Thủ tướng Ôn Gia Bảo được đông đảo dư luận đánh giá là nhà lãnh đạo có đầu óc cải cách nhất và cũng là người có phong cách lãnh đạo gần dân nhất trong đội ngũ các nhà lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc. Giới phân tích cho rằng các phát biểu trên của ông là lời kêu gọi mạnh mẽ nhất về việc tiến hành cải cách chính trị tại quốc gia này. Trên thực tế, những năm gần đây, ông đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi cải cách chính trị ở Trung Quốc bằng những lời lẽ thẳng thắn, không vòng vo né tránh. Không ít lần, các phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc đã khiến dân chúng hy vọng sẽ có sự thay đổi ở đất nước này. Tuy nhiên, các nhà phân tích chính trị nhận định những tuyên bố đó khó có thể trở thành hiện thực ở Trung Quốc hiện nay.Phát biểu trước giới báo chí, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nêu rõ: "Chúng ta phải đẩy mạnh đồng thời các cuộc cải cách cơ cấu kinh tế lẫn chính trị, đặc biệt là cải cách hệ thống lãnh đạo đảng và nhà nước". Ông cũng cho rằng đây là một “nhiệm vụ cấp bách”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định: “Nếu các cải cách chính trị và kinh tế không được tiến hành, một thảm kịch lịch sử như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn”. Sau khi nhắc đến tình trạng bất bình đẳng xã hội và vấn nạn tham nhũng tại Trung Quốc, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đặt trọng tâm vào vấn đề cải cách chính trị. Ông nói: “Nếu cải cách chính trị không có kết quả thì cải cách kinh tế cũng sẽ không thể tiến hành tốt được, và các vấn đề nảy sinh trong xã hội sẽ không được giải quyết một cách căn bản”. Thủ tướng Ôn Gia Bảo kêu gọi cải cách trong bối cảnh các đại biểu Quốc hội Trung Quốc vừa phê chuẩn những sửa đổi trong Luật tố tụng hình sự, theo đó cho phép công an có quyền giam giữ những người bị tình nghi tại các địa điểm bí mật, còn được biết đến với tên gọi “các nhà tù đen" - một hành động bị nhiều tổ chức nhân quyền lên án. Những sửa đổi trong Luật tố tụng hình sự được thông qua với số phiếu thuận áp đảo của gần 3.000 đại biểu Quốc hội. Các chuyên gia cho biết quyết định sửa đổi được thông qua ở phút cuối cùng là một chiến thắng đối với các nhà cải cách luật pháp.Nicholas Bequelin, nhà nghiên cứu kỳ cựu về châu Á làm việc tại Tổ chức Giám sát Nhân quyền, nói: “Những cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc Cách mạng Văn hóa mới là phát biểu mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Thủ tướng Ôn Gia Bảo, qua đó ông nêu bật sự cấp thiết phải tiến hành các cuộc cải cách chính trị.

Cải cách chính trị mà ông Ôn Gia Bảo kêu gọi không có nghĩa là dân chủ hóa. Ở đây ông muốn nói đến các cuộc cải cách thực sự, chứ không đơn thuần là những lời nói qua loa. Các cuộc cải cách này phải tạo ra một hệ thống luật pháp thực sự, trao quyền cho nhân dân lao động". Ông Ôn Gia Bảo là nhà lãnh đạo duy nhất của Trung Quốc nhiều lần đề cập đến việc phải cải cách hệ thống chính trị. Tuy nhiên, ông chưa bao giờ đưa ra kế hoạch đầy đủ cho tiến trình cải cách này. Do đó, những người chỉ trích buộc tội ông là "chỉ nói mà không hành động". Các nhà phân tích cho rằng lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về một cuộc Cách mạng Văn hóa mới có thể là nhằm gián tiếp chỉ trích Bạc Hy Lai - Bí thư Thành ủy Trùng Khánh - người đã phát động chiến dịch hồi sinh chủ nghĩa Mao khiến những người theo chủ nghĩa tự do lo ngại. Các nhà phân tích còn cho rằng những phát biểu của ông Ôn Gia Bảo về tầm quan trọng của việc cải cách hệ thống chính trị ở Trung Quốc còn có ngụ ý chỉ trích quyền lực to lớn của Đảng Cộng sản ở quốc gia này. Willy Lam, chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc của Đại học Trung Quốc ở Hồng Công, nói với AFP: "Lời kêu gọi cải cách chính trị của ông Ôn Gia Bảo còn nhằm ám chỉ rằng Đảng Cộng sản nắm giữ quá nhiều quyền lực và đang can thiệp vào công việc của chính phủ. Ông Ôn Gia Bảo muốn khẳng định lại tầm quan trọng của chính phủ và của việc phân chia quyền lực".Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đề cập đến vấn đề kinh tế khi nói rằng vấn đề tỷ giá của đồng nhân dân tệ và nhiều vấn đề khác nữa đang dần được cân bằng, đồng thời ông cam kết sẽ tăng cường tính linh hoạt của đồng tiền này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho rằng quyết định cắt giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2012 xuống còn 7,5% là cần thiết để duy trì tăng trưởng. Ông cũng đề cập đến mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung khi nói ông muốn tăng cường nhập khẩu từ Mỹ và gia tăng đầu tư hai chiều. Về quan hệ giữa hai bờ Eo biển Đài Loan, ông bày tỏ sự hài lòng với các tiến triển hiện nay và mong muốn quan hệ kinh tế giữa hai bờ mạnh mẽ hơn, có thể khuyến khích các ngân hàng hai bờ eo biển đầu tư lẫn nhau.

Theo Thejakartaglobe (ngày 14/3)

Hương Trà (gt)