Trong chuyến thăm lần đầu tiên của ông Tập Cận Bình tới Mỹ trên cương vị Chủ tịch nước, Tổng thống Mỹ Barack Obama dĩ nhiên có rất “nhiều điều để nói”, như những ảnh hưởng từ biến động thị trường chứng khoán và suy thoái kinh tế của Trung Quốc đối với Mỹ; những lo lắng trước các hành động xây dựng đảo và sân bay ở Biển Đông của Trung Quốc; những hạn chế mà Luật An ninh Quốc gia của Trung Quốc “mang lại” cho các công ty Mỹ. Tuy nhiên, điều có thể làm cho ông Obama "đau đầu" nhất vẫn là làm thế nào để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng từ Trung Quốc.

Theo cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ Keith Alexander, ước tính thiệt hại kinh tế của Mỹ trong năm 2012 do tin tặc Trung Quốc gây ra là khoảng 338 tỷ USD và con số này vẫn tiếp tục tăng lên mỗi năm. Theo tiết lộ của giới truyền thông Mỹ, các tin tặc Trung Quốc ăn cắp rất nhiều thông tin bí mật, bao gồm các bản vẽ thiết kế nhà máy điện hạt nhân, mã nguồn của công ty mạng, lập trường cơ bản của công ty Mỹ trong các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Nghiêm trọng nhất là năm 2014, tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc đánh cắp bảng danh sách nhân sự 22 triệu nhân viên và gia đình họ của Cục Nhân sự Liên bang Mỹ và một năm sau sự việc này mới bị phát hiện.

Trước tình trạng trên, ông Obama đã cử Cố vấn An ninh Quốc gia Susan Rice tới Trung Quốc để đưa ra lời cảnh cáo rằng nếu Trung Quốc không dừng lại các hoạt động tin tặc, Mỹ sẽ công bố biện pháp trừng phạt trước hoặc trong chuyến thăm Mỹ của ông Tập Cận Bình. Đến lúc này, Trung Quốc nhận ra rằng Mỹ không chỉ nói suông, do vậy đã cử Ủy viên Quốc vụ viện Mạnh Kiến Trụ phụ trách vấn đề an mạng đến Mỹ để thương lượng. Kết quả sau chuyến thăm là phía Mỹ đồng ý không đưa ra các biện pháp trừng phạt trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, song vẫn cảnh báo sau chuyến thăm nếu tin tặc Trung Quốc tiếp tục hoạt động rất có thể Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt.

Trên thực tế, các biện pháp trừng phạt Trung Quốc của Mỹ đã được thực hiện trước đó. Năm 2014, khi Mỹ phát hiện ra đơn vị 61.398 đồn trú tại Thượng Hải (được xem là đơn vị tin tặc của quân đội Trung Quốc) và có chứng cứ cho thấy họ đã tấn công hệ thống máy tính của các công ty lớn ở Mỹ, ngay lập tức Bộ Tư pháp nước này đã kết án đối với 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc.

Giới chính khách Mỹ cũng đã yêu cầu hủy bỏ chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Họ còn chỉ trích Obama quá "yếu đuối" trước Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Obama và những người tỉnh táo trong bộ máy của mình đều biết rõ rằng sẽ không dễ dàng giải quyết vấn đề này.

Thứ nhất, họ sợ biện pháp trừng phạt Trung Quốc sẽ dẫn tới việc nước này có các biện pháp đáp trả nhằm vào các công ty Mỹ. Khi Bộ Tư pháp Mỹ đã thông báo buộc tội 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc, lập tức Trung Quốc công bố một loạt tội danh và tiến hành xử phạt một loạt công ty lớn của Mỹ, khiến các công ty này gặp rất nhiều khó khăn. Nếu Mỹ tiếp tục các biện pháp trừng phạt sẽ khiến cho Trung Quốc lại có các hành động đáp trả mạnh mẽ hơn, như vậy không thể ngăn chặn các hoạt động tấn công của tin tặc Trung Quốc, lại còn làm cho tình hình thêm phức tạp.

Thứ hai, như cách nói của ông Obama là việc phòng chống tin tặc là rất khó, tấn công luôn luôn nhanh hơn so với phòng thủ, chẳng hạn như vụ ăn cắp thông tin danh sách nhân sự phải một năm sau mới biết và xử lý.

Thứ ba, rất khó để quy trách nhiệm tiến hành các hoạt động tấn công mạng cho Chính phủ Trung Quốc. Trong hầu hết các trường hợp, Mỹ chỉ có thể biết được tin tặc đến từ nước nào, nhưng không thể xác định cụ thể những người thực hiện các cuộc tấn công này. Việc không có bằng chứng rõ ràng sẽ rất khó để đàm phán trực tiếp với Chính phủ Trung Quốc.

Thứ tư, Mỹ cũng có hoạt động gián điệp mạng trên quy mô lớn và như vậy sẽ rất khó để thuyết phục nước khác. Tại một buổi điều trần trước Quốc hội Mỹ, khi các nhà lập pháp lên án Trung Quốc ăn cắp hồ sơ cá nhân tại Mỹ, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper lại nhắc nhở rằng hành vi này của Trung Quốc không thể quy là tấn công mạng, mà chỉ là hoạt động gián điệp trên mạng, và bản thân Mỹ cũng có các hành động như vậy.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn tự coi mình có tư cách đạo đức hơn Trung Quốc, bởi họ không thông qua các hoạt động tình báo trên mạng để giành các lợi ích về kinh tế, mà các hoạt động gián điệp trên mạng của họ chỉ là để bảo vệ các lợi ích về mặt chính trị và an ninh quốc gia. Tuy nhiên, Trung Quốc không chấp nhận cách lý giải này. Mặc dù ông Obama quả quyết rằng nếu Trung Quốc lựa chọn cách đối đầu với Mỹ trong vấn đề này, Mỹ rốt cuộc sẽ là người chiến thắng, song như đã đề cập ở trên, để giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh mạng này sẽ rất khó khăn.

Theo Báo Liên Hợp Buổi sáng

Hoàng Lan (gt)