Về Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tác giả cho rằng đây là một hậu quả xuất phát từ chủ nghĩa phiêu lưu ra thế giới bên ngoài của Mỹ. Sinh ra từ những tàn dư của khủng bố al Qaeda ở Iraq, năm 2014, IS mở rộng địa bàn hoạt động, từ khu vực Bắc Syria tới nhiều thành phố lớn của Iraq (Falloujah, Tikrit, Mosul) và các cửa ngõ của thủ đô Baghdad. IS đã kiếm được nhiều tiền từ việc chiếm các giếng dầu và bắt giữ các con tin phương Tây đòi tiền chuộc. IS cũng làm thế giới phương Tây bị sốc với những vụ chặt đầu các con tin khi Mỹ và Anh từ chối nộp tiền chuộc. Mỹ đáp trả bằng những vụ không kích vào các căn cứ của IS. IS vẫn sẽ tiếp tục phát triển song song với những đòn trừng phạt của phương Tây. IS có khả năng tuyển mộ số thanh niên thất nghiệp ở Bắc Phi, toàn bộ khu vực Trung Đông, thậm chí ở châu Âu và trong thế giới Hồi giáo trải dài từ miền Nam nước Nga tới trung tâm của châu Á.

Giá dầu thô sụt giảm nghiêm trọng đã làm suy yếu nền kinh tế của các nước Arập vốn phụ thuộc vào việc bán dầu - chiếm hơn 80% thu nhập từ xuất khẩu của họ. Đa phần thu nhập này được dành cho hệ thống bảo trợ xã hội, trong đó hầu hết chi trả cho những người không có công ăn việc làm. Việc giá dầu giảm sẽ khiến khoản tiền chỉ còn lại rất ít ỏi cùng với nhiều khiếu kiện về vấn đề chi trả. Người dân trên Bán đảo Arập đang sống trong tình trạng ngày càng tồi tệ, nhất là khi đa số họ có lối sống cực đoan, nhiều thanh niên sử dụng chất kích thích ở độ tuổi dưới 30, thất nghiệp thường xuyên và dành cả ngày chỉ để chuyện phiếm hay tranh luận về những dị biệt và xung đột tôn giáo. Trong thời gian tới, Quốc vương Saudi Arabia Abdallah, tuổi nay đã hơn 90, sẽ ra đi. Nhiều khả năng sẽ xảy ra một cuộc tranh giành quyền lực giữa các hoàng tử và giữa các phe phái đối lập, bất chấp người kế vị sẽ do chính Quốc vương Abdallah chỉ định. 

Chắc chắn rằng khi đó, IS sẽ nổi lên, đổ thêm dầu vào chảo lửa huynh đệ tương tàn. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ sớm chấm dứt thời đại của dầu lửa. Đáng chú ý, sườn phía Đông của Saudi Arabia là khu vực tập trung chủ yếu các cơ sở hạ tầng dầu lửa và là nơi sinh sống của đa số người Hồi giáo dòng Shi’ite. Nếu xung đột xảy ra giữa lực lượng IS - thuộc người Hồi giáo dòng Sunni - với lực lượng Hồi giáo dòng Shi’ite ở Bán đảo Arập được Iran ủng hộ, nhiều vấn đề bất ổn sẽ bùng phát. Ít nhất, cuộc xung đột này sẽ làm sụt giảm 30% sản lượng dầu toàn cầu. 

Về tình hình khu vực châu Á hiện nay: Trung Quốc đang nỗ lực ngăn chặn tình trạng “rơi tự do” của khu vực tài chính. Không nên phủ nhận việc Trung Quốc trở thành một cường quốc chỉ trong thời gian ngắn, tuy nhiên nền kinh tế có thể suy giảm trong thời gian tới. Hiện nay, tình hình đang thay đổi theo chiều hướng xấu. Kinh tế toàn cầu, từng biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới, có thể đẩy nước này vào vòng xoáy của cuộc chiến tiền tệ, bất đồng thương mại, xung đột lãnh thổ, thù hận sắc tộc và đầy rẫy bất ổn. Người Trung Quốc bằng mọi giá sẽ thử nghiệm “hạ cánh an toàn” trong sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng và đáng lo ngại. 

Những ngân hàng ở Trung Quốc hoạt động không minh bạch, quá phụ thuộc vào sự kiểm soát lỏng lẻo của trung ương cùng với nạn tham nhũng phổ biến và sâu sắc. Hoạt động ngân hàng của Trung Quốc có thể được dự báo theo chiều hướng không tốt. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có nguồn dự trữ ngoại tệ và nguyên liệu thô. Sớm hay muộn, người Trung Quốc sẽ phải xem xét lại sự phụ thuộc của họ đối với việc nhập khẩu dầu lửa ngày càng gia tăng. Đây là cơ sở lý giải việc Trung Quốc đang ve vãn Nga. Dù vậy, khi Nga đã cố gắng tăng sản lượng và việc sản xuất dầu vượt quá ngưỡng thì chính sách ve vãn của Trung Quốc sẽ không thể kéo dài mãi. 

Trung Quốc đã xây dựng một hệ thống chế tạo pin quang điện lớn nhất thế giới, song với phương thức sản xuất như hiện nay, năng lượng mặt trời sẽ không thể thay thế dầu mỏ. Cho dù Trung Quốc nỗ lực xoay sở thì nguồn năng lượng này cũng không thể kéo dài nếu không có sự hỗ trợ của dầu mỏ trong việc sản xuất những sản phẩm sử dụng năng lượng mặt trời. 

Tại Nhật Bản, chính sách tỉ lệ lãi suất 0% của Ngân hàng Trung ương và các biện pháp nới lỏng định lượng (gói QE) để phục hồi kinh tế, đã không mang lại nhiều hiệu quả, thậm chí còn góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề trao đổi tiền tệ và làm giảm mức sống của người dân. Điều này sẽ dẫn tới nguy cơ việc đồng yên bị phá giá trong năm 2015. Thảm họa Fukushima vẫn còn là một gánh nặng phải giải quyết và tương lai năng lượng của Nhật Bản tiếp tục còn ảm đạm. Người Nhật không có nguồn tài nguyên năng lượng. Bất kỳ nguy cơ bùng nổ xung đột nào ở khu vực mỏ dầu ở Trung Đông cũng có nguy cơ làm cho nền kinh tế nước này sụp đổ. Nhật Bản có thể sắp trở thành một xã hội đầu tiên mang tính chất hậu công nghiệp và trung cổ mới. Người Nhật Bản có thể thành công nhanh chóng bằng khả năng làm chủ lĩnh vực công nghiệp tiên tiến và bằng khả năng tự cung tự cấp chừng nào những người giàu trên thế giới này còn hợp tác với nhau. Nhưng Nhật Bản dường như cũng chuẩn bị một cuộc chiến tranh trực diện với Trung Quốc nhằm mục đích kiểm soát những mỏ dầu trên biển Hoa Đông. Khó có thể lường trước được hậu quả của một cuộc xung đột mà theo đó Trung Quốc chủ động tấn công Nhật Bản trước.

Theo La Chronique Agora

Lan Hương (gt)