Shinzo_Abe6.jpg

Sau cuộc gặp thượng đỉnh chính thức tại Washington, Thủ tướng Nhật Bản dự kiến sẽ lên chuyên cơ Air Force One cùng tân Tổng thống Mỹ và tới Florida để có các hoạt động chung. Đối với ông Abe, một trận golf cùng ông Trump có thể là cơ hội để tránh vướng phải những tình thế khó xử khi đối mặt với một nhà lãnh đạo “phi truyền thống”. Chuyên gia Fumiaki Kubo, chuyên gia về chính trường Mỹ tại trường Đại học Tokyo, nói: “Cho đến nay, ông Trump vẫn luôn nói về Nhật Bản như thể đó là một kẻ thù tưởng tượng”. Theo ông, ý tưởng gặp riêng và trực tiếp “hay hơn rất nhiều so với việc tranh cãi qua điện thoại” - ám chỉ cuộc điện đàm giữa ông Trump và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, mà theo một số nguồn tin là đã kết thúc khá đột ngột. Ông Kubo cho rằng việc dành thời gian dài ở cạnh ông Trump là một cơ hội để Thủ tướng Abe nói rõ hơn với nhà lãnh đạo mới này của Mỹ về những thực tế cơ bản trong mối quan hệ Mỹ-Nhật.

Trong hơn 7 thập kỷ kể từ khi bị đánh bại trong Chiến tranh Thế giới thứ II, Nhật Bản đã vươn lên trở thành một đồng minh kiên định của Mỹ. Hơn 47.000 sỹ quan và nhân viên người Mỹ hiện đồn trú tại Nhật Bản, hỗ trợ quốc gia này đảm bảo an ninh và đảm bảo cho Mỹ một vị thế vô giá ở Đông Á. Hai nước duy trì một mối quan hệ thương mại quy mô lớn, với kim ngạch thương mại dịch vụ và hàng hóa lên tới 200 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ông Trump - với tư cách là ông chủ mới của Nhà Trắng - đã làm rung chuyển nhiều mối quan hệ với cả các nước bè bạn và kẻ thù.

Cựu ngôi sao truyền hình thực tế này từng chỉ trích Nhật Bản vì những cáo buộc xung quanh việc hạ giá đồng yên Nhật, ủng hộ các quốc gia khác mà ông cho là đang “lợi dụng” Mỹ. Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã trở thành đối tượng bị ông Trump nhằm vào trên trang mạng xã hội Twitter, trong đó hãng sản xuất ôtô Toyota với một nhà máy dự kiến xây dựng tại Mexico. Điều khiến nhiều người Nhật Bản lo ngại nhất là việc ông Trump từng phát biểu trong chiến dịch tranh cử rằng Tokyo không chia sẻ xứng đáng gánh nặng chi phí dành cho sự hiện diện của Mỹ tại quốc gia này, đe dọa rút quân về nước và cho rằng Nhật Bản cần tự mình phát triển năng lực phòng vệ hạt nhân. Trong bối cảnh bất ổn ngày càng gia tăng trước một Triều Tiên khó đoán và một Trung Quốc không ngừng tìm cách thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền cũng như nhiều mâu thuẫn khác trong khu vực, điều này càng khiến Tokyo không khỏi lo lắng.

Dù không tránh né thể hiện ý định tự tăng cường lực lượng quân đội của mình, ông Abe, một nhà lãnh đạo cứng rắn, cùng những người ủng hộ ông hiểu rằng việc Mỹ giảm dần sự hiện diện trong khu vực có thể khiến Đông Á trở nên bất ổn và đẩy Nhật Bản tới trước nhiều nguy cơ. Ngay sau chiến thắng đầy bất ngờ của ông Trump vào tháng 11/2016, Thủ tướng Abe đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên tới New York để gặp Tổng thống Mỹ đắc cử. Ông đã có những cử chỉ thiện chí như tặng quà cho ông Trump, gặp ái nữ Ivanka Trump và con rể Jared Kushner của tỷ phú này, hai nhân vật được cho là có tiếng nói đối với tân Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, nếu ông Abe đang trông đợi vào một sự “bồi hoàn” nhanh chóng nào đó cho những hành động này, ông có thể sẽ phải thất vọng.

Ngay trong những ngày đầu sau khi vừa nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh hành pháp, rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận tự do thương mại mà Thủ tướng Abe đã đầu tư nhiều công sức. Hành động này của ông Trump là nhằm hiện thực hóa một trong những tuyên bố tranh cử, song đã đẩy châu Á đứng trước đầy rẫy bất ổn, bởi TPP từng được coi là một sự đảm bảo về mặt kinh tế cho những cam kết của Mỹ đối với khu vực.

Ông Abe tới Washington vào ngày 10/2 tới với nhiều “món quà”, trong đó có gói hợp tác kinh tế được cho là bao gồm kế hoạch giúp Mỹ tạo ra thêm 700.000 việc làm thông qua các khoản đầu tư của Nhật Bản vào cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Việc đưa ra một cam kết đối với vấn đề việc làm tại Mỹ, điều từng là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ông Trump - theo Giáo sư chính trị Mikitaka Masuyama, thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Đại học Quốc gia - là “một phần trong các nỗ lực của Nhật Bản nhằm khẳng định với ông Trump rằng họ là một quốc gia thân thiện” trong cả lĩnh vực an ninh và kinh tế.

Tuy nhiên, có lẽ với tân Tổng thống Mỹ, cuộc chơi golf lần này có thể là một cơ hội tốt nhất để ông Abe đặt cược về mối quan hệ mạnh mẽ hơn, đúng như những gì ông Trump nói với Đài phát thanh Westwood One Sports: “Có một điều về các trận golf, đó là ở sân golf, chúng ta có thể hiểu rõ một người hơn cùng ăn trưa với họ”.

Theo “Gulfnews” (ngày 10/2)

Vũ Hiền (gt)