Tháng Ba vừa qua, Phó Đô đốc Robert Thomas, được giới truyền thông dẫn lời, đã tuyên bố ủng hộ việc thành lập "lực lượng an ninh trên biển do ASEAN đứng đầu" tại Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra trong một cuộc thảo luận nhóm về việc làm thế nào để ngăn chặn cướp biển lan sang khu vực Tây Nam của Biển Đông diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm Hàng hải và Hàng không Quốc tế Langkawi. Tuy nhiên, truyền thông quốc tế đã ngay lập tức liên hệ tuyên bố này với bình luận trước đó rằng Nhật Bản có thể sẽ mở rộng sự hiện diện hải quân và không quân ở Biển Đông. Kiểu diễn giải như vậy làm nổi rõ sự khó khăn trong việc phân biệt các vấn đề an ninh trên biển với những yếu tố chiến lược ở Biển Đông. "Vấn đề mập mờ" này cũng khiến các nước ASEAN càng thêm thận trọng khi tiếp nhận những sáng kiến an ninh hàng hải liên quan đến Biển Đông ở mức độ tập thể do sợ "mất lòng" Trung Quốc, hoặc làm tăng sự nhạy cảm xung quanh vấn đề chủ quyền. Hệ quả là những quốc gia ASEAN đồng quan điểm đang có xu hướng theo đuổi xây dựng năng lực trên biển và hợp tác song phương và đa phương cấp độ thấp, trong khi một số nước sẽ phản ứng chậm hơn, cho thấy sự nhận thức thiếu chính xác về mối đe dọa của họ. Chính vì vậy, sự quan tâm của cộng đồng quốc tế gần đây tập trung vào khả năng mở rộng hoạt động tuần tra chống cướp biển ở Đông Nam Á. 

Có nhiều lựa chọn và khả năng song không phải tất cả đều đang được phản ánh chính xác. Hiện có 3 lựa chọn:

1) một lực lượng an ninh biển do ASEAN đứng đầu để chống cướp biển, hỗ trợ nhân đạo và cứu hộ thảm họa (HADR);

2) tư cách quan sát viên của Myanmar trong lực lượng Tuần tra Eo Malacca (MSP);

3) tuần tra chống cướp biển ở vùng biển phía Đông Singapore. 

Mặc dù hợp tác hải quân và an ninh trên biển do ASEAN đứng đầu đang tiếp tục được thúc đẩy, song chưa thể đến mức ủng hộ một lực lượng tuần tra chung hoặc phối hợp trên toàn Đông Nam Á, thậm chí mở rộng MSP. Tuy nhiên, một thỏa thuận dành riêng để chống cướp biển ở khu vực Tây Nam Biển Đông là nằm trong tầm tay của các nước ASEAN có cùng quan điểm. Được thiết lập vào năm 2004, MSP là sáng kiến hợp tác đa phương cấp độ thấp về an ninh hàng hải được biết đến nhiều nhất của khu vực Đông Nam Á. Các thành viên của MSP là Singapore, Malaysia, và Indonesia, trong khi Thái Lan chỉ tham gia tuần tra trên không. Dù hoạt động tuần tra phối hợp này được tiến hành để chống cướp biển và cướp có vũ trang ở Eo Malacca, song do thiếu dữ liệu công khai về hoạt động MSP, người ta không thể đánh giá hiệu quả thực tế của nó. Hạn chế hoạt động chủ yếu của MSP là nó được phối hợp chứ không phải được chỉ huy chung do những quan ngại về chủ quyền. 

Với năng lực của Myanmar, quy chế quan sát viên hay thành viên đầy đủ đều ít khả năng đóng góp nhiều vào hiệu quả hoạt động của MSP. Lời mời này, được đưa ra khi Malaysia làm Chủ tịch ASEAN, dù vậy cũng đáng được ghi nhận là nỗ lực hướng đến Ấn Độ Dương. Đảm bảo hợp tác của Myanmar có thể được nhắm mục tiêu ngoài hoạt động chống cướp biển, chẳng hạn như ngăn chặn dòng người Rohingya Hồi giáo vượt biên qua đường biển từ Myanmar - mối quan ngại đặc biệt của Kuala Lumpur. Tuy nhiên, Singapore và Malaysia vẫn chưa có dấu hiệu đồng ý với lời mời này. Lực lượng an ninh trên biển của Singapore gần đây tập trung chủ yếu ở phía Đông. 

Ít được biết đến, song Singapore đã và đang thăm dò khả năng phối hợp tuần tra ở phía Đông Eo Singapore nhằm phản ứng trước hàng loạt vụ tấn công nhằm vào tàu chở nhiên liệu xảy ra gần đây ở vùng biển phía Bắc đảo Bintan của Indonesia (gần Singapore). Một điểm yếu lớn của MSP là giá trị răn đe của nó hiện không vượt quá Eo Malacca. Do hoạt động cướp biển có tính cơ động cao nên mối đe dọa này có xu hướng dịch chuyển đến Biển Đông. Singapore đã nhận được sự ủng hộ của Malaysia và Việt Nam - những quốc gia có nhiều lí do để tăng cường quan hệ an ninh hàng hải với các đối tác ASEAN ở Biển Đông. Tuy nhiên, Indonesia dường như khó nhất trí mở rộng MSP vì 2 lý do: Trước tiên, cướp biển tiếp tục chỉ là một điểm nhỏ trong nhận thức về các mối đe dọa của Jakarta. Thứ hai, MSP chủ yếu được điều phối hoạt động thay vì tuần tra chung do Jakarta không cho phép tàu Singapore hay Malaysia được vào khu vực Eo Malacca thuộc lãnh hải Indonesia. 

Điểm sáng duy nhất hiện nay là sáng kiến về Nghị định thư hải quân liên ASEAN cho hoạt động HADR nhiều khả năng được thông qua tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN (ACNM) sắp diễn ra tại Myanmar. Đây có thể là một dấu mốc cho hoạt động liên hải quân khu vực quan trọng vì lợi ích chung trên biển, bất chấp khác biệt trong năng lực và nhận thức về mối đe dọa giữa các thành viên ASEAN.

Theo RSIS

Văn Cường (gt)