asean(2).jpg

Từ ngày 6-8/9, Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 28 và 29, cùng hàng loạt hội nghị thượng đỉnh liên quan như ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19, hướng tới kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại, ASEAN-Nhật Bản lần thứ 19, ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 18, ASEAN+3 lần thứ 19, ASEAN–Australia lần thứ nhất, ASEAN–Liên hợp quốc lần thứ 8, ASEAN-Ấn Độ lần thứ 14, ASEAN–Mỹ lần thứ 4 và Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 11 diễn ra tại Lào. Ngoài ra, Hội nghị Me Kong-Nhật Bản lần thứ 8 cũng được tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh ASEAN.

Trung tâm hội nghị quốc gia ở Viêng Chăn là nơi tập trung của các phương tiện truyền thông trên thế giới, chuyên gia an ninh, các nhà phân tích và học giả. Một số diễn biến gần đây trong khu vực như việc Trung Quốc phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài hôm 12/7, Mỹ công bố triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) gặp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc và Nga, vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên, hoạt động quân sự hóa của Nhật Bản nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên… là những vấn đề đáng lo ngại, đe dọa hòa bình và ổn định ở châu Á.

Vấn đề Biển Đông và sự đoàn kết của ASEAN

Trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Biển Đông, nhất là sau phán quyết của Tòa Trọng tài Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị thượng đỉnh liên quan có được tầm quan trọng và ảnh hưởng lớn, trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực. Tuy nhiên, việc Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN không đưa ra được tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp ở Viêng Chăn hồi tháng 7/2016 cùng với đó là cái bóng của sự thất bại trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 với vai trò chủ tịch của Campuchia làm dấy lên câu hỏi về sự đoàn kết của ASEAN như một tổ chức có vai trò quan trọng tại cấu trúc an ninh khu vực và là một trong những đối tác chủ chốt trong các diễn đàn quốc tế.

Các phương tiện truyền thông đang quan tâm đến những vết nứt trong quan hệ giữa các thành viên ASEAN, nhất là trong các vấn đề quan trọng của khối. Điều này được đặc biệt quan tâm bởi vì các quốc gia thành viên ASEAN cam kết xây dựng Cộng đồng chung với sự chân thành và thực hiện Tầm nhìn ASEAN tới năm 2025 và xa hơn.

Trong thực tế, sự đoàn kết và trách nhiệm của ASEAN đã đem lại cơ hội cho các nước thành viên phát triển các lĩnh vực kinh tế-xã hội và thu hút sự hợp tác của các nước khác cũng như hợp tác với ASEAN với tư cách là đối tác đối thoại. Rạn nứt trong ASEAN liên quan đến vấn đề Biển Đông từng có nguy gia tăng, nhưng sự đoàn kết ASEAN có thể được cứu vãn sau phán quyết của Tòa Trọng tài như một số nước đã kỳ vọng. Mặc dù không phải là bên có tranh chấp trực tiếp ở Biển Đông nhưng trong bài phát biểu kỷ niệm ngày Quốc khánh hôm 21/8, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh: "Singapore ủng hộ và phấn đấu cho một trật tự quốc tế dựa trên nguyên tắc. Nếu nguyên tắc này không được đảm bảo, các nước nhỏ như Singapore không có cơ hội sống sót. Một ASEAN mạnh mẽ, đoàn kết là cơ hội tốt nhất để Singapore đảm bảo sự nghiêm túc đối với thế giới". Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết có một tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề quốc tế.

Thật vậy, các hội nghị thượng đỉnh tại Viêng Chăn được kỳ vọng sẽ tạo tiếng vang và thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp Biển Đông. ASEAN cần đoàn kết và quyết đoán hơn trong tương lai, qua đó tích cực góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế ở khu vực.

Vai trò của Ấn Độ

Quan điểm của Ấn Độ tại các hội nghị lần này được các quốc gia đối tác ở châu Á theo dõi sát. Cho đến nay, Ấn Độ thể hiện quan điểm theo đuổi chính sách phù hợp với các chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Mặc dù không chỉ đích danh nước nào, nhưng Ấn Độ mạnh mẽ tuyên bố rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết dựa trên các quy quy định của luật pháp quốc tế và các bên liên quan cần tôn trọng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).

Các nước ASEAN và các đối tác của Ấn Độ, nhất là Việt Nam, Singapore và Philippines kỳ vọng Thủ tướng N.Modi bày tỏ lập trường của Ấn Độ một cạnh mạnh mẽ hơn dựa trên các nguyên tắc của chuẩn mực và luật pháp quốc tế. Ấn Độ không chỉ có liên kết nền văn minh với Việt Nam mà còn với nhiều nước châu Á và sự gắn kết giữa lợi ích kinh tế và chiến lược đã trở lên quá sâu sắc. Do đó, điều này là sự đảm bảo cho một lập trường mạnh mẽ từ Ấn Độ và cũng không có diễn đàn nào tốt hơn các hội nghị thượng đỉnh ở Viêng Chăn để Ấn Độ thể hiện quan điểm của mình.

Là một cường quốc mới nổi, Ấn Độ không thể không quan tâm đến sự phát triển trong khu vực láng giềng mở rộng của mình. Ấn Độ đã xây dựng mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với nhiều nước châu Á và mối quan hệ này đã được gắn kết với lợi ích an ninh. Trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau, không thể tách rời các vấn đề kinh tế và an ninh hoặc ngược lại. Nhìn từ quan điểm này, những điểm đồng về lợi ích giữa Ấn Độ và Việt Nam cần được mở rộng và cần sự hỗ trợ lẫn nhau trong các vấn đề có tính nguyên tắc. Khi một nước lớn phô trương sức mạnh quân sự để đe dọa một nước nhỏ hơn, Ấn Độ với tư cách một cường quốc đang nổi lên được kỳ vọng sẽ nắm giữ trách nhiệm để đối phó với tình hình.

Công ty OVL thuộc Tập đoàn dầu khí quốc gia Ấn Độ đã và đang tham gia hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông theo lời mời của Việt Nam. Về nguyên tắc, Ấn Độ nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và tiếp cận với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Điều này mang đến cơ hội để Ấn Độ mở rộng không gian hàng hải của mình vượt ra ngoài khu vực Ấn Độ Dương và sự hiện diện của các chiến hạm sẽ cho phép hải quân Ấn Độ kiềm chế tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông./.

Tác giả Rajaram Panda là Giáo sư Thỉnh giảng tại Đại học Reitaku, Nhật Bản. Bài viết đăng trên "Daily Pioneer".

Vũ Hiền (gt)