Xi Jiping.jpg

Ông Lý Khắc Cường là nhà kinh tế được đào tạo, từng đóng vai trò quan trọng hỗ trợ Ngân hàng Thế giới và Chính phủ Trung Quốc đưa ra báo cáo kêu gọi thực hiện các cải cách lớn. Khi lý thuyết kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường, còn gọi là Likonomics được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng kế hoạch của ông Lý Khắc Cường là khả thi. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vai trò của Lý Khắc Cường dường như bị mờ nhạt trước quyền lực của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Thứ nhất, niềm tin của thế giới vào năng lực quản lý nền kinh tế của chính phủ Trung Quốc bị lung lay sau hai biến động kinh tế gần đây là sàn chứng khoán giảm điểm mạnh và đồng NDT bất ngờ bị phá giá, mặc dù tác động kinh tế của hai sự kiện này khá hạn chế do thị trường chứng khoán của Trung Quốc chỉ chiếm phần nhỏ trong nền kinh tế, đồng thời mức giảm giá của đồng NDT cũng chỉ có 2%. Tuy nhiên, giới quan sát đã bắt đầu hoài nghi, cho rằng liệu Lý Khắc Cường có đủ năng lực để triển khai các kế hoạch cải cách cần thiết, hoặc có lẽ Thủ tướng Lý Khắc Cường hiện đã không còn thực sự ở vị trí “cầm lái” nền kinh tế. Điều này càng được thể hiện rõ khi biến động thị trường chứng khoán xảy ra, cá nhân Thủ tướng Trung Quốc không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về sự can thiệp của chính phủ. Khi thế giới phản ứng trước việc đồng NDT bị phá giá, Thủ tướng Lý Khắc Cường chỉ phát biểu “chung chung” thay vì trả lời thẳng vào câu hỏi.

Thứ hai, kể cả khi gạt sang một bên vấn đề năng lực, có thể thấy có lẽ vấn đề của Thủ tướng Lý Khắc Cường không chỉ liên quan tới “thiếu năng lực”, mà chính là “chưa đủ quan hệ”. Mặc dù có vị trí chính thức đứng thứ 2 trong đảng, nhưng trên thực tế Tập Cận Bình hầu như gạt Lý Khắc Cường ra khỏi quá trình hoạch định chính sách kinh tế. Lý Khắc Cường là con của một quan chức đảng tại tỉnh An Huy, thông qua kênh đoàn thanh niên để vươn lên vị trí là thân tín của Hồ Cầm Đào; còn Tập Cận Bình là người đi lên từ nhóm “thái tử đảng”. Lý Khắc Cường là con người nghiêm túc và phần nào mang tính kỹ trị (Lý Khắc Cường là tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bắc Kinh). Nhưng trong chính trường Trung Quốc, mạng lưới quan hệ có “ý nghĩa” hơn là kỹ năng quản trị và kỹ năng hoạch định chính sách. Tập Cận Bình có những mối quan hệ “đúng chỗ” mà Lý Khắc Cường không có.

Thứ ba, việc đẩy Lý Khắc Cường “ra rìa” được ông Tập Cận Bình tiến hành ngay khi cầm quyền. Ông Tập chủ trì các nhóm lãnh đạo liên quan tới kinh tế và cải cách, trực tiếp đưa ra những quyết sách quan trọng, đồng thời can thiệp rất sâu vào quá trình đưa ra các kế hoạch kinh tế lớn, bao gồm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 13 dự kiến được thông qua tại Hội nghị TW 5 ngày 26 - 29/10. Vai trò điều hành kinh tế của Thủ tướng Lý Khắc Cường ngày càng mờ nhạt khi Tập sử dụng cố vấn kinh tế riêng là nhà kinh tế Lưu Hạc, bạn từ thời thơ ấu của ông Tập. Ông Lưu Hạc được coi là “bộ não” của nhóm lãnh đạo TW về tài chính.

Thứ tư, bắt đầu xuất hiện các đồn đoán cho rằng Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ không trụ lại được để có nhiệm kỳ thứ hai trên vị trí Thủ tướng vào năm 2018. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng có lẽ Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ tiếp tục tại vị, vì hiện nay dù sao hầu hết các quyết định kinh tế đã không còn do ông này quyết định. Về cơ bản, Thủ tướng Lý Khắc Cường không tạo ra mối đe dọa trực tiếp nào đối với Tập Cận Bình. Ngoài ra, về mặt hình thức với bên ngoài, Thủ tướng Lý Khắc Cường được coi là “bộ mặt’ của chính phủ Trung Quốc trên khía cạnh kinh tế. Việc loại bỏ Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ có thể tạo ra làn sóng mất lòng tin của thế giới về nền kinh tế Trung Quốc. Hơn nữa, Tập có thể tiếp tục giữ Thủ tướng Lý Khắc Cường để làm “bia đỡ đạn” trong trường hợp xảy ra khủng hoảng kinh tế tại Trung Quốc.

Theo “Economist

Lê Quang (gt)