Bà Phó Oánh cũng cho biết Trung Quốc hy vọng tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc cùng thực thi bản “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông một cách toàn diện và có hiệu quả, sẵn sàng cùng với các nước ASEAN khởi động bàn bạc, đàm phán về “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” khi điều kiện chín muồi. 

THX: Trung Quốc đã thiết lập quan hệ với ASEAN hơn 20 năm, nhiều lần cho biết hợp tác giữa hai bên là cùng có lợi và cùng thắng, vậy cùng có lợi và cùng thắng ở đây được thể hiện ở những phương diện nào? 

Phó Oánh: Từ khi khởi động quan hệ đối thoại Trung Quốc – ASEAN năm 1991 đến nay, hợp tác hữu nghị song phương đã trải qua một lộ trình phát triển không bình thường. Từ hơn 20 năm nay, dù tình hình quốc tế thay đổi thế nào, Trung Quốc và ASEAN vẫn kiên trì giữ mối quan hệ láng giềng hữu nghị, cùng có lợi và cùng thắng. Quan hệ chính trị song phương không ngừng được nâng cao. Trong số các đối tác đối thoại của ASEAN, Trung Quốc là nước ký “Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á” đầu tiên, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN đầu tiên, hiện nay Trung Quốc đã có cơ quan đại diện ngoại giao tại ASEAN đóng ở Giacácta, đồng thời cử Dương Tú Bình làm Đại sứ thường trực ở đó, thực tế này có lợi cho việc tăng cường thêm một bước cơ chế hóa mối liên hệ với ASEAN. Hợp tác kinh tế thương mại song phương ngày càng chặt chẽ, đã thành lập Khu thương mại tự do lớn nhất giữa các nước đang phát triển, các lĩnh vực hợp tác không ngừng được mở rộng; triển khai hợp tác thiết thực trong hơn 20 lĩnh vực, hoàn thành tốt đẹp Kế hoạch hành động quan hệ đối tác chiến lược đầu tiên. Hai bên đã cùng xây dựng được mặt bằng hợp tác giao lưu hữu nghị như Hội chợ triển lãm Trung Quốc–ASEAN, Trung tâm Trung Quốc–ASEAN. 

Giao lưu nhân văn xã hội ngày càng mật thiết. Năm 2011 số người qua lại của cả hai bên đạt 13,63 triệu lượt người, lưu học sinh các nước ASEAN tại Trung Quốc có 50.000 người, lưu học sinh Trung Quốc tại các nước ASEAN là 70.000 người. Hai bên đang cố gắng thực hiện mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 15 triệu lượt người qua lại, năm 2020 mỗi bên có 100.000 lưu học sinh của nhau sang học. Hai bên đã cùng đối phó với hai cuộc khủng hoảng tài chính và một loạt thách thức lớn như thiên tai, bệnh truyền nhiễm xuyên biên giới…. Trung Quốc luôn cố gắng cùng phát triển cùng có lợi, cùng thắng với ASEAN. Trong khi giữ cho tình hình kinh tế-xã hội của mình phát triển nhanh, Trung Quốc cũng đồng thời mở rộng mức độ hỗ trợ tiến trình nhất thể hóa ASEAN. Trung Quốc đã lần lượt thành lập Quỹ hợp tác Trung Quốc – ASEAN, Quỹ hợp tác riêng rẽ khu vực châu Á, Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc – ASEAN, Quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc – ASEAN; thông qua thực hiện kế hoạch về nâng cao toàn diện năng lực sản xuất lương thực Trung Quốc – ASEAN để giúp ASEAN đảm bảo an ninh lương thực. Cho đến nay Trung Quốc đã bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hàng chục nghìn lượt người ở các nước ASEAN. Đồng thời, ASEAN cũng đóng góp tích cực cho cải cách mở cửa và phát triển xã hội của Trung Quốc, ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không ngừng mở rộng đầu tư và đã thành lập một loạt khu công nghiệp tại Trung Quốc. 

Quan hệ Trung Quốc – ASEAN phát triển đã đem lại hạnh phúc cho nhân dân của cả hai bên, thúc đẩy hòa bình, ổn định, phồn vinh ở khu vực Đông Á, cũng góp phần thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ và thúc đẩy hòa bình, phát triển của thế giới, trở thành mô hình mẫu về hợp tác hữu nghị, cùng có lợi và cùng thắng trong các nước đang phát triển. 

THX: Năm nay là đúng 10 năm Trung Quốc ký kết “Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện” với ASEAN, khởi động tiến trình thương mại tự do, quan hệ song phương đã có những bước tiến triển lớn như thế nào? Hiện nay khủng hoảng tài chính quốc tế vẫn đang tiếp diễn, Trung Quốc sẽ áp dụng những biện pháp gì để cùng với ASEAN đối phó khủng hoảng, giữ cho kinh tế và xã hội ở khu vực phát triển liên tục? 

Phó Oánh: Thành tựu hợp tác trong tiến trình phát triển quan hệ Trung Quốc – ASEAN thể hiện rất rõ. Kim ngạch thương mại song phương từ mức chưa đến 10 tỉ USD năm 1991 tăng vọt lên 362,8 tỉ USD năm 2011, mức tăng trung bình trên 20% một năm. Năm 2010, Khu thương mại tự do Trung Quốc – ASEAN được khởi động một cách toàn diện như dự kiến, vai trò thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại song phương rất rõ rệt. Hiện nay Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, ASEAN cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc. Hai bên cũng đạt được bước tiến triển lớn trong các lĩnh vực hợp tác như đầu tư, tài chính, thể hiện xu hướng phát triển mạnh. Tính đến cuối năm 2011, tổng kim ngạch đầu tư song phương đạt 85,1 tỉ USD, đầu tư của Trung Quốc sang ASEAN cũng đang tăng nhanh, hiện đã đạt 15,1 tỉ USD. Những năm gần đây hợp tác kinh tế thương mại song phương đang tiến vào các lĩnh vực phát triển bền vững như khoa học công nghệ cao, ngành nghề xanh (ngành bảo vệ môi trường), kinh tế tuần hoàn. 

Năm 1997 Trung Quốc đã cùng với ASEAN đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính, Trung Quốc giữ cho đồng nhân dân tệ không mất giá, góp phần làm ổn định tình hình kinh tế, tài chính khu vực. Từ cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế quốc tế năm 2008 đến nay, Trung Quốc đã áp dụng một loạt biện pháp, hỗ trợ ASEAN và cả khu vực phát triển kinh tế lành mạnh liên tục, trong đó bao gồm việc thành lập Quỹ hợp tác đầu tư Trung Quốc – ASEAN, cung cấp cho ASEAN khoản vay hỗ trợ 25 tỉ USD. Hai bên đã cùng thúc đẩy ký kết bản Hiệp định khởi xướng đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai, đồng thời cố gắng nâng cao tính hữu hiệu của hiệp định này. 

Hiện nay ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế đã rõ hơn, rủi ro suy thoái của nền kinh tế thế giới tăng lên, ảnh hưởng đối với khu vực ngày càng nổi rõ. Trung Quốc sẽ trước sau như một, cùng với ASEAN hoàn thiện Khu thương mại tự do theo tinh thần đồng tâm hiệp lực, cùng có lợi, thực thi các hiệp định về Khu thương mại tự do, nâng cao mức độ tạo thuận tiện trong thương mại-đầu tư, tích cực khai thác nhu cầu thị trường trong nội bộ khu vực, mở rộng đầu tư hai chiều. Trung Quốc sẽ thông qua các biện pháp như cử các đoàn xúc tiến thương mại đến các nước ASEAN, thành lập các trung tâm triển lãm hàng hóa ASEAN tại Nam Ninh và Nghĩa Ô để mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ ASEAN. 

Hội chợ triển lãm Trung Quốc – ASEAN lần thứ 9 và Hội nghị cấp cao về thương mại và đầu tư từ ngày 21/9 tới đây sẽ căn cứ theo tình hình hiện tại và nhu cầu hợp tác Trung Quốc – ASEAN, đặc biệt là hướng vào nguồn tài nguyên và đặc điểm ngành nghề của các nước ASEAN, làm nổi rõ các doanh nghiệp hàng đầu và các sản phẩm đặc sắc của các nước ASEAN, triển khai một loạt hoạt động xúc tiến kinh tế thương mại. 

THX: Gần đây Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh phải tăng cường mối liên hệ thông suốt với ASEAN, xin Thứ trưởng cho biết tình hình giao thông liên lạc giữa Trung Quốc và ASEAN hiện nay tiến triển thế nào và những biện pháp chủ yếu trong thời gian tới là gì? 

Phó Oánh: Thực hiện giao thông liên lạc thông suốt trong nội khối ASEAN và giữa Trung Quốc – ASEAN sẽ giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch trong trong phát triển khu vực, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh tiến trình nhất thể hóa Đông Á, những biện pháp như vậy sẽ phát huy vai trò quan trọng. Những năm gần đây, lãnh đạo hai bên đã nhiều lần nhấn mạnh phải coi liên hệ thông suốt là lĩnh vực ưu tiên và phương hướng hợp tác trọng điểm. Ngành giao thông giữa hai bên đã xây dựng “Quy hoạch chiến lược hợp tác giao thông Trung Quốc – ASEAN”. Giao thông liên lạc đã có được rất nhiều tiến triển quan trọng, tuyến đường bộ Côn Minh – Băng Cốc cơ bản đã khai thông, công tác xây dựng đường sắt xuyên Á được thúc đẩy tích cực, đường hàng không ngày càng mở nhiều, giao thông trên biển cũng đang được khởi động. 
Trung Quốc hết sức coi trọng việc xây dựng tuyến đường bộ Côn Minh – Băng Cốc, trong khi hoàn thành đoạn qua lãnh thổ Trung Quốc chất lượng cao, cũng đồng thời viện trợ cho công tác xây dựng đoạn đi qua lãnh thổ của Lào và cây cầu Chiang Khong – Huay Xai nối giữa Chiang Khong của Thái Lan với Huay Xai của Lào. Năm ngoái hai bên đã cùng tổ chức cho các ngoại trưởng đi khảo sát tập thể tuyến đường bộ Côn Minh – Băng Cốc, đồng thời tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao với chủ đề giao thông thông suốt tại Côn Minh. Ngoài đường bộ Côn Minh – Băng Cốc, Trung Quốc còn tích cực hỗ trợ “Quy hoạch giao thông tổng thể ASEAN”, tham gia các công trình xây dựng giao thông khác ở các nước ASEAN, liên quan đến các lĩnh vực rộng lớn như đường bộ, đường sắt, vận tải đường thủy, điện lực, thông tin…. 

Với tư cách là láng giềng gần gũi và đối tác chiến lược của nhau, giao thông liên lạc giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là công trình xây dựng toàn diện ở các cấp độ và mọi bình diện mang tính chiến lược. Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị cùng với ASEAN thành lập Ủy ban hợp tác giao thông liên lạc. Ngoài đường bộ, Trung Quốc còn xem xét thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực giao thông trên biển, sử dụng tốt Quỹ hợp tác trên biển Trung Quốc – ASEAN, tăng cường hợp tác vận chuyển qua các bến cảng và ngoài khơi. Trong nửa cuối năm còn lại, Trung Quốc sẽ tổ chức hội thảo chiến lược về giao thông liên lạc trên biển Trung Quốc – ASEAN. Đẩy mạnh liên lạc “phần mềm” về quy chế giao thông liên lạc, nâng cao mức độ tạo thuận tiện trong thương mại, tối ưu hóa trình tự thông quan, tăng cường kiểm nghiệm kiểm dịch, mở rộng đầu tư vốn, tích cực huy động các nguồn tài nguyên từ chính phủ trung ương, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tư nhân, tăng cường hợp tác tài chính trong các dự án trọng điểm. 

THX: Từ đầu năm đến nay giữa Trung Quốc và Philíppin đã xảy ra căng thẳng trong vấn đề đảo Hoàng Nham, giữa Trung Quốc và Việt Nam cũng nảy sinh căng thẳng do các tranh chấp có liên quan. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN lần thứ 45 tại Phnôm Pênh mới đây không ra được Thông cáo chung, có dư luận cho rằng đó là do Campuchia ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Thứ trưởng có bình luận gì về điều này? 

Phó Oánh: Nguyên nhân Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 45 ở Phnôm Pênh không ra được Thông cáo chung là do cá biệt có một số nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông có ý đồ muốn gán chủ trương của họ cho ASEAN. Cách làm như vậy đã đi ngược lại nhận thức chung quan trọng đã đạt được giữa Trung Quốc và các nước ASEAN trong “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông”, đã bị đa số các nước ASEAN phản đối. Được biết, tại hội nghị rất nhiều nước ASEAN đã làm rất nhiều công việc để đi đến nhất trí với nhau, phối hợp và khuyến cáo, nhưng cá biệt có một số nước vẫn cố làm theo ý mình, cuối cùng đi đến chỗ không ra được Thông cáo chung. Tình hình như vậy là điều Trung Quốc không muốn thấy. 

Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý về chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa và vùng biển phụ cận ở quần đảo này. Trung Quốc luôn chủ trương gác lại tranh chấp, cùng nhau khai thác trước khi tranh chấp được giải quyết. Vấn đề Biển Đông không phải là vấn đề giữa Trung Quốc và khối ASEAN, mà chỉ là bất đồng giữa Trung Quốc với một số nước liên quan. Trung Quốc chủ trương nhất quán do nước đương sự trực tiếp thông qua hiệp thương hữu nghị song phương để giải quyết tranh chấp dựa theo luật quốc tế đã được công nhận, trên cơ sở tôn trọng sự thật lịch sử. Trong “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” mà Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết cách đây 10 năm đã quy định rõ, tranh chấp phải “do nước chủ quyền hữu quan trực tiếp thông qua hiệp thương và đàm phán hữu nghị, giải quyết bằng phương thức hòa bình”. Trung Quốc hy vọng tất cả các nước ASEAN và Trung Quốc cùng thực thi bản DOC một cách toàn diện và có hiệu quả, nâng cao độ tin cậy lẫn nhau, đẩy mạnh hợp tác, cùng bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN phát triển ổn định, lành mạnh. Trung Quốc cũng sẵn sàng cùng với các nước ASEAN khởi động bàn bạc, đàm phán về “Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông” khi điều kiện chín muồi. Về vấn đề tồn tại với Philíppin và Việt Nam, Trung Quốc sẵn sàng thông qua hiệp thương hữu nghị để xử lý thỏa đáng, kiểm soát tốt bất đồng và mâu thuẫn, không để những vấn đề này gây khó khăn cho đại cục quan hệ song phương cũng như quan hệ Trung Quốc – ASEAN. 

Từ khi Trung Quốc và ASEAN thiết lập quan hệ đối tác đối thoại đến nay, hai bên đã thực hiện phát triển lành mạnh, ổn định và nhanh chóng quan hệ đối tác chiến lược song phương, dựa theo tinh thần tôn trọng lẫn nhau, cùng lợi cùng thắng. Thành quả này không những khiến cho Trung Quốc và ASEAN được hưởng lợi, mà cũng góp phần quan trọng cho hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực Đông Á. Hiện nay, ảnh hưởng sâu sắc của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế vẫn đang tiếp diễn, kinh tế khu vực Đông Á phát triển bền vững đang đối mặt trước thách thức. Trung Quốc và ASEAN cần quan tâm vào phát triển và hợp tác. Trung Quốc sẵn sàng nỗ lực cùng với các nước ASEAN bảo vệ hòa bình ổn định khu vực, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – ASEAN phát triển lành mạnh, bền vững./. 

Theo Gov.cn (ngày 5/8)

Lê Sơn (gt)