Ngày 13/6, Việt Nam đã tiến hành diễn tập bắn đạn thật trên Biển Đông, một động thái được coi là nhằm đối phó với các hành động của Trung Quốc phá hoại tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam. Trong khi đó, Philíppin cũng đã thông báo sẽ tiến hành tập trận chung với Mỹ kể từ ngày 28/6 tới. Những động thái trên cho thấy tình hình căng thẳng trên biển Đông đang tiếp tục leo thang. 

Theo tờ "Sankei", Hải quân Việt Nam đã diễn tập bắn đạn thật hai lần trong ngày 13/6 trên khu vực Hòn Ông (tỉnh Quảng Nam), cách Trường Sa 1.000 km và cách Hoàng Sa 250 km. Mặc dù Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố đây chỉ là cuộc diễn tập thông thường nhưng có thể coi đây là một biện pháp đối phó với Trung Quốc vì nó diễn ra vào thời điểm nhạy cảm hiện nay. Trước đó, các cuộc biểu tình phản đối “Trung Quốc xâm lược” đã diễn ra trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 12/6. Đây là cuộc biểu tình lần thứ hai liên tiếp sau lần đầu tiên vào ngày 5/6.

Nguyên nhân gây căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua là do Trung Quốc đã sử dụng tàu để cắt cáp thăm dò của các tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam liên tiếp trong hai ngày 26/5 và 9/6. Điều đáng nói là vụ việc đều xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Trước hành vi của Trung Quốc, Việt Nam đã kịch liệt phản đối và cho rằng vụ việc lần này là cực kỳ nghiêm trọng so với các lần trước vì xảy ra trong vùng EEZ của Việt Nam và đối tượng bị phá hoại không phải là tàu cá của ngư dân mà là tàu thăm dò dầu khí của Chính phủ Việt Nam. 

Philíppin - nước có tranh chấp với Trung Quốc trên biển Đông - cũng có những động thái hết sức đáng chú ý. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Philíppin ngày 13/6 cũng cho biết Tổng thống nước này từ nay sẽ sử dụng cụm từ “biển Tây Philíppin” để gọi vùng biển Đông. Bên cạnh đó, Manila cũng cho biết sẽ tiến hành tập trận chung với Mỹ kể từ ngày 28/6-8/7 trên biển Sulu ở phía Tây Nam nước này, trong đó có cả sự tham gia của một số tàu khu trục Mỹ. Đây được coi là động thái nhằm thể hiện quan hệ “đồng minh Mỹ-Philíppin”. Theo tờ "Nikkei", Chính phủ Philíppin từng tuyên bố mong chờ sự chi viện của Mỹ vì Mỹ và Philíppin có “cùng chung một vấn đề”. 

Trong khi đó, Vụ Đối ngoại của Đài Loan kể từ đầu tháng 6/2011 đã hai lần tuyên bố chủ quyền đối với biển Đông, đồng thời cho biết sẽ triển khai tàu trang bị tên lửa và xe tăng tại quần đảo Đông Sa và Trường Sa nhằm khẳng định chủ quyền tại các hòn đảo đang chiếm giữ.

Trước sự phản ứng mạnh mẽ từ các bên có tranh chấp, chính quyền Bắc Kinh vẫn tỏ ra không hề nhân nhượng. Đối với Trung Quốc, đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng để phát triển kinh tế là một trong những vấn đề quan trọng để ổn định xã hội, phát triển kinh tế và duy trì chế độ. Do vậy, Trung Quốc quyết tâm đẩy mạnh khai thác dầu khí tại Biển Đông và muốn ngăn cản các hoạt động tương tự từ phía Việt Nam và Philíppin.

Sau khi có thông tin về cuộc diễn tập bắn đạn thật của Việt Nam, tờ "Thời báo Hoàn cầu" của Trung Quốc đã cảnh báo rằng Trung Quốc sẽ có thể sử dụng các biện pháp mạnh tay hơn nữa, khiến tình hình căng thẳng trên Biển Đông sẽ ngày càng “nóng” trong thời gian tới. Tờ báo này đăng bài có đoạn viết: “Hoạt động này diễn ra sau khi (Trung Quốc) đã có cảnh báo Hà Nội phải chấm dứt ngay việc vi phạm chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông”. Báo này dẫn lời ông Trang Quốc Thổ, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Hạ Môn tỉnh Phúc Kiến, nói: “Không nghi ngờ gì, cuộc bắn đạn thật này là phô diễn sức mạnh quân sự đối với Trung Quốc. Qua việc giương oai này, Việt Nam muốn tỏ quyết tâm giữ vững chủ quyền trên quần đảo Trường Sa”.

Tiến sĩ David Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Xinh-ga-po, được hãng tin AFP trích dẫn, cho rằng tình hình hiện nay “không có nhiều lựa chọn” và dự báo sẽ có một cuộc “đọ sức trên biển” trong tương lai. Còn ông Ralph Cossa, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ở Oasinhtơn, nhận định: “Không ai muốn chiến tranh, song khả năng sẽ có vài vụ đọ súng do tức giận hoặc va chạm tàu đã tăng lên”. Chuyên gia này cũng tin tưởng rằng các bên liên quan đều cố tránh sao cho tình hình “không vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

NCBĐ (tổng hợp)