Mùa hè năm 2011, địa điểm và thời gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-8 và cuộc hội đàm cấp cao của các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dươg (NATO) đã được ấn định là tại Chicago vào tháng 5/2012. Tuy nhiên, mới đây, ông Obama đã quyết định dời sự kiện này từ Chicago đến Trại David (Phủ Tổng thống Mỹ ở ngoại ô). Theo các chuyên gia, với quyết định này, Tổng thống Obama đã thực hiện một bước ngoại giao khéo léo và thân thiện với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. Theo kế hoạch, ngay sau hội nghị thượng đỉnh G-8 ở Chicago sẽ là cuộc hội đàm cấp cao của các nước thuộc NATO, sự kiện mà giới lãnh đạo Nga mặc dù được mời nhưng vẫn quyết định không tham dự vì những bất đồng với Mỹ trong vấn đề phòng thủ tên lửa. Với việc thay đổi địa điểm tổ chức, ông Obama muốn thể hiện rằng bầu không khí G-8 không gò bó về hình thức, và ông hy vọng bắt đầu mối quan hệ mới giữa hai nước.Theo học giả chính trị Alexei Arbatov, nhà lãnh đạo Mỹ đã gửi đến các đồng nghiệp Nga tín hiệu rõ ràng về ý định quên đi “những điều làm mếch lòng nhau và sự hiểu lầm cũ, vốn làm u ám mối quan hệ chính trị giữa hai nước”. Hội nghị này sẽ có ý nghĩa đặc biệt bởi đây còn có thể được coi là cuộc “tiếp xúc trực tiếp mới giữa ông Obama và Putin trên cương vị hai tổng thống”. Tới thời điểm đó, lễ nhậm chức tổng thống của ông Putin đã được tổ chức. Hạ nghị sĩ Nga Dmitry Vyatkin nhận định rất có khả năng cuộc gặp sẽ không chỉ đơn thuần là buổi trao đổi “những tuyên bố chính thức”, mà là một nỗ lực thực sự đưa các quan điểm của Nga và Mỹ xích lại gần nhau.

Việc (Mỹ) không chú ý đến quan điểm của Nga sẽ là một hành động sai lầm. Dĩ nhiên, Mỹ không muốn bị bỏ lại một mình trong các vấn đề Xyri và Iran. Để các cuộc đàm phán có kết quả, cần xác định quan điểm của hai nước, trước hết trong các vấn đề Palextin, Xyri và Iran. Những điều này phải được thực hiện trong một môi trường thoải mái nhất, với mọi điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán bình thường. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị có chung nhận định là cuộc tiếp xúc còn tiềm ẩn rõ ràng yếu tố trước thềm bầu cử. Tại Mỹ, nơi các chiến dịch vận động tranh cử tổng thống đang lấy đà, việc “tái khởi động” mối quan hệ Nga-Mỹ được gắn với ông Obama, và vì vậy các chính trị gia cần chứng tỏ rằng quá trình này không bị đình trệ.Ông Alexei Arbatov nói: “Trong chiến dịch tranh cử, ông Obama cần chứng minh rằng bất chấp một số thất bại làm đổ vỡ đàm phán, như đã xảy ra trong trường hợp hệ thống phòng thủ tên lửa, song mối quan hệ với Nga vẫn đang được phát triển và có triển vọng đạt thỏa thuận về những vấn đề nhất định”. Ông Alexei Arbatov nhận xét đối với Vladimir Putin, cuộc hội đàm tại Trại David cũng rất quan trọng. Nếu ở cương vị thủ tướng, chính trị gia này quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề kinh tế, thì trên cương vị tổng thống, ông sẽ phải xây dựng một chính sách đối ngoại. Việc ông Obama dời địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh G-8 là điều thuận lợi cho nhà lãnh đạo Nga. Trên thực tế, ông Putin cũng không muốn bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống mới bằng sự xích mích với phương Tây.

Theo Ruvr (ngày 11/3)

Mỹ Anh (gt)