Trung Quốc hiện có 3 hạm đội gồm: Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải và Hạm đội Nam Hải. Hạm đội thứ tư "bí ẩn" được cho là sẽ đóng tại đảo Hải Nam vốn thuộc phạm vi bảo vệ của Hạm đội Nam Hải và nằm khá xa khu vực Ấn Độ Dương (Indian Ocean region – IOR) Đây cũng là lý do khiến nhiều người cho rằng hạm đội mới này của hải quân Trung Quốc chỉ là một sự suy đoán hoặc có thể là "hữu danh vô thực".

Đảo Hải Nam nhìn ra Biển Đông, nơi Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền rộng lớn, bao trùm gần như toàn bộ vùng biển này. Sự việc trên biển giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, ngày càng diễn ra thường xuyên. Lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc rõ ràng là đang nỗ lực củng cố sự hiện diện của mình trên hòn đảo này.

Gần đây, Trung Quốc đã xây dựng căn cứ hải quân Longpo trên Vịnh Á Long, gần mũi phía Đông Nam của đảo Hải Nam. Đây là một cảng nước sâu hoàn chỉnh, với cầu tàu cho tàu ngầm. Căn cứ mới này dự kiến sẽ phục vụ các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo (SSBN) lớp Tấn mới của hải quân Trung Quốc. Bên cạnh đó, với các cầu tàu dài được thiết kế cho các tàu chiến nổi, căn cứ này có thể là một căn cứ đa mục đích. Lực lượng hải quân Trung Quốc có sẵn một cơ sở ở Ngọc Lâm, nằm ở phía Tây của Longpo và được thiết kế để phục vụ các tàu ngầm thông thường của họ.

Tổ hợp Hải Nam củng cố sự phát triển nhanh chóng của Hạm đội Nam Hải. Từng là một trong ba hạm đội ít được quan tâm nhất của Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải nay đã trở thành đơn vị được trang bị các tàu chiến tiên tiến của Trung Quốc, trong đó có cả các tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Thương, các tàu ngầm thông thường (lớp Kilo, lớp Tống và lớp Nguyên), các SSBN lớp Tấn kể trên, khoảng một chục tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường cùng ba tàu chiến đổ bộ mới, đưa tổng số lên 29 tàu nổi lớn.

Hơn nữa, theo John Patch, các tàu hai thân tấn công nhanh mang tên lửa lớp Hồng Bại của Trung Quốc cũng có nhiệm vụ phục vụ Hạm đội Đông Hải và Nam Hải. Những con tàu nhỏ và rẻ tiền này có tầm hoạt động và khả năng phòng thủ hạn chế, song lại có khả năng tác chiến chống tàu nổi ấn tượng bởi mỗi tàu được trang bị 8 tên lửa hành trình chống tàu tầm xa.

Với những phát triển như vậy, việc Trung Quốc gần đây san lấp và xây dựng trên nhiều rạn san hô ở quần đảo đang có tranh chấp ở Trường Sa càng đáng lo ngại. Một số báo cáo cho thấy một đường băng cho máy bay và một tháp pháo phòng không đang được xây dựng có thể nhằm tăng cường năng lực của Trung Quốc trong các hoạt động xung quanh các hòn đảo tranh chấp. Điều này sẽ là đặc biệt đúng nếu một vài trong những cơ sở đó có khả năng cung cấp sự hỗ trợ về hậu cần cho các tàu hai thân rất lợi hại lớp Hồng Bại.

Tuy nhiên, các nhà quan sát lại cho rằng cộng đồng quốc tế nên cảnh giác với sự phóng đại về khả năng quân sự của Trung Quốc cũng như những "thông tin hỏa mù". Thay vì bị phân tâm bởi những thông tin chưa có cơ sở, chẳng hạn như thông tin về "hạm đội thứ tư" nói trên, sự quan tâm đó nên được đặt vào những công trình xây dựng nhanh chóng và cụ thể trên thực địa.

Theo "National Interest"

Nhật Linh (gt)