Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Thiệu Trung, trước đây, khi mới chỉ điều hai tàu USS George Washington CVN-73 và USS Carl Vinson CVN-70 đến Đông Bắc Á, Mỹ muốn tăng cường uy hiếp quân sự, phát đi thông điệp rằng Mỹ đã hoàn tất sự chuẩn bị về quân sự để kiềm chế chiến tranh. Nay cùng một lúc cả ba cụm tàu sân bay Mỹ tập trung tại một vùng biển, điều này cho thấy chiến tranh dường như đang cận kề. Trong các cuộc chiến tranh Triều Tiên, Việt Nam, vùng Vịnh, Irắc và Kosovo, quân đội Mỹ thường điều động tối thiểu ba cụm tàu sân bay đến vùng chiến sự và thậm chí có tới 6 cụm tàu sân bay tham chiến.


Cùng quan điểm trên, nhà phân tích quân sự Bắc Kinh Lương Vĩnh Xuân cho biết mục đích chính của việc Mỹ cùng lúc điều ba tàu sân bay đến khu vực Đông Bắc Á là nhằm vào các thiết bị và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Hành động này nhằm phát đi một thông điệp rằng “để ngăn chặn Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân, nước Mỹ sẽ không tiếc một cuộc chiến”. Theo chuyên gia Lương, trong cuộc chiến Ápganixtan, Mỹ sử dụng ba cụm tàu sân bay, trong cuộc chiến tranh Irắc, có tới 5 cụm tàu sân bay được huy động tham chiến. Xem xét các hành động của Mỹ, nếu một khu vực nào đó xuất hiện nguy cơ, Mỹ điều một cụm tàu sân bay đến tiến hành tập trận có nghĩa là “cảnh cáo lần thứ nhất”, nếu điều hai tàu sân bay đến có nghĩa là “cảnh cáo nghiêm khắc”, khi có sự xuất hiện cả ba tàu cùng một lúc có nghĩa là quân đội Mỹ “đang chuẩn bị tiến hành chiến tranh”.


Lương Vĩnh Xuân cho rằng, với sự hiện diện của ba cụm tàu sân bay cộng với lực lượng đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ đã có hơn 400 máy bay chiến đấu ở Đông Bắc Á để tiến hành một trận oanh kích quy mô lớn đối với các thiết bị và vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, vấn đề trên bán đảo Triều Tiên còn liên quan đến lợi ích của các nước khác như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, Mỹ do vậy cũng không dễ gì động binh. Theo chuyên gia Lương, cho dù tình hình bán đảo Triều Tiên có căng thẳng hay không, quân đội Mỹ vẫn sẽ tăng cường lực lượng tầu sân bay tại châu Á-Thái Bình Dương. Do vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên có những biến số mới, Mỹ sớm thúc đẩy kế hoạch này. Đây là một phần trong sự điều chỉnh tổng thể bố trí lực lượng của quân đội Mỹ, theo kế hoạch sẽ có tới 6 cụm tàu sân bay tập trung tại châu Á- Thái Bình Dương.


Phân tích về sự xuất hiện của cụm tàu sân bay kể trên, nhà bình luận quân sự nổi tiếng Trung Quốc, Phó Thư ký Trung tâm chính trị thế giới thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc Hồng Nguyên cho biết mỗi tàu sân bay có những đặc điểm và ưu thế riêng. Ronald Reagan CVN-76 hiện nay là tàu sân bay hiện đại nhất của Mỹ; trong khi USS Carl Vinson CVN-70 có thể mang theo số đạn dược nhiều hơn các tàu sân bay khác 1/3 lần, có khả năng chiến đấu lâu hơn… các cụm tàu này có bán kính tác chiến 500 km, có thể tiến hành trình tự tấn công quân sự và tấn công chiến thuật, có thể thực hiện tấn công một nước hạng trung.


Theo Hồng Nguyên, xem xét từ bất cứ góc độ nào, đây không chỉ là một sự uy hiếp về quân sự, nó còn cho thấy sự chuẩn bị cho một cuộc chiến cục bộ trên bán đảo Triều Tiên. “Áp lực bên trong nước Mỹ, áp lực của Mỹ đối với Hàn Quốc, áp lực bên trong Hàn Quốc trong việc chiến tranh với Bắc Triều Tiên… tất cả đang điên cuồng đến mức các bên dường như mất cả lý trí”, chỉ một sự cọ sát nhỏ cũng có thể làm bùng phát ngọn lửa chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, lúc đó khó tránh khỏi một cuộc xung đột quân sự cục bộ ở mức trung bình. Điều nguy hiểm là cuộc chiến này sẽ gây ra “hiệu ứng tràn bờ”, cuốn các nước khác ở Đông Bắc Á vào vòng xoáy chiến tranh. 

Theo Văn Hối