Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner ngày 26/3 cho biết: "Thủ tướng Abe sẽ trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản phát biểu trước một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ và chúng tôi tự hào khi được tổ chức sự kiện lịch sử này. Bài phát biểu của ông ấy sẽ là cơ hội để người Mỹ được lắng nghe ý kiến của một trong những đồng minh thân cận nhất nói về cách thức chúng ta có thể mở rộng hợp tác liên quan đến những ưu tiên kinh tế và an ninh", trong đó bao gồm "cùng nhau hợp tác để mở cửa các thị trường và khuyến khích tăng trưởng kinh tế hơn nữa thông qua thương mại tự do".

Có một vài chính trị gia Nhật Bản từng phát biểu trước Quốc hội Mỹ, song chưa ai có bài phát biểu tại một phiên họp chung của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Cựu Thủ tướng Nobusuke Kishi - ông của Thủ tướng Abe - đã phát biểu trước Hạ viện Mỹ ngày 20/6/1957. Theo các tài liệu ghi chép lại của Quốc hội Mỹ, cựu Thủ tướng Hayato Ikeda cũng đã làm điều tương tự 4 năm sau đó.

Ông Abe sẽ bắt đầu chuyên công du Mỹ kéo dài một tuần vào tháng 4 tới, trong bối cảnh Mỹ và Nhật Bản đang chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 70 năm chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai. Chuyến thăm của ông Abe được cho là sẽ tập trung vào việc tăng cường quan hệ thương mại và quân sự. Nhà Trắng cho biết, ngày 28/4, Tổng thống Barack Obama sẽ có cuộc hội đàm với ông Abe và tổ chức một bữa tiệc tối chào đón ông. Tokyo cho biết Thủ tướng Abe cũng sẽ tới Boston, San Francisco và Los Angeles trong chuyến công du từ ngày 26/4-3/5.

Sau các cuộc chiến ác liệt trên khắp Thái Bình Dương trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Nhật Bản đã trở thành một đồng minh trung thành với Mỹ, là nơi các lực lượng Mỹ đặt căn cứ. Nhật Bản cũng luôn tìm cách tăng cường quan hệ với quốc gia từng là kẻ thù này. Chuyến thăm Mỹ của ông Abe diễn ra trong bối cảnh Washington đang thúc ép Nhật Bản cải thiện quan hệ với Trung Quốc và đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc.

Bắc Kinh và Seoul sẽ theo dõi sát sao những gì ông Abe nói trong bài phát biểu. Tuần trước, Seoul đã thúc giục ông Abe tận dụng cơ hội này để bày tỏ "sự hối lỗi chân thành" vì những hành động tàn bạo của Nhật Bản trong chiến tranh. Chính phủ của ông Abe đã công khai xác nhận sẽ giữ nguyên lời xin lỗi của chính phủ Nhật Bản đưa ra năm 1995 vì những hành động trong chiến tranh của nước này.

Tuy nhiên Hàn Quốc hy vọng ông Abe sẽ giải quyết những tranh cãi xung quanh việc Nhật Bản ngày càng nhấn mạnh chủ nghĩa yêu nước trong chiến tranh thế giới thứ hai trong sách giáo khoa cho học sinh, và các chuyến viếng thăm ngôi đền tôn vinh những binh lính Nhật Bản đã hy sinh trong chiến tranh, trong đó có cả những tội phạm chiến tranh bị kết án. Seoul cho rằng Tokyo vẫn chưa chuộc lỗi đầy đủ vì những lỗi lầm trong chiến tranh. Vấn đề này khiến Nhật Bản và Hàn Quốc bất đồng, và làm Mỹ đau đầu bởi Washington mong muốn hai đồng minh then chốt trong khu vực của mình giảng hòa và tập trung xây dựng một mặt trận thống nhất chống lại một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng.

Chuyến thăm Mỹ của ông Abe được thực hiện đúng lúc đang diễn ra các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Đại Tây Dương (TPP) do Mỹ đi đầu nhằm tranh giành ảnh hưởng với Bắc Kinh. Đây là thỏa thuận về khu vực thương mại tự do gồm 12 quốc gia, trong đó có sự tham gia của Nhật Bản. Chuyến công du của ông Abe chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy hiệp định này.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi cho ông Masahiko Komura - Phó Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản - để thảo luận về chuyến thăm sắp tới của ông Abe, và hai ông đã đi tới nhất trí rằng những vấn đề chưa được giải quyết liên quan tới TPP, bao gồm bất đồng về lĩnh vực sản xuất ô tô và nông nghiệp, cần được giải quyết “càng sớm càng tốt”.

Theo “AFP”