Những tranh chấp về quần đảo Trường Sa giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines gần đây đã phản ánh sự khác biệt cơ bản về tính hợp pháp trong tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông giữa Bắc Kinh với 2 quốc gia ASEAN này dưới góc độ luật quốc tế. Đồng thời, cũng không có sự nhất trí về khu vực nào đang tranh chấp.

Các thành viên ASEAN tin chắc rằng mọi tuyên bố về chủ quyền và quyền tài phán đối với các đảo phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và Công ước này đã thiết lập khuôn khổ pháp lý chung cho mọi hoạt động trên biển. Mặc dù Công ước không có điều khoản định nghĩa thế nào là những tranh chấp chủ quyền đối với các đảo nhưng có thể tìm trong quyết định của các tòa án quốc tế.

Theo Công ước LHQ, các quốc gia có thể tuyên bố chủ quyền lãnh hải đối với vùng biển thuộc phạm vi 12 hải lý xung quanh, đồng thời cũng có thể tuyên bố quyền chủ quyền và quyền tài phán để thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên trên thềm lục địa của họ và trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đất liền hoặc từ các đảo.

Trong trường hợp này, lập trường của cả 3 bên tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa đều có chung một số điểm. Trung Quốc và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa; Philippines tuyên bố chủ quyền đối với các đảo thuộc quần đảo Kalayaan, bao gồm phần lớn quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, tranh chấp ở đây không chỉ là những tuyên bố chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh xung quanh thuộc phạm vi 12 hải lý. Tâm điểm của tranh chấp là những tuyên bố “quyền chủ quyền và quyền tài phán” để thăm dò, khai thác tài nguyên trong vùng biển ngoài phạm vi lãnh hải 12 hải lý của các nước.

Việt Nam và Philippines đều khẳng định vùng đặc quyền kinh tế EEZ 200 hải lý của mình (Việt Nam tính từ đường cơ sở dọc bờ biển đất liền còn Philippines tính từ quần đảo chính của mình). Cả hai đều không tuyên bố vùng EEZ hay thềm lục địa nào từ bất cứ vị trí nào của quần đảo Hoàng Sa. Quan điểm của hai nước này là họ có quyền thăm dò, khai thác các nguồn lợi thuộc vùng EEZ của mình, trừ các khu vực đang tranh chấp. Họ quả quyết rằng những diễn biến gần đây không thuộc khu vực tranh chấp vì những địa điểm đó nằm trong EEZ của họ và ở ngoài vùng lãnh hải 12 hải lý thuộc các đảo có tranh chấp, đồng thời cách quá xa bất cứ hòn đảo nào được quyền tuyên bố EEZ hay thềm lục địa riêng.

Những xung đột diễn ra gần đây phần vì sự lẫn lộn về phạm vi chủ quyền mà Trung Quốc tuyên bố đối với Biển Đông, phần vì cơ sở pháp lý của những tuyên bố đó. Trong công hàm ngoại giao chính thức (gửi LHQ) tháng 5/2009, Trung Quốc cho rằng họ có chủ quyền đối với các quần đảo và vùng lãnh hải phụ cận, có “quyền chủ quyền và quyền tài phán” đối với các vùng biển liên quan kể cả ở đáy biển và tầng dưới thềm lục địa của vùng biển đó. Đi kèm tuyên bố này là bản đồ đường 9 đoạn từ một bản đồ CHND Trung Hoa xuất bản năm 1947. Điều này khiến giới quan sát cho rằng Trung Quốc đang tuyên bố “quyền chủ quyền và quyền tài phán” đối với tất cả các vùng biển nằm trong đường 9 đoạn, mặc dù theo Công ước LHQ thì tuyên bố này không hề có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, trong một công hàm chính thức khác hồi tháng 4/2011, Trung Quốc lại cho rằng họ có chủ quyền đối với các đảo và vùng lãnh hải phụ cận, có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng biển liên quan, nhưng không nhắc gì đến đường 9 đoạn. Trung Quốc cũng tuyên bố rằng các đảo trong quần đảo Trường Sa có quyền tuyên bố lãnh hải, EEZ và thềm lục địa. Điều đó có nghĩa là Trung Quốc đang đưa tuyên bố chủ quyền của họ phù hợp với UNCLOS bằng cách tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển tính từ các đảo, chứ không phải tuyên bố quyền chủ quyền đối với vùng biển bên trong phạm vi đường 9 đoạn.

Thật đáng tiếc, bất chấp có những tuyên bố chính thức này, một số cơ quan hành pháp của Trung Quốc dường như đang cho rằng Trung Quốc có quyền chủ quyền đối với toàn bộ vùng biển thuộc đường 9 đoạn như thể hiện ở các vụ va chạm gần đây với Philippines và Việt Nam. Điều này gây ra sự lộn xộn và lo ngại

Trung Quốc có thể “phản công” lại những ngờ vực về tuyên bố chủ quyền của họ cũng như sự sẵn sàng tuân thủ Công ước LHQ nếu giải thích rõ tuyên bố chủ quyền của họ ở Biển Đông. Họ có thể đạt được bằng việc nói rằng họ có chủ quyền không thể tranh cãi với các đảo nằm trong đường 9 đoạn và 12 hải lý bên ngoài các đảo này. Họ có thể xác nhận thêm rằng một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa có quyền tuyên bố EEZ và thềm lục địa của riêng mình và Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán để thăm dò, khai thác tài nguyên thuộc khu vực biển này. Với việc giải thích như vậy, Trung Quốc có thể hợp pháp hóa tuyên bố chủ quyền của mình mà không tổn hại đến lập trường về chủ quyền với các quần đảo.

Khi xác định được phần chồng lấn giữa chủ trương EEZ của Trung Quốc (tính từ các quần đảo) với các chủ trương EEZ của Việt Nam, Philippines (tính từ lãnh thổ của họ) sẽ sáng tỏ khu vực nào ở Biển Đông nằm trong diện tranh chấp và khu vực nào không thuộc diện tranh chấp.

Việc giải thích như vậy sẽ gửi đi thông điệp Trung Quốc đang sẵn sàng thực hiện các quyền và trách nhiệm phù hợp với UNCLOS. Đó sẽ là một biện pháp chủ yếu xây dựng lòng tin và tạo cơ sở để Trung Quốc cùng với ASEAN thực thi DOC. Đây cũng là một bước tiến để gác các tranh chấp chủ quyền, cùng hợp tác phát triển mà ông Đặng Tiểu Bình từng đề nghị.

Cuối cùng, những hành động này sẽ không gây định kiến đối với những tuyên bố của Trung Quốc về chủ quyền đối với các đảo cũng như đối với việc xóa bỏ giới hạn về hải giới.

Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng

Tiến Minh (giới thiệu)