Suthichai: Câu hỏi đầu tiên của tôi là về quan hệ Trung Quốc-Thái Lan khi bà đang ở đây để gặp gỡ Chính phủ Thái Lan và tìm hiểu xem người dân Thái Lan nghĩ thế nào về quan hệ giữa Thái Lan với Trung Quốc.

Phó Oánh: Quan hệ Trung Quốc-Thái Lan hiện tốt khác thường. Nhân dân hai nước chúng ta rất gần gũi với nhau cả về văn hóa và tình cảm. Nhân dân hai nước chúng ta đều lịch sự, tôn trọng lẫn nhau và thanh lịch. Vì vậy, chúng ta cảm thấy rất thoải mái khi hợp tác với nhau. Hàng năm, 1,7 triệu người Trung Quốc đi du lịch sang Thái Lan. Hai nước có tiềm năng to lớn trong hợp tác kinh tế. Trung Quốc luôn phản ứng tích cực trước các đề xuất về hợp tác của Thái Lan.

Khi Thái Lan giữ vai trò điều phối ASEAN trong quan hệ với Trung Quốc vào tháng 7 tới, hy vọng đối với cả hai bên là rất cao. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Thái Lan trong ba năm tới. Khi quan hệ Trung Quốc-ASEAN đạt tới giai đoạn quan trọng, chúng tôi tin rằng với vai trò là nước điều phối Thái Lan sẽ giúp cho quan hệ Trung Quốc-ASEAN tiến lên.

Suthichai: Quan điểm của bà về ASEAN nói chung và về quan hệ Trung Quốc-ASEAN như thế nào?

Phó Oánh: Trở lại thời kỳ đầu những năm 1980 khi Trung Quốc bắt đầu tiến trình đổi mới và mở cửa của mình, một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại là mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Như ông đã biết khu vực này vẫn nằm trong bóng đen của sự phân chia Chiến tranh Lạnh. Từ khi Trung Quốc gia tăng sự tham gia vào khu vực này, mối quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng đã tăng dần. Chúng ta xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau tốt hơn, cố gắng tạo thoải mái cho nhau và cùng nỗ lực xây dựng hợp tác kinh tế.

Mối quan hệ với các nước ASEAN luôn là vấn đề ưu tiên đối với Trung Quốc. ASEAN là khu vực đầu tiên có khu mậu dịch tự do (FTA) đúng chức năng với Trung Quốc, là nơi đầu tiên được công nhận quy chế điểm đến du lịch và là khu vực đầu tiên kết nối với Trung Quốc.

Một điểm tốt đẹp nữa về quan hệ Trung Quốc-ASEAN là Trung Quốc có thể thoải mái thúc đẩy các mối quan hệ với ASEAN và với từng nước thành viên ASEAN. Những mối quan hệ này có thể phát triển cùng nhau theo một cách bù trừ.

Kể từ khi quan hệ đối tác đối thoại của chúng ta được thiết lập đầu những năm 1990, quan hệ Trung Quốc-ASEAN đã phát triển tuyệt vời. Chúng ta cũng đối đầu với nhiều thách thức. Nhưng thay vì làm tổn hại tới mối quan hệ của chúng ta, những thách thức này đã trở thành cơ hội để củng cố mối quan hệ của chúng ta.

Lấy cuộc khủng hoảng tài chính 1997 làm ví dụ - nếu không có thiện ý với nhau, chúng ta đã có thể dễ dàng làm tổn hại nhau. Thực tế là việc đối phó với cuộc khủng hoảng này đã khiến chúng ta thêm đoàn kết. Cam kết của Trung Quốc không phá giá đồng nhân dân tệ giữa lúc các đồng tiền phá giá cạnh tranh đã tạo ra một bức tường vững chắc chống lại sự lan rộng của cuộc khủng hoảng này. Trong khi hiết lập FTA Trung Quốc-ASEAN, một lần nữa chúng tôi lại cố gắng bảo đảm rằng lợi ích đổ vào các nước ASEAN thông qua Chương trình thu hoạch sớm. Một ví dụ về việc có bao nhiêu sản phẩm của ASEAN vào thị trường Trung Quốc là tôi đã từng đi thăm một tỉnh vùng sâu tại Trung Quốc và thấy rất nhiều sầu riêng của Thái Lan trên đường phố ở đó.

Trong các cuộc khủng hoảng gần đây, khu vực chúng ta đã nhanh chóng có sự chuẩn bị chống lại khủng hoảng. Nói chung, khu vực này đã thực hiện thành công sự công bằng và cùng quản lý để tiếp tục phát triển. Chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều để đối phó với các vấn đề. Tuy nhiên, khu vực này cũng rất mong manh và chúng ta chưa thể tự thỏa mãn. Chúng ta phải bảo đảm một cách thận trọng rằng chúng ta sẽ tiếp tục thành công trong thời gian không bình yên của ngày hôm nay. Điều quan trọng là chúng ta cần ngồi lại thảo luận để hiểu tình hình. Có một khuôn khổ tốt cho khu vực này theo Sáng kiến Chiang Mai và nếu có gì xảy ra, chúng ta sẽ có thể hành động. Trung Quốc sẽ phối hợp tích cực với ASEAN và các nước khác. Chúng ta có cơ sở vững chắc để đối mặt với các thách thức.

Tóm lại, bầu không khí quan hệ Trung Quốc-ASEAN đang rất tốt. Mối quan hệ này cũng đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi và mạnh mẽ từ cả hai phía.

Suthichai: Chính phủ Trung Quốc có quan điểm là như thế nào đối với việc Mỹ "tái cân bằng" lực lượng tại châu Á-Thái Bình Dương? Bà có đồng ý rằng việc tái bố trí các lực lượng của Mỹ tại châu Á là không nhằm kiềm chế Trung Quốc? Mỹ nên đóng vai trò thế nào tại châu Á?

Phó Oánh: Chúng ta phải nhìn nhận một cách toàn diện châu Á như một câu chuyện thành công sau Chiến tranh Lạnh. Khi ông nhìn ra thế giới, rất nhiều vấn đề đã xảy ra. Tại đây, ông có cả một khu vực, nơi đối tác và hợp tác đang chiếm ưu thế, nên vẫn có sự thịnh vượng về kinh tế và ổn định nội bộ trong hầu hết các nước. Trung Quốc đã có 30 năm cải cách và trong thời điểm này vẫn duy trì được sự ổn định chính trị một cách mạnh mẽ.

Khu vực của chúng ta cũng có sức sống mạnh mẽ nhất trên thế giới. Nó chiếm gần 45% dân số toàn cầu và hơn 30% nền kinh tế toàn cầu. Châu Á cũng có một nhóm lớn các nền kinh tế mới nổi. Các nước châu Á cùng đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Vì thế không có gì ngạc nhiên là chúng ta đã trở nên có sức hấp dẫn đối với nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ. Là một quốc gia có tầm nhìn chiến lược, đương nhiên Mỹ muốn can dự nhiều hơn vào khu vực này.

Mỹ luôn có sự hiện diện liên tục tại khu vực này. Khó có thể tưởng tượng ra việc thiếu sự có mặt của Mỹ tại đây ở một thời điểm nào đó trong các thập kỷ đã qua. Trung Quốc không có vấn đề gì trong việc chấp nhận sự có mặt của Mỹ cũng như ảnh hưởng tích cực của nước này tại châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi hoan nghênh vai trò tích cực của Mỹ trong các vấn đề khu vực. Một phần quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc muốn xây dựng môi trường bên ngoài hòa bình và hợp tác là duy trì sự hợp tác toàn diện với Mỹ.

Mặt khác, hiện đang xuất hiện mối lo ngại ngày càng tăng từ truyền thông và các học giả tại Trung Quốc về tầm quan trọng của Mỹ trong các chương trình nghị sự an ninh khu vực. Tôi xin nhấn mạnh rằng cũng có những mối lo ngại tương tự được nêu ra từ các nước châu Á khác. Một số người nói rằng Trung Quốc là "chú voi trong gian phòng này", một số khác lo ngại về khả năng xuất hiện trở lại chiến tranh lạnh.

Theo tôi còn quá sớm để đưa ra những kết luận. Mỹ đã lớn tiếng bác bỏ bất cứ ý định nào nhằm kiềm chế Trung Quốc. Chúng tôi mới chỉ thấy họ nói. Việc tự tạo ra kẻ thù hay tự dự báo trước mọi vấn đề đều không phải là ý tưởng hay.

Trung Quốc mới chỉ đi được nửa đường trong tiến trình công nghiệp hóa. Dân số đông của Trung Quốc có nghĩa là thu nhập GDP bình quân đầu người của nước này vẫn thấp trong một thời gian dài nữa. Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển và khó tránh được những khía cạnh thiếu cân bằng, thiếu phối hợp và thiếu bền vững trong nền kinh tế. Tuy nhiên, động lực phát triển mạnh mẽ cho châu Á và cho cả thế giới này chính là tiến trình hiện đại hóa mà Trung Quốc đang tạo ra.

Không chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ và Braxin cũng là ví dụ về sự tăng trưởng nhanh chóng. Điều này đã mang lại sự thay đổi to lớn cho môi trường quốc tế. Khó có khả năng kiềm chế một động lực phát triển được chèo lái bởi một số lượng lớn người dân luôn mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi mà thế giới xung quanh chúng ta thay đổi về cơ bản, thật là ngây thơ khi cố sử dụng một cái khung cũ để giữ bức tranh mới. Chúng ta cần sáng tạo và học hỏi để đương đầu với những thay đổi mới. Vì vậy, bây giờ là thời điểm để học hỏi những bài học trong quá khứ, chứ không phải sử dụng quá khứ để hiểu hiện tại.

Đối với Mỹ, lợi ích của họ là đóng vai trò rộng lớn hơn tại khu vực này. Có nhiều vấn đề để Mỹ thực hiện ở đây như trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ.

Suthichai: Trung Quốc có đề xuất gì để giải quyết các xung đột trên Biển Đông? Liệu thế giới có phải lo ngại về tự do hàng hải tại khu vực này không?

Phó Oánh: Biển Đông đã trở thành điểm nổi bật trong những năm gần đây. Dường như còn rất ít người nhớ được rằng đã không còn bất kỳ cuộc tranh chấp nào tại khu vực này trong nhiều năm trở lại đây.

Hãy nhìn vào lịch sử gần đây, sau Tuyên bố Cairô và Tuyên ngôn Potsdam chấp nhận tiến tới chấm dứt Thế chiến thứ II, Trung Quốc đã nối lại hoạt động chủ quyền đối với các hòn đảo trên Biển Đông. Sự khôi phục chủ quyền này của Trung Quốc đã được các cường quốc như Mỹ, Anh, Liên Xô và phần lớn cộng đồng quốc tế chứng kiến. Các vấn đề bắt đầu trong những năm 1970. Một số nước bắt đầu chiếm một vài hòn đảo trong khu vực này. Kể từ những năm 1980, với việc Công ước LHQ về luật biển được thông qua, một số nước đã bắt đầu tuyên bố nguồn tài nguyên dầu và khí xung quanh quần đảo Trường Sa. Tuy nhiên, nên hiểu rằng các công ước mới không thể được thực hiện theo những điều trong quá khứ, hay UNCLOS cũng không thể áp dụng được trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ.

Trung Quốc thực hiện có quy tắc và có quy định một cách nghiêm túc. Chúng tôi phản đối các hành động tạo ra bất ổn và hỗn loạn trên Biển Đông. 30 năm trước, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, đã phản đối ý tưởng "gác lại tranh chấp và cùng nhau phát triển" xung quanh quần đảo Trường Sa. Đây là một nỗ lực nhằm tìm kiếm cách giải quyết thông qua việc cùng phát triển của các nước ven biển.

Tuy nhiên, thách thức đối với Trung Quốc là khi chúng tôi giữ kiềm chế thì một số nước cùng tuyên bố chủ quyền khác lại không có ý định gác lại tranh chấp. Họ thể hiện một xu hướng giải quyết các vấn đề theo cách riêng của họ và buộc Trung Quốc cũng như cộng đồng quốc tế chấp nhận cách giải quyết một chiều. Trung Quốc không có sự lựa chọn nào khác là phải phản ứng. Điều thậm chí đáng lo ngại hơn là việc đi ngược lại nền tảng của những thay đổi đang diễn ra trong môi trường toàn diện tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, những vấn đề và những khác biệt này dường như đã được thổi phồng lên, thậm chí được sử dụng để biện minh cho một vài chính sách hoặc hành động nhất định. Điều này khiến chúng tôi phải theo dõi chặt chẽ.

Trung Quốc muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình thông qua các cuộc thương lượng trực tiếp giữa các quốc gia có liên quan. Cùng lúc chúng tôi vẫn phải bảo vệ chủ quyền, quyền và lợi ích biển của Trung Quốc. Chúng tôi vẫn cam kết phối hợp với các nước liên quan để đạt được một giải pháp khôn ngoan và xa hơn. Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông năm 2002. Trọng tâm của Tuyên bố này là một cam kết của tất cả các bên nhằm "tự kiềm chế thực hiện các hành động làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định". Hơn nữa, hai bên cũng đang tiến hành thảo luận về việc hình thành Bộ quy tắc ứng xử. Điều này cho thấy rằng việc bảo vệ sự ổn định trong khu vực này và giải quyết tranh chấp một cách hợp lý vẫn là luồng suy nghĩ chính trong khu vực chúng ta. Chúng ta luôn hy vọng rằng Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ giữ được cái đầu lạnh về vấn đề này và sẽ tự kiềm chế tránh hủy hoại bầu không khí hòa bình và ổn định trong khu vực, biến tranh chấp thành các cơ hội hợp tác, phục vụ cho lợi ích của các bên.

Về vấn đề tự do hàng hải trên Biển Đông, hơn 80% buôn bán của Trung Quốc đi qua đường biển này. An toàn hàng hải là điều hết sức quan trọng đối với Trung Quốc. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo hòa bình tại khu vực này của thế giới./.

Theo The Nation

Văn Cường (gt)