Tại Hội nghị Tham vấn An ninh giữa Nhật Bản và Mỹ ở Oasinhtơn, các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng của hai nước đã không đạt được thỏa thuận về thời điểm di chuyển căn cứ không quân Futenma của Lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ ở tỉnh Okinawa. Vì vậy, phần lớn trong số 24 mục tiêu chiến lược chung giữa hai nước chủ yếu là nhằm đối phó với sự nổi lên của Trung Quốc.

Các bộ trưởng đã nhất trí rằng căn cứ Futenma cần được di chuyển ra khu vực ngoài khơi bờ biển Henoko thuộc thành phố Nago, tỉnh Okinawa. Tuy nhiên, họ thừa nhận rằng hai nước sẽ không thể hoàn thành kế hoạch di chuyển theo thời hạn đã đặt ra vào năm 2014. Tuyên bố chung phát đi sau hội nghị chỉ có đoạn các bộ trưởng “khẳng định cam kết sẽ hoàn thành (kế hoạch di chuyển căn cứ Futenma và di chuyển Lực lượng Lính thủy Đánh bộ Mỹ từ Okinawa về Guam) ở một thời điểm sớm nhất có thể sau năm 2014 để tránh việc sử dụng một cách không rõ ràng” căn cứ Futenma. 

Để chứng tỏ rằng quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ thực sự đang trở nên sâu sắc hơn, hai nước đã nhất trí sửa đổi toàn diện các mục tiêu chiến lược chung đã thỏa thuận trong các cuộc gặp năm 2005 và 2007. Mặc dù các mục tiêu chiến lược chung sửa đổi này trên thực tế không nêu tên Trung Quốc, một nguồn tin từ Chính phủ Nhật Bản cho biết “tài liệu này bao gồm khoảng từ 20 đến 30% nội dung thể hiện sự quyết liệt hơn” đối với Trung Quốc.

Tuy tránh nêu rõ tên nước đối tượng trong vấn đề “duy trì tự do hàng hải và an ninh biển” và “bảo vệ vũ trụ, an ninh mạng”, nhưng Ngoại trưởng Nhật Bản Matsumoto đã tuyên bố rõ tại hội nghị rằng “Trung Quốc đang tạo ra các va chạm ở biển Đông và biển Nhật Bản”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đáp lại rằng “vấn đề đi lại ở Biển Đông đang gây căng thẳng cho khu vực. Việc Nhật Bản và Mỹ hợp tác chặt chẽ với các nước trong khu vực để đối phó với vấn đề này là điều quan trọng”. Có thể nói rằng bằng việc công bố những phát biểu của các bộ trưởng, hội nghị 2+2 đã gửi đi bức thông điệp rõ ràng đối với Trung Quốc và cộng đồng khu vực.

Theo các nguồn tin từ Chính phủ, tại hội nghị trên, các bộ trưởng hai nước đã bày tỏ các quan ngại mạnh mẽ về hoạt động hải quân ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Hai bên đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh và quốc phòng với Ôxtrâylia, Ấn Độ, và Hàn Quốc cũng như với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Một số nhà quan sát cho rằng Nhật Bản và Mỹ đã bắt đầu tìm các biện pháp để xây dựng “một hệ thống kiềm chế Trung Quốc” tập trung xung quanh các mối quan hệ với các đồng minh khu vực.

Theo Bộ Ngoại giao và các nguồn tin khác, Bộ trưởng Matsumoto muốn Nhật Bản và Mỹ đưa ra sáng kiến xây dựng các nguyên tắc chỉ đạo với các nước Đông Nam Á và các nước khác, và nói rằng “hợp tác trong các khuôn khổ như Diễn đàn Khu vực ASEAN cũng sẽ phát huy tác dụng”.Hội nghị Tham vấn An ninh Nhật-Mỹ lần này là hội nghị đầu tiên được tổ chức dưới thời chính quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ).

  Theo Asahi

 Vũ Hiền (gt)