-uploaded-HT ÚC 2016_map5_cr_420x270.jpg

Nhóm nghị sĩ Quốc hội Mỹ về vấn đề liên quan Đông Nam Á này được thành lập hồi tháng 2/2017 bởi hai hạ nghị sĩ Mỹ là Joaquin Castro, thuộc đảng Dân chủ đại diện cho bang Texas và Ann Wagner thuộc đảng Cộng hòa đại diện cho bang Missouri. Nhóm này có tên là ASEAN Caucus. Trả lời phỏng vấn của Straits Times, ông Castro, 43 tuổi, người đồng thời là thành viên của hai ủy ban tình báo và đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho rằng ASEAN cần đóng vai trò trung tâm đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo ông, các nghị sĩ của nhóm ASEAN Caucus cũng đang trấn an các đối tác ở khu vực này rằng Washington vẫn giữ vững cam kết mạnh mẽ với ASEAN. Trong các cuộc thảo luận công khai và riêng rẽ, ông Castro cũng đã làm rõ quan điểm này với cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ và Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo dự kiến sẽ tham dự các cuộc họp với các đồng cấp của các nước thuộc khuôn khổ ASEAN+ cũng như các nước thành viên của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) khi Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 51 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Singapore từ ngày 30/7 đến 4/8 tới. Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ thăm Singapore để tham dự EAS vào tháng 11/2018.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn chưa bổ nhiệm đại sứ đến ASEAN cũng như đến Singapore, sau khi vị trí đề cử đầu tiên cho Singapore là bà K.T. McFarland rút lui. Theo Straits Times, nhóm ASEAN Caucus đã nỗ lực kêu gọi ông Trump bổ nhiệm đại sứ ASEAN. Hồi tháng 6 vừa qua, trong một thông điệp gửi Trump, nhóm này lưu ý với ông chủ Nhà Trắng rằng phái bộ Mỹ tại ASEAN đã làm việc được hơn 1 năm mà chưa có đại sứ, một giai đoạn “khuyết đại sứ” lâu nhất kể từ khi vị trí này được thiết lập. Thông điệp của ASEAN Caucus có đoạn: “Mùa Thu năm ngoái, ngài (Trump) đã đưa ra tầm nhìn về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và chúng tôi tin rằng việc bổ nhiệm đại sứ đến ASEAN sẽ giúp thúc đẩy các ưu tiên của ông trong việc can dự với các đối tác và đồng minh ở khu vực”.

Đề cập về việc chính quyền Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ông Castro cho rằng rõ ràng Washington đã có sự điều chỉnh. “Đó là lý do vì sao chúng tôi đang tạo thêm nỗ lực để các nước ASEAN nhận thấy rằng chúng tôi muốn tiếp tục tăng cường thương mại và muốn có những mối quan hệ sâu sắc hơn”, ông Castro giải thích. Nghị sĩ này cũng trấn an rằng mặc dù Mỹ không còn là một bên của TPP song vẫn đổ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất vào khu vực. Nhấn mạnh về mối quan hệ giữa ASEAN Caucus và các cơ quan hành pháp khác của các nước ASEAN, ông nói: “Tôi và các thành viên khác của nhóm ASEAN Caucus đã nỗ lực đặc biệt khi can dự với các thành viên thuộc các cơ quan lập pháp của các nước ASEAN để họ biết rằng họ có những người bạn ở Quốc hội Mỹ và chúng tôi sẽ xây dựng mối quan hệ này trở nên bền vững có thể”.

Ý tưởng thành lập ASEAN Caucus của ông Castro được nhen nhóm sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 5/2016 của Tổng thống Mỹ khi ấy là Barack Obama. Sau năm đó, Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông với mong muốn thống lĩnh khu vực về mặt kinh tế. Nghị sĩ Castro đã quan ngại về các hoạt động quân sự hóa nhanh chóng của Bắc Kinh ở Biển Đông, lo sợ những hậu quả cho các nước khác trên thế giới nếu Trung Quốc ngăn chặn tuyến hải vận quan trọng này. Ông nói: “Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để đảm bảo rằng điều đó không xảy ra. Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng khác là Mỹ cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải đối với các nước có quyền đi qua vùng biển này”. Hồi tháng 5/2018, Mỹ tuyên bố rút lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân lớn nhất do Mỹ dẫn đầu ở khu vực rìa Thái Bình Dương, hay còn gọi là RIMPAC, một dấu hiệu cho thấy sự bất bình của Washington đối với các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Dự kiến, chủ đề này sẽ được đề cập trong các cuộc họp ASEAN vào ngày 3/8 tới ở Singapore.

Theo “Straitstimes

Nhật Linh (gt)