Nhật Bản là nước từng có 6 thủ tướng trong vòng 6 năm trước khi ông Abe quay trở lại chức vụ này vào tháng 12/2012. Giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo 62 tuổi này đã rút được kinh nghiệm từ nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên của mình, khi ông tập trung vào nhiều vấn đề gây chia rẽ như sửa đổi hiến pháp và tăng cường giáo dục lòng yêu nước khiến ông sớm bị thất thế. Lần này, ông đã đưa ra một chính sách kinh tế rộng mở - với một cái tên đầy thu hút “Abenomics” - làm tiên phong và trọng tâm trong giai đoạn tranh cử của mình.

Giáo sư chính trị học thuộc Đại học Tokyo Yu Uchiyama nói: “Điều thú vị là trước đây ông Abe dường như không quan tâm tới chính sách kinh tế”, đồng thời cho rằng là một người theo phái bảo thủ, ông Abe đã quan tâm nhiều hơn tới các vấn đề như thay đổi hiến pháp. Ông nhận xét: “Tuy nhiên, ngay sau khi giành được quyền lực lần thứ hai, ông đã không thúc đẩy một chương trình nghị sự cánh hữu như vậy. Thay vào đó, ông đưa ra và chú trọng vào vấn đề kinh tế”. Điều đó không có nghĩa là ông Abe từ bỏ các mục tiêu như sửa đổi bản hiến pháp đã được lực lượng xâm chiếm do Mỹ đứng đầu soạn thảo sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Tuy nhiên, ông Abe cần phải thuyết phục được công luận đang lưỡng lự (bất cứ một sự sửa đổi nào cũng đòi hỏi phải được ủng hộ của 2/3 phiếu trong nghị viện cũng như trong một cuộc trưng cầu dân ý toàn quốc), và điều này cần phải có thời gian.

Ông Abe phát biểu tại phiên họp hàng năm của đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của mình: “Hiến pháp đại diện cho hình thái đất nước chúng ta, và nó cần phải thể hiện tương lai lý tưởng của Nhật Bản”. Ông cho rằng LDP sẽ phải đi đầu trong việc xúc tiến thảo luận chi tiết về một sự sửa đổi hiến pháp.

Ngày 5/3, LDP đã ngay lập tực tán thành quyết định của các lãnh đạo đưa ra từ mùa thu năm ngoái cho phép chủ tịch đảng được tiếp tục nhiệm kỳ 3 năm lần thứ ba thay vì bị giới hạn 2 nhiệm kỳ như trước đây. Trong hệ thống nghị viện Nhật Bản, lãnh đạo đảng cầm quyền nhìn chung sẽ làm thủ tướng. Như thế, sự thay đổi này sẽ cho phép ông Abe ở lại làm Thủ tướng tới năm 2021 nếu ông có thể duy trì được sự ủng hộ của đảng và cử tri, thay vì phải ra đi vào tháng 9/2018.

Ông Abe, hiện nắm giữ chức vụ ở năm thứ 5, là Thủ tướng nắm quyền lâu thứ 6 ở Nhật Bản. Người nắm quyền lâu nhất ở Nhật Bản là ông Eisaku Sato với hơn 7 năm làm thủ tướng, từ năm 1964 đến năm 1972. Nếu ông Abe có thể tiếp tục nắm quyền thì tới tháng 8/2020, ông sẽ phá kỷ lục của ông Sato. Giáo sư Uchiyama cho rằng ông Abe duy trì được quyền lực của mình một phần là nhờ những cải cách về bầu cử và hành chính đã củng cố được sự kiểm soát của thủ tướng cả ở trong đảng lẫn trong chính quyền.

Jeff Kingston, chuyên gia về Nhật Bản thuộc Đại học Temple ở Tokyo, đã gọi ông Abe là thủ tướng quyền lực nhất thời hậu chiến. Ông nói: “Đã có sự tập trung quyền lực rõ rệt cho thủ tướng dưới thời ông Abe, chứ không như thời những người tiền nhiệm của ông, khi mà quyền lực được phân bổ rộng và thủ tướng chỉ là một trong nhiều người nắm quyền”. Tuy nhiên, ông Kingston cho rằng ông Abe chỉ có cơ hội 50-50 cho việc sửa đổi hiến pháp. Ông nói: “Các cuộc thăm dò cho thấy ông phải tranh đấu lâu dài để lôi kéo được công luận ủng hộ mình”. Một nhiệm kỳ thứ ba cũng sẽ cho ông Abe thêm thời gian để cố gắng giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ đầy hóc búa với Nga, vấn đề đã cản trở hai nước ký một hiệp ước hòa bình chấm dứt những thù địch thời Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Theo “AP

Hương Trà (gt)