Lễ kỷ niệm diễn ra trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda cảnh báo rằng Tôkiô đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về mặt an ninh, đồng thời nêu bật căng thẳng giữa Nhật Bản với Trung Quốc xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và mối đe dọa về chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên.

Thủ tướng Noda đã bất chấp thời tiết lúc mưa lúc tạnh để quan sát hạm đội hải quân trình diễn trong khi các máy bay trực thăng và máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) bay vòng quanh trên bầu trời. Phát biểu từ trên tàu khu trục Kurama trước khoảng 8.000 quân nhân Nhật Bản, hầu hết thuộc lực lượng hải quân, Thủ tướng Noda nhấn mạnh: “Sẽ là thừa khi nói rằng môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Chúng ta có một nước láng giềng phóng các quả tên lửa núp dưới chiêu bài phóng vệ tinh. Chúng ta đang có những diễn biến lo ngại về lãnh thổ và chủ quyền”. Phát biểu này được truyền tới các tàu đang tập trung trong khu vực, trong đó có tàu tuần tiễu USS Shiloh của Mỹ cùng các tàu chiến của Xinhgapo và Ôxtrâylia. Đại diện của hơn 20 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, cũng tham dự sự kiện kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hải quân Nhật Bản tại các vùng nước ở phía Nam thủ đô Tôkiô. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã phải huy bỏ kế hoạch cử một tàu tuần tra tham dự buổi lễ duyệt binh kỷ niệm ngày thành lập lực lượng hải quân, do phải điều phối thêm các tàu đến vùng biển tranh chấp. 

Vào thời điểm lực lượng hải quân kỉ niệm ngày thành lập, truyền thông Nhật Bản đưa tin nước này và Mỹ đang lên kế hoạch tiến hành một cuộc tập trận chung mô phỏng chiến dịch quân sự nhằm giành lại quyền kiểm soát một hòn đảo ở vùng biển xa xôi từ tay các lực lượng nước ngoài. Hãng thông tấn Jiji Press và hãng tin Kyodo đưa tin, địa điểm diễn lập là một hòn đảo nhỏ không người mang tên Irisunajima, nằm trên biển Hoa Đông và về phía Nam tỉnh Okinawa, cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hàng trăm km và thường được các lực lượng Mỹ sử dụng làm nơi tập bắn. Theo Kyodo, tình huống diễn tập giả định là một hòn đảo bị lực lượng nước ngoài chiếm giữ, binh sĩ Nhật Bản và Mỹ sẽ tiến hành đổ bộ từ tàu thuyền và máy bay trực thăng để giành lại quyền kiểm soát hòn đảo này. Theo Jiji Press, các quan chức Chính phủ Mỹ và Nhật Bản khá thận trọng về việc tổ chức tập trận do lo ngại về một phản ứng giận dữ từ phía Trung Quốc. 

Trong một diễn biến khác, tàu tuần tra của Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang cảnh giác theo dõi lẫn nhau tại vùng biển gần quần đảo tranh chấp, làm dấy lên những lo ngại rằng dù chỉ một vụ va chạm bất ngờ hay một vụ việc khác cũng có thể dẫn đến một cuộc xung đột lớn hơn. Nói một cách nghiêm túc, Nhật Bản không có lực lượng hải quân do Điều 9 Hiến pháp không cho phép nước này duy trì một lực lượng quân sự chính thức. Tuy nhiên, Lực lượng phòng vệ trên biển (MSDF) của Nhật Bản hiện vẫn là một trong những lực lượng được huấn luyện và trang bị tốt nhất trên thế giới. Theo một phần của thỏa thuận phòng thủ song phương Nhật-Mỹ sau chiến tranh, Nhật Bản cũng là nơi đặt căn cứ của Hạm đội 7 hải quân Mỹ, một hạm đội hùng mạnh có cụm tàu sân bay USS George Washington. Mặc dù vậy, trong những năm gần đây Tôkiô đã được cảnh báo về sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc, theo đó một số chuyên gia chiến lược nói rằng hải quân Trung Quốc có thể làm đảo lộn hiện trạng tại khu vực. Để đối phó, Nhật Bản đã và đang tiến hành tăng cường sức mạnh cho lực lượng hải quân và đang xem xét kế hoạch mua thêm các máy bay không người lái. 

Theo "Bưu điện Hoa Nam buổi sáng" (ngày 15/10)

Mỹ Anh (gt)