Nhân dân nhật báo ngày 19/8 đăng bài: Việt - Mỹ thử “vượt qua quá khứ”.

 

Thứ trưởng BQP Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh và Phó trợ lý BTQP Mỹ Robert Cher đã tiến hành đối thoại về chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng lần đầu tiên giữa hai nước tại Hà Nội ngày 17/8. Nội dung thảo luận chủ yếu là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, cuộc đối thoại lần này nhằm đánh dấu 15 năm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng đã bước vào giai đoạn mới. Còn Phó trợ lý Cher cho biết, hai bên đã thảo luận về cơ chế trao đổi trong thời gian tới và một số vấn đề khu vực, quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho hai bên tăng cường hơn nữa hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng trong tương lai.

 

Thời gian gần đây, quan hệ Việt - Mỹ trở nên sôi động và hợp tác được mở rộng vào lĩnh vực quân sự. Tàu sân bay “G. Washington” của Mỹ ngày 8/8 đã neo đậu ngoài khơi cách Đà Nẵng 320Km, nhiều quan chức Chính phủ và quân đội Việt Nam đã lên thăm tàu này. Ngày 10/8, tàu khu trục “John. MacCain” đã cập cảng Đà Nẵng. Hải quân hai nước tiến hành diễn tập “phi tác chiến” như giao lưu văn hóa và cứu hộ cứu nạn trong thời gian 1 tuần. Ông Nguyễn Chí Vịnh giải thích: “ngay từ đầu năm nay, Mỹ đã bày tỏ mong muốn trong dịp kỷ niệm 15 năm ngày hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao sẽ cử một hạm đội tàu chiến thăm Việt Nam. Chúng tôi đã đồng ý với đề nghị này”. Ông Vịnh cũng bày tỏ sở dĩ có thể thực hiện được hoạt động này, một mặt do phía Mỹ bày tỏ thiện chí phát triển quan hệ hai nước, mặt khác cũng là cơ hội để quân đội Việt Nam tìm hiểu và nghiên cứu kỹ thuật quân sự hiện đại của hải quân Mỹ. Chính giới Việt Nam bày tỏ diễn tập quân sự Việt - Mỹ không thể hiện việc Việt Nam sẽ tiến thêm một bước trong liên minh với Mỹ.

 

Mỹ cũng rất quan tâm tới dự án năng lượng hạt nhân của Việt Nam. Tháng 3/2010, ĐS Mỹ tại Việt Nam đã thay mặt CP Mỹ ký với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam một bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân, mở đường cho các công ty Mỹ giúp Việt Nam xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. NFN của Quốc hội Mỹ ngày 5/8 đã chứng thực, Mỹ đang đàm phán với Việt Nam về hợp tác năng lượng hạt nhân dân dụng, thỏa thuận này tương tự như thỏa thuận ký với Ấn Độ và Ả-rập trước đây. Nếu Việt Nam hoặc một nước nào đó tiến hành các hoạt động làm giàu uranium thì Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp đảm bảo hành vi của họ phù hợp với quy định của quốc tế.

 

Trong thời gian ở thăm Việt Nam, NT Mỹ Clinton đã bày tỏ, hai bên Việt - Mỹ cần “chấp nhận quá khứ, vượt qua quá khứ, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”. Mỹ đang chuẩn bị thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác, hữu nghị Việt - Mỹ. Đồng thời Mỹ cũng nêu ý kiến về tình trạng nhân quyền và chế độ chính trị ở Việt Nam. PTTg kiêm BTNG Phạm Gia Khiêm khi hội đàm với Clinton đã bày tỏ, Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ đa phương với Mỹ. Quan hệ Việt - Mỹ không ngừng ấm lên do hai nước đều có nhu cầu về lợi ích chiến lược. Sau khi Obama lên nắm quyền, chiến lược “quay trở lại châu Á” đã trở thành mục tiêu ngoại giao quan trọng của Mỹ. Đồng thời với việc tăng cường quan hệ đồng minh truyền thống với Nhật, Hàn, CP Obama đang thông qua ASEAN để đạt lợi ích chiến lược ở Đông Nam Á .

 

Mặc dù Clinton mô tả quan hệ Việt - Mỹ như là mối quan hệ “đối tác, đồng nghiệp và bạn bè” thực sự và có tiềm năng, nhưng để quên đi nỗi đau và ký ức về cuộc chiến Việt Nam không phải dễ. Ngay tối ngày tàu khu trục “John.MacCain” thăm Việt Nam, trong chương trình thời sự lúc 19h Đài Truyền hình Việt Nam đã phát hình ảnh bi thảm trong cuộc sống của những nạn nhân chất độc da cam. Bản tin tường thuật: “Mặc dù chiến tranh đã kết thúc 35 năm, nhưng chất độc da cam vẫn còn là nỗi đau của hàng triệu gia đình Việt Nam. Những nạn nhân chất độc da cam được sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần sẽ tiếp tục kiên trì đi tìm lẽ phải”.

 

Tờ Tin tức tham khảo ngày 19/8 dẫn nguồn từ hãng tin AFP.

 

Đối thoại quốc phòng cấp cao Việt - Mỹ đã nhắc đến Trung Quốc. Phó trợ lý Cher trong cuộc họp báo đã nói rằng: “Trong hội đàm, tôi đã nói về cách nhìn của chúng tôi đối với hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc”. Trong bản báo cáo hàng năm của BQP trình QH Mỹ đã dự báo: Trung Quốc có thể sẽ tăng cường tuần tra ở Biển Đông. Trung Quốc và Việt Nam có tồn tại tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ ở khu vực này. Ông Nguyễn Chí Vịnh bày tỏ, Việt Nam ủng hộ Trung Quốc phát triển, tin tưởng và hy vọng sự trỗi dậy của Trung Quốc không gây hại đối với lợi ích, chủ quyền của các nước khác và sẽ có đóng góp cho an ninh khu vực. Ông Vịnh và ông Cher nhấn mạnh, trọng tâm của cuộc đối thoại là vấn đề song phương, bao gồm vấn đề bom mìn còn sót lại và quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Ông Vịnh nhấn mạnh, hợp tác Việt - Mỹ “không ảnh hưởng đến bất kỳ quốc gia nào”.

 

Thời báo Hoàn Cầu số ra ngày 19/8/2010 đăng bài: “Đối thoại quốc phòng Mỹ - Việt phủ nhận việc nhằm vào Trung Quốc”.

 

Mỹ và Việt Nam đã tổ chức đối thoại chính sách quốc phòng cấp thứ trưởng đầu tiên sau khi vừa kết thúc diễn tập quân sự liên hợp một tuần. Mỹ dường như đang dồn dập tiến hành kế hoạch “liên kết Việt Nam chống Trung Quốc”, trong khi Hà Nội vẫn kín tiếng như hồi diễn tập quân sự chung và phủ nhận ý đồ nhằm vào Trung Quốc.

 

Theo AFP dẫn nguồn từ báo Lao Động của Việt Nam, nội dung đối thoại lần này bao gồm: tiếp tục giảm hậu quả chiến tranh Việt Nam, hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, trao đổi đoàn sỹ quan để tiến hành hoạt động giao lưu học tập ngôn ngữ, giao lưu về tìm kiếm cứu nạn. Trong mắt báo chí, thái độ nhiệt tình của Mỹ với Việt Nam trở nên đối lập hoàn toàn so với thái độ của Mỹ với Trung Quốc. Báo cáo về tình hình quân sự Trung Quốc của BQP Mỹ hôm 16/8 bộc lộ lo lắng trước sự phát triển mạnh mẽ của quân đội Trung Quốc trong khi có nhà phân tích cho rằng Việt Nam muốn lợi dụng ảnh hưởng của Mỹ để cân bằng lực lượng với Trung Quốc.

 

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu tại họp báo bày tỏ, Việt Nam luôn coi Trung Quốc là láng giềng tốt, hoan nghênh sự phát triển của Trung Quốc trong đó có quốc phòng, tin tưởng sự phát triển của Trung Quốc không gây hại cho nước khác mà còn có những đóng góp cho hòa bình và an ninh khu vực.

 

Ông Lục Hạo, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu châu  Á – Thái Bình Dương  của Học viện Ngoại giao phát biểu hôm 18/8 cho rằng, thái độ của Việt Nam cho thấy họ không muốn tiến hành đối đầu công khai và trực tiếp với Trung Quốc  nhưng vẫn có ý đồ xích lại gần với Mỹ để nhằm vào Trung Quốc, tuy nhiên hợp tác Việt - Mỹ hiện nay vẫn chỉ là sự tiếp nối của các hợp tác đã triển khai trước đây. Trung Quốc không cần coi Việt Nam là nước đối địch, nhưng lúc cần vẫn phải đấu tranh nếu lợi ích bị tổn hại.