Ngày 12/9, Trung Quốc tiếp tục đưa ra những lời lẽ cứng rắn về vấn đề quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku), trong khi không có dấu hiệu cho thấy Nhật Bản sẽ nhượng bộ trong cuộc tranh chấp quần đảo này.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi chỉ trích Tôkiô "làm tổn hại nghiêm trọng" tới quan hệ Trung-Nhật, đồng thời yêu cầu Nhật Bản phải ngừng mọi hành động có thể khiến cho tình hình xấu đi. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Hồng Lỗi nói: "Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết và sẽ kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia".

La Triệu Huy, Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đã gặp ông Shinsuke Sugiyama - Vụ trưởng Vụ châu Á và châu Đại Dương của Nhật Bản - và nói rằng Trung Quốc sẽ "không bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp hay cái gọi là 'quyền kiểm soát trên thực tế' của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư". Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết cả hai phía sẽ "tiếp tục giữ liên lạc".

"Nhật báo Giải phóng Quân", cơ quan ngôn luận của quân đội Trung Quốc, cũng lên tiếng chỉ trích và cảnh báo Nhật Bản. Thiếu tướng về hưu La Viện, một nhân vật nổi tiếng là cứng rắn trong chính sách đối ngoại, cho biết quân đội Trung Quốc sẵn sàng bảo vệ chủ quyền. Trong một bài viết trên "Nhật báo Giải phóng Quân", Thiếu tướng La Viện viết: "Chính phủ Nhật Bản không nên đặt hy vọng vào cái gọi là lợi thế về không quân và hải quân của họ. Trước đây, quân đội Trung Quốc và Nhật Bản đã nhiều lần giao tranh với nhau. Ngày nay, lực lượng phòng thủ của Trung Quốc đã đạt được những tiến bộ mà không ai có thể xem thường".

Trong khi đó, "Nhật báo Giải phóng Quân" cũng cảnh cáo Nhật Bản "đang đùa với lửa" và nói rằng hành động của Nhật đã "thách thức trắng trợn nhất chủ quyền của Trung Quốc kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai". Trong một tuyên bố đăng trên trang mạng của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, người phát ngôn của quân đội Trung Quốc Cảnh Nhạn Sinh khẳng định: “Chính phủ và quân đội Trung Quốc không hề nao núng trong quyết tâm và ý chí bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và có quyền đưa ra các biện pháp đáp trả tương ứng”.

Trước đó, ngày 10/9, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng kêu gọi phía Nhật ngay lập tức thu hồi lại quyết định "sai trái" và chấm dứt mọi hành động làm tổn hại đến chủ quyền Trung Quốc, nếu không sẽ phải gánh chịu "mọi hậu quả". Tuy nhiên, ông Dương Khiết Trì không nói rõ hành động của Nhật sẽ dẫn đến hậu quả gì. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc công bố đường cơ sở và điểm cơ sở của lãnh hải xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Động thái này nhằm chứng tỏ thêm chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoài ra, theo Tân Hoa Xã - hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc - cơ quan hải dương Trung Quốc vừa đưa vào sử dụng hệ thống dự báo môi trường biển cho vùng biển xung quanh quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và nâng cấp hệ thống giám sát các vùng lãnh thổ ngoài khơi, trong đó có quần đảo này.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã lên tiếng bác bỏ yêu cầu của Trung Quốc rằng Nhật Bản phải thu hồi quyết định mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hãng thông tấn Kyodo của Nhật bản dẫn lời ông Gemba nói: "Chúng tôi sẽ không bao giờ xem xét lại việc chuyển đổi, mua bán đối với cái thuộc quyền sở hữu của chúng tôi".

Thị trưởng Tôkiô Shintaro Ishihara kêu gọi Chính phủ Nhật xây dựng các công trình trên đảo tranh chấp để phục vụ các đội tàu cá của Nhật Bản. Ông cũng đề xuất Nhật Bản nên hợp tác với Việt Nam và Philíppin, hai nước cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên Biển Đông. Ông nói: “Chúng ta không nên nhìn nhận vấn đề này (tranh chấp chủ quyền) chỉ liên quan đến Nhật”.

Theo đài NHK đêm 12/9, ông Miyake Kunihiko - chuyên gia về ngoại giao và hiện là Giám đốc của Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon - cho rằng trên thực tế, Chính phủ Trung Quốc đang trong tình huống khó xử. Nước này cần phải hành động một cách hài hòa, không quá mạnh mẽ nhưng cũng không quá mềm mỏng. Trung Quốc cần phải có lập trường cứng rắn đối với Nhật Bản, trong bối cảnh người dân trong nước đang phẫn nộ với quyết định của chính phủ Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phản ứng quá mạnh, nước này sẽ khích động thái quá các cuộc biểu tình chống Nhật, và đến thời điểm nào đó, các cuộc biểu tình này sẽ biến thành biểu tình chống chính phủ.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, các công ty của Nhật Bản tăng cường đầu tư ở Trung Quốc. Nếu Chính phủ Trung Quốc thể hiện lập trường cứng rắn sẽ làm nản lòng các công ty của Nhật Bản và khiến họ nghĩ rằng “đầu tư ở Trung Quốc sẽ có nhiều rủi ro”. Việc này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới kinh tế Trung Quốc. Vì vậy, ông Kunihiko cho rằng Chính phủ Trung Quốc phải tính đến điều này. Theo ông, từ nay đến khi diễn ra Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng tới, giới chức Trung Quốc sẽ muốn giải quyết vấn đề một cách ổn thỏa, và hiện tại họ đang suy nghĩ về việc làm thế nào để đạt được điều đó.

Ông Kunihiko cho rằng việc hai nước tiếp tục duy trì liên lạc và đối thoại ở cấp chuyên viên là điều rất quan trọng. Tuy nhiên, hai nước cần tăng cường liên lạc ở cấp chính trị. Đây chính là thời điểm cần suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc một lần nữa lập kênh trao đổi cấp chính trị để cải thiện mối quan hệ Nhật-Trung.

Theo Reuters

Văn Cường (gt)