách hòa bình bằng việc tôn trọng đầy đủ các quy trình ngoại giao và pháp lý, luật pháp quốc tế liên quan và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Đáng chú ý là Malaysia không chỉ kêu gọi thực thi DOC mà còn nhấn mạnh việc thực thi đầy đủ và hiệu quả của tất cả các bên để nhắc nhở ASEAN và Trung Quốc rằng "COC là một phần không thể thiếu của DOC". Đó là một quan điểm rất logic của Malaysia, nhất là khi chiến lược ngoại giao của Trung Quốc tập trung vào việc trì hoãn COC bằng cách chú trọng thực hiện DOC. Cho dù vô tình hay hữu ý, câu đầu tiên trong tuyên bố của Bộ Ngoại giao Malaysia đã "ám chỉ" quan điểm của Malaysia về tính hợp pháp của phiên tòa khi viết rằng: "Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 đã đưa ra phán quyết vào ngày 12/7/2016". Những nhà hoạch định chính sách của Malaysia đã có hành động chính trị khôn ngoan để truyền đạt thông điệp chiến lược tới Trung Quốc. Ngoài ra, sự cẩn trọng của Kuala Lumpur cũng là điều dễ hiểu khi đối chiếu với tình hình nội bộ nước này và bối cảnh thế giới.

Không được lợi gì từ lập trường mạnh mẽ

Thứ nhất, Malaysia đã tốn nhiều công sức để hạn chế đối đầu với Trung Quốc- đối tác thương mại lớn nhất của nước này kể từ năm 2009. Trung Quốc đã vươn ảnh hưởng tới giới lãnh đạo cấp cao ở Putrajaya (Trung tâm hành chính của Malaysia) khi lần đầu tiên (năm 2015) trở thành nhà đầu tư trực tiếp từ nước ngoài lớn nhất của Malaysia.

Thứ hai, Malaysia thực thi chính sách khó hiểu về Biển Đông với sự khác biệt về quan điểm của các cơ quan của nước này. Bộ Ngoại giao đi đầu với cách tiếp cận thẳng thắn theo hướng khẳng định quan điểm của Malaysia ở Biển Đông. Điều này giải thích cho những ngôn ngữ ủng hộ mạnh mẽ và sắc bén của Malaysia đối với lập trường của ASEAN. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng nước này lại có cách tiếp cận khác xa đối với vấn đề tranh chấp. Sự thiếu thống nhất này đã được phơi bày khi Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein bác bỏ tuyên bố nói rằng hơn 100 tàu đánh cá Trung Quốc đã được "phát hiện" gần bãi cạn Luconia, ở ngoài khơi cách bờ biển Sarawark khoảng 100km mặc dù hồi tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Văn phòng thủ tướng Malaysia Shahidan Kassim đã tái khẳng định thông tin này.

Thứ ba, phán quyết của Tòa Trọng tài không công nhận "Đường 9 đoạn" thực sự đã đặt Malaysia vào một vị trí thuận lợi, khi 2 thực thể trong vụ kiện của Philippines- bãi cạn James và Luconia- nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của nước này. Ngoài ra, phán quyết cũng phù hợp với quan điểm chính thức lâu nay của Malaysia rằng nước này không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc bởi vốn dĩ nước này không công nhận bản đồ "Đường 9 đoạn". Với cùng một lý do, Malaysia không có động cơ để tiến hành một vụ kiện Trung Quốc như Philippines.

Phán quyết của Tòa Trọng tài dường như không làm thay đổi chính sách Biển Đông của Malaysia, vốn sẽ tiếp tục được định hướng và quyết định bởi các nhu cầu bức bách trong nước hơn là các yếu tố bên ngoài. Tuy nhiên, phán quyết đã đưa ra cơ sở pháp lý để Malaysia giữ vững lập trường khi đối mặt với sự kiên quyết của Trung Quốc. Ngoài ra, phán quyết của Tòa Trọng tài có thể mở đầu cho hiện tượng "tự mãn" trong suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách Malaysia khi cho rằng "mục tiêu chiến lược của quốc gia đã đạt được", đặc biệt là nếu Trung Quốc từ bỏ việc thường xuyên xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Giống như Bắc Kinh, Kuala Lumpur cũng muốn lờ đi vấn đề Biển Đông, nhưng làm như vậy sẽ không phục vụ lợi ích lâu dài của cả hai bên. Trong kịch bản tốt nhất, Malaysia có thể tận hưởng thời gian yên ắng tạm thời khi Trung Quốc tập hợp lực lượng cho một sự trỗi dậy với các biện pháp ngoại giao và pháp lý nhằm vào phán quyết của Tòa Trọng tài.

Chuẩn bị trước phản ứng từ Trung Quốc

Dù thế nào đi nữa Trung Quốc chắc chắn sẽ "quay lại" Biển Đông với sự ngoan cố và cứng rắn hơn nhiều để bảo vệ điều mà Bắc Kinh coi là chính đáng. Một nhà bình luận cho rằng một số nhóm ở Trung Quốc đã ám chỉ phán quyết của Tòa là "chiến tranh nha phiến hợp pháp" để bóng gió nói đến những gì sắp xảy ra đối với Malaysia và khu vực. Theo đó, Malaysia nên chuẩn bị sẵn sàng cho phản ứng dữ dội được dự báo của Trung Quốc. Mặc dù giữa Bắc Kinh và Kuala Lumpur có "mối quan hệ đặc biệt" nhưng Trung Quốc sẽ không bỏ qua tinh thần dân tộc bộc phát mạnh mẽ.

Điều chắc chắn là Kuala Lumpur khó có thể duy trì cách tiếp cận mâu thuẫn về Biển Đông. Về cơ bản, Malaysia đang phải đối mặt với một tình thế khó xử: dung hòa mối quan hệ sâu sắc với Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất nhưng kèm theo một thực tế khó chịu là đối tác đó đồng thời cũng chính là mối đe dọa ngày càng lớn về an ninh. Đây là một câu hỏi hóc búa về chính trị và chiến lược mà Malaysia cũng như hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN phải giải quyết càng sớm càng tốt.

Tác giả Tang Siew Mun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu Iseas-Yusof Ishak. Bài viết đăng trên The malay mail online” (ngày 19/7).

Hùng Sơn (gt)