Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ 2, mặc dù bùng phát các cuộc chiến tốn kém ở Triều Tiên và Việt Nam, song Mỹ vẫn chứng tỏ là nước bảo lãnh chủ yếu cho ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Một trong những lợi ích mà sự can dự của Mỹ mang lại là tạo cơ hội cho các nước đồng minh trong khu vực phát triển về kinh tế và trưởng thành về chính trị. Khi khu vực này trở nên thịnh vượng hơn, các vấn đề chủ quyền cũng trở nên quyết liệt hơn. Trong hai năm qua, Nhật Bản và Trung Quốc đã công khai va chạm xung quanh quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Nga và Hàn Quốc cũng đã tái khẳng định yêu sách chủ quyền ở các vùng biển hiện do Nhật Bản kiểm soát. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc, Việt Nam, Philípin, Brunây và Malaixia đều có yêu sách đối với quần đảo Trường Sa, nơi đang tiếp tục có sự căng thẳng giữa Trung Quốc và Philípin. Các tranh chấp này không chỉ liên quan tới niềm tự hào lịch sử mà còn liên quan tới những vấn đề sống còn như quá cảnh thương mại, quyền đánh bắt cá và các hợp đồng khai thác mỏ quặng đầy lợi lộc ở các vùng biển xung quanh các quần đảo này. Không nơi nào tình hình căng thẳng lại rõ ràng hơn các cuộc tranh chấp đang ngày càng quyết liệt ở Biển Đông. 

Trung Quốc mới đây đã có một loạt hành động quyết đoán, chẳng hạn như việc thiết lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm vốn không có cư dân, không có nguồn cung cấp nước ngọt nhưng có một đường băng quân sự, một trạm bưu điện, một ngân hàng, một cửa hàng tạp hóa và một bệnh viện. Các hành động chính trị này của Trung Quốc đã được củng cố bằng việc bành trướng về quân sự và kinh tế. Ngày 22/7, Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông báo sẽ triển khai một đơn vị quân đội bảo vệ các đảo trong khu vực này. Ngày 31/7, Trung Quốc thông báo chính sách mới về "lực lượng tuần tra chính quy sẵn sàng chiến đấu" ở Biển Đông. Trung Quốc giờ đây cũng gọi thầu tại các khu vực mà cộng đồng quốc tế công nhận nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Mục tiêu thực tế cuối cùng của Trung Quốc là đơn phương quyết định thôn tính một khu vực trải dài về phía Đông tới tận Philíppin, kéo sâu xuống phía Nam sát eo biển Malắcca. 

Phản ứng của Mỹ là im lặng. Bộ Ngoại giao Mỹ phải chờ tới ngày 3/8 mới bày tỏ quan ngại chính thức về việc Trung Quốc nâng cấp hành chính cho Tam Sa, thiết lập một đơn vị quân đội ở các khu vực có tranh chấp. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ được đưa ra với lời lẽ khá thận trọng, với chính sách lâu dài là kêu gọi giải quyết vấn đề chủ quyền theo luật pháp quốc tế và không sử dụng vũ lực. Cho dù là như vậy, chính phủ Trung Quốc đã phản ứng một cách giận dữ, cảnh báo các quan chức ngoại giao Mỹ "lẫn lộn đúng sai và phát đi một tín hiệu sai trái". Tờ "Nhân dân Nhật báo" xuất bản ở hải ngoại thậm chí còn nói rằng "đã tới lúc Mỹ nên ngậm mồm lại". Sự thật là, thái độ mập mờ của Mỹ trong những năm qua càng làm cho Trung Quốc mạnh tay hơn. Chính sách của Mỹ liên quan tới vấn đề chủ quyền ở các vùng biển châu Á-Thái Bình Dương là không đứng về bất kỳ bên nào, và các vấn đề như vậy cần phải được giải quyết một cách hòa bình giữa các bên liên quan. Các nước nhỏ và yếu hơn đã liên tục kêu gọi sự can dự nhiều hơn của quốc tế. Trong khi đó, Trung Quốc luôn nhấn mạnh rằng tất cả các vấn đề này nên giải quyết tay đôi, điều đó có nghĩa là các vấn đề đó hoặc sẽ không bao giờ được giải quyết, hoặc chỉ được giải quyết theo các điều kiện riêng của Trung Quốc. 

Do sức mạnh ngày càng lớn của Trung Quốc trong khu vực, với việc không có thái độ rõ ràng, Mỹ giờ đây đã trở thành nước tạo điều kiện cho các hành động hiếu chiến hơn bao giờ hết của Trung Quốc. Mỹ, Trung Quốc và toàn bộ Đông Á hiện đứng trước một sự thật là trong lúc các bên hữu quan tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp chủ quyền thì vẫn có những hành động vi phạm và hiếu chiến. Việc giải quyết tình trạng này không chỉ có ý nghĩa đối với Biển Đông mà còn vì sự ổn định của Đông Á và tương lai quan hệ Mỹ-Trung. Một bài học lịch sử là khi các hành động xâm lược đơn phương không bị đáp trả thì càng để lâu, tình hình sẽ càng rắc rối. Trong lúc sự chú ý của Mỹ đang bị trệch hướng bởi chiến dịch tranh cử tổng thống ở trong nước, toàn bộ khu vực Đông Á đang theo dõi xem Mỹ sẽ làm gì với các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ đang chờ xem liệu Mỹ có trung thành với vai trò không dễ chịu nhưng cần thiết, đó là bảo vệ sự ổn định ở Đông Á, hay khu vực này rồi sẽ lại bị bao phủ bởi các hành động hiếu chiến và hăm dọa. 

Theo Wall Street Journal (ngày 20/8)

Viết Tuấn (gt)