Trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các quốc gia láng giềng tại Đông và Đông Nam Á ngày càng căng thẳng, Mỹ cần có một chiến lược khu vực rõ ràng hơn, vừa đảm bảo lợi ích và các cam kết với đồng minh, vừa tránh đương đầu gây tác động bất lợi hay tạo thành xung đột. Làm được điều này không dễ. Mỹ không nắm được quốc gia nào có yêu sách đảo tranh chấp tại khu vực và lãnh thổ đảo tranh chấp nào nên được thừa nhận. Mỹ cũng không có ý định áp đặt giải pháp cho vấn đề này. Đồng thời, Mỹ phải hiện đại hóa lực lượng vũ trang để đương đầu với những thách thức mới, đặc biệt là sự trỗi dậy của Trung Quốc và chương trình phát triển vũ khí hiện đại có độ chuẩn xác cao của quốc gia này.

Một cách tiếp cận cân bằng hơn được cho là cần thiết đối với Mỹ vào thời điểm này, đó là “can dự nhưng vẫn giữ rào chắn phòng thủ”, thông qua các công cụ kinh tế, ngoại giao và đôi khi cả quân sự để khuyến khích Trung Quốc trỗi dậy một cách hòa bình kết hợp với duy trì tiềm lực quân sự mạnh trong trường hợp can dự thất bại.

Vấn đề đặt ra ở chỗ: rào chắn phòng thủ vẫn được hiểu là phương tiện duy trì ưu thế quân sự vượt trội của Mỹ, trong khi đó, Trung Quốc lại phát triển và sở hữu các vũ khí hiện đại, có khả năng gây tổn hại cho lực lượng của Mỹ, gây cản trở hoạt động của lực lượng này tại các khu vực gần bờ biển Trung Quốc. Để giải quyết vấn đề này, một số nhà hoạch định chiến lược Mỹ hướng đến giải pháp “Không chiến - Hải chiến”, ám chỉ sự kết hợp giữa các phương tiện phòng thủ và tấn công để kiềm chế những thách thức mới từ các vũ khí tấn công có độ chính xác cao. Khái niệm này không trực tiếp nhắm đến một quốc gia cụ thể nào, nhưng rõ ràng Trung Quốc là đối tượng các nhà hoạch định quân sự Mỹ lo ngại nhất. Tuy nhiên, khái niệm này có thể là mầm mống cho những nguy cơ nghiêm trọng xuất phát từ tính toán sai lầm, bắt đầu ngay từ cái tên “Không chiến - Hải chiến”, hiển nhiên là khái niệm cho một cuộc chiến. Cái tên này có thể gửi đi những thông điệp sai lầm cho Trung Quốc và các đối tác của Mỹ tại khu vực. “Các hoạt động không quân - hải quân” sẽ là một cái tên phù hợp hơn.

Hiện tại, Mỹ và các đối tác cần đối phó với kế hoạch hiện đại hóa vũ khí quân sự của Trung Quốc trên một mặt trận rộng lớn hơn, cho phép họ có thể tiến hành các biện pháp hữu hiệu, tương xứng, nhưng không châm ngòi cho những leo thang căng thẳng phản tác dụng. Tương tự, vấn đề hiện đại hóa quân sự của Mỹ cũng cần phải cân bằng. Không nhất thiết phải mở rộng phạm vi các căn cứ chiến đấu của Mỹ để ứng phó với đe dọa từ Trung Quốc. Làm vậy chỉ khuyến khích các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc tăng cường phát triển các loại vũ khí chống tiếp cận. Các biện pháp kinh tế và chính trị, cũng như duy trì hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực sẽ là giải pháp hiệu quả hơn để đương đầu với các hành vi đe dọa từ phía Trung Quốc.

Một chiến lược cân bằng hơn của Mỹ nhằm tăng cường ổn định tại khu vực đòi hỏi sự kết hợp khôn khéo giữa “vỗ về” và “áp đặt” và vị thế quân sự phản ánh sự kết hợp này. Cách tiếp cận này sẽ giúp Mỹ có cơ hội tốt nhất để thuyết phục các nhà lãnh đạo Trung Quốc hướng đến con đường có tính hợp tác hơn cho các tranh chấp lãnh thổ tại khu vực.

Theo Project Syndicate

Trần Quang (gt)