Chính phủ Ấn Độ cho biết Thủ tướng Modi sẽ dành 3 ngày ở Trung Quốc để gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước chủ nhà. Đây là một phần trong chuyến công du Châu Á của nhà lãnh đạo Ấn Độ, trong đó bao gồm cả hai điểm đến là Hàn Quốc và Mông Cổ. Phía Trung Quốc đã xác nhận thông tin trên.

Trước chuyến thăm Trung Quốc, Thủ tướng Modi đã tạo một tài khoản trên trang Sina Weibo, một trang mạng xã hội trực tuyến thịnh hành tại Trung Quốc, tương tự như Twitter, và thu hút hàng chục nghìn người theo dõi chỉ trong vài giờ. Ông viết trên Sina Weibo ngày 5/5: "Tôi mong rằng chuyến thăm Trung Quốc từ 14-16/5 sắp tới sẽ giúp củng cố tình hữu nghị giữa hai nền văn minh lâu đời và hai trong số những quốc gia phát triển bậc nhất. Tôi tin chắc chuyến thăm Trung Quốc lần này sẽ góp phần củng cố sự ổn định, phát triển và thịnh vượng của châu Á". Ông Modi là một nhà lãnh đạo khá nổi tiếng trên truyền thông xã hội. Tài khoản Twitter của ông hiện đang có tới 12 triệu người theo dõi.

Tuy nhiên, nhiều bình luận trên trang Weibo lại có ý phản đối nhiều hơn là hoan nghênh chuyến thăm lần này, với vô số những lời yêu cầu Ấn Độ trao trả các vùng lãnh thổ dọc biên giới, nguồn cơn của các căng thẳng nghiêm trọng giữa hai nước trong suốt nhiều thập kỷ qua. Thủ tướng Modi, một nhà dân tộc chủ nghĩa khá kiên định, đã tỏ ý ông sẽ theo đuổi một chính sách đối ngoại cứng rắn hơn chính phủ thiên tả tiền nhiệm, kể cả trong vấn đề biên giới.

Trong chuyến thăm Ấn Độ hồi tháng 9/2014 của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, lãnh đạo hai quốc gia đông dân nhất thế giới này đã tập trung nhấn mạnh tới các thỏa thuận hợp tác và kinh doanh như thiết lập quỹ tài chính dành cho các kế hoạch xây dựng đường sắt. Tuy nhiên, sự kiện này - chuyến thăm Ấn Độ đầu tiên của người đứng đầu Trung Quốc trong vòng 8 năm qua - đã bị cuộc đụng độ giữa lực lượng quân sự hai nước tại vùng biên giới hẻo lánh phủ bóng đen.

Quan hệ giữa hai nước trên thực tế không hoàn toàn tốt đẹp do ảnh hưởng ít nhiều từ những nghi ngờ lẫn nhau bắt nguồn từ chiến tranh biên giới năm 1962 tại bang Arunachal Pradesh, ở phía Đông Bắc Ấn Độ, khu vực mà Bắc Kinh gọi là Tạng Nam hay Nam Tây Tạng. Cả hai phía đều cáo buộc binh sỹ đối phương đã xâm nhập lãnh thổ trái phép. Trong chiến dịch tranh cử năm 2014, Thủ tướng Modi từng nhấn mạnh ông muốn Trung Quốc thay đổi "quan điểm bành trướng" của mình. Trung Quốc sau đó đã mạnh mẽ phản đối ý kiến này, khẳng định họ "không bao giờ phát động một cuộc xâm lược để chiếm, dù chỉ là một tấc đất, của quốc gia khác".

Thủ tướng Modi sẽ tới Bắc Kinh, Thượng Hải và Tây An, thành phố lịch sử nằm ở phía Bắc Trung Quốc, trước khi trở thành Thủ tướng Ấn Độ đầu tiên tới thăm Mông Cổ. Sau đó, ông Modi sẽ tới Hàn Quốc để có các cuộc hội đàm với Tổng thống Park Geun-hye và giới lãnh đạo doanh nghiệp.

Kể từ khi lên nắm chính quyền, Thủ tướng Modi đã tìm cách củng cố quan hệ với các nước láng giềng, cũng như với Mỹ, nhân tố được coi là đối trọng với một Trung Quốc đang không ngừng gia tăng ảnh hưởng trong khu vực.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh quan hệ với "kẻ thù" của Ấn Độ là Pakistan, và ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh đối với các nước Đông Nam Á đã làm dấy lên không ít lo ngại về nguy cơ hình thành một chiến lược âm thầm bao vây Ấn Độ. Nhà phân tích Madhu Bhalla, chuyên nghiên cứu Trung Quốc, hiện đang làm việc tại New Delhi, trao đổi với hãng tin AFP: "Xét về mặt chiến lược, năm ngoái, ông Modi đã có những động thái thu hút sự ủng hộ từ những người bạn như Nhật Bản, Mỹ, Việt Nam và Australia và giờ ông tới Trung Quốc với một sự tự tin nhất định. Trung Quốc sẽ nhìn ông bằng con mắt khác, nghiêm túc hơn so với người tiền nhiệm là Manmohan Singh".

Cũng trong ngày 5/5, Thủ tướng Modi cho biết ông sẽ gặp giới chủ doanh nghiệp tại Thượng Hải để thúc đẩy các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Ấn Độ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều xấp xỉ 70 tỷ USD. Tuy nhiên, các số liệu từ phía Ấn Độ cho thấy thâm hụt cán cân thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng từ mức 1 tỷ USD trong giai đoạn 2001-2002 lên hơn 40 tỷ USD trong thời gian gần đây. Giới chuyên gia cho rằng Thủ tướng Modi cần tìm cách giảm thiểu thâm hụt bằng cách mở rộng cánh cửa tới thị trường Trung Quốc, trong bối cảnh hai bên đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD trong năm nay.

Theo “Tribune” (New Delhi 5/5)

Mỹ Anh (gt)